Đạo diễn và kịch bản:
Asghar Farhadi
Tài tử:
Shahab Hosseini trong vai Emad
Taraneh Alidoosti trong vai Rana
Bộ phim giành chiến thắng cho hạng mục “Best Foreign Language Film” tại Oscar năm nay là “The Salesman” của đạo diễn người Iran Asghar Farhadi, tác giả của “The Past” and “A Separation” trong đó “A Separation” đã từng chiến thắng hạng mục này tại Oscar 2012.
Asghar Farhadi đã chọn hai người Mỹ gốc Iran nổi tiếng, Anousheh Ansari và Firouz Naderi, để đại diện mình nhận giải thưởng. Anousheh Ansari nổi tiếng vì là người phụ nữ đầu tiên du hành trong không gian và là người Iran đầu tiên, Firouz Naderi là cựu giám đốc của Solar Systems Exploration tại NASA. Anousheh Ansari đã thay mặt Asghar Farhadi đọc lời phát biểu nhận giải. (Một sự chọn lựa đầy ý nghĩa nếu người ta liên tưởng đến những phát biểu, những chính sách của tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về phụ nữ, Hồi giáo và khoa học).
Việc chống lại lệnh cấm đi lại của Donald Trump bị cho là có ảnh hưởng một phần đến chiến thắng bất ngờ của Asghar Farhadi, khi trước đó bộ phim “Toni Erdmann” của Ðức được kỳ vọng là sẽ chiến thắng.
Trước khi lễ trao giải Oscars 2017 diễn ra, đạo diễn Asghar Farhadi đã tuyên bố tẩy chay sự kiện này để phản đối sắc lệnh của Tổng Thống Donald Trump cấm công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo du lịch đến Mỹ, trong đó có Iran.
Báo chí thế giới đưa tin, cũng từ sắc lệnh cấm Hồi giáo của Tổng thống Donald Trump, “The Salesman” đã nhanh chóng trở thành trung tâm của một cơn bão lửa chính trị, không những đã góp phần dẫn đến chiến thắng của bộ phim tại Oscar lần thứ 89 mà trước đó vài giờ, Sadiq Khan, Thị trưởng của London, đã tổ chức một buổi chiếu “The Salesman” miễn phí cho hàng chục ngàn người tại quảng trường Trafalgar (Trafalgar Square), London để chúc mừng đạo diễn Asghar Farhadi và nhấn mạnh đến sự cởi mở, đa dạng của thành phố này.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là “The Salesman” không xứng đáng, ngược lại, bộ phim này một lần nữa khẳng định tài năng của Asghar Farhadi, cũng chính là tác giả kịch bản, trong cách lựa chọn xây dựng “một vở kịch trong phim”, cách dựng song song những cảnh phức tạp nghiệt ngã trong cuộc sống đời thực ngổn ngang của cặp vợ chồng nhân vật chính với những cảnh từ vở kịch của Arthur Miller. Chủ nghĩa hiện thực lộn xộn và bi kịch cổ điển cân đối được đặt cạnh nhau, một chút hồi hộp liên tưởng đến Hitchcock trong cảnh người vợ bị tấn công và cuộc tìm kiếm nhận dạng thủ phạm, hay mô típ “revenge-justice” (trả thù-công lý) rất dễ bị đẩy tới lối mòn nếu sa đà… Nhưng cuối cùng tất cả đã được sắp đặt khéo léo, dừng lại đúng mức, có những nút thắt mở bất ngờ nhằm bộc lộ yếu tố quan trọng nhất, cũng là điều mà đạo diễn quan tâm khai thác nhất, đó là những chuyển biến về tâm lý, nội tâm của nhân vật.
Bộ phim kể về một cặp vợ chồng trẻ Emad (Shahab Hosseini) và Rana (Taraneh Alidoosti), đang sống ở Tehran, bị buộc phải di dời khỏi chỗ ở của mình nằm trong tòa nhà sắp bị đổ sụp và dọn tới một căn phòng tồi tàn nhưng khá rộng rãi, nằm trên tầng thượng của một tòa nhà gần đó. Emad là thầy giáo, còn Rana ở nhà, ngoài ra cả hai còn là những diễn viên tài năng của một sân khấu bán chuyên nghiệp đang dựng vở “Death of a Salesman” của Arthur Miller, trong đó Emad đóng vai chính Willy Loman-người bán hàng (the salesman) và Rana đóng vai người vợ Linda Loman. Một sự việc xảy ra có liên quan đến người phụ nữ thuê căn phòng này trước đó, vốn là một gái điếm, vừa dời đi, đã làm thay đổi đáng kể cuộc sống của hai vợ chồng.
