Trước thư viện Đà Lạt, tôi đón xe ôm đi về đồi Dinh Tỉnh Trưởng. Người lái xe ôm ngơ ngác: “Tôi chạy xe hai chục năm rồi, ở đây làm gì có chỗ nào gọi là Dinh Tỉnh Trưởng!”. “À không, tôi nhầm. Phải là Trung tâm Văn hóa, chỗ gần Lữ quán Thanh niên cũ”

Hành trình của tôi
Nói Lữ quán Thanh niên, thì ông xe ôm gật đầu chịu liền. Vì đây là tụ điểm thanh niên tồn tại từ trước 1975 cho đến những năm cuối thập niên1990 mới “chuyển đổi chức năng”. Công trình do Kiến trúc sư Võ Ðức Diên thiết kế không biết là may mắn hay rủi ro, mà sự mất tên diễn ra chậm. Còn Dinh Tỉnh trưởng, kề đó, ngôi dinh thự cổ kính trên đồi kia thì hẳn nhiên đã mất tên từ sau 1975. Cũng như con đường dẫn lên đó, từng có tên là Rue de l’Amour nay chẳng ai còn nhớ, bởi từ lâu đã được thay bằng tên Lý Tự Trọng.
Có nhiều ví dụ về sự mất còn, bôi xóa và thay thế kiểu như vậy đã xảy ra ở Ðà Lạt, chốn êm đềm, thành phố học hành, tri thức nhưng cũng là nơi chứng kiến quá nhiều thăng trầm thời cuộc, thương hải tang điền. Thì trách sao được, một bác xe ôm, có thể là dân nhập cư mới, cũng có thể là người muôn năm cũ từ lâu đã phải xóa trắng một phần ký ức để cuộc sống được tiếp tục một cách suôn sẻ. Cuộc sống đã có lúc không có quyền ngoái lại. Sự không ngoái lại ấy, khiến không ít người đi lạc, xa lạ với một phần ký ức mình.

Không trách được khi tôi ngồi hàng giờ trước cửa một tàng thư của tu viện trong buổi chiều tịch lặng với một xấp giấy ghi chú màu vàng và ghi lên đó những chủ đề yêu cầu, để đích thân vị linh mục quản thư nhận lấy, đi vào rồi lại lặng lẽ đi ra, lắc đầu. Nhiều lần “đi vào – đi ra – lắc đầu” như thế với một phong thái kiên nhẫn, khiêm cung khiến tôi nể phục hơn là sốt ruột, trách móc. Tôi biết đã có những thời đoạn nghiệt ngã tới mức, người ta phải đốt sách để tự cứu mạng sống của mình thì việc dựng nên những nguyên tắc có bề hoài nghi là vô cùng dễ hiểu và cần cảm thông hơn là đòi hỏi hơn được.
Và vẫn bước chân ấy, lặng lẽ đi vào, đi ra, những cái lắc đầu buồn bã nhẫn nại kéo tôi trở về với bầu không khí bí mật của một thành phố đã đi qua quá nhiều cuộc sang chấn, quá nhiều thứ bị phủ đậy bởi bụi thời gian và định kiến.
Ðiều này tôi đã cảm nhận phần nào khi ngồi học trong những giảng đường cũ ở đại học Ðà Lạt. Những không gian ấy, ở thì quá khứ chúng từng khoác lên những cái tên được sang chiết ra từ Tứ thư, Ngũ kinh… làm chỉ nam tâm niệm cho người truyền trao và truy cầu tri thức, tìm kiếm lẽ sống: Dị An, Ðạt Nhân, Ðôn Hoá, Hội Hữu, Minh Thành, Thượng Hiền, Tri Nhất… vậy mà lứa sinh viên hậu sinh chúng tôi chỉ lờ mờ cảm nhận nét xưa cũ, tàn tạ trên bề mặt vật chất, rồi những tò mò truy tìm gốc gác cũng chỉ dừng lại ở việc thấy trên vách tường nọ có tạc hình cây thánh giá bị rêu phủ kín hay ở tháp chuông kia có cây thập tự đã biến thành một ngôi sao. Những tên giảng đường của Viện đại học Thụ Nhân năm xưa có ẩn ngữ sâu xa nay đã chuyển đổi bằng cách đánh số lạnh lùng. Chúng tôi học hành ở đó và buộc phải nhớ vị trí của ba, bốn chục ngôi giảng đường đánh số như thế đến nỗi không cần sơ đồ. Trong não mỗi người là một sơ đồ xác định không gian nhưng bản đồ tinh thần được kiến tạo từ di sản quá khứ là điều mà chúng tôi không hề biết.

