Menu Close

Hollywood sản xuất ở Trung Quốc

“The Great Wall” (Legendary Pictures sản xuất và Universal Pictures phát hành cuối tháng 12-2016) là ví dụ rõ nhất về sự hợp tác giữa Hollywood và điện ảnh Trung Quốc. Đây là dự án phim tốn kém nhất quay hoàn toàn ở Hoa lục và nó cho thấy không chỉ khuynh hướng sản xuất điện ảnh của Hollywood, mà còn cho thấy sẽ có ảnh hưởng nhất định nào đó đến cảm thụ điện ảnh một khi Hollywood tăng mạnh làn sóng “made in China” để thâm nhập thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới này…

hollywood-san-xuat-o-trung-quoc

“The Great Wall” là bộ phim có nhiều cái “đầu tiên” của Trương Nghệ Mưu: phim tiếng Anh đầu tiên, phim 3D đầu tiên và đây là lần đầu tiên Trương làm đạo diễn một phim có dàn diễn viên quốc tế (Matt Damon, Willem Dafoe, Lưu Ðức Hoa, Cảnh Ðiềm…). Những dự án hợp tác như “The Great Wall” có thể giúp Hollywood dễ tiếp cận thị trường khổng lồ Trung Quốc mà hạn ngạch quy định chỉ được phép nhập 34 phim nước ngoài mỗi năm (hạn ngạch này hết hạn trong năm nay). Trong thực tế, một số dự án phim đã được sản xuất gần như bằng tiền Trung Quốc. “Mission: Impossible – Rogue Nation” (2015) có vốn đầu tư của Alibaba; và China Film Group cũng có quan hệ với một nhà đầu tư bỏ tiền làm “Furious 7”.

Năm 2015, tập đoàn giải trí Trung Quốc LeTV mở văn phòng ở Los Angeles và hãng Huayi Bros của Trung Quốc cũng ký hợp đồng với hãng Mỹ STX để đồng sản xuất và phân phối 12-15 phim. Ðầu năm 2016, tập đoàn Ðại Liên Vạn Ðạt (Dalian Wanda) đã mua hãng Mỹ Legendary Pictures, trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên sở hữu một studio Hollywood. Wanda hiện kiểm soát chuỗi rạp lớn thứ hai tại Mỹ (AMC Entertainment Holdings); và họ cũng mua một khu đất rộng tại Beverly Hills để dựng một phim trường 1.2 tỷ USD; chưa kể việc “đóng góp” 20 triệu USD cho một viện bảo tàng đang được xây tại Los Angeles bởi Viện hàn lâm khoa học điện ảnh Hoa Kỳ (nơi trao Oscar), trong đó có một phòng triển lãm lịch sử điện ảnh được đặt tên “Wanda”! Ôm tham vọng kiểm soát 20% thị trường điện ảnh toàn cầu trước năm 2020, ông chủ Wanda đang đàm phán mua cổ phần Lionsgate và Metro-Goldwyn-Mayer.

Chưa hết, Hunan TV cũng đầu tư 375 triệu USD vào Lionsgate; trong khi tập đoàn bất động sản Fosun bỏ 200 triệu USD vào hãng sản xuất Studio 8 mới toanh của Jeff Robinov. Cách đây không lâu, Warner Bros tuyên bố hợp tác với China Media Capital (quỹ đầu tư được nhà nước Trung Quốc “chống lưng”) để thành lập Flagship Entertainment…  Ngoài việc liên doanh đầu tư, Hollywood cũng có khuynh hướng sử dụng diễn viên Trung Quốc và dựng kịch bản theo khẩu vị Trung Quốc. Không phải tự nhiên mà “Rogue One: A Star Wars Story” (2016) có mặt Chân Tử Ðan (Donnie Yen) và Khương Văn (Jiang Wen); hay “Warcraft” có mặt Ngô Ngạn Tổ (Daniel Wu)…

hollywood-san-xuat-o-trung-quoc1
Chân Tử Đan (Donnie Yen) trong “Rogue One: A Star Wars Story” ảnh: Lucasfilm/ILM

Trong khi Hollywood xem việc hợp tác Trung Quốc như một cách kinh doanh thì Trung Quốc lại muốn sử dụng Hollywood để xây dựng và quảng bá quyền lực mềm. Thành Long từng nói: “Thành công của điện ảnh Trung Quốc đang khiến người Mỹ sợ hãi. Nếu chúng ta sản xuất được một bộ phim thu được 1.3 tỷ USD thì mọi người trên khắp thế giới sẽ học tiếng Hoa thay vì tiếng Anh”!

