Menu Close

Cung Tích Biền đành lòng sống trong phòng đợi của lịch sử

Dương Nghiễm Mậu, Thảo Trường, Cung Tích Biền… là những nhà văn tài năng tiêu biểu của Miền Nam. Trong số này, người gây dư luận nhất là Cung Tích Biền. Đúng hay sai, tùy nhận định của mỗi người. Tuy nhiên để hiểu rõ hơn về nhân thân và hành trạng, tâm hồn và tài năng sự nghiệp của Cung Tích Biền, cũng như cái nhìn của nhà văn trước những diễn biến, thiết tưởng chúng ta cũng nên đọc cuốn Đành Lòng Sống Trong Phòng Đợi Của Lịch Sử do Giấy Vụn xuất bản ở Mỹ. Sau đây để bắt đầu chúng tôi xin giới thiệu bài tựa của nhà xuất bản.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Lời tựa của NXB giấy Vụn

ctb
Bìa tác phẩm “Đành Lòng Sống Trong Phòng Đợi Của Lịch Sử“, phỏng vấn nhà văn Cung Tích Biền. Lý Đợi, Đặng Thơ Thơ, Mặc Lâm thực hiện hình: Nxb Giấy Vụn

Nhà văn Cung Tích Biền, trước tiên là thuộc dòng Văn học Việt Nam Cộng Hòa. Ông là một Nhà văn Ðộc lập, đã thành danh từ lâu trước 1975.

Sau biến cố tháng 4-1975 ông ở lại trong nước cho tới ngày hôm nay, 2015. Sống với chế độ mới, ông gác bút 12 năm, và “tái xuất giang hồ” vào năm 1987, với một bút lực sung mãn, phong văn nhiều phần khác trước. Theo rất nhiều các tiểu luận, nhận định của nhiều nhà phê bình văn học, về sáng tác của Cung Tích Biền đều có chung một nhận định, là súc tích, tài hoa, nhân bản và minh triết.

Với hơn 150 truyện ngắn và trên 30 tiểu thuyết, một số đã in thành sách, đã được dịch sang Pháp và Anh ngữ [không kể hàng trăm bài các thể loại, ngoài truyện ngắn truyện dài, như tạp văn, tùy bút, tản mạn, nhận định phê bình, châm biếm, thơ, viết về các Tác gia, và Hồi-truyện-ký…].

Với bút hiệu Cung Tích Biền tính đến nay là đúng 50 năm [1965-2015]. Nếu kể các bút hiệu khác, có trước, là từ năm 1956.

Trước 1975, một số tác phẩm tiêu biểu như: Ngoại Ô Dĩ An và Linh hồn tôi [1966], Cõi Ngoài, Nỗi Buồn Thắp Sáng, Trên Ngọn Lửa, Kẻ Ngoại Lai, Bạch Hóa…Bên Dòng Nước Biếc, Ai Tỉnh Ai Ðiên, Hòa Bình Nàng Tình Rỗng, Mê Lộ, Trường Giang, Luống Cải Vàng…Và sau 1975 là những tác phẩm tạo nhiều tiếng vang như: Di Mộng, Qua Sông, Thừa Dư, Thằng Bắt Quỷ, Tự Thú Trước Bình Minh, Rừng Ðom Ðóm, Nhạc Ðiệu của Bầy ong, Mùa Xuân Cô Mơ Bay, Gia Sản Trong Bóng Ðêm, Gia sản Dưới Ánh Trăng…Mùa Hạ [tiểu thuyết đăng thường kỳ 194 số báo, trên Nhật báo Người Việt, California, Mỹ 2012] …Tân truyện Xứ Ðộng Vật, gồm 20 tiểu truyện, đăng toàn bộ trên Da Màu Văn chương Không Biên giới, 2008.

Hiện nay hầu hết các sáng tác trước 1975 và phần lớn những tác phẩm sau này của Cung Tích Biền đang bị Nhà cầm quyền cấm in ấn, lưu hành trong nước, nhưng ông đang là một trong những nhà văn được đông đảo độc giả trong lẫn ngoài nước tìm đọc, và rất ái mộ.

Có đông đảo Người đọc? Sự Cứu Rỗi này là nhờ “Ân sủng Internet”, nhờ “Người Ðưa Thư Google” mang tới. Nó xóa đi phần nào những ranh giới Bất Khả Thoát đối với Người Ðọc trong vòng rào của Chuồng trại. Một Chuồng trại có những nghìn năm văn hiến, biển Ðông rì rào và biên giới cắm mốc.

