Menu Close

Ông chè xanh, ông xe ôm

Vài cái cốc, vài cái bát, vài lạng thuốc lào, một cái điếu cày, một cái thùng đựng rác, một chiếc bàn con, vài chiếc ghế đẩu và một vài người khách đến ngồi uống trà, uống chè mỗi sáng, kéo một ngao thuốc lào, một cuộc chuyện trò nho nhỏ cùng với một khoản tiền kiếm được cũng nho nhỏ… Nhỏ như chính góc ngồi nhỏ nhoi bên vỉa hè cuộc đời của người lính năm cũ ngồi bán nước chè, nước vối!

ong-che-xanh-ong-xe-om3
Ông chè xanh, cựu chiến binh xứ Lạng

Ông hàng chè xanh

Tôi gặp ông trong một buổi sáng tình cờ, sau khi quay những thước phim về Lạng Sơn, ký ức chiến tranh và những người lính sống sót. Và cũng là sau khi tự mở cờ trong lòng bởi nếu như tin rằng trên đất Bắc còn một nơi nào đó mà người ta đối xử với nhau thật tử tế và luôn tỏ ra coi khinh những đồng tiền do người Trung Quốc mang sang thì có lẽ đó là người Lạng Sơn. Nói không ngoa chút nào, người Lạng Sơn sống sát bên hông Trung Quốc, cũng có lắm kẻ chọn nghề buôn hàng, buôn ngoại tệ Trung Quốc ở các cửa khẩu để làm giàu. Nhưng cũng có không ít người khước từ mọi thứ dính đến Trung Quốc. Ông hàng chè xanh và những bạn hàng của ông cũng như ông xe ôm chở tôi đi là một ví dụ.

Lúc tôi và ông Hiền xe ôm ghé đến chỗ ông hàng chè xanh để hỏi thăm về chiến cuộc 1978 – 1988, trong đó đỉnh điểm là ngày 17 tháng 2 năm 1979, khi mà Trung Quốc xua quân càn sang toàn bộ các tỉnh Ðông Bắc và bắn giết trong một ngày lên đến hàng chục ngàn người dân Việt Nam. Lúc đó, ông hàng chè xanh đã mang quân hàm đại úy trong đơn vị tình báo. Dường như với ông, cuộc chiến đã diễn ra từ 1978 và ông biết rõ kẻ bán nước trong vụ này.

ong-che-xanh-ong-xe-om5
Một ngôi nhà còn lại sau chiến tranh 1979 ở thị trấn Na Sầm, Lạng Sơn

“Chỉ huy của tôi kể với tôi là ông Duẩn dặn anh em phải báo động tinh thần chuẩn bị chiến đấu cao nhất vì chắc chắn Trung Quốc sẽ đổ bộ sang Việt Nam. Nhưng có vẻ như cấp dưới đã làm phản cụ”.

“Cấp dưới là ai vậy ông?”.

“Là bao nhiêu người thì tôi không biết. Nhưng rõ ràng, Văn Tiến Dũng lúc đó là quyền Bộ trưởng Bộ quốc phòng, lẽ ra ông ta phải nghe theo lệnh Tổng Bí thư, bởi theo Hiến pháp thì Tổng bí thư là chỉ huy cao nhất trong quân đội. Khi phát động chiến tranh, chỉ có Tổng Bí thư và Chủ tịch nước là có quyền này. Ðằng này, Tổng Bí thư đã ra lệnh chuẩn bị chiến tranh mà Văn Tiến Dũng là hạ cấp độ báo động xuống ở mức 2, cho binh lính về quê ăn Tết, mọi thứ lơ là. Trong khi đó, hầu hết các cố vấn Trung Quốc đã rút về nước trước Tết. Ðến ngày 14 tháng 2, tiếp tục báo động nhưng Văn Tiến Dũng vẫn cho mức báo động 2. Ðến ngày 17 thì quân Trung Quốc đổ bộ sang, quân đội Việt Nam lúc đó tản mát khắp nơi ăn chơi, hoàn toàn không có tinh thần chiến đấu, chính vì vậy mà Trung Quốc dễ dàng tấn công Việt Nam, lấy toàn bộ biên giới phía Bắc trong một ngày. Thậm chí người đồng bào thiểu số còn ra chào đón đoàn quân Trung Quốc, bị chúng nã pháo chết la liệt…”

“Lúc đó ông và đồng đội phản ứng ra sao?”.

“Riêng chỉ huy của tôi báo động miệng với anh em là chuẩn bị có chiến tranh nên phải sẵn sàng chiến đấu. Nhờ vậy mà trung đoàn của tôi là hầu như không có ai chết. Sau này chiến tranh kéo dài đến 1988, có vài người hy sinh nhưng so ra thì may mắn chán. Bởi mình còn sống được để ngồi bán bát nước chè, không bị công an, dân phòng đến quấy nhiễu, không bị xin đểu. Chứ chơi mà chúng nó đến xin đểu nữa thì mới nhục!”.

ong-che-xanh-ong-xe-om4
Cây huyết đào trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ Lạng Sơn

Ông xe ôm gắn với nghĩa trang Lạng Sơn

Lúc này, ông xe ôm đã chở tôi đi viếng nghĩa trang Lạng Sơn, cũng là người thường xuyên đến thắp nhang những người anh binh sĩ đã hy sinh trong chiến cuộc 1979, tên Hiền, chia sẻ thêm: “Chiến tranh không phải chỉ năm 1979 thôi đâu. Như anh đây nè, anh vào quân ngũ năm 1984, đánh mãi đến năm 1988 mới ngưng. Ðánh cho đến khi nó chuyển sang chiếm được Gạc Ma, Trường Sa nó mới chịu ký hòa ước và mình mới thôi chiến đấu”.

