1.
Chín giờ đêm. Gã dừng chiếc xe kẹo kéo của mình trước một quán nhậu còn khá đông khách. Chừng như cuộc vui giờ này mới bắt đầu. Tiếng nói chuyện ồn ào, tiếng cụng ly côm cốp lẫn trong khói lửa mịt mờ, khét lẹt, khua khoắng không gian yên tĩnh của đêm. Gã chống xe, bật loa và sau vài lời mời gọi mua… kẹo kéo, gã bắt đầu hát.
Gã cứ hát như thể đó là một lẽ sống của đời gã, chứ không chỉ là một chiêu trò trong cuộc mưu sinh. Những xưa cũ như những trang sách ố vàng rải theo từng tiếng guitar. Boléro. Một giai điệu mà một số người vẫn cho là sến súa, vàng vọt. Nhưng giọng hát của gã hát boléro sao mà ngọt ngào và mềm mượt! Tưởng chừng như giai điệu đó có thể kéo dài… bất tận như thanh kẹo kéo mà gã phải “lên gân” kéo sau khi dứt một bài hát.

Vùng ngoại ô, tôi có căn nhà tranh
Tuy bé nhưng thật xinh
Tháng ngày sống riêng một mình
Nhà gần bên, em sống trong giàu sang
Quen gấm nhung đài trang
Ði về xe đón đưa…”
Ðám thực khách trong quán hình như ngấm rượu hay sao mà nghe im re. Chỉ còn tiếng xèo xèo của đồ nướng. Thỉnh thoảng, gã ngưng hơi lâu, có lẽ là do thực khách mua kẹo kéo. Thường thì gã chỉ hát ba bài, bốn bài là nhiều, không biết sao mà bữa nay gã hát nhiều bài quá. Giọt lệ đài trang, Hai sắc hoa Tigôn, Nhật ký đời tôi, Ðường xưa lối cũ, Nửa đêm ngoài phố… Có lẽ, gã bán được bộn nên có hứng chăng?
Luyến mở rộng cánh cửa sổ. Gió lùa vào mát rượi, lùa luôn cả tiếng đàn hát trên vỉa hè vào phòng. Lần đầu tiên Luyến không thấy bực bội bởi chiếc xe kẹo kéo.
Nhà gần đường, xe cộ ồn ào, quán nhậu ồn ào, thích nghi được với những tiếng ồn này đã là cả vấn đề gian nan. Vậy mà, vừa quen được với những tiếng ồn đó thì Luyến lại bị những âm thanh khác tra tấn. Cô không thể tiêu hóa nổi cái kiểu đọc rap, rồi những bài nhạc chế lời thật khó nghe. Nhạc thì giống như ném một mớ nắp chai bia vào rổ mà xóc, lời lẽ ngô nghê, quái đản. Những thứ âm thanh đó làm tuột mất cả cảm xúc của cô. Vậy mà, hôm nay nghe tiếng đàn hát từ dưới phố, Luyến nghe như có một mùi hương vừa lướt qua. Mùi hoa ngọc lan. Trong tiếng đàn, có hơi gió mơn man và như có cả mùi dầu lửa, dầu nhớt… khen khét.
Mười một giờ đêm. Những âm thanh bên ngoài giờ mới dần tắt. Chiếc xe kẹo kéo và người bán kẹo cũng đi rồi.
2.
Gã với tay lấy cây đàn máng trên vách, so dây, búng từng tưng thử âm. Trời đã xế. Lát nữa, khi mặt trời tắt hẳn, phố xá lên đèn, cũng là lúc gã dắt xe ra khỏi nhà.
“Ðường xưa lối cũ, có em tôi tóc xanh bay mơ màng…”
Gã huýt sáo vài câu. Chợt nhìn thấy chiếc xe lem luốc nằm góc nhà đợi mình, gã thốt nhiên thở dài.
Gã nhớ người con gái của mình.
Người con gái đó tóc dài, da hơi nâu chớ không trắng, nhưng rất có duyên. Ðặc biệt, nàng có giọng cười rất trong và vui vẻ. Hôm nào mệt mỏi, bực dọc, chỉ cần nghe nàng cười là bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến. Chính nụ cười đó đã kéo gã đến với nàng, đã thề cùng nàng sẽ yêu thương nàng suốt đời này.
