Menu Close

Chứng Lơ Đãng Quá Năng Động – Attention-deficit/hyperactivity disorder (ADHD)

ADHD, tạm dịch là chứng lơ đãng / quá năng động, là một chứng tật mãn tính, xuất hiện trong trẻ em và tiếp tục đến suốt đời. Các trở ngại chính do chứng tật này gây ra bao gồm “lơ đãng” không (thể) chú tâm (inattentive) đến một việc gì và năng động quá mức (hyperactive), hành động không suy nghĩ (impulsive behavior).

Trẻ em bị ADHD là những đứa trẻ thiếu tự tin, gặp trở ngại trong việc giao tiếp, khó lòng duy trì mối tương thân lâu dài, và học hành kém. Cha mẹ, người phối ngẫu thường mệt mỏi, chán ngán và đôi khi bỏ rơi người bị ADHD.

Việc chữa trị tâm lý bao gồm cả thuốc men khi cần thiết; dù không dứt bệnh nhưng sẽ tạo nên thói quen và huấn luyện cách hành xử thích hợp để giảm hậu quả của chứng tật kể trên.

Thử nghiệm và chẩn bệnh

Chuyên viên tâm thần dùng nhiều loại thử nghiệm, loại nào cũng cần đến sự ghi chép, quan sát tỉ mỉ từ thân nhân; ghi chép kỹ lưỡng sự việc sẽ giúp chẩn bệnh nhanh chóng và chính xác hơn. Việc chẩn bệnh bắt đầu từ khám bệnh toàn khoa và một số câu hỏi về tình trạng sức khỏe, triệu chứng và các trở ngại tại trường học, trong nhà và công việc làm.

Trẻ em bị ADHD thường có các triệu chứng kể trên sau nhiều năm, triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn khi gặp tình huống khó khăn, nhất là những hoạt động đòi hỏi sự tập trung tinh thần như làm bài thi, làm toán hoặc chơi các trò chơi cần suy tính.

Hầu hết các bác sĩ cho rằng ta không nên “dán” nhãn hiệu ADHD cho trẻ em trừ khi các triệu chứng kể trên xuất hiện từ thủa thơ ấu và tạo nên nhiều khó khăn trong lớp học trong nhiều năm liên tục.

chung-lo-dang3
nguồn dyslexiatraining.net

Triệu chứng

Tài liệu của hội Chuyên Viên Tâm Thần Hoa Kỳ, The Diagnostic and Statistical Manual IV hay DSM-IV, phân loại các triệu chứng của ADHD thành 2 phần: Phần “lơ đãng” (inattentiveness) và phần quá năng động / hành động cẩu thả (hyperactivity – impulsivity).

Chứng ADHD bao gồm ít nhất 6 triệu chứng về “lơ đãng” hoặc 6 triệu chứng của quá năng động; các triệu chứng này kéo dài trong thời gian ít nhất là 6 tháng, trong nhiều tình cảnh và xuất hiện trước 7 tuổi.

Trẻ em bị ADHD có thể vào nhóm “lơ đãng”, nhóm “quá năng động” hoặc nhóm “phức tạp” triệu chứng bao gồm cả hai nhóm kể trên (combined). Trẻ thuộc nhóm “lơ đãng” không gây náo loạn trong lớp học nên thường bị bỏ quên và đặt cho nhãn hiệu “lười biếng” hay “mải chơi” để giải thích việc học hành kém cỏi.

Trạng thái “lơ đãng” (inattentiveness):

– Không chú tâm đến chi tiết, bài làm tại trường học thường có nhiều lỗi do “sơ ý”.

– Khó theo dõi một đề tài hay làm một việc cho xong

– Thường có vẻ lơ đãng trong câu chuyện trực tiếp

– Không theo lời chỉ dẫn trọn vẹn hoặc không hoàn tất bài làm tại trường học, công việc trong sở làm: việc cũng nửa chừng, dang dở không xong.

– Gặp khó khăn trong việc xếp đặt công việc và các hoạt động; hậu quả là luôn bê trễ và thất bại.

– Trốn tránh những công việc đòi hỏi sự chú ý lâu dài, chỉ có thể làm một vài công việc ngắn hạn (task) nhưng không thể hoàn tất một dự án, đòi hỏi sự xếp đặt trật tự nhiều công việc (project).

– Dễ lơ là; đang làm việc a, thấy sự kiện b, sẽ bỏ a mà xoay sang b.

– Thường quên nhớ lãng đãng trong sinh hoạt hàng ngày.

Trạng thái “quá năng động” (hyperactivity):

– Tay chân luôn di động (bẻ ngón tay hoặc rung chân) hoặc xoay trở trong ghế ngồi, không thể ngồi yên một chỗ.

– Thường bỏ chỗ ngồi chạy lăng xăng

– Chạy quanh hoặc leo trèo một cách vô thức

– Không thể chịu được sự yên lặng

– Thường có vẻ như luôn luôn “đang chạy việc”, hành động như thể đang bị điều khiển bởi một bộ máy, nói nhiều quá mức.

chung-lo-dang2
Nguồn Whole Life Health Care

Trạng thái “hành động không suy nghĩ” (impulsivity):

– Vọt miệng trả lời khi câu hỏi chưa chấm dứt

– Không thể chờ đến phiên mình

– Ngắt lời, nói át lời, chen vào câu chuyện của người khác

Những chứng tật có thể tạo ra các triệu chứng tương tự như ADHD mà bác sĩ cần phân biệt để chữa trị đúng mức:

  • Khó khăn trong việc học hỏi hoặc dùng ngôn ngữ
  • Các bệnh tâm thần ảnh hưởng đến tâm tính như hoảng loạn (anxiety hay lo âu vô cớ) hoặc trầm cảm
  • Tuyến giáp trạng hoạt động quá mức (Hyperthyroidism)
  • Chứng kinh phong (Seizure disorders)
  • Hội chứng nghiện rượu trong bụng mẹ (Fetal alcohol syndrome, mẹ nghiện rượu và uống rượu trong khi thai nghén)
  • Sút giảm thị lực hoặc thính lực (nghe hoặc nhìn không rõ)
  • Tourette syndrome
  • Chứng mất ngủ (Sleep disorders)
  • Asperger’s disorder
  • Chứng tự kỷ (Autism)

Các chứng bệnh kể trên có các triệu chứng như ADHD; ngoài ra, trẻ em bị ADHD cũng có thể bị một trong các chứng bệnh này.

