Một trong những cuộc tranh luận giữa những người ưa chuộng nhiếp ảnh là bạn có thể học “cách nhìn” thấy tấm ảnh đẹp hoặc phải có sẵn khả năng đó khi mới chào đời. Nói chung, tôi đồng ý rằng những tay chụp ảnh giỏi nhất, cũng như bất cứ họa sĩ nào, sinh ra trên đời này với tài bẩm sinh. Tuy nhiên, tôi cũng tin rằng, nhiều tay chụp ảnh có triển vọng không bao giờ đạt hết mức khả năng của họ vì họ không học cách dùng “cái nhìn” mà họ được ban cho.
Nếu vậy, làm sao bạn có thể phát triển cái nhìn nhiếp ảnh này? Ðiều thú vị ở đây là vấn đề học “kềm chế” những ham muốn sáng tạo, và thay vào đó, là đi theo một phương hướng phân tích. Một vài bài tập đơn giản sau đây có thể giúp bạn phát triển cái nhìn nghệ thuật của bạn thành một dụng cụ sáng tạo có hiệu quả hơn.
- Học theo bậc thầy
Trong khi việc tự phát triển style riêng của bạn là điều quan trọng, thì thấu hiểu sự hấp dẫn của những kiểu cách tiêu chuẩn cũng quan trọng không kém. Ðây không chỉ là sự đánh giá tác phẩm nghệ thuật, nó còn là vấn đề nhận biết những gì làm nên một tấm ảnh có giá trị.
Bỏ thời gian ra để xem qua những tác phẩm của Ansel Adams, Annie Liebovitz, Henri Cartier-Bresson, Dorthea Lange và những tài năng nhiếp ảnh khác. Cũng nên tham khảo tác phẩm của những người mà bạn hâm hộ trong thể loại bạn chọn. Tìm những đặc điểm tương tự và khác nhau. Cố gắng nhìn thấy những gì các nhiếp ảnh gia này thấy. Ðừng mô phỏng kiểu cách của họ, nhưng chỉ cho phép bạn tự hấp thu những cách nhìn đó.

- Tạm dẹp màu qua một bên
Không phải tôi nói về sự tạo ảnh trắng đen. Tôi đang nói về việc bỏ một ít thời gian để ngắm nhìn một cảnh mà không cần phải cân nhắc về những màu sắc trong đó. Màu sắc là một phần quan trọng của thế giới chúng ta và là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà chúng ta nhìn thấy. Thật ra, màu sắc là sự kích thích thị giác mạnh mẽ đến nỗi nó có thể làm xao lãng những yếu tố khác trong một khung cảnh. Hình dung ra một cảnh không có màu sắc có thể giúp bạn để ý những yếu tố khác đó.
Bạn có thể chuyển vài tấm ảnh của bạn thành trắng đen, để xem có gì hấp dẫn đối với bạn. Có phải những hình dáng? Sắc thái? Sự cân bằng thị giác? Ðường thẳng? Ðây là những yếu tố bạn sẽ muốn học nhận diện trước khi chụp tấm ảnh.

- Nhìn thấy mẫu hình
Mẫu hình có khắp nơi trong những môi trường thiên nhiên và nhân tạo. Chúng có thể được dùng như một dụng cụ có hiệu lực trong bố cục thị giác, nhưng trước tiên bạn phải nhìn nhận ra chúng.
Dành chút ít thời gian trong những lúc bạn ra ngoài chỉ để tìm kiếm những mẫu hình. Tìm cách mà bạn có thể dùng chúng để tạo chiều sâu hoặc cảm giác nhịp nhàng trong khung cảnh. Bằng cách cố ý hình dung những mẫu hình trong những môi trường khác nhau, bạn sẽ sớm bắt đầu để ý và tận dụng chúng một cách tự nhiên.
- Nhìn thấy hình dáng
Hình dáng cũng là một lãnh vực quan trọng của khung cảnh. Ðôi khi chúng ta quá chú tâm nhìn đến nội dung trước mắt chúng ta mà lại quên nhìn thấy những hình dạng của vật thể.
Cũng như với mẫu hình, dành thời gian trong lúc bạn ra ngoài chụp hình để chú ý tới hình dáng của những yếu tố – hình tam giác, tròn, chữ nhật, v.v… và ngẫm nghĩ làm thế nào chúng có thể được sắp đặt để tạo nên một bố cục mạnh mẽ.

- Tìm hiểu xem người khác thấy gì trong ảnh của bạn
Ðôi khi, người họa sĩ quá gần gũi với tác phẩm của họ để nhận biết được điều gì trong đó. Ðây là lúc mắt của người khác có thể giúp bạn.
Tham gia vào ít nhất một diễn đàn, nơi mà bạn có thể upload ảnh của mình lên để người khác bình phẩm và comment. Không những bạn sẽ quen với việc đưa ảnh của bạn ra trước khán giả, mà bạn cũng sẽ ngạc nhiên với những gì người khác thấy trong ảnh của bạn mà chính bạn lại không thấy.
AN