Trong một xã hội và văn hóa cổ súy sự thành công và tính ganh đua như hiện nay, không ít trẻ em đã lớn lên trong một gia đình mà áp lực phải chiến thắng và thành công được đặt ra và kỳ vọng một cách khắt khe. Trong khi đây là một xu hướng thông thường thì những bậc phụ huynh có lẽ cũng cần chú ý thêm rằng, dạy cho các em học và chấp nhận sự thất bại – thất bại trong danh dự và với thái độ tích cực để vươn lên, là một điều quan trọng trong đời sống. Bởi nó là điều chẳng thể tránh được cho bất cứ ai, về một điều gì đó hay trong một thời điểm nào khác trong cuộc đời.

Sự tranh đua và khát vọng chiến thắng hiện diện như một điều tự nhiên trong suy nghĩ của mỗi cá nhân, trong từng gia đình cho đến một cộng đồng hay quốc gia. Từ những đứa bé vài ba tuổi, các em đã có trong vô thức hay ý thức trẻ con rằng, búp bê của mình đẹp hơn của bạn, mình tô màu sặc sỡ hơn hay leo cao hơn bạn bè. Lớn hơn tí nữa, từ việc học cho đến những cuộc tranh tài thể thao, hoạt động ngoại khóa, ý thức cạnh tranh và cảm giác sung sướng khi chiến thắng là một trạng thái tinh thần đầy thú vị và phấn khích. Mỗi gia đình thì có những ý niệm và định nghĩa về thành công khác nhau và họ luôn có sự tự hào khi cha mẹ, con cái đạt được điều họ suy nghĩ hay mong muốn. Nhìn rộng ra thế giới thì mỗi dân tộc và quốc gia đều có những cuộc cạnh tranh tích cực lẫn tiêu cực. Tinh thần tranh đua thể hiện từ những cuộc tranh tài thể thao tại Thế Vận Hội cho đến vấn đề phát triển kinh tế, thương mại, quân sự.., hoặc tiêu cực hơn là sự tranh giành mang tính chủng tộc, quyền lực lẫn quyền lợi để dẫn đến chiến tranh như đã từng xảy ra trong lịch sử. Nhưng như đã nói bên trên, trong khi yếu tố thành công và tính tranh đua tích cực là điều không thể thiếu trong quá trình phát triển của mỗi cá nhân hay quốc gia để đạt đến những mục tiêu và thành tựu tốt đẹp hơn, liệu điều gì sẽ xảy ra khi thất bại? Những thất bại trong học vấn, các cuộc đua tài, trong tình yêu, hôn nhân gia đình cho đến nghề nghiệp, làm ăn buôn bán…?

Những nhà giáo dục cho rằng, trong khi khuyến khích và giúp các em ý thức được sự nỗ lực tự thân trong một môi trường đầy cạnh tranh để đạt đến sự thành công thì cũng cần chuẩn bị cho các em chấp nhận những sự thất bại không tránh khỏi. Những điều trái nghịch tưởng như mâu thuẫn nhưng lại cần thiết và tương quan chặt chẽ với nhau. Họ khuyến khích các em sự thất bại, xem sự thất bại là cơ hội để tự khám phá mình, nhìn nhận trách nhiệm và tìm ra những chọn lựa, con đường thích hợp cho hướng đi của mình. Những bài học về thất bại nhưng không nản chí, vẫn bền bỉ theo đuổi mục tiêu của mình, hiện diện rất nhiều trong phim ảnh, âm nhạc cho thanh thiếu niên cho đến những giảng từ đầy ý nghĩa của các nhà giáo dục, những nhân vật nổi tiếng tại các lễ tốt nghiệp trung học, đại học. Khi sự thất bại được khuyến khích hay được xem là những điều tự nhiên trong đời sống, trẻ em được mở ra những cơ hội để tự chứng tỏ mình, dám mạo hiểm, khai phá hơn về bất cứ điều gì đó mà sợ bị thất bại, sợ bị khiển trách, cười chê một khi thất bại. Và trên thực tế, những điều như vậy đã giúp giới trẻ phương Tây chứng tỏ được mình hay đạt được thành công khá sớm nhờ vào tính cách và tinh thần phiêu lưu, không sợ thất bại này.

