Menu Close

Háo danh!

Tuần rồi đi nhậu, anh bạn văn của tui than phiền “bà đầm” của ảnh quá xá!

Thấy tui có vài bài phiếm được báo đăng (và nhờ dựa hơi ông Chủ bút) nên ông Chủ báo cho chút đỉnh tiền nhuận bút, đủ uống cà phê mà mặt đã vênh vênh, váo váo ra vẻ ta đây là nhà văn ‘nhớn’, nên em yêu tui, tức con vợ tui, tức má bầy trẻ của tui (chớ không phải má của tui) đã chướng tai gai mắt, không nói không rằng, lẳng lặng gởi vào cái email của tui bài: ‘Vợ răn chồng’ trong sách Cổ Học Tinh Hoa của nhà văn Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (để tui học tập và quán triệt?! Cái nầy nghe coi bộ quen nhe! He he!).

Ðại để câu chuyện là: “Án Tử nhỏ con nhưng làm chức lớn, tới Ðại phu nước Tề, nhưng cực kỳ khiêm tốn. Trong khi tên đánh xe theo hầu, vai u thịt bắp, mồ hôi dầu, bự con, lại làm chức nhỏ, nhưng lúc nào cũng vác mặt lên trời, dương dương tự đắc. Con vợ nhà không chịu được cái tánh kênh kiệu của chồng nên muốn bỏ về với má! Sợ vợ bỏ, anh chàng đánh xe nầy bèn xếp ve chớ không còn dám vênh váo nữa!”

Ðọc xong câu chuyện, tui thầm nghĩ: “Ối đàn bà là những niềm đau!” Làm quê chồng mình! Chồng làm phách cũng phải vì đánh xe ngựa cho quan cũng vinh quang lắm chớ!?

Chồng viết phiếm đăng báo trước là mong độc giả đọc thiệt rồi cười chút chơi cho vui cửa vui nhà, sau kiếm thêm chút tiền còm để uống cà phê, cà pháo và đấu láo với bạn bè mà cũng lên mặt dạy đời làm tui cũng mất vui luôn.

À phải rồi, chắc em thấy tui ốm mà cũng yếu, nên em khoái bú li (bully) để cho tui ngoan ngoãn trong vòng tay kềm kẹp của em. Bảo gì nghe nấy, đặt đâu là chàng phải ngồi đấy, cấm nhúc nhích, cục cựa như xưa giờ vậy đó!

“Như em đây, gọi Bà Tùng Long người viết tiểu thuyết ‘phơi-dơ-tông’ (feuilleton), hồi xưa, đăng trên tuần báo Phụ nữ Diễn đàn, kỳ nào cũng có, bằng Bà mà em còn chưa dám khoe khoang! Còn cái văn tài của anh không là cái thá gì so với Bà em hết ráo!”

Tức hộc gạch, nên tui xỏ xiên lại: “Em không khoe là phải… phải!  Bà em viết văn hay… chớ em có biết viết đâu mà khoe?!

Chuyện tui và ‘bà đầm’ của tui ngày nào không cãi là ăn cơm hổng có ngon.

Nên sau lần cãi lộn sanh tử lửa với em yêu cách đây 3 năm, tui quyết tịnh khẩu luôn, không nói tiếng nào. Cần gì của em… là tui chỉ ra dấu hè… He he!”

o O o

Thưa bà con! Anh bạn văn của tui cãi lộn với vợ về cái thói háo danh mà tịnh khẩu tới ba năm! Nhằm nhè gì! Tui tịnh khẩu tới 30 năm, từ hồi mới về với em lận!

Tuần rồi, tui có may mắn đọc  “Thư gửi bạn ta”  rất nổi tiếng, nhà văn Bùi Bảo Trúc kể rằng: “Hơn ba mươi lăm năm trước, một bữa đang ngồi trong quán cà phê ở Sài Gòn, thì tôi bị một người đàn ông gây sự và cuối cùng ông ta quăng ra cho tôi câu hỏi ‘Ông biết tôi là ai không?’

Ít lâu sau, tôi được cho biết ông là đàn em của một quan chức lớn, và nhờ đó, ông thỉnh thoảng đem chút ‘hào quang’ vay mượn được để hù dọa những người yếu bóng vía như tôi…”

Rồi 30 năm sau, trên bước đường lưu lạc trên đất Mỹ, tình cờ nhà văn Bùi Bảo Trúc đã tìm được câu trả lời thích đáng cho câu hỏi năm xưa, bằng cách kể lại một câu chuyện thú vị như vầy: “Tại phi trường, chuyến bay bị trễ, ai cũng bực bội vì phải chờ lâu, sắp hàng dài dằng dặc để chờ lên máy bay, thì có ông  khách, muốn ưu tiên, muốn nhảy hàng, mà Mỹ thường hay gọi ‘jump the queue’ hét vào mặt một nhân viên trẻ và xinh của hãng hàng không “Cô biết tôi là ai không?” (Do you know who I am?)

Cô nầy trả lời ông bằng cách hỏi người khác: “Có một vị hành khách không biết mình là ai, quý hành khách ai có thể giúp ông ta biết được căn cước hay thân thế của ông, xin tới quầy 112.”

Cô ám chỉ ông nầy bị khùng rồi nên không nhớ “Tôi là ai?”

Làm bà con ai nấy đều phá ra cười vui như xem một cái phim hài hước của Vua hề Sạc Lô vậy.

