
1.
Tết này Giao về ăn Tết với Ngải nhe?
Messenger nhấp nháy sáng đèn. Ngải đọc câu hỏi, cũng là lời đề nghị, mà hoang mang không biết lòng vui hay buồn.
“Ăn Tết” với Ngải là một khái niệm mơ hồ.
Năm nào, từ hăm mấy tháng mười một, Ngải cũng đã phải tất bật chuẩn bị nhà cửa, chăm tỉa cây cảnh, chăm đám bông vạn thọ, lo sắp xếp làm dưa làm kiệu làm mứt. Hàng chục thứ mứt, Ngải làm cả tháng mới gọi là tạm ổn. Tới chiều hăm tám Tết, căn bếp Tết đã hoàn toàn như… siêu thị: sạch sẽ, sáng bóng, Bánh trái chất đầy. Ðồ ăn trong tủ lạnh cũng tràn trề. Phía phòng thờ, hương trầm phảng phất. Trong nhà ngoài ngõ đâu đó tinh tươm. Chiều hăm chín, nhà rần rần người. Tiếng cười nói râm ran. Tiếng chào hỏi nhau, kể chuyện nhà quê nhà phố nghe rổn rảng. Tiếng dao thớt, ly tách ồn ã. Ngải quay như bông vụ, để không mất hứng chuyện trò của từng người.
Cúng Giao thừa. Tiếp khách ngày Mồng Một Tết.
Sau đó là hết Tết. Ngay trong chiều Mồng Một. Dọn xong đám chén bát thức ăn của mọi người để lại, Ngải còn lại một mình với nhang khói quay vòng, với những lộng lẫy sắc màu bánh trái hoa đèn chung quanh. Những người lớn đã đến-nơi-của-họ: một nhà hàng nào đó, một địa điểm du lịch nào đó hay đơn giản là một phòng ăn khác, một căn bếp khác, một góc trời khác.
Ngải ngồi giữa những thứ mình làm ra đó, mân mê muỗng đũa, ngắm nghía bánh trái… rồi tự hỏi sao mình lại có thể bỏ công sức ra suốt một hai tháng trời chỉ để đón khách khứa một ngày một đêm. Ba ngày Tết phải nấu nướng cúng kiếng đầy đủ trên bàn thờ, nhưng chẳng ai ở nhà mà cùng ăn. Chưa kịp tới mồng bốn Tết, đồ ăn có khi phải bỏ rác. Ngải cũng nhiều lần tự hỏi, ủa sao mình sống trong cái nhà lớn như vầy, đủ đầy như vầy, cũng rần rần như người ta, nhưng sao vẫn thấy lạc loài xa lạ. Hình như Ngải chỉ có cái tên để mọi người gọi, để sai khiến, để tin tưởng… chứ không có một chút tình thân gắn kết nào trong nhà. Họ không lạnh nhạt với Ngải vì không có thì giờ để lạnh nhạt, nhưng nói là có tình cảm gắn bó thì cũng không. Ngoài chuyện lâu lâu lo giỗ chạp, thời gian còn lại Ngải chỉ tiếp xúc với một người gọi bằng dì Út. Dì là người quản lý trong nhà. Tất cả mọi khoản thu xuất đều do dì quyết định, dù dì ở xa, lâu lâu mới về. Nghe nói dì làm cho công ty gì lớn lắm ở thành phố. Ở nhà, dì giao cho Ngải chăm sóc nhà thờ, mảnh vườn nhiều thứ cây ăn trái đủ để cắt vào thắp hương hay bán chác tùy Ngải. Ngải được đi học tới hết lớp mười hai, nhưng không thi đại học. Lý do dì Út không cho Ngải đi học xa là vì nhà neo người. Ngải đi rồi, căn nhà rộng như vậy không biết giao cho ai chăm sóc dọn dẹp. Vả lại, học hành làm chi. Người ta năm bảy bằng đại học mà còn thất nghiệp lên thất nghiệp xuống. Con ở nhà, lo chuyện nhà, thời gian rảnh muốn làm gì làm, cần gì nói dì út lo cho. Mà Ngải thì cần gì? Một đứa bạn cũng không. Chẳng ai làm bạn với một con bé có đôi mắt u buồn và sau giờ học lật đật đi riết về nhà cắm đầu làm việc nhà, rồi học bài. Mà Ngải cũng không biết mình muốn gì, dự tính gì cho tương lai. Cuộc sống như một con chim bị bao lưới khiến Ngải ngột ngạt, nhưng dần cũng thành quen.
Ðôi khi Ngải ước ao mình có một ai đó bên cạnh để hỏi han, trò chuyện về cái gọi là cội nguồn, gốc gác. Chứ ngoài cái giấy khai sinh chỉ có tên mẹ, ngoài việc mơ hồ biết mình là con cháu trong nhà, Ngải không biết mình đã ở trong cái nhà này bao lâu rồi. Y như thể người ta nhặt Ngải ở gốc cây sau vườn vào và nuôi dạy cho khôn lớn, để… “nhờ” vậy!
