Xin bác sĩ cho biết cảm lạnh và cúm có cần đến kháng sinh không?
Đáp
Cảm Lạnh và Cúm đều do virus gây ra.
Cảm Lạnh Common Cold là bệnh cấp tính do siêu vi thuộc nhóm rhinovirus, tác hại trên mũi, xoang mặt, cuống họng, thanh quản, đôi khi xuống tới cuống phổi. Bệnh này chưa có thuốc chủng ngừa.
Còn Cúm do virus Influenza A và B gây ra. Siêu vi này thay đổi cấu trúc mỗi năm do đó sự trầm trọng của bệnh cũng thay đổi. Nhưng Cúm có thể ngăn chặn lây lan được bằng chủng ngừa trước mùa cúm khoảng một tháng. Ðọc xong bài này, xin mời quý thân hữu đi chích ngừa ngay cho kịp. Vì ở các xứ lạnh, Cúm đến vào mùa Ðông, từ tháng 11 trở đi tới tháng Hai tháng Ba. Còn ở xứ nóng thì cúm xảy ra hầu như quanh năm.
Kháng sinh không tiêu diệt được virus. Bị cảm lạnh, cúm mà dùng kháng sinh chẳng những tốn tiền vô ích, không chữa được bệnh, không ngăn ngừa sự lan truyền bệnh sang người khác, không làm mình cảm thấy khỏe hơn. Trái lại còn đưa tới nhiều ảnh hưởng xấu như nhờn thuốc, tốn tiền, phí phạm dược phẩm.
Thường thường cảm lạnh , cúm tự lành sau khi bệnh đã hoàn tất chu kỳ là hai ba tuần lễ. Ðiều trị bao gồm sự hỗ trợ như uống nhiều chất lỏng (Nước lã tinh khiết, nước trái cây, nước súp) để tránh khô nước; hít thở trong máy phun hơi hoặc nhỏ mấy giọt nước pha muối vào mũi nhiều lần trong ngày; làm dịu đau cuống họng với ngậm vài viên nước đá cục, súc miệng với dung dịch diệt trùng.
Ho là phản ứng tự nhiên của cơ thể để đẩy nước tiết ra khỏi phổi nên cũng chẳng cần quan tâm. Nhưng nếu ho nhiều đến đau ngực, rát họng, mệt mỏi thì uống mấy thìa thuốc giảm ho. Chỉ khi nào có dấu hiệu bội nhiễm vi khuẩn như sưng phổi mới cần đến kháng sinh. Mà khi bác sĩ cho toa thì uống đủ ngày, đúng liều lượng đã ghi trong toa thuốc, chứ đừng thấy bớt là ngưng, để dành thuốc cho kỳ sau.
Riêng Cúm thì bác sĩ có thể cho mấy loại thuốc như Tamiflu, Relenza, Amantadine, Rimantadine …
Rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc quá gần với người bệnh là những phương thức rất hữu hiệu để ngăn ngừa sự lan truyền bệnh gây ra do virus.
Hóa chất trong thực phẩm
Em 28 tuổi, giới tính Nam. Em xin trình bày vấn đề sau:
Ở VN hiện nay tất cả các loại thực phẩm đều có chứa độc tố: hàn the, Formol, ure, thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, và cả dioxin nữa…
Thật là kinh khủng phải ăn những thứ này, nhưng em chẳng biết làm sao để tránh. Em thường ngộ độc sau khi ăn, triệu chứng là: tê đầu lưỡi mất cảm giác, nhức đầu, miệng khô, mệt mỏi, và mất khả năng tập trung.
Em phải chịu đựng các triệu chứng này thường xuyên, phải chăng Gan của em bị yếu? Vì người khác không bị như vậy. Chỉ những khi về quê, ăn những món cây nhà lá vườn thì mới không bị như thế.