Thực tế không dễ. Dù liên kết sâu thế nào và chấp nhận thay đổi kịch bản theo yêu cầu của “tuyên giáo” Bắc Kinh thì Hollywood cũng không thể trở thành công cụ tuyên truyền của Trung Quốc. Sẽ không có sản phẩm blockbuster hợp tác nào được sản xuất bằng Hoa ngữ chạy phụ đề tiếng Anh dành cho thị trường toàn cầu. “The Great Wall” đã được cứu bởi người hùng da trắng (Matt Damon). Cần thấy rằng khán giả Mỹ có thể xem một phim về chủ nghĩa anh hùng theo tinh thần Trung Hoa nhưng thị trường Mỹ khó có thể chấp nhận hình ảnh trong đó người Mỹ phải nhờ đến một anh hùng Trung Quốc giải cứu Tòa Bạch Ốc (nếu có một kịch bản như vậy). Hơn nữa, không phải dự án phim hợp tác nào cũng thành công. “Snow Flower and the Secret Fan” (“Tuyết hoa bí phiến”, 2011), sản phẩm hợp tác giữa IDG China Media (Thượng Hải) và Fox Searchlight, đã thất bại thảm hại khi chỉ thu được 1.3 triệu USD tại Mỹ và 6 triệu USD tại Trung Quốc.

Cách đây vài năm, chuyên gia tìm kiếm tài năng Hollywood, Jeff Berg, đã bay sang Thượng Hải để ăn mừng một trong những thương vụ lớn nhất của mình: hợp tác với các nhà đầu tư điện ảnh Trung Quốc. 200 gương mặt điều hành doanh nghiệp, viên chức nhà nước, diễn viên, nhà báo đã tập trung tại khách sạn Shangri-La để cụng ly. Các gương mặt nổi tiếng công nghiệp giải trí làm dáng chụp hình. Khách mời được thưởng thức vịt quay cùng nhiều thứ cao lương mỹ vị truyền thống Trung Quốc. Bốn tháng sau, thương vụ bị bể! Các nhà đầu tư từng hứa bỏ vốn vào liên doanh của Jeff Berg nay biến mất! Ðây là bài học cho thấy để tiếp cận thị trường Trung Quốc, người ta còn phải tìm hiểu con người và văn hóa làm ăn chụp giựt của nước này.

Cần nói thêm, như một số chủ công nghiệp điện ảnh Mỹ cảnh báo, các công ty điện ảnh Trung Quốc thật ra chỉ muốn học chiến lược kinh doanh và kỹ thuật để xây dựng ngành công nghiệp riêng cho họ. “Kiếm tiền không phải là điều quan trọng nhất bây giờ (đối với Trung Quốc). Mà là học. Vì hầu hết mọi người ở Trung Quốc đều sẽ nói với bạn rằng sẽ chẳng bao giờ có một ngành công nghiệp điện ảnh ở Trung Quốc theo cách như ở Hollywood” – nhận xét của Stanley Rosen, giáo sư chính trị học thuộc Ðại học Nam California (University of Southern California). Trong khi đó, giới làm phim Hollywood cũng phải “học”.

Họ học cách lách kiểm duyệt và cả cách “làm phim” của người Trung Quốc, đôi khi có những yêu cầu rất “văn hóa Trung Quốc”. Trong “Iron Man 3”, “người sắt” Tony Stark (Robert John Downey Jr.) phải dùng chiếc điện thoại được đánh giá là “cùi bắp” thương hiệu Vivo do BBK sản xuất (nơi sản xuất điện thoại Oppo và OnePlus); và trong “Independence Day – Resurgence” (có mặt diễn viên Trung Quốc Angelababy), người ta thấy cảnh màn hình liên lạc từ không gian xuống Trái đất xuất hiện hàng chữ: “QQ is disconnected” và “Thank you for using QQ”. QQ là dịch vụ tin nhắn quen thuộc ở Trung Quốc. Phim này còn có những cảnh mà chính khán giả Trung Quốc cũng cười ồ vì quảng cáo trơ trẽn cho sản phẩm “Sữa Mặt trăng” của hãng Mengniu (Mông Ngưu) mà từ năm 2011 từng bị cộng đồng Trung Quốc tẩy chay vì chứa chất gây ung thư!

Mk