“Kiến thiết quốc gia giúp đồng bào ta xây đắp muôn người được nên cửa nhà…”. Bài hát xổ số kiến thiết do Trần Văn Trạch sáng tác năm 1952 đã giúp ông nổi tiếng khắp Sài Gòn Gia Định. Chất giọng trầm ấm, lời ca vui tai vang trên radio vào lúc 4 giờ chiều mỗi ngày Thứ Ba bắt đầu chương trình xổ số phát thanh trực tiếp tại Cuộc Xổ số kiến thiết tức rạp Norodom thời Pháp thuộc. Rạp này còn là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc thi tuyển lựa ca sĩ do Đài phát thanh Pháp Á tổ chức. Chương trình xổ số có ca nhạc xen kẽ giúp vui. Đa phần khách đến xem quay số trực tiếp là các đại lý bán vé, còn người mua thì ngồi nhà ôm cái radio chờ lúc “Mời các em ra quay số”.

Bài hát vui và có ý nghĩa như thế nhưng mấy đứa trẻ trong xóm tôi hát nhại rằng: Xổ số kiến thiết quốc gia giúp đồng bào ta bán hết cửa nhà vào ra Chí Hoà. Có lẽ nhiều người không thích trò chơi xổ số và cho rằng đó là một cách cờ bạc hợp pháp cho dù mỗi tấm vé số đầu năm 1960 có giá 10 đồng. Không phải ai cũng mua một tờ vé số để tìm hy vọng trở thành triệu phú, nhiều người mua vài tờ thậm chí vài chục tờ tính ra mỗi tuần tiêu tốn cho khoảng “đầu tư” đổi đời từ vài chục tới vài trăm đồng. Theo các nhà tính toán, xác suất trúng số độc đắc lên đến 1/8 triệu khó gấp 8 lần khả năng bị sét đánh. Cho nên việc tìm vận may là mơ hồ. Tuy thế nhiều người vẫn nuôi hy vọng mua nhiều vé càng có nhiều cơ hội. Nhưng rốt cuộc “thần tài” không thèm gõ cửa chỉ toàn là chuyện sáng mua chiều xé.

Có lần ba tôi chở tôi về căn nhà mua được vài tháng ở khu cư xá Phú Lâm B chơi. Ba tôi mua nhà nhưng không ở vì thuở đầu thập niên 1970, khu vực Phú Lâm còn thưa thớt dân cư. Nhà nước xây các dãy chung cư trệt, rộng rãi, có sân trước sân giữa đàng hoàng bán cho công chức và quân nhân có đủ điều kiện “con đông nhà chật” để thay đổi cuộc sống. Số đơn nộp mua cả ngàn nên người ta tổ chức bốc thăm. Ba tôi trúng. Mua để đó chứ không ở mà cho gia đình người bạn đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn trú ngụ. Bạn ba tôi dọn về chung cư không phải trả tiền theo thỏa thuận miệng vài năm với mục đích có người trông coi ngôi nhà, xem như trúng số mỗi tháng. Vào thời điểm đó ba tôi không muốn thay đổi chỗ ở vì không muốn di chuyển việc học hành của anh chị em chúng tôi hơn nữa lại thuận tiện cho tuyến đường đi làm của ba tôi tận Biên Hoà bằng xe lửa. Ga Hoà Hưng nằm cuối con hẻm, xuống ga lội bộ vài trăm mét là về đến nhà.
Lần này về ngôi nhà chung cư tôi phát hiện thêm một tấm màn làm bằng những tờ giấy vé số ở cửa buồng bếp. Năm trước chỉ có một tấm màn treo cửa buồng phòng khách như vậy chỉ mới một năm thôi, những tờ vé số trật lất của ông bạn ba tôi đủ kết lại thành tấm màn giấy treo cửa buồng xem rất nghệ thuật. Ba tôi hỏi bạn: Bao nhiêu tờ vé số mới đủ kết tấm màn? – Không nhớ, tôi mua hàng tuần, dò xong cất lại trong thùng, chừng nào bả rảnh đem cuốn lại dán keo để đó. Ðủ số thì bả kết lại làm cái màn treo chơi. Ba tôi thở dài: Mua hoài không trúng thì mua làm gì? – Ông bạn trả lời: Không mua làm sao trúng!