Còn trong những gia đình mà cha mẹ kỳ vọng vào sự thành công và tính cạnh tranh của con cái một cách khe khắt, không có chỗ cho sự thất bại, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và mức độ cạnh tranh của các em ra sao? Ví dụ mục tiêu những cha mẹ này đưa ra là việc học phải chỉ được toàn điểm A. A cộng mà không phải A trừ hay A thường. Họ hài lòng khi con chiến thắng, khi con được hạng nhất, không phải hạng nhì, ba, tư. Mục tiêu đại học của con phải là đạt được học bổng, nếu không vào được đại học danh tiếng thì phải là một đại học nào đó, còn buộc phải vào các trường đại học cộng đồng hay huấn nghệ xem như đã là sự thất bại. Theo học y khoa là sự thành công, theo học khảo cổ, xã hội học… là sự thất bại. Có gia đình thì con cái học hành giỏi giang, đỗ đạt vẫn thường được yêu thương, chú trọng hơn đứa thất bại, thua thiệt. Có thể kể hàng loạt các ví dụ thông thường khác mà chúng ta có thể bắt gặp một cách khá phổ biến trong các gia đình Á Ðông, nơi mà việc học, đúng hơn là điểm học và sự thành công được chú trọng tối đa. Có khi trở thành một nỗi ám ảnh to lớn.
Có lẽ chúng ta cũng cần hiểu rằng, trong khi mơ ước những sự tốt đẹp nhất cho con cái thì khả năng của mỗi trẻ em đều có sự khác biệt và giới hạn khác nhau. Cha mẹ là những người thấu hiểu về con cái mình hơn ai hết, để có những mục tiêu và sự hướng dẫn thích hợp, thực tế. Khuyến khích các em phát hiện và đạt đến khả năng cao nhất của mình, làm điều nên nhắm đến thay vì kỳ vọng các em đạt đến mức tuyệt đối, toàn diện, đứng đầu theo mơ ước của mình. Cách đây không lâu, một số trường học tại Anh đã cho thử áp dụng những bài kiểm tra mà sẽ không có bất cứ học sinh nào sẽ đạt được điểm tuyệt đối, để tránh, cho các học sinh và phụ huynh nói chung, nỗi ám ảnh phải đạt được mức điểm tuyệt đối như vậy.

Khi đặt ra những chuẩn mực quá cao, thiếu thực tế nơi con cái, thì chúng ta đã tạo ra một áp lực rất lớn lên con cái và vô tình biến cách em trở thành những con người nhút nhát, không dám phạm lỗi lầm. Các em có thể giải bài toán theo cách an toàn nhất, cốt được điểm cao chứ không dám thử một cách giải độc đáo, sáng tạo hơn mà mình có khả năng. Các em mang nỗi ám ảnh về điểm học theo yêu cầu khắt khe của cha mẹ, hơn là niềm vui thú và ý thức về sự quan trọng của học vấn và kiến thức. Khi trưởng thành, các em dễ có xu hướng chọn một công việc an nhàn thay vì dám chấp nhận những cơ hội đầy thử thách nhưng có thể mang lại cho sự thăng tiến không giới hạn của tương lai. Các em dễ mặc cảm khi thua thiệt, không thành công bằng người khác – một sự thua thiệt hay thành công đã được định hình và định nghĩa theo kiểu cha mẹ từ nhỏ, thay vì ý thức về giá trị và sự riêng biệt bằng sự kiêu hãnh của riêng mình. Hoặc giả một dăm thất bại nào đó trong tình yêu, gia đình sẽ trở thành nỗi ám ảnh, bi kịch, đánh gục các em thay vì có khả năng mạnh mẽ để đi tới.
Dạy cho con cái về sự thất bại từ khi còn nhỏ cũng quan trọng không kém việc khuyến khích các em phấn đấu cho những thành công. Các em cũng đã ít nhiều có những cơ hội để học về sự thất bại và cách ứng xử theo cách tích cực nhất. Ví dụ tinh thần thượng võ trong các đội thể thao trường học là một trong những điều mà các em vẫn thường được học về sự thắng-thua từ học đường: thắng trong tinh thần cảm thông, hòa nhã với người thua cuộc và thua trong danh dự và bằng lòng tự trọng. Còn với các bậc phụ huynh, cho các em những cơ hội phạm sai sót, sai lầm, chấp nhận và an ủi các em trước những thất bại nhằm giúp các em tiếp tục theo đuổi những gì đang làm, muốn làm là điều rất nên làm. Và hơn hết, dù con cái có thành công hay thất bại, thì chính lòng yêu thương vô điều kiện của mình sẽ là một trong những điều quan trọng để tạo nên mối quan hệ gia đình đầy gắn kết và giúp các em đi tiếp hành trình của mình.

DYT