Menu Close

Chiếc bánh may mắn

Mỗi lần ghé quán ăn Tàu, tại Hoa Kỳ và tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, món cuối đi cùng với tờ hóa đơn tính tiền là một vài chiếc “bánh may mắn”, Dế Mèn dịch tạm từ chữ “fortune cookie”

Bánh may mắn là bánh gì và nguồn gốc từ đâu Dế Mèn chưa hề nghe nói đến khi còn sống ở quê nhà, người láng giềng Trung Hoa kềnh càng ở ngay bên cạnh cả mấy ngàn năm mà chuyện chiếc bánh may mắn kia chẳng có ai nhắc đến? Bánh nướng, bánh dẻo, bánh bò, bánh tiêu… thập cẩm những món bánh, sao lại thiếu bánh “may mắn”?

Bánh may mắn là một chiếc bánh hình bán nguyệt bẻ gập ở giữa, giòn, ngọt và có mùi vani, bên trong gói một tờ giấy nhỏ in câu ngụ ngôn, danh ngôn nào đó. Ðại loại… ở hiền gặp lành…, năng chào thời quen… và cả một dãy con số mà đã có người dùng để mua vé số và trúng xổ số!

Tối hôm nọ, trong bữa ăn với một vài người bạn từ Âu Châu, mấy chiếc bánh may mắn kia cũng xuất hiện cùng với một đĩa cam tươi cắt miếng. Thế là đám bạn bè xoay ra bàn cãi về chiếc bánh may mắn, rồi họ “googling” tìm kiếm bằng mấy chiếc Blackberry ngay tại bàn ăn rồi đùa giỡn ỏm tỏi. Câu chuyện theo Dế Mèn về nhà, rồi tò mò tìm kiếm, bây giờ mách lại với bạn…

chiec-banh-may-man1

Người Trung Hoa nhận bánh may mắn là của họ, và kể lể rằng vào thế kỷ thứ 13 & 14, khi tổ nghiệp nhà Minh Chu Nguyên Chương liên kết với các nhóm quân đội trong cuộc chiến tranh chống lại nhà Nguyên (Mông Cổ), đã bỏ những tín hiệu vào bánh nướng, một hình thức truyền tin kín đáo. Nghĩa là việc bỏ một mảnh giấy vào chiếc bánh là chuyện năm xưa do tổ tiên người Trung Hoa nghĩ ra. Từ đó trong những dịp lễ Tết đặc biệt, người Trung Hoa cũng bỏ những lời chúc tụng vào bánh trái. Tục lệ này theo chân những di dân Trung Hoa đầu tiên đến Hoa Kỳ để làm đường rầy xe lửa, những người dân công có tên là the “Chinese 49’ers” của đầu thế kỷ thứ 19. Không có bánh nướng, những di dân kia đã chế ra bánh ngọt, cũng có những mảnh giấy bên trong… Giả thuyết này coi bộ không xuôi chút nào, di dân thủa ấy nghèo xác xơ, lấy chi mà mày mò làm bánh, in giấy rồi gói vào bánh, vừa nhiêu khê vừa tốn kém, suốt ngày quần quật sức đâu nghĩ chuyện xa vời? Dế Mèn đoán như thế nên hổng tin!

Giả thuyết thứ nhì cũng do người Trung Hoa chế biến. Họ nói rằng ông David Jung, chủ nhân của xưởng the Hong Kong Noodle Company tại Los Angeles đã biến chế chiếc bánh may mắn đầu tiên năm 1918. Thấy những người nghèo đói quanh quẩn trước xưởng nhà, ông Jung kia chế ra những chiếc bánh gói bên trong là những câu nói an ủi do một mục sư nhánh Presbyterian viết hộ, rồi đem cho những người nghèo đói kia; nghĩa là vừa đỡ đói bụng vừa đỡ đói (tấm) lòng.