“Anh có thể kể thêm về chiến cuộc từ 1980 đến 1988?”.

“1979 nó bị mình kéo quân chủ lực lên đánh lại, nó rút về. Thực ra có hai nguyên nhân để mình bị mất biên giới phía Bắc trong giai đoạn đầu, một là mình bị gián điệp thứ gộc cố tình biến anh em thành xác chết, hai là chiến thuật mà mình chọn lúc đó không còn là chiến thuật kinh điển của Việt Nam mà đánh theo lối Liên Xô, đánh vỗ mặt thay vì đánh bọc sườn. Thằng Trung Quốc dễ dàng phá vỡ trận địa của mình bằng cách đánh bọc lưng, nó vừa đánh phía trước vừa bọc lưng nên quân mình chết nhiều lắm. Sau này, chừng tháng 3 trở đi, quân chủ lực của mình khắp các đơn vị đến tiếp ứng, đánh lại chiến thuật Việt Nam là bọc sườn kết hợp tằm ăn dâu bằng du kích nó mới chịu không nổi mà rút”.

ong-che-xanh-ong-xe-om2
Na Sầm, Lạng Sơn, một trong những chảo lửa chiến tranh Việt – Trung

“Sau 1979, nó đánh mình kiểu gì nữa? Vì nó đã rút quân rồi?”.

“Nó chỉ rút quân về chứ nó đâu có ngừng đánh, hằng ngày, cứ đúng 12 giờ trưa thì nó câu pháo sang mình, Lạng Sơn cũng bị, mà bị nặng nhất là Tràng Ðịnh, Hà Tuyên, Hữu Nghị Quan… Ðặc biệt là Ðồi Dài và Ðồi Chuối ở Hà Giang mỗi ngày nó nện cả ngàn quả pháo, không còn gì cả. Sau 1979, số lượng người dân chết nhiều lắm.Nhiều khi đang đi lấy củi, nghe cái ầm là gia đình đi tìm, đâu còn gì nữa chứ! Con mất cha mẹ, cha mẹ mất con, nhiều trẻ em thành mồ côi, nhiều người già neo đơn… Máu và nước mắt của người Ðông Bắc đã nhuộm đỏ núi rừng Ðông Bắc. Nhiều khi mang cành đào về chưng Tết, anh lại thấy hoa đào bây giờ đỏ hơn đào ngày xưa rất nhiều, không chừng đã có máu anh em trong đó. Vậy là anh kính cẩn vái cành đào, vợ anh tưởng anh điên…” Nói đến đây anh khóc, tôi thực sự xúc động và thấy lúc này, anh đáng yêu và dễ thương như một đứa trẻ mất người thân, cần sự chia sẻ. Mà tôi thì chỉ biết gọi thêm cho anh một cốc trà và mời thêm anh điếu thuốc.

ong-che-xanh-ong-xe-om1
Nơi thờ các tử sĩ chiến tranh 1979 ở Lạng Sơn

“Anh được mấy cháu và gia đình anh có đủ sống?”.

“Anh đã có cháu nội, cháu ngoại rồi. Con anh lấy chồng, lấy vợ năm 17, 18 tuổi cơ. Chúng nó cũng không được học hành tử tế, vì mình khổ quá. Năm nay tuổi anh cũng già mà mới sắm được con xe gắn máy này để chạy xe ôm. Trong khi đó nghề xe ôm bây giờ sắp vãn. Cuộc đời là vậy em à. Mình may mắn hơn anh em là vẫn còn sống để tiếp tục sinh con đẻ cái, để ngồi uống bát chè mà nói chuyện với một người sinh sau đẻ muộn như em. Như vậy là hạnh phúc rồi. Ðời mà em!”.

Mấy chữ cuối “đời mà em” của anh Hiền làm tôi muốn nghẹn thở. Tạm biệt ông chè xanh mà tôi không tài nào hỏi được ông tên gì bởi ông quyết không nói tên nhưng lại sẵn sàng chia sẻ thông tin và cho tôi quay phim, chụp hình, đăng tin. Ông giải thích không phải vì ông sợ nêu tên mà có hàng vạn đồng đội của ông đã mất tên nên ông chẳng muốn giữ cái tên để làm gì. Tôi và anh Hiền lại lang thang.

ong-che-xanh-ong-xe-om
Một ngôi nhà còn lại sau chiến tranh ở thành phố Lạng Sơn

Ðưa tôi về khách sạn, anh Hiền chỉ lấy đúng 50 ngàn đồng tiền xe ôm. Tôi gửi thêm anh 500 ngàn, anh quyết không lấy. Vậy là tôi hẹn chiều đi tiếp đến vùng xa hơn và yêu cầu đặt tiền trước bằng 200 ngàn đồng, nếu anh không nhận tôi sẽ đi taxi. Anh nhận. Chiều hôm đó tôi khóa máy điện thoại. Sáng hôm sau, về đến Hà Nội, mở máy, tôi nhận được tin nhắn của anh: “Thằng điên, mày lừa anh đấy à? Thôi cho anh cám ơn nhé, ra Lạng Sơn nhớ gọi anh chở!” Lần đầu tiên tôi thấy yêu mến người mắng mình đến vậy, chẳng hiểu vì sao?!

HL