Cũng may còn có cái mạng internet. Trong trường học có một số giờ công nghệ thông tin, đủ cho Ngải ngồi nhà mà vẫn có thể phóng mắt ra ngoài thế giới. Dì Út chỉ cần biết Ngải cần một cái máy tính nối mạng để Ngải học, nên cho người đi sắm về đó cho Ngải, chứ không thể coi hết Ngải làm cái gì trên cái “truyền hình không có kênh” đó.
Ngải lang thang trên mạng. Kết bạn ít người trên mạng xã hội, qua lại cho vui, chánh yếu là coi người ta làm gì… ngoài đời, qua mạng. Giao là một trong những bạn bè của Ngải, mới quen độ chừng một năm nay. Giao thường “trò chuyện” với Ngải qua messenger chứ không công khai comment. Ðây cũng là người bạn ảo mà Ngải coi như một người thân thật sự. Ngải tin Giao nên từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Hình đại diện của Giao là một đôi môi vẽ theo kiểu Nhật. Nhưng Ngải không biết Giao là con trai hay con gái, lớn hay nhỏ. Giao chỉ bảo: “Ðã coi nhau như bạn, thì cần gì phải so đo tuổi tác lớn nhỏ hay là trai gái…”. Ngải học từ Giao nhiều điều. Từ chuyện ăn chuyện mặc, chuyện giao tiếp với người ngoài đường, người trong nhà mỗi khi chạm mặt, cho tới những kiến thức xã hội không có trong sách vở nhà trường… Ðôi lần, Ngải nói: Giao cứ y như… phù thủy. Chuyện gì cũng biết. Chuyện gì cũng giải quyết được. Giao búng một cái mặt cười: Sao không phải ông bụt bà tiên mà là phù thủy? Ngải cũng cười: Không biết. Có lẽ phù thủy gần gũi hơn ông tiên, lại vui nhộn và ranh mãnh hơn chăng? Giao đôi lần có hỏi Ngải về thân thế, gia đình nhưng Ngải chỉ búng vài cái icon cười khóc lẫn lộn. Ngải nói, sống trong căn nhà vườn gần như giữa phố chợ, nhưng Ngải chỉ là một chiếc bóng. Nhiều lúc, chỉ thèm một người cùng ngồi ăn cơm chung, cùng dắt nhau ra phố chơi, cùng xuống bờ kênh ăn chén chè bà Trinh mà người ta đồn là ngon lắm, chứ thứ mà dì út mang về hay tự Ngải nấu đãi khách, thì chỉ toàn mùi chè cháo bánh trái, chứ không có tình thân. Ngải mơ hồ về cha mẹ mình mà ngại hỏi ai, vì hình như ai cũng bận rộn và không quan tâm tới nỗi quan tâm của Ngải.
Có lẽ vậy mà Giao đòi về ăn Tết với Ngải chăng?
Nhưng Giao là ai? Ngải đâu thể tự tiện nhận lời mời Giao về cái nhà-không-phải-của-mình đó, nếu như Giao là một anh chàng đực rựa. Còn nếu như một cô nàng thì cỡ tuổi Ngải, nếu không tất bật xí nghiệp thì cũng lo học hành, yêu đương, rảnh đâu mà hẹn hò với Ngải. Nhưng ai mà biết, thế giới này nhiều loại người kỳ lạ lắm. Thôi, có chi thì tính sau. Cùng lắm thì cứ hẹn đâu đó ngoài phố… Ngải nhấn một biểu tượng nhảy múa thay cho cái gật đầu đồng ý.
2.
Chiều hăm ba Tết. Ðưa ông Táo xong, Ngải bắt đầu công việc sắp xếp bếp núc. Còn một tuần lễ nữa là Tết rồi!
Ngải chộn rộn trong lòng. Vài hôm nay bận bịu không liên lạc với Giao, Ngải nghe nhớ nhớ. Giao nói về ăn Tết, nhưng không nói ở đâu mà về. Cũng không hẹn ngày giờ. Nói có gì sẽ liên lạc sau. Người này đúng là giống phù thủy quá mà. Ngải bắt đầu nghĩ tới việc mình sẽ mặc chiếc áo màu gì, phải chải tóc ra sao để… coi cho được. Tóc Ngải dài mượt, nhưng chỉ được quấn lọn vòng sau gáy, xỏ bằng một chiếc trâm tre tự chế. Những cây cài cây lược ngoài chợ bằng nhựa, không thể giữ búi tóc nặng và trơn mượt như vậy. Áo quần Ngải không thiếu. Nhưng so với những gì Ngải thấy chúng bạn ăn mặc ngoài đường và trên mạng, thì đồ của Ngải coi bộ quê mùa quá, thô kệch quá. …Ôi chao, nếu Giao mà là một cô gái xinh tươi sành điệu, Giao sẽ cười Ngải chết mất.. Còn nếu Giao là một anh con trai… Ngải tự nhiên thấy má mình bừng nóng. Một cảm giác rộn rực rất lạ thoáng qua đầu.
