Menu Close

Vệ sinh về giấc ngủ.

  1. Ði ngủ có giờ giấc.

Ngủ cùng giờ và thức dậy cũng cùng giờ, tạo thành một thói quen để cái đồng hồ sinh học và nhịp sinh học trong người không bị rối loạn.

Nếu cần du di thì thay đổi giờ đi ngủ, nhưng đừng lên giường trễ quá nửa đêm.

Ngủ nướng cuối tuần coi bộ hấp dẫn và nghe được đó, nhưng không lành mạnh vì nhịp sinh học lại phải điều chỉnh lại giờ giấc mỗi tuần.

  1. Tránh tập luyện quá sức: Tập luyện cơ thể quá sức trước khi đi ngủ làm tâm thần bị kích thích và ta khó đi vào giấc ngủ. Có người khuyên nên tập nhẹ 3 giờ trước khi đi ngủ.
  2. Tránh ăn quá no trước giờ ngủ.

Ăn no, nặng bụng rồi vào giường ngủ ngay, thức ăn nó cứ nhấp nhỏm trong bao tử hàng giờ, đòi được tiêu hóa, thì làm sao mà ngủ yên cho được. Nhất là lại ăn nhiều gia vị chua, cay.

Một chút trái cây, một ly sữa ấm thì tốt hơn cho giấc ngủ ngon. Sữa có chất giúp ngủ tryptophan.

  1. Tránh những chất kích thích thần kinh: như cà phê, thuốc lá, rượu mạnh. Cà phê có tính cách gây phấn khởi khiến khó ngủ. Rượu uống trước khi đi ngủ có thể làm ta ngủ đấy, nhưng kinh nghiệm cho hay, rượu làm ta hay đái đêm, khó thở lại tạo ra những cơn ác mộng.
  2. Phòng ngủ: Phòng ngủ phải yên tĩnh, thoáng khí, nhiệt độ vừa phải, nệm không cứng quá hoặc mềm quá.

Một điểm quan trọng là: chỉ dùng phòng ngủ để Ngủ và Ngủ với nhau.

Không coi TV nhất là những phim về tội ác, hoặc quá mủi lòng, gây vấn vương tâm trí; không ăn vặt trong phòng ngủ; không thảo luận chuyện làm ăn, chuyện khó khăn trong ngày, để tránh xáo trộn giấc ngủ.

  1. Ðừng mang suy tư, buồn bực vào giường.

Nếu có những việc phải làm cho ngày hôm sau hoặc có những ưu tư, thì ra bàn làm việc, ngồi viết hết những điều đó ra, đặt ưu tiên giải quyết cho ngày hôm sau rồi đi ngủ .

  1. Thức giấc nửa đêm, không ngủ lại được rồi nằm trằn trọc: Hãy dậy, đi làm bất cứ một việc nhỏ nào đó, tới khi thấy mệt và buồn ngủ thì đi ngủ. Ðừng nằm trên giường, ngó đồng hồ và đếm thời gian đi qua.
  2. Tình dục: Kết quả của nhiều nghiên cứu chứng minh rằng trong lúc ái ân, cơ thể tiết ra một vài kích thích tố khiến nhiều người ngủ ngon hơn.

Cho nên đã có lời khuyên: nếu không ngủ được thì thử kiếm một bạn đồng sàng.

Vài cách tránh những điều bất lợi khi dùng thuốc

Ðể sự sử dụng thuốc có công hiệu, không phản ứng, ta cần lưu ý những điều sau đây:

  1. Kê khai với bác sĩ tất cả những bệnh mình đang có, những thuốc mình đang uống, cả thuốc mua tự do hay thuốc do bạn bè giới thiệu. Mồi lần đi khám bệnh, mang ống, chai thuốc đã dùng để bác sĩ dễ nhận diện thuốc. Nhiều vị nói, “ấy kỳ trước bác sĩ cho tôi viên hạt dưa trắng, tốt lắm”, hay là “tôi đang uống thuốc nước mầu hồng”, thì chả ai biết là thuốc gì.
  2. Theo lời chỉ dẫn của bác sĩ dược sĩ, đọc kỹ nhãn thuốc với cách dùng, giờ uống, uống lúc nào, bụng đói hay no, mấy lần một ngày. Chẳng hạn thuốc uống bốn lần trong một ngày, có thể là uống vào những bữa ăn và trước khi đi ngủ; hoặc cũng có thể là uống mỗi 6 giờ đồng hồ, kể cả thức dậy ban đêm để uống.