Nàng cùng xóm, học chung trường, dưới gã ba lớp. Nhà có ba người phụ nữ đều học hành dang dở rồi làm thợ may, chỉ riêng nàng là được đi học đến nơi đến chốn, chỉ vì nàng thích đi học hơn làm thợ may. Nàng yêu văn thơ, yêu âm nhạc, thích ca hát. Nàng không ngần ngại yêu gã, một thằng con trai mồ côi chỉ biết học cho thật giỏi để… làm thợ máy. Nàng đậu văn khoa, gã đã ra trường, làm thợ. Người gã hình như lúc nào cũng lấm lem dầu mỡ và thấm đậm cái mùi đặc trưng đó, cho dù có cố công tắm rửa. Nàng nói yêu gã không chỉ vì giọng ca, tiếng đàn của gã làm lòng người rung động, mà còn vì gã rất chăm chỉ làm việc, sống tốt với xóm giềng. Nàng học năm cuối, gã đã dành dụm đủ tiền cưới vợ, nhưng còn ráng đợi nàng tốt nghiệp.
Ai mà ngờ, cũng chính giọng cười trong trẻo của nàng đã dắt nàng đi xa khỏi tầm tay gã. Một người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài, tình cờ quen được nàng, nói đã mê nụ cười của nàng quá đỗi nên cung phụng cho nàng không thiếu thứ gì và thường mời nàng đi chơi, đi ăn uống, dù biết nàng đã có người yêu. Nàng không nhận quà nhưng mẹ nàng thì không từ chối món gì của chàng nước ngoài gốc Việt kia. Bà nói có chết chóc gì đâu mà không nhận, rằng con gái bà xứng đáng được như vậy. Thế là, có những chuyện nàng biết, có những chuyện nàng không biết diễn ra trong khi nàng đi học. Ðể khi vừa làm xong khóa luận tốt nghiệp, mẹ nàng đã thông báo rằng người ta đã chính thức hỏi nàng làm vợ, và bà nhận lời vì thấy người đàn ông đó “có tương lai” hơn là gã – một gã thợ máy, tuy có thể lo cho vợ không thua chị kém em, nhưng nếu so về cái dáng vẻ bên ngoài, cao hơn nữa là vị thế trong xã hội, thì cơ chừng gã thua trắng.
Gã thua thật. Gã chấp nhận lui cho nàng trả hiếu mẹ cha bằng cách đó.
Ðêm trước đám cưới nàng, dưới gốc ngọc lan trong sân nhà nàng, gã cũng ôm đàn, và hát: “Nhà gần bên, em sống trong giàu sang, quen gấm nhung đài trang, đi về xe đón đưa”…. Ðứa em trai của nàng đưa cho gã ly rượu, như một sự cảm thông.
Nước mắt nàng rơi xuống. Gã ôm đàn, lặng lẽ quay về.
Nàng lên xe hoa, rồi sau đó theo chồng về thành phố. Chồng nàng đang làm việc cho một tập đoàn điện tử nổi tiếng ở đó. Gã, dĩ nhiên, cũng vẫn sống nhăn, có điều không thể kiếm ai có giọng cười như nàng, nên không cưới vợ.
3.
Thình lình, người ta phát hiện ra bà mẹ nàng có khối u bất thường trong não, trong một lần bà tới bệnh viện điều trị chứng nhức đầu kinh niên. Các bác sĩ cho biết, cần phải phẫu thuật lấy khối u ra, nhưng điều đó có nghĩa phải đồng thời đối mặt với rủi ro cao nhất, hoặc bà sẽ chết ngay trên bàn mổ, hoặc bà sẽ bại liệt suốt đời. Ðứa em trai nàng luýnh quýnh nhắn tin cho chị. Nàng nói, nàng đã theo chồng, nên chỉ có thể giúp mẹ một khoản tiền nào đó thôi. Biết chuyện, gã tới nhà, cúi lạy mẹ nàng, nói sẽ thay nàng báo hiếu cho bà. Gã thuyết phục đứa em để gã lo phụ. Rồi gã lo thật. Từ việc chuyển viện cho bà, đến lo các phí tổn khi bà nằm viện.
Cũng may là bà được cứu sống, an toàn. Có điều, lớn tuổi, lại qua một cơn phẫu thuật nguy hiểm, đôi khi bà lú lẫn, khi nhớ khi quên. Gã “bàn giao” bà mẹ cho thằng em trai nàng, rồi trở lại làm việc.
