Kể từ cái ngày 22.11.1963 bi thảm khi Tổng thống John Fitzgerald “Jack” Kennedy bị ám sát cho tới nay, đã có không biết bao nhiêu cuốn sách, bộ phim truyện, phim truyền hình được làm về ông và chắc chắn trong tương lai nhiều năm nữa cũng thế. Vợ ông, cựu Đệ nhất Phu nhân Jacqueline Kennedy cũng không hề thua kém.
Đạo diễn: Pablo Larrain.
Kịch bản:
Noah Oppenheim.
Tài tử: Natalie Portman (Jacqueline Kennedy)
Peter Sarsgaard
(Robert R.Kennedy)
Greta Gerwig
(Nancy Tuckerman)
Billy Crudup (nhà báo)
John Hurt (linh mục)
Ðược đánh giá là một trong những Ðệ nhất phu nhân nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ, một biểu tượng thời trang toàn cầu, được ngưỡng mộ bởi phong cách thời trang thanh lịch, tinh tế, sự duyên dáng và sau cái ngày chồng chết, lại được ngưỡng mộ hơn nữa bởi phẩm chất và tư thế của mình, cuộc đời, chân dung của Jacqueline Kennedy đã được khắc họa trong rất nhiều bộ phim, trước khi phim “Jackie” của đạo diễn người Chile, Pablo Larrain, ra đời.
Phim “Jackie” của đạo diễn Pablo Larrain chọn cách tiếp cận gần gũi Jacqueline Kennedy trong những khoảnh khắc quan trọng và bi thảm của lịch sử Mỹ, những ngày ngay sau cái chết của chồng.
Một vai diễn khó nếu không đủ tài năng. Những tâm trạng, tâm lý đầy phức tạp đan xen nhau. Một mặt Jackie đau đớn đến quẫn trí vì cái chết của chồng ngay bên cạnh, ngay trước mắt, với máu và một phần óc của chồng bắn tung tóe, văng đầy trên váy áo. Một mặt phải giữ gìn tư thế đĩnh đạc trước đám đông, giới truyền thông, phải tham dự tang lễ của chồng, phải nói sự thật với các con; bên cạnh đó phải tranh đấu giữ gìn di sản của chồng đồng thời chuẩn bị dọn ra khỏi Tòa Bạch Ốc.
Người ta nói rằng trên thực tế cựu Ðệ nhất Phu nhân đã thực hiện vai trò trách nhiệm của mình một cách không ai có thể làm tốt hơn bà trong những ngày tháng vô cùng khó khăn đau đớn đó. Jackie đã đóng một vai trò chủ động trong toàn bộ tang lễ của chồng, cả thế giới đã chứng kiến bà dũng cảm kìm nén cảm xúc nhưng vẫn vô cùng duyên dáng ra sao.
Từ chối thay bộ váy áo màu hồng dính máu, từ chối lánh mặt, bà có mặt trong tang lễ của chồng, bà xuất hiện cùng với hai con, bà muốn cho cả thế giới nhìn thấy kẻ sát nhân đã làm gì với Tổng thống Kennedy.
Có rất nhiều câu chuyện về bộ váy áo màu hồng mà Jackie mặc trong cái ngày định mệnh đó. Trong video “The True Story Behind Jackie O’s Bloodstained Pink Suit” người ta nói rằng đó là một trong những bộ váy áo mà Cố Tổng thống Kennedy yêu thích và ông đã yêu cầu vợ mặc khi họ cùng tới Dallas.
Khi từ chối thay trang phục, Jacqueline đã nói: “…I want them to see what they’ve done to Jack”. Và bà vẫn mặc nó trong 24 giờ sau, cả khi có mặt trong lễ tuyên thệ nhậm chức của Phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson ngay trên chiếc phi cơ Air Force One.
Nhiều bộ phim khi thể hiện Jacqueline bao gồm Katie Holmes, Minka Kelly, Natalie Portman…đã đưa bộ váy áo này vào. Sau này, cô con gái Caroline Kennedy đã tặng nó cho National Achives năm 2003 với điều kiện không đưa ra cho công chúng xem trước năm 2013.
Bộ quần áo đã có chỗ trong cả thời trang và lịch sử nước Mỹ, là một phần của lịch sử Mỹ.
