Menu Close

Tết con ăn cơm gà

Tôi đi ăn cơm gà ngày Tết con gà là không phải theo thói quen của nhiều người. Gần đây thôi, người Việt nảy ra cái ý tưởng khá là mê tín rằng Tết con gì thì ăn con đó để lấy hên, mà trước đây vài chục năm thì điều này không có ở miền Nam. Nghĩa là Tết con gà thì ăn thịt gà. Có lẽ, hơi phóng đại hài hước một chút, do thói này mà trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ các loài thú quý hiếm trên rừng đều gần như tuyệt chủng. Tết cọp ăn cọp, Tết khỉ ăn khỉ, Tết rắn ăn rắn, Tết dê ăn dê, Tết rồng, không có rồng thì ăn rắn nhiều màu để thay thế…!

tet-con-an-com-ga1

Rồi dần dần người ta ăn không cần suy nghĩ gì khác, miễn sao ăn được để lấy hên. Thói này cũng tạo ra kẽ hở cho những kẻ chuyên làm hàng giả, từ thịt lợn rừng giả cho đến thịt hổ, thịt rắn giả… bởi nhu cầu ăn theo con giáp và ham ăn cái lạ của người Việt không ngừng tăng.

Gà thả vườn

Nhưng nếu nói như vậy thì không còn gì không khí Tết, đây là câu chuyện khác, là một tiếng kêu phía bên kia Tết. Dù sao thì chúng tôi cũng vào quán cơm gà rồi, gà thì người ta nuôi, nó không phải động vật hoang dã, chỉ tiếc là năm gà, số lượng gà nuôi Tết tăng một cách đáng kể, các quán cơm gà cũng đắt khác thường. Nhiều quán cơm gà lề đường mọc ra thêm. Thôi thì ghé cơm gà Bà Buội, một trong những quán cơm gà nổi tiếng ở miền Trung.

Nói về cơm gà, miền Trung có hai quán nổi tiếng, cơm Bà Buội ở phố cổ Hội An và cơm Bà Ký ở thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. Nếu như cơm Bà Ký có không gian rộng thoáng, có nhiều xe hơi ghé quán và là nơi của giới quan chức nhiều tiền đến ăn uống, nhậu nhẹt thì quán Bà Buội lại hơi chật, nhưng không gian sạch sẽ, ấm cúng và gần gũi.

tet-con-an-com-ga5
Bà chủ trẻ của quán cơm Bà Buội đang cho gà lên mâm

Cơm gà Bà Buội nằm ở  phố cổ Hội An, Quảng Nam, với không gian chừng 30 mét vuông cho một bộ phản gỗ đặt các món từ gà đến cơm, rau hành củ hẹ…, bốn bộ bàn ghế và hiên phía trước để xe máy, chấm hết, không gian chỉ có ngần đó. Nhưng lượng khách vào đây thì chưa bao giờ để ghế trống trong dịp Tết. Nghe đâu từng có một tay xài tiền như vứt qua cửa sổ với biệt danh kèm chữ đô la ở phố núi xuống đặt bàn mười triệu đồng cho bữa ăn trưa và yêu cầu bà chỉ bán cho anh ta, không tiếp thêm khách nào khác. Chủ quán đồng ý, trưa đó đóng cửa quán để tiếp tay “đại gia” này.

Tay “đại gia” đến một đoàn 10 người, ăn đúng mười dĩa cơm, trả 10 triệu đồng, gọi là xì-tai của một tay chơi. Sau đó, chủ quán Bà Buội không bán cơm vào buổi chiều mà đi mời quanh những người nghèo, người bán vé số, xe thồ, ăn xin đến dùng cơm. Vì bà đã nấu số lượng cơm để bán cả ngày, mỗi ngày thu vào chừng 10 triệu đồng cả vốn lẫn lãi, và số tiền kia đã đủ, giờ bà mời miễn phí.

Một người từng ăn cơm gà miễn phí lần đó, hiện đang bán vé số ở thành phố Hội An, tên An, kể: “Cơm Bà Buội ngon lắm, hột cơm thơm và mọi thứ đều sạch sẽ, gà thả vườn, thịt mềm vừa, thơm chứ không giống gà siêu thịt”.

tet-con-an-com-ga4
Đu đủ bào, hành tây thái nhỏ, rau răm… được dùng kèm trong món cơm gà

“Ông hay ăn cơm gà không?”

“Không, tôi ít ăn, dễ chi có mà ăn, bán vé số một ngày may lắm kiếm được vài chục ngàn, cao nhứt là một trăm ngàn đồng, ăn dĩa cơm gà 35 ngàn đồng một dĩa thì có mà đi ra bụi ở!”

“Ông ít ăn cơm gà, làm sao ông phân biệt được gà thả vườn với gà siêu thịt mà kết luận gà ở quán Bà Buội là gà thả vườn?”.

“Bởi vì tôi ít ăn, nên mỗi lần ăn tôi đều nhớ như in cái vị của nó. Hồi nhỏ, tức trước 1975, gia đình tôi thuộc hàng trung, cha tôi là một sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, tôi ưa món cơm gà nên hay được bà và mẹ nấu cho ăn, thời đó không có gà đểu như bây giờ, cái vị đó tôi nhớ mãi. Sau này, tôi chỉ gặp vị đó trong dĩa cơm gà Bà Buội, thỉnh thoảng tôi cũng có đi ăn cơm gà do một người bà con ở Sài Gòn về thăm mời tôi. Họ chở xe hơi, đi đến chỗ khác cho thuận tiện đỗ xe hơi, cơm Bà Buội không có chỗ để xe đó. Tôi thấy không ngon, gà không phải gà thả vườn”.