Gã bị thất nghiệp. Chỗ làm việc không chấp nhận một người thợ nghỉ nhiều hơn làm, bất kỳ lý do gì. Những nơi khác từng biết tay nghề của gã thì hoang mang không biết gã có… thần kinh không mà rỗi hơi lo việc nhà người đến nỗi chỉ còn mỗi cái nhà nát dựa thân, nên gã đi làm mà chẳng yên. Nằm nhà ăn hoài cũng chán, gã bỏ xứ sông mà về đất núi, xin vô chùa làm công quả, cũng chẳng cầu ghi danh tánh, chẳng đợi giấy ban khen, làm được gì thì làm. Một thằng nhóc mười bảy tuổi, bán kẹo kéo, thỉnh thoảng cũng vô chùa phụ công quả, tình cờ nói chuyện với gã thấy hạp sao đó, nó rủ gã: “Ði bán kẹo kéo với tui không? Cũng có tiền đủ sống, mà vui lắm”. Tự nhiên hứng chí, gã nhận lời đi chung với thằng nhỏ. Thật ra gã không cần nhiều tiền, gã chỉ ham đi cho biết cuộc sống bên ngoài nó diễn tiến mỗi ngày, để coi có giúp gì được cho ai không thôi.
Và gã đã tìm thấy niềm vui thật sự, khi hàng đêm đi rong ruổi trên đường, ca hát trên vỉa hè mà không thấy ai phiền, cũng không đánh thuế. Gã cũng chỉ hát những bài khi xưa gã hát cho nàng nghe thôi. Mà những bài gã hát cho nàng nghe thì nhiều lắm.
4.
Luyến ngồi trên chiếc xích đu gỗ trong sân. Ngôi nhà ngói cũ kỹ, rêu phủ dày ở mé sân ít người qua lại. Quanh rào dây nho tím hồng bò dày đặc, trổ bông đầy. Ngôi nhà không khác xưa mấy, vì cô nhắn đứa em nên cố gắng giữ lại để hương khói cho cha mẹ. Nó cứ đòi bán hoặc xây sửa lại vì vách ván đã mối mọt, vài cây kèo mục ruỗng làm rớt ngói. Mai là giỗ mẹ. Cô định về coi thực trạng ngôi nhà rồi tính tiếp. Dù gì, đây cũng là ngôi nhà kỷ niệm của cha mẹ, đong đầy kỷ niệm tuổi thơ của chị em cô. Cô sẽ cố gắng chằm khíu hết mức có thể…
Buổi chiều dần xuống. Ðứa em đi làm chưa về. Nhà quạnh quẽ. Lúc nãy thắp nhang cho mẹ mà Luyến thấy hình như mắt mẹ rưng rưng như muốn nói điều gì cùng cô. Thấm thoắt đã gần mười năm. Cuộc hôn nhân của cô không vuông tròn như ý muốn, kế đến là căn bệnh và cái chết của mẹ, nên cô không còn dịp giãi bày, tâm sự cùng mẹ. Cô chỉ biết thầm thì bên ngọn khói, mỗi chiều: “Con sai, mà mẹ cũng sai rồi, mẹ ơi!…”.
Tiếng xe máy dừng ngoài cửa. Có bóng một người đàn ông vội vã bước vô, tay cầm một giỏ trái cây. Luyến ngờ ngợ: “Ai như anh Bình?”
– Tui đây… Luyến. Mai là giỗ bác gái rồi…
– Lâu lắm rồi mới gặp lại anh. Dạo này làm ở đâu anh ?
Luyến cố lấy giọng tự nhiên, nhưng không khỏi luống cuống. Qua đứa em, Luyến biết những chuyện về người yêu cũ của mình rất rành rẽ. Nhưng cô tự thấy mình không còn mặt mũi nào mà gặp.
– Hà hà, hiện giờ tui bán kẹo kéo. Kẹo tui bán ngon hơn rẻ hơn những nơi khác, cô Hai có thích tui tặng một cây không lấy tiền ! – Giọng Bình vui vẻ.
Thốt nhiên, Luyến nhớ lại cái hôm ngồi nghe nhạc kẹo kéo vỉa hè mà không bực bội đó.
Trái đất thiệt tròn. Ai cũng nói vậy hết trơn.
CG