Tôi đến Hà Nội vào một ngày nắng se sắt lạnh với những nụ hoa còn chớm chút xuân muộn làm Hà Nội đẹp đến lạ lùng. Tìm đến Hồ Gươm để dắt hai bé con đi dạo, và cũng là để thở cùng chút gió Hà Nội. Và Hà Nội sẽ thế để níu chân bao du khách, để người Hà Nội không tự thấy quê kiểng nếu như ở đây không ngập tràn rác.
Quanh đây, người ta ngồi tụm năm tụm ba, đôi khi chỉ để ngắm cái Hà Nội chìm trong lòng Hồ Gươm sáng sớm, đôi khi là để tìm chút gì đó hoài niệm bên cầu Thê Húc, những người già bên chiếc xe đạp hay những lứa đôi với cây gậy tự sướng, tựa lưng nhau hoặc tự mình cười để selfie. Chị Nguyệt, một người lao công dọn rác quanh bờ Hồ Gươm nói với chúng tôi rằng:

– May mà em dẫn con dạo vào hôm nay, chứ qua ngày mai là chẳng có chỗ cho chúng nó thở đâu.
– Sao vậy chị, ngày mai đông lắm à?
– Ừ, mai ở đây lại bắt đầu phố đi bộ. Người ta vào đây cũng không đông lắm nhưng bao ni lông và chai lọ thì vào đầy. Họ vứt đầy cả ra đấy, có con nhỏ mà vào thì chỉ quẩn thôi.
– Thế ở đây không có thùng rác cho du khách hả chị?
– Có chứ em, bên môi trường bọn chị đã xếp đặt rất nhiều thùng rác rồi, nhưng người ta đi thì đi thôi, ăn uống xong thì thả xuống, chẳng mấy ai mảy may mà quan tâm cái thùng rác làm gì. Riết rồi cũng thành quen em à. May mà năm nay không bắn pháo hoa đêm giao thừa, không thì giờ cũng chẳng còn mấy cây hoa kiểng này cho mà nhà em đi dạo xem đâu.
– Dạ, cái này thì em biết, mọi năm thấy trên tivi, qua đêm giao thừa là người ta giẫm nát luôn cả rồi.

Cái điệp khúc rác đêm giao thừa, hoa bị giẫm nát, phố đi bộ toàn ve chai, rác rưởi có vẻ quá quen với người Hà Nội như người ta quen với ‘phở mắng, cháo chửi’ rồi thì phải. Bởi chỉ cần ngồi một lúc, chịu khó quan sát chút, có thể nói rằng là bán kính quanh ta 100m, cứ 5 giây lại xuất hiện rác.
Loay hoay một lúc, tôi cũng dẫn được hai đứa nhỏ đi được một đoạn ngắn bên bờ hồ. Mệt lả với nhu cầu của các cu cậu, với cái chưa đi đã chạy, quyết định dụ tụi nhỏ ngắm hồ. Dừng chân nghỉ lúc, có lẽ là tôi sẽ nghỉ thêm hai lúc, ba lúc, hoặc cả năm lúc nếu như tụi nhỏ không đòi đi nằng nặc đi cho bằng được. Phía bên kia, một gia đình nọ cũng không kém bận bịu hơn tôi với 3 nhóc tì.

– Ði mẹ ơi, ở đây nghe mùi gì tanh quá! – Một đứa trẻ khoảng 8 tuổi lên tiếng.
– Ờ, để mẹ nghỉ lát nào, để xem.
– Nhìn kìa mẹ, có con cá nhỏ xíu kìa, tiếc quá, nó died rồi.
– Ơ đâu, thôi đi con, hồ dơ quá! Chắc là nước ở đây bí rồi, không lưu thông được, hèn gì nghe mùi tanh.
Lại một gia đình rời ghế đá để nhường chỗ cho một gia đình, một nhóm người, một đôi bạn trẻ, một cụ già hay một người phu quét đường, một chị gánh hàng rong… Người người tập trung ra bờ hồ, để dạo, để hẹn hò, để nghỉ ngơi… Chắc chiếc ghế đá nơi đây không có lúc để buồn hay nghe hồ than thở, hay ghế đá đã quen mùi nước hoặc im mình dưới gốc liễu kia!?

Hồ Gươm và rác, hai từ này cứ ám ảnh tôi suốt quãng đường dẫn con đi dạo.
Quãng đường từ khách sạn ra bờ hồ dài chưa đầy cây số, nhưng với tôi nó dài lạ lùng. Khi màn khuya buông xuống cũng là lúc mà ranh giới giàu nghèo, sang và hèn hiện rõ dần ra trước mắt lữ khách. Ðằng kia, xa xa là những cô ‘mắt xanh môi đỏ’, ráng người kéo vai lên để theo ai đó… Bên kia đường, một vài cô hàng nước muộn thu gom mọi thứ, hay ai kia đang rửa chén bát thuê. Một ‘Hà Nội chiếu’ hiện ra trước mắt tôi với những tốp thanh niên trải chiếu ngồi nhậu dưới mái hiên, trước những căn nhà đóng cửa. Thỉnh thoảng, những chiếc siêu xe lướt qua và mất hút hay một chiếc xe tuần tra chạy qua để biết rằng đây vẫn là ‘Hà Nội chiếu’.
– Ơ, ơ đợi chút nhá!