Bác sĩ chỉ em loại thuốc nào hóa giải những độc tố hoặc giảm bớt độc tính? Trương Trọng Thủy
Đáp
Thân gửi cậu Thủy, hóa chất trong thực phẩm hiện nay là vấn nạn của nhiều quốc gia, ngay cả ở bên Mỹ, chứ không riêng gì bên VN. Nhưng một điều rất đau lòng là tệ nạn này lại đặc biệt quá phổ biến tại bên nhà vì có quá nhiều người vì lợi nhuận cá nhân đã quá lạm dụng các chất như thuốc diệt trừ sâu bọ, phân bón hóa chất, thuốc làm cho rau trái cũng như súc vật mau lớn, nặng cân. Thêm vào đó lại tràn ngập những thực phẩm nhập cảng một cách công khai từ nước láng giềng Trung Quốc cũng là nguồn gốc của các thực phẩm gây hại cho sức khỏe.
Thành ra người tiêu thụ phải sáng suốt để chọn lựa món nào mà mình cho là ít hóa chất qua tìm hiểu nơi sản xuất.
Bên VN vẫn còn dùng nhiều hàn the, thạch cao, formol cho vào các món ăn cho giòn, dai.., đều rất nguy hại; lại còn cách thức chế biến thực phẩm quá cẩu thả. Mấy ngày nay chắc em có nghe về vụ Tương Chinsuï
Các dấu hiệu của em, tôi nghĩ là do nhà hàng họ dùng nhiều bột ngọt cho nên em thấy khó chịu như vậy, mà khi về quê ăn món ăn do bố mẹ nấu thì lại không sao. Vì rau, gà vịt ở nhà không có hóa chất cho mau lớn, món ăn nấu có ít bột ngọt.
Chuyện cần làm là hướng dẫn cho dân chúng ý thức được những nguy hại của hóa chất để họ dùng đúng cách trong trồng trọt, chăn nuôi.
Về phần em thì tôi chỉ biết đề nghị là cẩn thận hơn trong dinh dưỡng, lựa tiệm mà mình tin tưởng được. Không có thuốc nào để giải độc lẫn trong thực phẩm bằng cách không dùng. Chúc em nhiều sức khỏe.
Ho lâu
Cháu có Bà Ngoại năm nay đã 72 tuổi bị ho đã lâu, nghẹt mũi, hắt hơi, họng ngứa, lúc nào cũng có đàm nhớt, đặc biệt thường ho nhiều hơn vào ban đêm. Bà của cháu đã đi khám tai_mũi_họng ở nhiều nơi, và cũng đã thử đàm, suyễn, chụp Xquang Phổi nhưng cũng không phát hiện được gì. Mỗi lần các Bác Sĩ cho thuốc về nhà uống thì bệnh chỉ thuyên giảm được một vài hôm lại y như trước. Cháu rất muốn biết là Bà của cháu bị bệnh gì và nếu muốn chữa trị thì có thể chữa ở đâu. Cháu cám ơn Bác Sĩ rất nhiều!
Đáp
Chào cháu. Bà cháu đã đi khám bệnh, chụp X quang, khám tai mũi họng mà không tìm ra bệnh gì cả, thì bác nghĩ là ho đó là do thay đổi của thời tiết hoặc do vài dị ứng nào đó.
Cũng nên nhắc lại là Ho là phản ứng để tống xuất các chất lạ đọng trong ống phổi, nhưng ho nhiều ban đêm thì lại gây khó ngủ, rát cuống họng và tức ngực.
Ðề nghị cháu mua vài loại thuốc ho như sirô Pectol, Artex cho bà cháu uống vào buổi tối; hoặc nấu cách thủy gừng, vỏ quất với mật ong rồi ngậm cho thông đàm. Nên uống nhiều nước để long đàm; và nói với bà cháu nằm ngủ gối hơi cao một chút.
Cháu có thể tới bất cứ bệnh viện đa khoa nào có bác sĩ tận tâm thì cũng chữa được bệnh của bà cháu. Vì cháu không cho biết ở đâu nên không cụ thể chỉ cho cháu nơi nào được.
Chúc bà cháu mau lành bệnh và cháu mạnh khỏe.
NYD