Bị chọc quê, ông nầy điên lên, chửi thề ỏm tỏi… Nhưng cô em vẫn bình thản trả lời: “Ông muốn cái ‘vụ đó’ với em thì ông cũng phải xếp hàng chờ đến lượt mới được!” He he!

o O o

Thưa bà con! Ðọc truyện nầy của ông Bùi Bảo Trúc tui khoái quá xá, gật gù tấm tắc khen hay! Viết như vậy mới là viết chớ!

Ai đọc câu chuyện nầy cũng biết đây là một vở kịch, do một tác giả tài hoa sáng tác để răn đời, để chỉ trích, để phê phán những hạng người ưa vênh váo dù mình chỉ là con cáo chớ hổng phải là con báo.

Vậy mà quỷ thần ơi, cũng có một ông, chắc muốn chứng tỏ mình là người đọc sâu hiểu rộng, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, lên mặt chê nhà văn mà tui hằng thán phục và kính mến rằng:

“Câu chuyện của tác giả Bùi Bảo Trúc ngỡ là do tác giả chứng kiến, nhưng thật ra thì không đúng! Thực ra bài này tôi đã đọc trên báo Mỹ từ lâu lắm rồi. Khi đó chưa có internet. Ổng cũng đi “chôm” của thiên hạ nhưng khéo làm như của mình đó thôi!”

(À thì ra muốn nổi tiếng, cho Vua biết mặt Chúa biết tên, phải có danh gì với núi sông, thì không có cách nào ngắn, gọn và mau (khỏi ngồi nặn óc, viết lách lôi thôi gì ráo) chỉ cần lôi các nhà văn nổi tiếng ra mà bình phẩm!)

(Nói nào ngay, nhà văn cần người đọc, cần người phê bình lắm chớ! Người phê bình hay, phê bình đúng chính là thầy ta vậy!

Vì viết văn, viết báo gì chăng nữa, những điều mình biết chỉ là một hạt cát mà điều mình chưa biết lại là một đống cát bự ế kinh luôn!)

Nhưng bộp chộp kết tội nhà văn tài tuệ nầy là chôm của thiên hạ… thì thiệt là hỗn hào quá đáng nhe!

Cũng như Nguyễn Du đã từng dựa vào Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, đời nhà Thanh bên Tàu để sáng tác ra Truyện Kiều, áng văn chương bất hủ của Văn học Việt Nam xưa giờ vậy.

Ðâu có ai nghĩ chuyện đời của Kiều là thực 72 phần dầu đâu?!

Và cũng không ai ếch ngồi đáy giếng không thấy được bầu trời cao và rộng hơn cái miệng giếng mà vội vã kết tội rằng tác giả ‘chôm’ của người nầy người nọ đâu?!

Ông Bùi Bảo Trúc đâu phải là một phóng viên, là người viết bản tin. Bản tin dĩ nhiên cần sự thật trăm phần trăm. Chuyện đó không ai dám cãi rồi.

Ông Bùi Bảo Trúc là nhà văn! Mà là nhà văn thì người ta có quyền sáng tác ra, dựng nên một câu chuyện, xoay quanh những nhân vật, diễn biến như thế nào trong một không gian hay một thời gian nào đó!

Không ai cần phải hỏi Kiều có thật ngoài đời hay không? Ðẹp cỡ Củng Lợi hay Chương Tử Di không? Hay Thúc Sinh là ông nào, có phải là tui hay không, mà sợ vợ quá thể? Hay Hoạn Thư có phải đã từng ghen đến nỗi ra tay tàn độc, bắt tình địch của mình là Thúy Kiều phải cạo đầu trọc lóc để đi tu? (Ðể cho Kiều phải tuân theo giới luật, không được lén ‘tò tí’ với Thúc Sinh hay ngay cả người khác. Thiệt ghen mà dùng thế lực để cấm vận tình địch mình, từ nay không được làm chuyện ấy nữa… thì ác quá! Cấm gì thì cấm! Cấm chuyện đó? Thà bị xử tội chết còn sướng hơn!)

Thưa ông thần nầy trông gà hóa cuốc, tưởng nhà văn Bùi Bảo Trúc lại là một ông nhà báo hay sao?!

Chuyện có thật hay không? Chẳng nhằm nhò gì ở đây hết ráo! Cái quan trọng, cái cốt lõi của một tác phẩm văn học là nó muốn truyền đi một cái thông điệp nào đó xuống cuộc đời?!

o O o

Như vậy té ra chỉ vì một chút hư danh mà thiên hạ nỡ nhẫn tâm, thản nhiên chà đạp lẫn nhau không thương tiếc!

Tui thì khác nhe! Vì có chuyện như vầy: Ðầu năm học một chú nhóc chuyển vào trường mới. Giờ ra chơi, chú tán gẫu với một em học trò gái.

Chú chê ông Hiệu trưởng trường nầy sao cái mặt lúc nào cũng quạu đeo hè? Thiệt trông không có cảm tình gì ráo trọi!

Ðứa học trò gái có vẻ bực bội hỏi lại: “Nè! Trò có biết tôi là ai không?”

Chú trả “Không!” “Tui là con gái cưng của ông Hiệu trưởng đây”

“Vậy con gái cưng của ông Hiệu Trưởng có biết tôi là ai không?”

Em trả lời: “Không!”

Nghe em trả lời không, chú nhóc hú hồn, mừng quá… dông luôn!

Thưa chú nhóc đó là tui 60 năm về trước đó bà con ơi!

Từ cái kinh nghiệm nhém chết nầy, tui rút ra được bài học là người ta không biết mình là ai… là mình phẻ hè!

Bảo Huân
Bảo Huân

DXT – melbourne