Một đêm khi Rana ở nhà một mình và đang ở trong buồng tắm, cô bị một người đàn ông là một trong những khách hàng của người phụ nữ thuê nhà trước đó, vào nhà và tấn công. Sau khi từ bệnh viện trở về, Rana bị chấn thương về tâm lý. Cô sợ phải bước vào buồng tắm trở lại, sợ ở nhà một mình nhưng đồng thời cô lại muốn được để yên một mình, cô không muốn chồng đi khai báo với cảnh sát vì sợ phải kể lại những gì đã xảy ra trước mặt những người lạ, cả hai đồng ý quên đi sự việc nhưng lại không thể quên, cô đòi đến nhà hát tiếp tục diễn nhưng cuối cùng lại trào nước mắt và bỏ dở nửa chừng… Cô là một khối mâu thuẫn.
Emad cũng bị tác động bởi sự việc xảy ra và trạng thái tâm lý của vợ, và đến lượt anh đem những ảnh hưởng tiêu cực đó lên sân khấu, trong cách cư xử với đồng nghiệp, cũng như ở trường học, với các học trò của mình. Có một sự liên hệ giữa vở kịch “The Salesman” mà đạo diễn chọn lựa để đưa vào kịch bản và bộ phim của mình. Nếu như trong vở kịch, Willy Loman bị dằn vặt, có cảm giác bị sỉ nhục vì không thể cung cấp cho vợ và gia đình những điều tốt đẹp trong cuộc sống, thì Emad bị dằn vặt vì là một người đàn ông không thể bảo vệ khi vợ mình bị tấn công; và một sự so sánh giữa những rạn nứt trong mối quan hệ giữa hai vợ chồng Linda và Willy Loman trong vở kịch với Rana và Emad.
Bị giày vò giữa ý nghĩ bỏ qua vụ việc và tâm lý muốn trừng phạt kẻ đã gây ra tất cả những chuyện này cho cuộc sống của hai người, Emad đã bỏ công tìm kiếm, nhận dạng kẻ đã tấn công vợ mình.
Thủ phạm hóa ra hoàn toàn không phải như những gì khán giả mong đợi hay tưởng tượng. Ðứng trước nhân vật thảm hại này, Rana trở nên sợ hãi rằng hành động của chồng sẽ là một sự trả thù và phản ứng lại, nói rằng sẽ không liên quan, dính dáng gì tới chồng nữa nếu anh làm đúng như lời mình hăm dọa là gọi cả gia đình ông già tới và kể cho họ nghe những gì ông ta đã làm.
“The Salesman” đã nhận được rất nhiều lời khen từ các nhà phê bình, nhà báo. Bên cạnh đó, không phải nhà phê bình nào cũng hài lòng với cái kết của bộ phim.
Ðây là lần cộng tác thứ ba giữa đạo diễn và Shahab Hosseini. Shahab Hosseini trong vai Emad và Taraneh Alidootsi trong vai Rana đã thể hiện được những trạng thái tâm lý chuyển biến tinh tế, những giằng xé nội tâm phức tạp của nhân vật. Ngoài ra, Babak Karimi trong vai Babak người đã gián tiếp gây ra tất cả những chuyện này khi giới thiệu căn phòng cho hai vợ chồng, cũng là một diễn viên, đồng nghiệp của Emad, hay Farid Sajadhosseini trong vai người đàn ông đã tấn công Rana cũng thật xuất sắc, vừa đáng ghét vừa đáng khinh, lại vừa rất thảm hại. thành “vừa đáng ghét vừa đáng khinh, lại vừa rất đáng thương và thảm hại
Trước khi đoạt giải tại Oscar 2017, “The Salesman” đã nhận được khá nhiều giải thưởng danh giá khác, trong đó có giải Kịch bản xuất sắc nhất (Best Screenplay) cho Asghar Farhadi và Nam tài tử xuất sắc nhất (Best Actor) cho Shahab Hosseini tại 2016 Cannes Film Festival, Giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất (Best Foreign Language Film) tại 2017 Golden Globe Awards v.v…
SC.