Phụ huynh, thân nhân khi nghi ngại rằng con em, người phối ngẫu bị ADHD, cần tìm bác sĩ chuyên khoa, người đã được huấn luyện kỹ lưỡng để chẩn bệnh và chữa trị chính xác.

Chữa trị

Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ đề nghị một số tiêu chuẩn trị liệu sau đây:

– Ðặt rõ mục đích của việc trị liệu

– Dùng khoa trị liệu tâm thần và cả thuốc men khi cần thiết

– Khi việc trị liệu không thấy hiệu quả, hãy duyệt xét lại phần chẩn đoán, tìm kiếm xem có chứng bệnh nào khác ngoài chứng ADHD, và sau cùng chương trình trị liệu có được áp dụng đúng mức hay không.

– Cần theo dõi bệnh trạng theo hệ thống đặt sẵn: mục đích đặt ra, kết quả, phản ứng phụ từ thuốc men… Xin ý kiến và sự quan sát ghi chép từ những người chung quanh, thày cô giáo, cha mẹ và ngay cả đứa trẻ.

ADHD là một chứng bệnh lâu dài, dễ gây chán nản, mệt mỏi cho người thân. Chữa trị ADHD đòi hỏi sự kiên nhẫn và lòng thương yêu.

Cho đến nay, chưa có loại trị liệu hoán đổi (Alternative Medicine) nào kể cả dược thảo, thức ăn phụ, chỉnh xương… được ghi nhận là hiệu quả trong việc chữa trị ADHD.

Việc trị liệu bao gồm tâm thần và thuốc men được công nhận là hiệu quả nhất, các loại thuốc đã được dùng trong việc chữa trị ADHD bao gồm:

– Methylphenidate (Ritalin, Concerta…)

– Dexmethylphenidate (Focalin)

– Amphetamine – dextroamphetamine (Adderall)

Các loại thuốc này bán theo toa bác sĩ và cần được theo dõi thường xuyên. Ngoài ra các kỹ thuật huấn luyện có thể giúp đứa trẻ thay đổi phần nào:

– Giới hạn những kích thích trong môi trường sống, thí dụ: tắt đài truyền thanh, truyền hình khi nói chuyện

– Thảo luận riêng với thày cô giáo

– Ðứa trẻ cần ngủ đủ giấc

– Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng

ADHD trong người lớn

Khi ADHD không được chẩn đoán và chữa trị đúng mức, đứa trẻ khôn lớn và chứng tật này vẫn tiếp diễn dưới hình thức khác, gây khó khăn nhiều hơn trong đời sống. Sau các khó khăn như mất việc làm, hôn nhân tan vỡ …, một người trưởng thành có thể học được cách tiết giảm hoặc tự chế để duy trì công việc làm, nhưng vẫn luôn gặp khó khăn trong đời sống gia đình. Việc “lơ đãng” trở thành nguồn gốc của các trận cãi vã. Thống kê cho thấy khoảng 50% các cuộc hôn nhân khó khăn đến từ 1 người phối ngẫu bị ADHD; người bị ADHD có tỷ lệ ly dị 50% sau khi lập gia đình.

chung-lo-dang1
Nguồn About Dyslexia

Các triệu chứng của ADHD trong hôn nhân:

– Lơ đãng hay quên: quên giờ nấu ăn, quên làm công việc nhà, trễ nải trong việc đón con cái… Người vợ / chồng chịu hậu quả của sự lơ đãng, hay quên nọ và trở thành người duy nhất gánh lấy mọi trách nhiệm trong đời sống gia đình trong khi người bị ADHD trở thành 1 đứa trẻ, vô trách nhiệm và khó tin cậy vào bất cứ việc gì dù không chủ ý.

– Dễ bỏ ngang công việc: Không hoàn tất bất cứ việc gì, lớn hoặc nhỏ; người phối ngẫu bị bỏ lơ và có cảm tưởng bị hắt hủi trong khi người ADHD không hiểu tại sao vợ / chồng nổi giận hoặc cứ nhắc nhở mãi để xong việc.

chung-lo-dang
Nguồn Verywell

Một vài kỹ thuật để giúp người ADHD tập trung vào công việc:

  1. Dùng “flash card” đánh dấu theo thứ tự của mức cần thiết; mỗi việc 1 card. Làm xong việc rồi mới công việc kế tiếp.

Danh sách những việc cần làm (to do list) sẽ là điều rất khó cho kẻ ADHD đi theo, họ không thể theo nên chóng chán và bỏ ngang.

  1. Sự kiên nhẫn và chịu đựng của người phối ngẫu; tiếp tục những công việc nhỏ theo thứ tự, đừng chán ngán, đừng bỏ rơi chương trình trị liệu.

3). Người phối ngẫu của kẻ ADHD cũng cần “counseling”, được hướng dẫn cách duy trì sự hòa thuận và giúp đỡ việc trị liệu.

TLL

* Tài liệu của Mayo Clinic, Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