Ðây là vấn đề còn có rất nhiều tranh luận, không những về khía cạnh an toàn thực phẩm mà còn về đạo đức, tôn giáo.
Trước hết clone động vật là gì?
Trứng của một vật được lấy đi phần nhân di truyền và thay thế bằng nhân di truyền của con vật khác mà mình muốn clone. Nhân này có thể từ một tế bào nào đó ở dưới da, tai của con vật.
Một luồng điện nhỏ kích thích để trứng quyện với nhân di truyền rồi phân sinh làm hai, làm bốn… như các trứng thụ tinh bình thường khác và trở thành phôi bào.
Phôi bào được đặt vào tử cung của bò hoặc heo nào đó để mang thai hộ rồi đẻ ra con. Thế là ta được một con vật do sinh sản vô tính với các đặc tính mà mình muốn có.
Sinh sản vô tính được thực hiện lần đầu vào năm 1996, khi các khoa học gia bên Anh tạo ra cừu Dolly.
Tháng Giêng năm 2008, Cơ quan Thực-Dược Phẩm Hoa Kỳ tuyên bố là thịt và sữa từ bò, cừu, heo do clone đều hoàn toàn giống như thịt từ súc vật sinh đẻ tự nhiên, bình thường, do đó an toàn cho người tiêu thụ. Ðây là kết quả các nghiên cứu mà cơ quan đã thực hiện từ năm 2001. Cơ quan này cũng cho biết là nhà sản xuất không cần ghi nguồn gốc thực phẩm là do sinh sản vô tính trên nhãn hiệu thực phẩm.
Tuy nhiên, giới tiêu thụ vẫn còn ngần ngại với lý do là chưa có đủ dữ kiện khoa học chứng minh thịt do clone an toàn.
Ngoài ra, vấn đề đạo đức cũng được nêu ra. Như là khi clone như vậy, con người đã đóng vai Thượng Ðế để tạo ra một sinh vật và xâm phạm vào lãnh vực ngoài giới hạn của mình.
Thịt súc vật clone chưa được bày bán vì đúng ra, mục đích của sự clone không phải để lấy thịt mà là để tạo ra con giống tốt. Con cái của những con giống tốt này mới là mục tiêu của nhà sản xuất.
Vả lại, clone một con vật cũng rất tốn kém: con bò tốn 18,000 Mỹ kim, con heo tốn 6,000 Mỹ kim.
Tế bào máu
Xin bác sĩ giải thích cho là trong máu của mình có bao nhiêu loại tế bào và vai trò của các tế bào này là gì. Cảm ơn bác sĩ. Nguyễn thị Minh
Đáp
Trong máu có ba loại tế bào là hồng huyết cầu, bạch huyết cầu và các tiểu cầu.
Bạch cầu có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại các chất lạ đồng thời sản xuất kháng thể chống lại các vi sinh vật gây bệnh.
Tiểu cầu có vai trò làm ngưng sự chảy máu.
Hồng huyết cầu có nhiệm vụ chuyên chở oxy đi nuôi cơ thể nhờ có huyết cầu tố. Huyết cầu tố được cấu tạo bởi 2 loại chất đạm alfa và beta. Khi các chất đạm này bị thay đổi thì hồng huyết cầu không còn đảm trách nhiệm vụ chuyên chở oxy được nữa. Hồng huyết cầu sẽ vỡ tan dần dần, đưa tới thiếu máu kinh niên trầm trọng cho bệnh nhân.
Trẻ em hiếu động
Tôi làm việc ở nhà giữ trẻ. Có nhiều cháu bé luôn luôn nghịch ngợm, không chịu ngồi yên mà cứ chạy từ chỗ này sang chỗ kia, chọc ghẹo bé khác. Các bà mẹ nói là các cháu bị chứng hiếu động và đang được điều trị. Xin bác sĩ giải thích về hiện tượng này và chữa như thế nào. Cảm ơn bác sĩ. Ngọc Tình.
