Năm 2017 này, thế giới kỷ niệm 40 năm kể từ lần đầu tiên một khối vuông nhiều sắc màu được bán ra cho trẻ nhỏ tại một tiệm đồ chơi ở thủ đô Budapest của Hungary, để rồi trở thành cơn sốt lan tràn khắp ngõ ngách thế giới vào những năm đầu thập niên 80. Vâng, đó là khối lập phương Rubik mang đầy sắc màu kỷ niệm với không ít người. Tuổi thơ đã đi qua, những cô cậu bé từng một thời mê mẩn, tranh tài với khối xoay xanh đỏ ngày nào, liệu có còn nhớ đến nó?
Những năm sau 75, đời sống của những đứa trẻ mới lớn như chúng tôi không chỉ ngày ngày cặp sách đến trường, mà còn phụ cha mẹ đủ công việc của một thời khốn khó sau chiến tranh. Có lẽ người dân Sài Gòn hay khắp cả miền Nam Việt Nam chưa bao giờ nghĩ đến việc mỗi sáng thức dậy, mình lại mang bao đi lãnh bánh mì hay xếp hàng nhận bo bo, khoai mì theo chế độ tem phiếu xa lạ. Người lớn tất tả mưu sinh, nên còn lại là những công việc của lũ nhỏ chúng tôi: mua gạo, lãnh bột mì, xếp hàng mua nhu yếu phẩm… Những đứa trẻ mới lớn bây giờ ắt chẳng thể nào tưởng tượng một cục xà bông nội địa mùi sả ngày đó quý giá và phải được chia phần hàng tháng ra sao. Chẳng biết có phải vô tâm với biết bao biến động, từ những cuộc đổi tiền, những cuộc “đánh tư sản”, những chiến sự về cuộc chiến với Kam-pu-chia rồi Trung Cộng, những cuộc vượt biên của những người thân quen…, hoặc mình cũng chẳng biết phải làm gì hơn, vậy nên lũ trẻ chúng tôi vẫn hồn nhiên lớn, vẫn tìm vui trong những điều nhỏ nhoi có thể. Giữa một thời nhọc nhằn. Của chẳng riêng ai.

Lũ tôi cũng đá banh, tạt lon. Hết sưu tập các hình cầu thủ của những giải túc cầu thế giới Argentina 78, Espana 82, đến lẻn đi xem các ban nhạc sống “ca khúc chính trị” hát những bài hát tuyên truyền hay nhạc ngoại quốc… Liên Xô lời Việt. Và rồi Rubik đến Việt Nam, nghe bảo từ nước xã hội chủ nghĩa “anh em” Hungary xa xôi. Tôi không còn nhớ mình đã có khối Rubik đầu tiên bao giờ, nhưng nó cũng là một trong những thú vui và kỷ niệm như vậy cho lũ trẻ chúng tôi ngày đó. Sự hào hứng chắc cũng kéo dài đâu được một đôi năm. Chẳng ai dạy, cứ mày mò chỉ lẫn nhau, mỗi đứa cầm khối Rubik xoay xoay, ngắm nghía, rồi lại xoay tới xoay lui. Một mặt, một tầng, tầng thứ hai, rồi ra xoay được cả khối. Tốn bộn thời gian mới giải được. Ðọc tin tức báo chí, lại càng hào hứng hơn khi biết cuộc thi Rubik thế giới đầu tiên được tổ chức ngay quốc gia nó ra đời năm 1982, thì người vô địch là một thiếu niên Việt Nam sống tại Mỹ. Minh Thái là một học sinh tại California, ắt cũng trạc tuổi chúng tôi, đã giành ngôi quán quân đầu tiên trong làng Rubik thế giới, giải Rubik gần 23 giây. Thua xa… con trai tôi bây giờ, thằng bé xoay chỉ mất dưới 20 giây sau vài tháng mày mò, tự học qua youtube. Nhưng đó cũng là một tốc độ đã trở thành … bét hạng thế giới nếu đi tranh tài, vì kỷ lục thế giới hiện nay chỉ còn dưới 5 giây. Chính xác và mới nhất là chỉ có 4.73 giây, do một thanh niên người Úc 21 tuổi là Feliks Zemdegs lập kỷ lục hồi năm trước. Tôi không hiểu làm sao người ta có thể xoay trọn khối Rubik với chỉ vài giây như vậy. Té ra gần 40 năm trôi qua, những thế hệ thanh thiếu niên khắp thế giới vẫn còn mê mẩn với trò chơi Rubik này.

