Menu Close

“Một ngày không có người Mễ”

01

Ngày 16 tháng 2-2017, hơn 1,000 người tại Houston, Texas đã tham dự một cuộc biểu tình có tên là: “Ngày Không Có Di Dân” để phản đối chính sách về di dân của Tổng Thống Donald Trump.

Nước Mỹ sẽ ra sao nếu một ngày không có di dân?

Thật ra, nước Mỹ rất cần đến di dân, họ là một phần đời sống của Mỹ, và nước Mỹ vốn đã mang danh là Hiệp Chủng Quốc (United States,) một quốc gia của những người nhập cư. Ðó là một nơi mà mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến để xây dựng một cuộc sống tốt hơn. Nhiều người đến Mỹ từ rất nhiều nơi khác nhau trên khắp thế giới, mang theo nhiều bản sắc văn hoá nên nước Mỹ có một thứ văn hoá gọi là “melting culture” gọi là “văn hoá tan chảy” hay “văn hoá hoà hợp.”

Những người sinh sống ở đây mà chúng ta thường gặp ở ngoài đời thường, trong công sở hay trên cánh đồng, không phải chỉ thuần là người da trắng hay da đen, mà có đủ mọi sắc tộc từ mọi nguồn gốc trên quả đất này. Ở Mỹ, cứ 4 người dưới 18 tuổi, ít nhất là có một người sinh ra ở nước ngoài di cư đến đây, và con số di dân đông nhất phải nói là những người từ các nước Châu Mỹ- Latinh và người Á Ðông.

Ở New York chúng ta gặp nhiều người từ Do Thái, ở Louisiana có nhiều người gốc Pháp, ở Chicago có nhiều người Ái Nhĩ Lan, và ở California này, không ít người Ðại Hàn, Trung Hoa, Việt Nam… nhưng đông nhất là dân Nam Mỹ.

Hispanic là dân thiểu số đông nhất ở Mỹ, họ có mặt từ 4 thế hệ nay, ào ạt băng biên giới đến Mỹ, phát triển nhanh đến độ chóng mặt, từ năm 1970, 45 năm sau (2015) đã tăng lên 38%.

Tương tự như câu chuyện “Một Ngày Không Có Di Dân,” năm 2004, Hollywood đã thực hiện một cuốn phim “khôi hài- giả tưởng:” “Một Ngày Không Có Người Mễ” (A Day Without a Mexican) của đạo diễn Sergio Arau. Ở về phía Nam nước Mỹ có đến 40 quốc gia đều nói tiếng Tây Ban Nha, mà chúng ta thường khó phân biệt, ai là từ Mexico, ai là Costa Rica, ai là Honduras. Họ vẫn thường được gọi chung chung là người Hispanic, Latino hay Mexican (Mễ) và con số những người này hiện sinh sống ở California là 14.9 triệu, gần 1/3 dân số của tiểu bang (38.8 triệu người).

02

Trong cuốn phim này chúng ta tạm gọi họ là người Mễ.

Chúng ta thử tưởng tượng, một buổi sáng thức dậy, 1/3 dân số California, tất cả người Mễ trên tiểu bang này đều biến mất thì sự việc gì xảy ra? Biến cố này quá trọng đại đến đỗi chính phủ phải ban lệnh California đang ở trong tình trạng khẩn cấp (State of Emergency).

Hôm nay, California – 3/4 hàng quán phải đóng cửa, vì không ai rửa chén bát, nhặt rau, lau bàn ghế, phụ việc ở trong bếp; – đường sá đầy rác bẩn, không ai quét dọn; – không có xe đổ rác hôm nay; – cỏ trong vườn nhà, ngoài công viên không người cắt; – cam, nho, dâu trên cánh đồng thối rữa không kịp hái; một số lớp mẫu giáo trẻ em phải nghỉ học vì không có cô giáo; – những ngôi nhà đang xây, gạch cát ngổn ngang, những con đường đang sửa bị bỏ dở, ông Thượng Nghị Sĩ tiểu bang hôm nay không còn cô người Mễ giúp việc, người thường ngày đã dọn bữa điểm tâm cho ông, sắp món ăn trưa trong cái lunch-box cho ông mang đến nơi làm việc…