Chưa bao giờ tôi thấy ba tôi mua vé số và tôi cũng chẳng lưu tâm đến việc này nhiều. Với ba tôi vé số chẳng qua là hình thức “cờ bạc” hợp pháp chứ đóng góp kiến thiết quốc gia được bao nhiêu tuy rằng sau này tôi nghe mấy người bạn am hiểu xổ số tính ra số tiền đóng góp vào ngân khố nhà nước nhiều lắm. Tôi xem lại tư liệu báo chí hồi thời Pháp thuộc, vé số Ðông Dương xuất hiện đầu tiên vào năm 1935 có 1,368 số trúng, tổng số tiền giải 150,000, tiền bán vé thu về 300,000, như vậy phát hành vé số một lời một. Tháng xổ một lần, một năm trung bình ngân khố thu về gần hai triệu sau khi trừ chi phí lương bổng điều hành thì làm sao bằng số thu của các sòng bạc hợp pháp Ðại Thế Giới mỗi ngày nộp thuế 500,000 đồng. Vé số xổ mỗi tháng một lần mãi cho đến sau khi Tổng thống Ngô Ðình Diệm đóng cửa các sòng bạc công khai năm 1955, vé số mới thực sự mang lại nguồn thu lớn cho “kiến thiết quốc gia”, bằng cách tăng số lần xổ mỗi tuần một lần.

Tôi nghe nhiều người lớn tuổi từng đến chơi ở Ðại Thế Giới kể lại, ngoài cờ bạc ra thì các sòng bài công khai còn tổ chức bốc thăm trúng số mỗi ngày – một hình thức giống chơi bingo, cũng có thể nói là hình thức đầu tiên của trò chơi số đề trong dãy số từ 00 đến 99, mỗi thăm một đồng, trúng được 70 chục đồng, tức gấp 70 lần so với vé số trúng hàng đơn vị – hàng chục chỉ trúng gấp 10 lần của tờ vé số (cho dù lô hàng chục có 10,000 giải trúng theo số lượng vé phát hành, tức là 1 triệu vé). Cho nên hồi trước trò chơi số đề hấp dẫn hơn xổ số. Chính vì điều này, nhiều người lao vào trò chơi số đề rồi biến thành con ma cờ bạc đúng nghĩa. Nói chuyện chơi về chuyện đánh đề, ông bạn tôi nhớ đến một loại thai đề bày bán ở các sòng bạc ngày xưa. Ðó là những tờ giấy bàn đề vẽ hình dân gian vui mắt. Người ta xem hình, suy luận và bàn đoán con số mình mua. Chẳng hạn hình vẽ một ông già đang ve vãn cô gái thì đoán là con dê (35) nhưng lại là ông già nên thành dê cụ (75). Ông già dê lại bị cô gái cho một bạt tai lên mặt (bàn tay 5 ngón), vậy là đánh số 80. Lại có người bàn, bàn tay đánh con dê cụ, cho chừa thói dê xồm, nên phải trừ đi, tức là số 65 mới phải.
Thực sự số đề bắt đầu phổ biến khắp nơi sau khi có chương trình xổ số hằng tuần. Số đề dựa trên kết quả xổ số từ hàng đơn vị đến hàng trăm (2 số và 3 số). Ðánh số từ 00 đến 99 tức 100 số đã khó theo tính toán xác suất, người trúng chỉ có cơ hội 0.01%. Vậy mà theo nhiều người lớn tuổi cho biết, hồi trước vào thập niên 1960 ở khu vực Cây Da Sà (ngã tư Bà Hom) có tổ chức chơi đề 40 con. Cơ hội trúng khá dễ, chung chi sòng phẳng, thu hút bà con lao động chơi đề càng tham gia nhiều hơn. Tên gọi Cây Da Sà là do thuở thập niên 1950 nơi đó có một cây da cổ thụ tỏa bóng mát, giới phu xe thổ mộ và xích lô dừng xe dưới gốc cây nghỉ ngơi rồi làm thành bến, tụ tập nhau đánh bài. Ngoài ra chung quanh các khu lân cận còn có nhiều tiệm hút thuốc phiện bất hợp pháp, các sòng bài trong nhà. Cho đến khoảng thập niên 1960, tại đây xuất hiện một tay giang hồ Bảy Diệm (Lê Văn Diệm) xuất thân từ một phu xe ngựa được anh em phu phen thợ thuyền, phu xe tôn làm đại ca, bảo kê các sòng bạc rồi tổ chức ổ đánh đề quy mô nhất, có hệ thống đại lý ghi đề khắp Sài Gòn-Chợ Lớn, ăn chia theo tỷ lệ phần trăm. Dân chơi đề ngày càng nhiều, nhiều hơn chơi xổ số.