Đáp
Các cháu bị như vậy là do bị bệnh hiếu động và kém tập trung. Ðây là một rối loạn về hành vi với các đặc điểm là người bệnh có khó khăn tập trung tư tưởng, rất hiếu động và cư xử hấp tấp bốc đồng
Bệnh rất phổ biến. Nước Mỹ hiện có 4.4 triệu trẻ em từ 4- 17 tuổi được xác định có bệnh. Bệnh cũng thấy ở người trưởng thành.
Nguyên nhân
Nguyên nhân đưa tới hiếu động-kém tập trung chưa được biết rõ. Theo các nhà tâm lý học, bệnh có thể là do:
– Gen di truyền
– Yếu tố môi trường như là người mẹ hút thuốc lá hoặc uống rượu trong khi có thai
– Tổn thương não bộ của người bệnh
– Mất cân bằng vài hóa chất trong cơ thể
– Thiếu vài chất dẫn truyền thần kinh điều hòa hành vi
Các dấu hiệu chính của bệnh
- Hiếu động. Trẻ ngồi đứng không yên, luôn luôn di chuyển, lấy vật này, sờ vật kia, nói liên hồi.
Ngồi tại chỗ để ăn hoặc nghe bài là cả một khó khăn với các em.
Các em cũng muốn làm nhiều việc một lúc
- Không kiểm soát được hành động, hay hấp tấp, bốc đồng, nói không kịp suy nghĩ, diễn tả lung tung, không để ý tới hậu quả lời nói và việc làm, không chờ đợi tới lần mình, trả lời trước khi nghe hết câu hỏi, không kiên nhẫn, hay đòi hỏi.
- Kém tập trung.
– không hoàn tất công việc được giao phó hoặc các bài vở ở trường
– chưa xong việc này đã nhảy sang việc khác
– dễ chia trí vì tiếng động hoặc sự việc nhỏ nhặt ở xung quanh
– không theo hướng dẫn và dễ dàng lầm lỗi
– không biết sắp đặt công việc
– quên đồ chơi, bút viết, sách vở
– khó khăn hoàn tất một công việc
– không để ý tới chi tiết hoặc làm theo hướng dẫn
– hay bị chia trí và hay quên việc thường làm mỗi ngày.Ngoài ra, sự phát triển trí tuệ cũng giảm, học hành kém, không có óc tổ chức, hay bướng bỉnh, chống đối.
Xác định bệnh: cần các dấu hiệu vừa kể và đã kéo dài trên 6 tháng.
Bệnh không được cha mẹ phát hiện cho tới khi trẻ có vấn đề khó khăn ở trường học.
Vì trẻ có hành vi khác thường ở trường, nên thầy cô giáo nhận ra rối loạn của trẻ.
Khi thấy trẻ có dấu hiệu kể trên, nên đưa tới bác sĩ gia đình để khám nghiệm. Sau khi loại trừ nguyên do thể chất, bác sĩ sẽ giới thiệu tới nhà chuyên môn tâm bệnh để tìm hiểu xác định bệnh và điều trị.
Ðiều trị
Bệnh có thể điều trị bằng dược phẩm với các loại thuốc kích thích như Ritalin, dexedrine.
Tâm lý trị liệu, liệu pháp hành vi, huấn luyện kỹ năng, nhóm hỗ trợ cũng có nhiều tác dụng tốt để điều trị bệnh nhân.
Ngoài ra, các nhà chuyên môn tâm lý cũng hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc con.
Cần giải thích cặn kẽ rõ ràng cho con về mọi công việc và theo dõi kết quả việc làm.
Giúp con sắp xếp công việc cho có thứ tự. Khuyến khích con tự kiểm soát và tự học hỏi.
Bệnh nhân cũng được theo học các chương trình giáo dục đặc biệt để thay đổi hành vi.