Menu Close

Bản đồ

Vì sao bản đồ lấy hướng bắc làm chuẩn?

Các bản đồ đầu tiên được phát hiện là những nét khắc lên vách hang động hồi 14 ngàn năm trước.

Ở mỗi nền văn hoá khác nhau, con người đã vẽ bản đồ lên bàn đá, lên lá cói, lên giấy và nay là trên những màn hình máy tính.

Với lịch sử vẽ bản đồ dài lâu như vậy, có lẽ ta sẽ ngạc nhiên khi biết rằng chỉ mới vài trăm năm nay hướng bắc mới được thường xuyên chọn làm hướng phía trên của bản đồ.

Hướng bắc hiếm khi được đưa lên vì người xưa quan niệm là nơi bóng tối xuất hiện, còn hướng tây là hướng mặt trời đi mất.

Bản đồ cổ Babylon cách nay 2,500 năm
Bản đồ cổ Babylon cách nay 2,500 năm

Hướng nào quan trọng nhất?

Tuy rằng hướng Nam được coi là nơi gió thổi đến, là hướng lành, nhưng trong các bản đồ Trung Quốc, các vị hoàng đế sống ở miền bắc đất nước nên hướng này luôn được đặt ở phía trên của bản đồ, còn những kẻ bầy tôi thì từ phía dưới ngước nhìn lên.

Trong thời Ai Cập cổ đại, phần đỉnh của thế giới là hướng Đông, nơi mặt trời mọc.

Các bản đồ Hồi giáo thời đầu đặt hướng Nam lên trên, vì hầu hết các nền văn hoá Hồi giáo thời đầu đều nằm về phía bắc của thánh địa Mecca.

Còn các bản đồ Thiên chúa giáo trong cùng kỷ nguyên này thì đặt hướng đông ở trên, hướng về Vườn Địa đàng và đặt Jerusalem vào chính giữa.

Bản đồ Hồi giáo thời đầu đặt hướng Nam lên trên
Bản đồ Hồi giáo thời đầu đặt hướng Nam lên trên

Quy chuẩn đầu tiên

Bản đồ thế giới của Mercator, có từ năm 1569, gần như chắc chắn là thời điểm xác định việc chọn hướng bắc làm hướng chuẩn để vẽ bản đồ, chỉ đơn thuần là vì người châu Âu khi đó chủ yếu thám hiểm ở phần phía bắc bán cầu, nơi nhiều đất đông dân hơn so với phần phía nam.

Còn một cách suy nghĩ mang đầy tính thành kiến là hầu hết mọi người đều cho rằng Bắc có nghĩa là ‘lên’ còn Nam có nghĩa là ‘xuống’, mà ‘lên’ cũng đồng nghĩa với ‘tốt’.

Bản đồ Mercator năm 1569
Bản đồ Mercator năm 1569