Do vậy, chính quyền lo ngại sự cạnh tranh giữa số đề bất hợp pháp và vé số nhà nước nên tìm mọi cách triệt phá ổ đề. Những cuộc vây ráp, kiểm tra bất ngờ ổ đề của Bảy Diệm – người được mệnh danh là “vua cờ bạc” Cây Da Sà – đều thất bại vì Bảy Diệm đều biết trước do có “mật báo” hoặc tẩu tán nhanh gọn khiến cảnh sát không thể nào bắt được quả tang.
Hầu hết người đánh đề thường luận bàn con số theo giấc mơ của mình. Lại có người đi coi bói, ngồi đồng, cầu cơ. Nhưng vui nhất là nghe chuyện mấy bà mê đề tụm lại bàn luận. Hồi đó ở cuối xóm tôi, cứ gần đến giờ xổ số là mấy bà già trầu họp mặt nhau ở nhà bà Tám biên đề. Nhà bà Tám sát cạnh trụ sở nhân dân tự vệ nhưng chẳng thấy có anh tự vệ anh cảnh sát nào đến “hỏi thăm”, mà cứ để cho nhân dân tự do chơi đề, trước giờ xổ số mấy tiếng người xóm trên xóm dưới còn đến ghi đề nườm nượp. Sau giọng ca của Trần Văn Trạch, cuộc xổ số bắt đầu. Vui nhất là lúc: “Ðây là lần quay thứ nhất. Mời các em ra quay số”. Mấy bà già trầu hồi hộp lắng tai nghe. Bởi đánh đề hai con chỉ có số đầu và số đuôi (giải 6 số, ít người bao lô 3 con), nên sau lần quay thứ nhất là các bà bàn luận cho con số đề tuần sau.
Thời đại internet bây giờ, người ta ít bàn đề qua chuyện nằm ngủ chiêm bao hay ra ngõ gặp chuyện bất ngờ nên bàn đề phải khoa học một chút. Có một ấn bản (dỏm) trên mạng ghi: Cơ sở lý thuyết chung về “lô đề” của tác giả người Nga M. A. Glincốp do nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật ấn hành. Thiệt là hết chuyện chơi, không biết ai bá đạo bàn đề mà dám đem sách của nhà khoa học vật liệu xây dựng sửa tựa chữ “lò” thành “lô đề” xuất bản năm 1972, làm ông bạn tôi lầm tưởng chuyện bàn đề có in thành sách mà sách của tác giả nước ngoài nữa chứ!
Nhưng thôi chuyện bá đạo tầm phào. Nghe đâu chuyện đánh đề ở Sài Gòn, Hà Nội và tất cả các tỉnh thành ở Việt Nam đã trở thành một vấn nạn không bao giờ giải quyết được. Ðề là một dạng cờ bạc không để lại dấu ấn bằng trò xổ số. Ngày nay người ta có thú vui sưu tập vé số xưa với giá tiền mua không rẻ chút nào, nhất là các vé số Ðông Dương, kế đến là vé số trước 1975. Vé số ngày trước đã trở thành thói quen của người Việt trong nước cho đến bây giờ.
TN