Thỉnh thoảng, tôi may mắn có gặp những chàng, nàng sinh viên năm xưa (thời còn Viện Ðại học Ðà Lạt) tìm về chốn cũ để ngậm ngùi tiếc tuổi trẻ tươi đẹp. Họ đến và đi trong lặng lẽ, ngậm ngùi bể dâu. Cũng đã có, nhiều hơn thế, những cuộc hội ngộ ở Sài Gòn, ở Mỹ, ở Pháp của những nhóm cựu sinh viên Viện đại học Thụ Nhân để tưởng nhớ Ðà Lạt. Nói như Nguyên Tánh – Phạm Công Thiện, Ðà Lạt đã đủ để tạo nên những cuộc “tưởng niệm dưới mặt đất”!
Tôi đã tránh những con đường đi vào ký ức thị dân theo hướng “khai thác” hiển ngôn, để bước chân hiếu kỳ và có bề vồn vã của mình không làm xao động không gian sống thanh tịnh của những thị dân cựu trào. Tôi hiểu họ vẫn ở đâu đó, chậm rãi và thấp thoáng sau vườn tược, cây cối, biệt thự, thư viện, nguyện đường… Họ lùi khỏi đời sống và trở nên rụt rè nhưng đó là cách thế duy nhất để bảo vệ cái không gian tịnh mặc cho riêng mình, giữ lại một khoảnh căn tính thành phố theo cách thế của riêng mình. Họ chấp nhận lạc nhịp với cuộc sống đổi thay cuồng khấu ngoài kia. Họ, một cách cực đoan nhưng dễ tổn thương, quyết liệt nhưng lại do dự trong tương quan với cuộc sống mà từ lâu họ biết mình không thể dự phần trọn vẹn. Họ khác phần còn lại của thành phố coi quá khứ đã qua chỉ còn là thứ giá trị bán được, khai thác được và lẽ dĩ nhiên, đặt khai thác làm cứu cánh cho đến khi khánh kiệt mọi tài nguyên.
Cuộc trở lại của kẻ hậu sinh không có phần lõi của ký ức cũng như trải nghiệm dày dặn, việc chọn lựa một hướng tiếp cận khoa học thuần túy lại là điều bất khả vì ngay cả những cửa nhà, trường, viện còn được đánh số lại, nói chi đến những kho tàng thư chứa đựng quá nhiều mật mã về thời hoàng kim, những bản đồ tinh thần ngày vang bóng mà những kẻ có quyền lực ngày nay không muốn nhớ!
Chỉ còn một cách đó là đi trên sợi dây mong manh của những tư liệu khả dĩ tiếp cận và kết nối chúng lại trong một cuộc tri hành riêng tư, ngõ hầu tự trả lời những câu hỏi mà lúc nào đó mình đã đặt ra và làm khó với chính mình.
Những hành trình khác
Ðã có những cuộc hành trình gian nan hơn thế ở Sài Gòn – những cuộc trở về với đô thị Sài Gòn giai đoạn 1954-1975. Bạn đang nghĩ rằng điều này được dẫn chứng bằng dòng sách hoài niệm đô thị đang là “món nóng” được các nhà sách săn tìm, chăm chút. Nhưng nếu chỉ nhìn vào những thành phẩm, cụ thể là những cuốn sách lấp lánh vàng son trên kệ, là chưa đủ hình dung.