Chúng ta biết rằng nền kinh tế California được xếp hạng thứ năm trên thế giới, mà kinh tế ở tiểu bang này chủ yếu là nông nghiệp, chứ không phải Hollywood như nhiều người lầm tưởng. Và kinh khủng hơn là số công nhân người Mễ đã chiếm con số 90% trong ngành nông nghiệp quan trọng này.

Có 60% công nhân người Mễ trong ngành xây dựng nhà cửa, cầu đường; 40% trong các dịch vụ nhà hàng ăn uống; 20% cô giáo nhà trẻ là người Mễ.

Không còn ai đứng lóng ngóng chờ ở Home Depot để kiếm việc, không có ai đứng ở góc đường để múa may cái bảng hiệu quảng cáo cho khu nhà mới, hay chạy lên chạy xuống bán bó hoa ở chỗ đèn xanh, đèn đỏ, khi chúng ta mỗi ngày lái xe qua đó.

19 tờ nhật báo, 136 đài phát thanh, và 47 đài TV tiếng Mễ không còn nữa vì tất cả những người sử dụng ngôn ngữ chính là Spanish đã biến mất.

Và những quán tạp hoá, tối nay số lượng bia bán ra sút giảm thấy rõ!

California có thể không có người Pháp, người Ý, người Tàu và kể cả người Việt Nam, nhưng Cali không thể không có người Mễ. Không có người Mễ một ngày là tiểu bang này trở thành một đống rác, ngổn ngang mọi thứ và… tê liệt. Sóng Thần hay cuồng phong chỉ có thể tàn phá một vùng nhỏ khoảng mươi dặm vuông, nhưng sự vắng bóng của người Mễ, dù chỉ một ngày sẽ làm cho toàn tiểu bang này thành… bình địa.

Người Mễ lâu nay đã là đối tượng của sự kỳ thị, coi thường, bị thành kiến và cả bị xua đuổi, mặc dầu người Mỹ bản xứ không muốn hay không làm nổi những việc hái dâu, không muốn khiêng gỗ, không muốn lợp nhà, quét đường, cắt cỏ…Những công việc đó cho người Mễ có khả năng gửi về quê nhà 54 tỷ đô la mỗi năm.

Người Việt chúng ta mỗi năm gửi về nước khoảng 13 tỷ (năm 2016 giảm xuống chỉ còn 9 tỷ), nhưng chúng ta có mặt trên đất Mỹ này đã 42 năm, đã có ai suốt đời đi còng lưng hái dâu hay quét đường chưa?

Trong đoạn kết “A Day Without a Mexican,” cuối cùng California gửi một thông điệp về phía bên kia biên giới Mễ Tây Cơ: “California thực sự cần người Mễ!” Có lẽ trong lúc này, nước Mỹ chưa cần thêm bác sĩ, kỹ sư, chuyên viên điện toán hay khoa học gia đến từ nước ngoài, mà cấp bách ngay bây giờ là công nhân làm việc tay chân.

Những nhóm tuần tra biên giới, những sĩ quan biên phòng nước Mỹ được lệnh mở cửa biên giới, bắc loa kêu gọi người Mễ trở lại đất Mỹ ngay trong hôm nay!

Và còn nỗi vui mừng nào hơn đến ứa lệ cho mỗi người dân Cali, khi màn ảnh truyền hình chiếu cảnh những viên chức Hoa Kỳ ở biên giới ôm chầm lấy những người Mễ vừa vượt qua ranh giới hai nước. Các người bạn Mễ Tây Cơ thân yêu đã trở về, và California đã ra khỏi tình trạng khẩn cấp.

Bạn thử tưởng tượng đi, nếu một ngày California không còn bóng dáng một người Mễ nào nữa?

03

HP