Natalie đã thể hiện xuất sắc tâm trạng vô cùng phức tạp của Jackie. Người ta nhìn thấy cả những giây phút riêng tư nhất của cựu Ðệ Nhất Phu nhân khi trút bỏ bộ váy áo dính máu, cái tất dính máu, khi lau máu trên mặt hay khi tắm dưới vòi nước để nước rửa trôi đi những vết máu trên người-nhiều đến nỗi trông như chính Jackie cũng bị thương. Những giây phút Jackie đi lại một mình trong Tòa Bạch Ốc với hai con bé bỏng rằng cha sẽ không về nữa, vì cha đã lên thiên đường với Patrick-đứa con trai bé bỏng chết chỉ hai ngày sau khi sinh của hai người. Những lúc bà nói với vị linh mục-người đã chứng kiến tang lễ của con bà, và bây giờ là chồng bà, rằng bà đã làm gì để phải trải qua tất cả những bi kịch này. Hay lúc bà cởi chiếc nhẫn cưới trên tay, lúc đóng gói đồ đạc, chuẩn bị rời Tòa Bạch Ốc
Nhưng Jackie cũng đầy ý thức về vai trò, trách nhiệm của mình khi có mặt lúc Phó Tổng thống tuyên thệ, có mặt trong tang lễ. Nếu có ai đó không thể nhìn gần, ngay cả trong những thước phim tài liệu, để thấy cựu Ðệ nhất phu nhân ngày xưa nghĩ gì, cảm thấy gì bên dưới tấm mạng đen che mặt khi bà đi bộ sau linh cữu của chồng thì giờ đây Natalie Portman trong những cận cảnh đã cho chúng ta sống lại những giây phút ấy. Trong phim có rất nhiều cận cảnh (close up) hay đặc tả (extreme close up) như vậy để thể hiện tâm trạng của nhân vật.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Natalie Portman được đề cử Best Actress cho phim này. Không chỉ xuất sắc thể hiện tâm trạng phức tạp đan xen trong những cung bậc, trạng thái, tâm lý tình cảm khác nhau, Natalie còn nắm bắt được phong cách, thần thái của Jakie-một hình ảnh đã quá quen thuộc đối với người dân Mỹ và thế giới, chính vì vậy mà càng khó. Ðặc biệt, Natalie Portman đã nhái được cách nói, giọng nói, accent của Jacqueline. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông, Natalie cho biết cô đã phải xem đi xem lại cuộn băng phim tài liệu và tập luyện để có được giọng nói, cách nói giống như Jackie.
Bộ phim chủ yếu dựa trên bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Life của nhà báo nổi tiếng chuyên viết về chính trị và nhà sử học Theodore Harold White với người góa phụ tại Hyannis Port, Massachusetts, một tuần sau cái chết của Tổng Thống Kennedy. Trong bài báo này cũng như trong cuộc triệu tập tại Tòa Bạch Ốc một tuần sau cái chết của Kennedy nhằm giữ gìn hình ảnh di sản của chồng, Jaqueline đã nhắc tới vua Arthur và huyền thoại Camelot. Vào thời điểm đó có một vở kịch mang tên Camelot đang chiếu rộng rãi ở Broadway, Jacqueline đã tập trung vào đoạn kết một bài hát của Alan Jay Lerner: “Don’t let it be forgot, that once there was a spot, for one brief shining moment that was known as Camelot.” Bà cũng nhắc đi nhắc lại: “There’ll be great presidents again … but there will never be another Camelot”.
Trong phim cũng đưa vào chi tiết bộ phim tài liệu “A tour of the White House” được phát sóng truyền hình trên đài CBS News ngày 14.2.1962, trong đó Jacqueline giới thiệu với người xem đóng góp của bà trong việc thay đổi trong Tòa Bạch Ốc ra sao. Bằng tính thẩm mỹ tinh tế và kiến thức sâu rộng về lịch sử, bà muốn biến Tòa Bạch Ốc trở thành một nơi đáng tự hào cho tất cả những ai sẽ sống trong đó, sẽ là nơi viếng cảnh và cho toàn bộ người dân Mỹ. Ðây cũng là một trong những đóng góp lớn của Jacqueline Kennedy trong vai trò một Ðệ nhất phu nhân.
Bộ phim được 56 triệu người xem trên đất Mỹ và sau đó được chiếu rộng rãi tại 106 quốc gia. Jaqueline đoạt giải đặc biệt Academy of Television Arts & Sciences Trustees Award tại Emmy Awards năm 1962, trở thành Ðệ nhất phu nhân duy nhất đoạt giải Emmy.
Ðể quay lại đoạn phim này, những người làm phim “Jackie” đã sử dụng những thước phim 16mm đen trắng tạo cảm giác chân thực.”
“Jackie” là một phim thành công của đạo diễn Pablo Larrain. Trên thực tế, Pablo Larrain không phải là lựa chọn đầu tiên cho phim và trước đó ông cũng không quan tâm lắm đến mảng chân dung lịch sử, ngoài ra, ông chỉ làm những phim tập trung vào nhân vật nam chính nam hơn là nữ. Jackie là bộ phim đầu tiên mà ông có thể tiếp cận từ góc độ của một người phụ nữ. Nhưng khi được chọn, ông đã yêu cầu chỉ làm đạo diễn nếu Natalie Portman đóng vai chính. Và ông đã không nhầm.
SC