Ký ức cơm

Tết gà, nói chuyện cơm gà nghe ra có vẻ “theo thời” quá. Nhưng thực ra, xứ Việt thì từ Nam chí Bắc, từ núi xuống đồng bằng, xuống biển, không nơi đâu là không có gà, không gà này thì cũng gà khác. Và cơm gà trở thành món quen thuộc của một số vùng, nếu như Tây Nam Bộ có cơm tấm gà tre nướng, Sài Gòn với đủ loại cơm gà, Nha Trang có cơm gà chiên, Quảng Nam, Ðà Nẵng có cơm gà xé, Thừa Thiên – Huế có cơm gà Âm Phủ, Quảng Bình, Hà Tĩnh có xôi chiên đắp gà lụt, miền Bắc có cơm rang đùi gà, Tây Bắc có cơm hấp gà, cơm gà luộc, xôi gà… Ði đâu cũng có món gà.

tet-con-an-com-ga3
Đùi gà ta

Gà là món rất quen thuộc trong bữa ăn của người Việt, có không ít câu chuyện, kỷ niệm về món ăn này. Như câu chuyện của ông Ðỏ, một người bán bánh chưng ở Hội An, câu chuyện có gắn kết với quán cơm gà Bà Buội: “Tui có ông anh trai, ông ấy bệnh mười năm nay rồi. Dễ gì tui ghé thăm được đâu, nên lúc thăm được thì tui ghé quán bà Buội trước, mua dĩa cơm mang qua cho ổng.”

“Bác ấy thích cơm gà lắm hả chú?”

“Ờ, ông ấy mê món này lắm, mua thường xuyên mà không dám ăn, vì tui cũng ưa món này, cả hai anh em đều sống nhờ bà cô vì cha mẹ mất trong chiến tranh, có gì là ông ấy nhịn cho tôi ăn hết!” Nói đến đây ông im lặng một lúc lâu.

“Thế rồi duyên gà bà Buội thế nào chú?”

“Một lần tui bị đau cảm, sốt liên miên, ổng sang hỏi thăm, thầy thuốc nói bệnh như tui là do thiếu dinh dưỡng, nên ăn cháo gà, thịt gà để bổ sung năng lượng, đạm gì đó… Hồi đó nghèo, nghèo hơn giờ, Hội An cũng chưa phát triển du lịch gì, dễ gì có đồng bạc. Vậy mà ổng lấy hết số tiền ít ỏi của mình để mua gà nấu cháo cho tui, được hai hôm thì tui ngấy món cháo gà, ổng chuyển sang cơm gà, công nhận nấu ngon, sau này tôi mới biết ổng mua ở quán bà Buội. Thi thoảng dành dụm được là ổng mua sang cho tui, tui biết ổng cũng thích lắm. Tình anh em của tui dễ thương lắm, nhưng trong cái kỷ niệm cũng có cái buồn…”

tet-con-an-com-ga2
Một gia đình chọn quán bà Buội để dùng bữa trưa trong hành trình chơi Tết

“Sao vậy chú?”

“Ừ thì cũng vì mê món cơm gà nên sau này hai anh em tui bàn nhau nuôi gà. Ðược một thời gian, gà vừa lớn thì trộm gà cũng bắt đầu xuất hiện. Một hôm tui có việc không canh chừng được, nên ổng canh một mình. Sáng ra tui qua chuồng gà thì thấy ổng máu me đầy đầu, thì ra tối hôm trước ổng bị mấy thằng trộm gà choảng đá lên đầu. Ổng cũng nằm luôn từ đó… Sau này chị dâu tui biết ổng thích ăn cơm gà nên cũng mày mò cách nấu, giờ chị ấy nấu hồn vía lắm.”

“Thế cơm gà dễ nấu không chú?”

“Không dễ mà cũng không khó. Tui thấy chị ấy dùng mỡ gà rang gạo trước, sau đó dùng nước luộc gà để nấu cơm. Cơm gà muốn đẹp thì cho thêm chút ít bột nghệ để lên màu. Còn gà thì miễn bàn, phải là gà ta thả vườn mới ngon, thịt thơm, không bở. Mà cái này cũng tùy sở thích, gà luộc xong có thể mang bóp trước với ít lá chanh non xắt mỏng hoặc ít rau răm. Cũng có người thích kho gà lên. Nhưng như cơm gà Bà Buội ở đây thì luộc xong, xé mỏng, ăn với cơm kèm tương ớt, một ít rau răm, xì dầu, hành tây thái mỏng. Nhưng nghe chị dâu tui nói là phải chú tâm mới nấu được cơm gà ngon, gà luộc không quá lửa, cơm cũng không thiếu hoặc thừa nước để khỏi bị khô quá hoặc nhão quá.”

tet-con-an-com-ga
Cơm gà Bà Buội

Nói đến đây bỗng ông Ðỏ bảo: “Mà thôi, đầu năm đi ăn cơm gà thì nói chuyện vui vui. Chút nữa chú mi ra đây, tui chở đến xem mấy điểm, người ta thả gà trang trí khắp mọi nơi. Tết gà phải ‘khí thế’ như gà chứ.”

Câu nói “khí thế” như gà của ông Ðỏ làm tôi không dám hỏi thêm điều gì về dĩa cơm gà hay món thịt gà mà một người anh đã nhín nhịn mua cho em mình nữa. Bởi trong lúc này đây, ẩn sau đôi mắt màu nâu, dáng người hom hem ấy, tôi biết ông đang suy nghĩ về một thứ gì đó sâu xa hơn dĩa cơm gà.

HL