Tiếng một phụ nữ vang lên cuối đường làm tôi giật thót, ra là bà đang gọi xe rác để gửi gắm một cành đào hãy còn Xuân. Hỏi ra mới hay người ta ngại vứt nó vào ban ngày.
– Sao vậy chị? – Tôi hỏi một người phu quét rác đêm.
– Vì vẫn còn hoa nở em à!
– Thế sao người ta lại bỏ đi?
– Thì hết Tết lâu rồi, năm nay người ta mua trúng cành đào tươi lâu, bỏ đi ban ngày thì sợ người ta dị nghị, nên đợi đến ban đêm mới dám bỏ rác. Mà chuyện này ở đây không hiếm, em cứ ngủ một đêm đến sáng, sáng mai ra dạo quanh phố phường Hà Nội lại thấy hoa đào trong thùng rác đầy rẫy thôi.

– Dạ! Thế chị làm đến mấy giờ mới nghỉ.
– Khoảng 1 giờ, 2 giờ sáng em à. Tùy, có hôm làm đến 3 giờ, 4 giờ.
– Mình dọn quanh khu vực này hả chị?
– Ừ, dọn đây xong rồi vòng qua bờ hồ bên kia nữa là rồi em.
– Ồ, lúc sáng em có dạo bờ hồ, thấy người ta xả rác lia lịa, cũng có gặp một chị bên môi trường nữa nhưng nghe chị ấy nói là thả tay hả chị?
– Ừ em, thả tay rồi, mà còn tay để thả là còn may. Nói xong chị quay sang người đồng nghiệp và cười.
– Sao vậy chị?
– Thì em thấy đó, rác người ta xả bừa bãi, cũng chẳng chịu phân loại trước giùm mình. Nhiều khi đang dọn hoa, gặp ngay cái lọ vỡ, người ta vứt vào cùng. Chưa kể nhiều loại kính vỡ, chén bát, đinh ốc rỉ… nguy hiểm lắm em à! Mà mình làm ban đêm chứ có phải ánh sáng ban ngày đâu mà thấy rõ được, thành ra dễ gặp tai nạn lắm.
– Ờ, hôm trước ở đây có một chị vừa bị mảnh chai cứa phải, bị nhiễm trùng giờ nằm nhà rồi, khổ, chẳng có tiền thuốc men gì. Chị phu quét rác khác cũng tham gia vào câu chuyện của chúng tôi.
– Thế sao không đi bệnh viện hả chị?
– Tiền đâu đi bệnh viện hả em, tụi chị làm thế này mỗi tháng được chưa đến 5 triệu, mà giữa cái đất Hà Nội này, 5 triệu không đủ để làm gì cả. Nhưng còn đỡ, nhỡ mình đau ốm còn có bảo hiểm. Chứ như nó thì khổ, bảo hiểm cũng không luôn.
– Ủa, chị ấy không nộp hả chị?
– Không phải là không nộp mà là ai nộp giờ, nó quét rác là nhận lại việc của người ta. Nghĩa là thế này, có người nhận công việc bên công ty môi trường giống chị thế này đây nhưng người ta không đi làm, người ta giữ chân thôi, rồi thuê lại người khác làm thay việc của mình với tiền công bằng nửa. Thế đó, lợi cả đôi đường. Chỉ tội mỗi chị kia, giờ bảo hiểm cũng không có, cũng không phải công nhân chính thức nên chẳng hưởng được quyền lợi gì.
Nghe đến đây, tôi chỉ biết gửi chút tiền, thôi thì của ít lòng nhiều, nhờ chị lao công gửi tặng chị lao công kia và tiếp tục lang thang về phía bờ hồ.
Nước Hồ Gươm về đêm đẹp lấp lánh với ánh đèn chiếu từ cầu Thê Húc, một vài cơn gió đi qua thổi bay những cành liễu lơ đãng. Nhưng Hồ Gươm buồn, bởi bao cuộc đời quang gánh mưu sinh suốt ngày dài quanh nó, đêm đến thỉnh thoảng có người tìm một góc kín gió để qua đêm. Hồ Gươm buồn bởi mang trong lòng những cụ rùa sử sách, và cũng không ít rác rưởi để viết lên lịch sử của hồ hôm nay.
UC