- Gà ở chiến trường Kuwait
Cuộc đổ bộ của lính Mỹ vào Iraq năm 2003 là một trong những chiến dịch quân sự tinh vi nhất trong lịch sử cận đại, không tin cứ hỏi gà thì biết.
Trước khi lâm trận, đã có mối lo là Iraq có thể dùng vũ khí hóa học, và ô nhiễm gây ra từ các mỏ dầu bị phá hủy có thể làm cho những thiết bị quân sự thông thường không phát hiện được các hóa chất độc hại. Thêm nữa, một số thiết bị này dễ bị trục trặc, nhiều lần báo động giả, tuy cuộc hành quân chưa bắt đầu và trong không khí chưa có hóa chất nguy hiểm.
Để giải quyết những vấn đề này, lính Mỹ sắp đổ bộ vào biên giới Iraq được trang bị những lồng gà sống. Gà được chọn vì chúng tương đối có hệ hô hấp kém, nếu gặp trận chiến hóa học sẽ bị thương vong ngay. (Thợ làm mỏ than đem chim bạch yến theo cũng vì lý do này). Nếu gà bỗng dưng chết, binh sĩ liền đeo ngay mặt nạ chống hơi độc. Gà cũng được dùng để thử coi có thể an toàn tháo mặt nạ ra chưa.
Vậy là gà cũng đã tham dự cuộc chiến Vùng Vịnh lần đầu. Có chuyện vui kể rằng một nhóm binh sĩ Mỹ một sáng thức dậy thấy gà mang theo chết hết. Hốt hoảng, họ tưởng bị tấn công bằng hơi độc, nhưng sau mới biết gà bị đông cứng vì ban đêm quá lạnh, thế là chúng được lên bàn ăn…
- Gà lông xù Trung quốc
Khác với gà thường, gà lông xù (Chinese Silkie chickens) có thịt màu đen. Đây là do fibromelanosis di truyền, một tình trạng ảnh hưởng đến toàn khối tế bào sắc tố đến nỗi cả xương, thịt, và các bộ phận nội tạng gần như có màu đen hoặc xanh đậm. Tuy trong tên có chữ Chinese, nhưng không rõ có chắc chúng xuất xứ từ nước Tầu hay không, nhưng người Tầu thường dùng làm thuốc, gọi tên gà này là wu go ji (gà xương đen).
Gà còn được gọi là Silkie (hoặc Silky) vì bộ lông xù, đụng vào có cảm giác như sờ lên lụa (silk). Lý do là lông không có móc (barb) thường để nối kết các sợi lông với nhau, nên các sợi lông tách rời nhau, coi như thấy lông xù. Được coi là con vật “hiền” nhất, được nhiều người nuôi vì có thể ấp trứng của vịt hoặc gà tây.
- Máy bắt gà
Bắt gà bằng tay là công việc tệ nhất trong kỹ nghệ gia cầm, vì gây đau lưng và triệu chứng đau xương cổ tay (carpel tunnel syndrome). Nhu cầu về thể lực và điều kiện làm việc cực nhọc nên khó thuê mướn được nhân công. Để giải quyết khó khăn đó, người ta chế ra thứ máy bắt gà (mechanical chicken harvester), mỗi 30 giây có thể bắt được 200 con, mỗi giờ được 8 ngàn con. Thoạt mới nhìn thấy rợn người, nhưng đối với gà lại có vẻ “tử tế” hơn, ít làm gà trầy xước hay bị thương, so với kiểu bắt gà bằng cách tóm chặt đôi chân, hai cánh và dốc ngược cổ gà xuống. Kỹ thuật này giảm gà bị thương ở chân 30% và ở cánh 11% so với cách bắt bằng tay. Xem máy bắt gà ở đây: https://youtu.be/zqnp-cvKeqc
(còn tiếp)