Thật vậy, hành trình phục dựng và định vị lại những giá trị đô thị Sài Gòn hôm qua không chỉ nằm trên những cuốn tản văn hay khảo cứu giản đơn, mà nằm rất sâu trong sự quy hướng tâm thức sống, cách đặt lại những vấn đề hiện tại trong tương quan lịch sử, học thuật. Và hẳn nhiên, kể cả trong văn hóa đại chúng như dòng chảy boléro hay sự trở lại đầy trân trọng của những tiệm sách cũ trước 1975…
Ðã đủ độ lùi thời gian và những mất mát ký ức cùng biết bao diễn ngôn rởm, thông điệp đánh tráo và vu khống một thời đã được phơi bày dưới các công cụ công nghệ hôm nay, biết bao huyền thoại đã được giải thiêng, khiến cái nhu cầu hiểu biết về ngày hôm qua để kiến tạo lại tương lai mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và lúc ấy, ta thấy những nhà du hành. Ông Nguyễn Ðức Hiệp, một tiến sĩ môi trường học ở Úc bất ngờ công bố ba công trình nặng ký về theo các nhóm chủ đề Sài Gòn – Chợ Lớn Thể thao và báo chí trước 1945, Sài Gòn – Chợ Lớn qua những tư liệu quý trước 1945 và Sài Gòn – Chợ Lớn ký ức đô thị và con người. Ông Phạm Công Luận, một nhà báo cần mẫn ghi chép góp nhặt những câu chuyện phong lưu cũ mới của Sài Gòn, trộn với ký ức riêng để cho ra một bộ sách “chuyện đời của phố” với rất nhiều hình ảnh quý, nhiều dẫn giải thú vị…

Mỗi người một cách làm, mỗi người một cách kể. Nhưng tựu trung, cuộc “khám phá lại” di sản đô thị đã bắt đầu “có không khí”, mở rộng biên giới, rồi đây sẽ tạo ra cộng đồng. Ở đó, có sự công khai thách thức cái kiểu cách khệnh khạng, giọng điệu nghiêm trọng của thứ khoa học được sản xuất hàng loạt và phải đạo trong những dự án nhà nước tài trợ của trung tâm nọ, viện nghiên cứu kia. Ở đó, không có chỗ cho sự cảm tính đáp ứng thị hiếu người đọc ưa than mây khóc gió, tiếc nuối mơ hồ mà đích thực là những cuộc dấn thân đập gương xưa tìm bóng. Người đọc thấy phẩm chất Sài Gòn hào sảng, cởi mở ngay trong chính những cuộc du hành độc lập này.
Trên các tờ nhật báo, các bài dài kỳ tư liệu nhắc nhớ phòng trà, các danh ca, nhan sắc Sài Gòn cũ cho đến truyện feuilleton báo chí trước 1975. Trên truyền hình, những show nhạc boléro, lạ thay là nơi quy tụ rất nhiều người trẻ tưởng chừng chỉ biết bơ sữa, chẳng còn quan hệ gì với quá khứ hay không gian ân tình của dòng nhạc bình dân này (dù chuyện hát boléro với “tâm tình bơ sữa” có “đúng điệu” hay không thì lại là chuyện khác!)
Cuộc sống có sự quy hồi của ký ức, dù đó là một con đường vòng, tốn nhiều thời gian, độ lùi và cả nỗ lực. Nhưng cuộc quy hồi đó nói lên một điều, trong kháng thể văn hóa cộng đồng, có một động lực mạnh mẽ và tự nhiên của sự thanh lọc và tri hành, kiếm tìm giá trị. Nó trả cho quá khứ sự khách quan, bước qua những quy chiếu, áp đặt ý hệ; đưa ra nhu cầu trực tiếp về một quy luật nối kết chống lại những đứt gãy duy ý chí đã tạo ra.
Nói giản đơn, hiện tại sẽ giàu có hơn khi được kết nối với những tinh hoa từ di sản quá khứ. Dòng chảy văn hóa phải được liền mạch.
o O o
Bác xe ôm cuối cùng đã chở tôi, một lữ khách trẻ tuổi hơn ông, đến trước ngôi dinh thự từng có tên Dinh Tỉnh Trưởng nằm trên một đồi thông còn sót lại giữa trung tâm thành phố Ðà Lạt. Ông bắt tay và nói rằng: “Tôi đã đến đây những năm tuổi trẻ và hình như đã nghe từng biết về cái tên này, nhưng nhiều năm qua, không ai nhắc đến nó nữa nên trí nhớ cũng mờ theo…”
NVN