Với thuốc nước, ta cần lắc chai cho thuốc hòa đều với nhau trước khi uống.

Không tự ý tăng hay giảm phân lượng, vì ít quá, không có công hiệu, nhiều quá sẽ gây hại.

Uống cho hết thời hạn bác sĩ dặn, chứ không phải thấy giảm bệnh là ngưng thuốc.

Không uống thuốc trong bóng tối, có thể nhầm loại thuốc.

  1. Cho bác sĩ hay tác dụng phụ hay phản ứng của thuốc mình đã có.
  2. Giữ thuốc nơi an toàn, xa tầm tay trẻ con, trong chai, lọ từ nhà thuốc tây, để tránh nhầm thuốc. Vứt bỏ thuốc quá hạn.
  3. Ráng nhớ tên thuốc cũng như công dụng của thuốc.
  4. Nếu có thể, nên mua thuốc ở một tiệm, như vậy dược sĩ sẽ có tất cả hồ sơ thuốc của mình, có thể theo dõi, giải thích tác dụng các loại thuốc khác nhau cho mình. Người dược sĩ không chỉ đóng vai trò cung cấp thuốc như trước đây. Họ có nhiệm vụ liên lạc với bác sĩ để tham khảo, lựa thuốc thích hợp cho bệnh nhân, hướng dẫn cách dùng thuốc, tác dụng tốt xấu của thuốc, theo dõi xem bệnh nhân có uống thuốc đều đặn không, phân lượng cho có gì bất thường hay không.

Công dụng của Kem chống nắng

Ánh nắng rất cần cho sự sống của mọi sinh vật. Không có nắng làm sao có sự quang hợp để biến khí carbon và nước thành thực phẩm nuôi thảo mộc. Mà không có thảo mộc thì con người và súc vật lại khốn đốn vì thiếu thức ăn.

Ánh nắng cũng cần cho sức khỏe thể xác và tinh thần nữa chứ. Thường xuyên âm u là ta dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, mất ngủ, rối loạn chuyển biến dưỡng chất cũng như sản xuất kích thích tố trong cơ thể. Cho nên mới có “Nỗi buồn Mùa Ðông”- Blue Winters của cư dân các vùng hiếm nắng.

Mà không có nắng Mai thì sao có:

“Nắng vàng giỡn trên má,

Cô mơ tình nhân hôn” Nắng mai-Thanh Tịnh

“Nắng chia nửa bãi chiều rồi…” để cho Huy Cận

“Ru em sẵn tiếng thùy dương đôi bờ” Ngậm ngùi.

Nhưng, chỉ năm mười phút, vài giờ thì không sao, chứ nhiều ngày nhiều tháng dưới nắng chang chang, không áo quần che chở thì cũng có nhiều vấn đề lắm đấy. Ung thư da là vấn đề đáng ngại hơn cả.

Ðể thoa ngăn ngừa tia tử ngoại phá hủy gen DNA và khả năng miễn nhiễm của da.

Bôi trên da, mỹ phẩm có công dụng phản chiếu tia nắng, nhất là các loại có 30 Yếu Tố Bảo Vệ (Sun Protection Factor-SPF) trở lên. Ðộ càng cao thì sự bảo vệ càng lâu. Phơi nắng càng nhiều thì cứ vài giờ nên thoa lại, nhất là khi đổ mồ hôi. Cũng là cơ hội tốt cho những người tình xích lại. Gần nhau.

Các mỹ phẩm chống nắng thường thường rất an toàn, nhưng khi dùng thì có đôi điều nên để ý:

– Trẻ em từ 6 tháng trở lên đều có thể thoa kem chống nắng; dùng loại hơi đục hoặc kem hơn là dung dịch trong suốt;

– Trước khi thoa, thử một chút kem trên mu bàn tay coi xem có bị dị ứng, đỏ da hay không. Mỗi nhà bào chế dùng các gia phụ khác nhau;

– Thoa mỹ phẩm lên toàn thân, trừ vùng da quanh mắt;

– Thoa từ 15-30 phút trước khi phơi nắng để chất chống tử ngoại thấm vào da;

– Lựa mỹ phẩm không tan trong nước nếu ta bơi lội;

– Hỏi ý kiến bác sĩ nếu trẻ em bị mụn trứng cá, để coi dùng kem nào không làm bệnh tăng lên.

Rồi an toàn tắm biển-phơi da…

NYD