Ngoài ra, theo hành trình văn chương trên nửa thế kỷ, Cung Tích Biền cũng đã được phỏng vấn rất nhiều, qua báo chí, đài phát thanh, các trang mạng.

Những cuộc trả lời phỏng vấn Dài-Hơi này đã phần nào soi sáng, biểu tỏ rộng rãi quan điểm của Nhà văn ở nhiều lĩnh vực quan trọng, ngoài văn chương học thuật.

Nhà xuất bản Giấy Vụn, phát hành tập sách này, gồm 4 [bốn] cuộc Ðối thoại sau đây:

Một, do Nhà thơ Lý Ðợi thực hiện, gồm 2 kỳ, đăng trên trang Văn học Talawas, www.talawas.org, tháng 2 năm 2007. Tháng 3-2008 bài phỏng vấn này được đăng lại trên trang mạng Văn chương Không Biên giới Da Màu.

Hai, phỏng vấn do Nhà văn Ðặng Thơ Thơ thực hiện, trang mạng Da Màu, www. Damau. org dành riêng cho số báo Ðặc biệt [Chuyên đề] Văn chương Cung Tích Biền, thời gian một tuần lễ từ 23-3 đến 28-3-2008. (1)

Cuộc phỏng vấn này gồm bốn 4 [bốn] kỳ báo, mỗi kỳ một chủ đề riêng biệt, được thực hiện qua e-mail giữa một người ở Quận Cam [Mỹ] và một ở Ðồng Ông Cộ, Sàigòn.

Ba, phỏng vấn từ đài Châu Á Tự Do [RFA], do Ký giả Mặc Lâm thực hiện qua đường dây viễn liên từ nước ngoài gọi về Việt Nam, tháng 5-2008. Cuộc phỏng vấn và đọc Tân truyện Xứ Ðộng Vật được thực hiện qua bốn [4] kỳ phát thanh trên đài RFA.

Bốn, Cung Tích Biền trong tư cách Ðặc phái viên Văn học của Tạp chí Khởi Hành [Sàigòn] Gặp gỡ Nhóm Văn Nghệ Trước Mặt, Quảng Ngãi. Bài đăng trên Tạp chí Khởi Hành, 1969, Thư quán Bản thảo [Mỹ] in lại hai lần trên số 39 năm 2009, và số 56, năm 2013, qua hai số báo có chủ đề về Văn học Miền Nam 1954-1975.

Chúng tôi mong rằng, các cuộc phỏng vấn này, sẽ mang đến cho quý độc giả một cái nhìn không chỉ riêng từ nhà văn, không riêng của văn chương, mà phần nào là Cái Nhìn chung về chiến tranh, thời sự, văn hóa, tình trạng xã hội, thân phận con người trong suốt thời gian dài lịch sử chúng ta đã kinh qua.

Mong rằng đây cũng là một tài/tư liệu tuy riêng mà chung, bày lộ phần nào tâm cảm, tâm thức một thời, sẽ phần nào soi sáng một góc nhìn, có thể hữu ích cho công việc nghiên cứu văn học nước nhà mai sau. Chúng tôi khiêm tốn trong một đóng góp nhỏ nhoi mong bảo tồn những tài sản trí tuệ đang dần dà bị mờ xóa, bị khuất bóng bởi nhiều lý do thời cuộc khác nhau.

Từ trái qua: Nguyễn Lương Vỵ, Vương Hồng Anh, Trịnh Cung, Đặng Phú Phong, Cung Tích Biền, Du Tử Lê (2016) - nguồn DuTuLe
Từ trái qua: Nguyễn Lương Vỵ, Vương Hồng Anh, Trịnh Cung, Đặng Phú Phong, Cung Tích Biền, Du Tử Lê (2016)
– nguồn DuTuLe

Nhà xuất bản GIẤY VỤN

Ghi chú:

  1. Theo lời Nhà văn Cung Tích Biền, trong phần các trả lời PV, ông có chỉnh sửa không đáng kể đôi chữ, nhấn mạnh đôi chỗ, cho rõ nghĩa, nội dung hoàn toàn không có gì đổi khác so với các bản đã đăng tải [GV]