Sáng hăm tám Tết. Ngải vừa hái mấy trái bưởi ngoài vườn vào thì thấy có người bấm chuông cổng. Là một phụ nữ dáng vẻ sang trọng, mặc đồ đẹp như trong phim chớ không giống như kiểu quê mùa nơi Ngải ở. Người phụ nữ vừa cất tiếng hỏi nhà bà Năm – tức người Ngải hay gọi bằng ngoại, đã nằm trên bàn thờ gần mươi năm nay, thì trong lòng Ngải cũng rung lên một nhịp rất lạ lùng. Cái giọng nói đó, Ngải từng nghe thấy trong tiềm thức, trong những cơn mơ vụn vằn xé nát giấc ngủ không mấy gì êm ái của Ngải. Ngải vừa nhìn người phụ nữ chằm chằm, vừa đưa tay mở cổng.
– Bà Năm là ngoại của con. Bà mất rồi dì à.
– Cho dì thắp cho ngoại nén nhang nghen con.
Cô nói vậy thôi, rồi thong thả vào nhà. Như thể đây là nhà của cô.
Cái cung cách thắp nhang, cái kiểu sụp lạy trước bàn thờ ngoại mà không cần hỏi kia, trông rất quen thuộc, như thể xưa giờ sinh ra cô đã ở đây. Coi kìa! Người gì mà da trắng hồng, đồ thơm phức, không có cái kiểu vòng vàng xệ tay như Ngải thường thấy ở nhiều người phụ nữ khá giả trong vùng.
Ngải đứng nhìn đăm đắm. Cho đến khi cô sang trọng kia làm lễ xong và quay ra. Trên đôi mắt cô còn ngân ngấn nước.
– Con tên là Ngải, phải không ?
– Dạ phải, sao dì biết con ?
– Không phải chỉ biết, mà còn biết rất rõ nữa kia. Nè, dì có chút quà cho con. Dì nghĩ là con sẽ thích.
Cô sang trọng lấy trong chiếc túi mang theo mấy gói đồ. Một chiếc áo lụa màu hồng phấn, thêu hoa văn trang nhã. Một cây trâm gỗ có mùi thơm rất lạ. Một sợi dây chuyền trắng sáng mỏng manh có mặt ngọc trai. Một lọ nước hoa nhỏ bằng ngón tay có cái nắp hình một đóa hoa hồng. Ngải trố mắt:
– Dì là ai? Sao dì mua quà cho con nhiều quá vậy?
– Mua quà nhiều là để mua chuộc coi có ai cho dì ở đây ăn Tết không vậy mà?
– Ủa???
– Tui là Giao nè bạn. Bạn không nhận ra tui sao? Chớ ai ao ước là Tết này muốn có người đi chơi Tết? Ai nói giả tỉ như có người tặng tui một cây trâm…
Ánh mắt người phụ nữ lóe lên một tia ranh mãnh và tinh nghịch. Ngải đứng như trời trồng. Ngoài sân, dì Út về từ lúc nào, đang đứng lau nước mắt. Thấy cô sang trọng nói chuyện với Ngải, dì Út mới lật đật bước vô. Dì nhào tới ôm cô chặt cứng…
Thì ra, đó chính là người chị ruột phiêu bạt của dì Út. Ngải có vài lần nghe mọi người nhắc đến, có khi thương xót, có khi không vui.
Chị lỡ lầm. Mang thai. Sinh ra đã bị cả giòng họ xa lánh, ruồng rẫy vì hư hỏng. Khó khăn lắm thì cô em út mới xin gia đình được đem đứa nhỏ về nuôi. Sau đó gặp mai mối, chị lấy được một tấm chồng người nước ngoài. Cuộc hôn nhân đó cũng đầy sóng gió, khiến đường về nhà của chị xa biệt đến gần hai mươi năm. Một tình cờ đưa đẩy khiến chị kết bạn với Ngải. Ðọc những tâm trạng con trẻ, chị nghĩ đến đứa con gái ở quê của mình, nếu còn sống thì cũng độ này. Chị âm thầm tìm hiểu rồi tìm cách liên lạc lại với em gái mình… Vẫn còn e dè vì không biết đứa con gái có muốn nhận mẹ không, sau những biến cố cuộc đời như vậy, chị đành đứng từ xa hướng dẫn con, theo cách của mình.
Ngải rưng rưng nước mắt.
Ngoài kia gió bỗng trở hướng, quạt hương đám bông vạn thọ vô nhà, thơm phưng phức.
-Chiều nay mình đi dạo ngoài phố, nghe Giao. Ngải thích được cùng ai đó đi phố chơi, mà chưa lần nào như vậy.
Ngải nũng nịu như đang chat. Một vòng ôm ấm sực thay cho câu trả lời.
CG