Người Nhật Bản lại bảo rằng bánh may mắn do một người Hoa Kỳ gốc Nhật biến chế: Ông Makoto Hagiwara, một nhân công tại Japanese Tea Garden trong công viên Golden Gate ở San Francisco. Ông Hagiwara bị đuổi việc một cách bất công, sau đó được vị thị trưởng tân nhiệm mướn lại. Ðể tỏ lòng tri ân bạn bè, những người đã giúp đỡ và an ủi lúc thất thế, ông Hagiwara chế ra chiếc bánh và bỏ một miếng giấy để chữ “cám ơn” bên trong rồi đem biếu bạn bè (năm 1914). Chiếc bánh may mắn Hagiwara được đem trưng bày trong cuộc triển lãm the Panaman-Pacific Exhibition, trong Hội Chợ Thế Giới tại San Francisco năm 1915.

Ðến đây thì ta có hai phe, phe Los Angeles và phe San Francisco, họ cãi nhau ỏm tỏi và nhờ một vị Chánh Án phân xử trong một phiên tòa không chính thức (quasi-legal process), Historical Review, tại San Francisco năm 1983. Vị quan tòa xử phần thắng về phe Nhật Bản. Phe Trung Hoa phụng phịu ra về, bĩu môi chê trách phiên tòa và cả vị quan tòa!

Khi đọc xong những chi tiết này thì Dế Mèn nhận ra một điều, dù chiếc bánh may mắn kia do người Mỹ gốc Nhật Bản hay gốc Trung Hoa chế biến, chiếc bánh xuất phát từ Hoa Kỳ! Vừa hớn hở chuyển mấy bản tin kia cho bạn bè qua điện thư thì nhận được thư M. Anh chàng gửi lại cho Dế Mèn mấy tấm ảnh kèm thêm một hàng chữ “bánh may mắn xuất phát từ Kyoto” và cả một mớ tài liệu liên hệ!

Như thế này, bạn ạ! Năm 1994, cô Yasuko Nakamachi xuất bản cả một cuốn sách viết về chiếc bánh may mắn và nguồn gốc của nó! Cô này đã tiêu xài 6 năm ròng rã để tìm kiếm, loại bỏ cũng như xác nhận các giả thuyết về chiếc bánh kia từ khi còn là sinh viên ban Cao Học về Lịch Sử tại Ðại Học Kanagawa. Tác giả trưng ra nhiều bằng cớ chứng minh lập luận của mình. Bằng cớ lâu đời nhất là bức tranh vẽ Moshiogusa Kinsei Kidan trong một cuốn truyện xuất bản từ năm 1878. Cuốn truyện này kể chuyện học việc từ một tiệm làm bánh hay “senbei”. Người Nhật Bản gọi các loại bánh giòn giòn là “senbei”, và chiếc bánh may mắn được gọi là “tsujiura senbei”, “omikuji senbei” hoặc “suzu senbei”. Bức tranh vẽ hình người học việc đứng trước khuôn bánh nướng trên lò than, những khuôn bánh vẫn còn được sử dụng tại các lò bánh ở Kyoto cho đến bây giờ; lò bánh Hogyokudo vẫn nướng và bán những chiếc bánh tương tự. Những chiếc “tsujiura senbei”có hình dạng chiếc bánh may mắn mà ta thấy ngày nay!

chiec-banh-may-man
Bức tranh vẽ Moshiogusa Kinsei Kidan, năm 1878 – nguồn wikiwand.com/ja

Như thế giả thuyết do cô Nakamachi trưng ra là hợp lý hơn cả, vừa có hình ảnh vừa có tài liệu cổ xưa để chứng minh. Chiếc bánh may mắn kia có nguồn gốc từ Kyoto, Nhật Bản và có thể ông cụ Hagiwara chế biến theo lối cổ truyền vào những năm đầu thế kỷ thứ 20 tại Hoa Kỳ? Mấy chú Ba thì chắc thấy hay mắt nên nhận vơ và kiếm bộn bạc qua việc thương mại? Còn Dế Mèn thì hoan hô tác giả Nakamachi tìm kiếm đến nơi đến chốn để Dế Mèn và bạn bè không còn thắc mắc ỏm tỏi bàn luận nữa.

Xin mời bạn một chiếc bánh may mắn và chúc bạn một năm mới may mắn, an vui!

TLL