Menu Close

Nghệ thuật “bên lề”

Năm nọ đi xem triển lãm tại thành phố New York, một buổi triển lãm khá đặc biệt có tên “Outsider Art Fair”, những cảm xúc nằm sâu trong trí nhớ cho đến hôm nay mới rủ nhau trở về khi nhận được tấm bưu thiếp của Marie Laurence với câu hỏi ngắn… Còn nhớ lần đi xem “Raw Art” ở Lausanne?… Marie Laurence đang ở New York và cũng đi xem cuộc triển lãm hàng năm về “Outsider Art”, năm nay cuộc triển lãm mở cửa từ ngày 19-22 tháng Giêng.

nghe-thuat-ben-le
Khách xem tranh “nghệ thuật bên lề” tại Galerie du Marché, Lausanne. Photo: Henri Neuendorf

Người sáng tác được thế gian biết đến và cho là “nghệ sĩ bên lề” đầu tiên là ông cụ Adolf Wolfli. Năm 1921, Bác Sĩ Tâm Thần Walter Morganthaler đã khởi đầu một cái nhìn mới mẻ về những sản phẩm do các bệnh nhân trong bệnh viện tâm thần (ngày trước gọi là nhà thương điên) sáng tạo qua cuốn sách “Bệnh Nhân Ðiên Loạn Như Một Nghệ Sĩ” (Ein Geisteskranker als Kunstler) viết về ông cụ Wolfli. Ông cụ Wolfli bị bệnh điên loạn (psychosis) suốt cuộc đời, giữa những cơn mất trí đập phá hung dữ, ông cụ vẽ một cách say mê. Và chính những lúc vẽ tranh là những lúc bình yên nhất cho tác giả và cho những người chung quanh. Ông cụ Wolfli để lại một gia tài đồ sộ gồm 45 tập sách với 1,600 bức tranh minh họa cuộc đời theo óc tưởng tượng của mình. Sách vở và tranh vẽ của Adolf Wolfli được lưu trữ tại the Adolf Wolfli Foundation trong Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật tại Berne, thủ đô của Thụy Sĩ.

nghe-thuat-ben-le5
Adolf Wolfli

Khi cuốn sách thứ nhì, “Nghệ Thuật Qua Những Bệnh Nhân Ðiên Loạn” (Bildnerei der Geisteskranken) do Bác Sĩ Tâm Thần Hans Prinzhorn xuất bản năm 1922 thì các bác sĩ ngành Tâm Lý cũng như những nhà phê bình nghệ thuật bắt đầu để ý đến những tác phẩm lạ lùng kia, cánh cửa mở ra những tâm tư bị giày vò, giằng xé và hỗn loạn.

Một họa sĩ cùng thời, Jean Dubuffet,  “cảm” được phần nào tâm tình của những tâm hồn tả tơi nên thu góp các tác phẩm của những nghệ sĩ bất đắc dĩ và bất hạnh kia và đặt tên cho sưu tập này là “Collection d’Art Brut” hay “Raw Art”. Năm 1949, cùng với các nghệ sĩ thân hữu, ông Dubuffet đem những bộ sưu tập quý hiếm ấy về một phòng triển lãm tại Lausanne, Thụy Sĩ. Ngày nay, phòng triển lãm này được biết đến như “Musée d’Art Brut”; Dế Mèn xem tranh ở đó một lần và mỗi lần nhớ đến lại bồi hồi thương xót nghệ sĩ không may mắn.

nghe-thuat-ben-le2
Bức tranh “Không Đề” của Henry Darger (vẽ trong thời gian 1940 – 1950):

Ông Dubuffet và các tác giả kể trên chú trọng đến những nghệ sĩ bị điên loạn, dùng nghệ thuật để giải thoát những cơn giằng xé nội tâm và giúp tâm hồn thăng hoa. Danh từ “brut art” được hiểu rộng như một ngành nghệ thuật trình bày những ý nghĩ trần trụi sơ khai của tâm tư. Bức tranh, bức tượng hay sản phẩm kia không có bố cục, không theo một nghi thức đặt sẵn nào… Từ đó các nhà phê bình nghệ thuật đặt ra một số tên gọi khác cho ngành nghệ thuật này từ “outsider art”,“marginal art”, đến “visionary art”… Những tên gọi để chỉ ngành nghệ thuật nằm bên ngoài các khuôn khổ “nghệ thuật” định sẵn, từ cách sáng tác đến việc thưởng ngoạn và Dế Mèn bạo gan dịch là “nghệ thuật bên lề”.