Năm 1974, chàng giáo sư kiến trúc 29 tuổi Erno Rubik tại đại học Budapest đã sáng chế ra khối Rubik, sử dụng như một học cụ giảng dạy cho sinh viên về kết cấu và liên hệ trong hình học không gian, môn học căn bản và quan trọng cho các sinh viên kiến trúc, xây dựng, cơ khí… Rubik thoạt đầu đặt tên cho nó là “Lập Phương Ma Thuật” (Magic Cube), không hề nghĩ rằng nó sẽ trở thành một trong những món đồ chơi trẻ em nổi tiếng và bán chạy nhất khắp thế giới vài năm sau. Khối lập phương Rubik có ba tầng (3×3), sáu mặt (sáu màu), mỗi mặt có chín ô vuông, có thể xoay quanh một tâm trục. Với sự kết hợp vị trí và màu sắc, khối Rubik có thể có đến hàng tỉ tỉ (hơn 43 tỉ tỉ – 18 số 0) cách sắp xếp hoán vị khác nhau. Khối Rubik nhanh chóng được giới sinh viên học sinh Hungary thích thú do tính giải trí nhưng đầy tính chất học thuật và trí tuệ của nó. Giới kinh doanh nhạy bén, sớm nhận ngay ra thứ trò chơi mới lạ này có thể kiếm được bộn tiền nên hai năm sau, “Magic Cube” được đổi tên thành “Rubik Cube”, mang tên chính người sáng chế ra nó để đi ra thế giới. Nhưng đường đi của nó ly kỳ hơn và không dễ dàng như vừa nói. Bởi Hungary lúc bấy giờ vẫn là một quốc gia cộng sản, còn khép kín và mọi giao dịch thương mại với phương Tây đều bị kiểm soát chặt chẽ. Rubik ra thế giới một phần nhờ các nhà toán học Hungary đã mang đến với các hội nghị toán học thế giới, rồi những thương gia Hungary lưu vong tình cờ biết được và giới thiệu nó đến các hãng chế tạo đồ chơi phương Tây để liên lạc ngược lại với cha đẻ của nó, dàn xếp tìm người đại diện ký giao kèo. Nhờ vậy Rubik lên ngôi, đưa chàng giáo sư đại học nghèo trở thành người triệu phú tự lập đầu tiên trong khối các quốc gia cộng sản. Chỉ trong vòng hai năm đầu thập niên 80 đến Mỹ, hơn một trăm triệu khối Rubik đã được bán ra cho thanh thiếu niên Mỹ, trở thành món đồ chơi bán chạy nhất lúc bấy giờ. Và có lẽ đó cũng là thời điểm mà khối Rubik về đến Việt Nam, đến tay lũ trẻ chúng tôi như đã kể.

Qua bao thập niên, khối Rubik cũng vẫn như xưa, chỉ được chế tạo tốt hơn để các em có thể xoay nhanh hơn mà không bị sút khớp. Có thêm các khối lập phương 4, 5, 6, 7 ô vuông (4×4, 5×5, 6×6, 7×7) thay vì chỉ các khối tiêu chuẩn 3×3 ban đầu, thậm chí mới nhất có cả khối 11×11. Hay cả các Rubik hình cầu, tam giác, ngũ giác, đa diện… Không biết bao nhiêu bằng sáng chế đã được cầu chứng khắp thế giới từ món đồ chơi này. Cho đến bây giờ, hàng năm vẫn có vô số các cuộc tranh tài địa phương, quốc gia cho đến thế giới được tổ chức, thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham dự. Không phải các cuộc thi xoay tốc độ thông thường mà còn có các cuộc thi xoay một tay, xoay bằng chân, xoay dưới nước. Nhưng khó lòng tưởng tượng hơn là có cả những cuộc thi xoay Rubik bịt mắt. Vâng, bịt mắt. Những thí sinh này phải có trí nhớ siêu phàm, khi chỉ có khoảng 10 hay 15 giây để xem xét khối Rubik trước khi được bịt mắt lại và giải theo trí nhớ của mình. Hay theo phương pháp đặc biệt nào đó mà tôi chẳng biết.

Thú thật tôi cũng đã quên mất đi khối Rubik đầy màu sắc của một thời như vậy, cho đến khi con trai tôi cách nào đó vô tình bắt gặp và mê với trò chơi này gần năm nay. Tôi chẳng còn nhớ cách giải Rubik trọn vẹn để chỉ cho cậu bé, ngoài việc đặt mua những khối Rubik của các tay chơi chuyên nghiệp cho con. Còn lại thì những đứa bé của thời đại thông tin này đã có Google và YouTube là vũ khí lợi hại trong tay, để tra tìm thứ mình cần. Vài tuần có khối Rubik trong tay, cậu bé đã biết cách giải. Và bắt đầu tự mày mò các thuật toán của Rubik để xoay giải cho nhanh. Từ vài phút để giải, cậu bé rút ngắn chỉ còn dưới 20 giây. Rồi chàng tự mình tìm kiếm các thể thức thi đấu cùng các cuộc tranh tài đó đây, phấn khích nhờ tôi ghi tên tham gia cuộc thi Rubik đầu tiên của mình. Hồi tuần trước, tôi chở cậu bé tham dự cuộc thi Rubik do Liên Ðoàn Rubik Thế Giới (World Cube Association) tổ chức tại Dallas. Ðó là liên đoàn đã tổ chức cuộc thi thế giới đầu tiên như đã nhắc bên trên. Trọn một ngày cuối tuần. Thật vui. Khi nhìn những cô cậu bé từ khắp nơi đổ về hào hứng tranh tài với nhau. Hầu hết là những em khoảng mười lăm, mười sáu trở lại . Nhưng có cả dăm “thí sinh nhí”, ắt cũng tuổi trung niên như tôi cũng đến so tài. Và cầm chắc cái… thua trước những cậu bé lên mười.
Trên đường về, con trai tôi cứ liên tục cảm ơn “daddy” vài lần. Ắt đã vui và phấn khích lắm. Mục tiêu của chàng ta là thi thử cho biết và đừng để bị xếp vào nhóm “top ten”… chót bảng. Nhưng cuối cùng lại xếp hạng 31 cho lần tranh tài đầu tiên với gần 100 cao thủ trong vùng. Không cao mà cũng chẳng tệ. Tôi biết chàng ta đang đặt cho mình một mục tiêu mới ở những cuộc thi sau, khi ngày nào cũng cầm khối Rubik và chiếc iPad để học những cách giải mới kể từ sau cuộc thi. Còn với tôi, mục tiêu duy nhất của một người cha như bất cứ người cha nào khác, thì chỉ mong con mình có những niềm vui nho nhỏ như vậy. Và dăm kỷ niệm tuổi thơ sẽ còn sót lại. Ðể năm tháng có qua đi, Rubik hay bất cứ sắc màu tuổi thơ nào đó cũng sẽ còn lại đâu đó trong những ngăn ký ức của mình.
ÐYT – Dallas 02/2017