Từ năm 1992, hàng năm, người New York tổ chức buổi triển lãm “Outsider Art Fair”; các tay sưu tầm (và buôn bán) tụ họp nhau để trưng bày các tác phẩm được (hay bị) cho là “nghệ thuật bên lề”. Dế Mèn được đi xem vài lần khi còn sinh sống ở miền Ðông Bắc Hoa Kỳ, mỗi lần đi xem thường mua một vài tấm bưu thiếp đem về nhìn ngắm cho thỏa lòng tò mò. Hôm nay xin trưng một ít hình ảnh và vài hàng tóm tắt về tác giả để giới thiệu với bạn những tác phẩm đã cho Dế Mèn sự xao xuyến, bất an cũng như thương xót…

nghe-thuat-ben-le3
Bức Không Đề của Martin Ramirez (1960-1963):

Ông H. Darger (1892-1973) lớn lên từ viện mồ côi, là một người trốn tránh thế gian và sống cô độc suốt cuộc đời. Trong thế giới riêng tư, căn phòng ở Chicago, ông đã vẽ theo trí tưởng tượng những tập truyện tranh về anh thư, anh hùng chiến đấu với ma quỷ. Ông Darger để lại khoảng 15,000 trang giấy kể chuyện các trận đánh và hàng trăm bức minh họa, bản đồ bằng màu nước. Ngắm nghía bức tranh này, Dế Mèn không thể tưởng tượng ra sự cô độc của họa sĩ, bức tranh với màu sắc tươi sáng vẽ những đứa trẻ quây quần, phải chăng tác giả vẽ ra giấc mơ của mình?

Ông Ramirez (1895-1963) gốc Mễ Tây Cơ, sống suốt cuộc đời trong nhà thương điên tại California. Trong tranh, ông Ramirez thường vẽ hình ảnh của những chuyến tàu, hình ảnh này được lặp đi lặp lại như một ám ảnh không rời. Những chuyến tàu thường cho Dế Mèn cảm giác bất an của sự tách rẽ, chia lìa… hình ảnh của việc bỏ lại sau lưng một nỗi tiếc nuối. Không biết những chuyến tàu để lại cho ông họa sĩ này ám ảnh chi? Riêng bức tranh này, ông Ramirez vẽ một con thú bao quanh bởi những vật thể đóng khung. Một con thú bị giam giữ. Con thú phủ phục trong thế nằm nhẫn nhịn chịu đựng, sự cầm tù của tâm thức giữa xã hội chung quanh? Healing Machines của Emery Blagdon (?):

nghe-thuat-ben-le4
Healing Machines của Emery Blagdon

Emery Blagdon (1907-1986) lớn lên từ đồng ruộng Nebraska, ông lang thang nhiều năm tại miền Tây Hoa Kỳ; rồi trở về quê nhà chế tạo những sản phẩm mà ông cho rằng có thể thu hút điện từ để chữa trị bệnh tật. Ông Blagdon xem mình như một nhà phát minh hơn là một nghệ sĩ; sản phẩm của ông phần lớn chế tạo bằng những mảnh thép, lon, chai lọ, gỗ và những vật dụng phế thải… Dế Mèn ngó tới ngó lui mà không biết ông Blagdon ngẫm nghĩ những gì khi chế tạo chiếc máy “chữa lành” kia? Dế Mèn thấy nó giống giống một cái lồng trói chặt con người, không biết tác giả có cảm giác bị giam lỏng như thế không?

Ông Bartlett (1909-1992) xuất thân từ một gia đình giàu có tại tiểu bang Massachusetts, rời Harvard và bỏ học ngang trong thời Khủng Hoảng Kinh Tế và sống bằng nghề chụp ảnh, thợ vẽ. Chỉ có những bạn bè thân thiết lắm mới biết rằng ông Bartlett đã khâu hoặc đan những con búp bê trong tuổi dậy thì khá lớn (nửa kích thước của con người) cho mặc những thứ quần áo màu sắc tươi tắn lạ mắt và rất đẹp… Dế Mèn khi nhìn ngắm mấy con búp bê và những bức hình chụp chúng trong các thế ngồi, đứng thì nghĩ đến… “Lolita” và sự thu hút giữa một nam nhân lớn tuổi với những đứa trẻ chớm dậy thì!

nghe-thuat-ben-le1
My Fair Lady của Lee Godie (?)

Lee Godie (1908-1994) là một phụ nữ sống trên vỉa hè của thành phố Chicago. Trong những thập niên 60-90, bà vẽ và bán những bức tranh có nét vẽ thơ dại (của trẻ em), vẽ những phụ nữ sang trọng và những vật thể trên đường phố. Bà Godie bị chứng hoang tưởng nhưng khi buôn bán, bà rất rành rẽ và mặc cả ráo riết cho những tác phẩm của mình. Hầu hết các tác phẩm của bà được trưng bày (và bán) tại Carl Hammer Gallery. Bạn nghĩ chi về tấm hình này? (“My Fair Lady”) Dế Mèn nghĩ đến một ước mơ không thành về một cuộc đời tươi sáng.

Với Dế Mèn, không biết chi về nghệ thuật, khi nhìn ngắm chỉ dùng tâm hồn để thưởng ngoạn, và vì thế nên cho rằng nghệ thuật là một một sự nối kết giữa tác giả và người thưởng ngoạn. Khi người thưởng ngoạn “cảm” được tác phẩm có nghĩa là “đọc” được tâm tư của nghệ sĩ. Nghệ sĩ dù điên loạn, hung ác, không được huấn luyện…, nhưng tác phẩm của họ khiến ta xao xuyến vì sự đau khổ rõ nét, cho ta một sự rung động vì hình ảnh bình an trong một giây phút trong sáng nào đó thì tác phẩm vẫn là tác phẩm. Nghĩ như thế nên Dế Mèn không mấy thích cái tên “bên lề” (outsider), đã là nghệ thuật thì đâu có cần phân biệt “trong nhà” hay “bên lề”, phải không bạn?

TLL