Sau khi thông qua Tu chính án số 16, Quốc hội Mỹ đặt ngày 1 tháng 3 năm 1914 là Ngày Nộp thuế thu nhập đầu tiên (First Tax Day). Tại sao là ngày 1 tháng 3? Ngày này là gần một năm sau khi Tu chính án nói trên được ban hành. Sở Thuế thiếp lập mẫu 1040 để dân khai và đóng thuế thu nhập cá nhân, lúc đó là 1% cho những người có thu nhập dưới $3,000 ($4,000 cho đôi vợ chồng khai thuế chung) và thuế suất cho những người giàu có nhất là 6%.
Tax Day được chuyển đến ngày 15 tháng Ba năm 1918, rồi đến năm 1955 được dời đến ngày 15 tháng Tư. Lý do chính là để cho công việc của nhân viên Sở Thuế được trải rộng thêm thời giờ giải quyết các hồ sơ thuế. Tuy nhiên, một số các nhà kinh tế lại cho rằng càng để thời gian khai thuế kéo dài thì chính phủ càng lâu mới phải bồi hoàn thuế. Mà Sở Thuế càng giữ được tiền lâu thì càng được lời nhiều hơn.
Tax Day năm nào rơi vào cuối tuần hoặc ngày lễ thì còn được dời lâu thêm nữa. Năm 2017, ngày này rơi vào Thứ Bảy, nhưng ngày “làm việc” (business day) kế tiếp (Thứ Hai, 17 Tháng Tư) lại là ngày lễ nghỉ ở Washington, D.C. (Emancipation Day) nên Tax Day năm nay là 18 Tháng Tư. Riêng cư dân ở Maine và Massachusetts lại còn được thêm một ngày nữa để khai và nạp thuế vì ngày Patriots Day rơi vào 18 tháng Tư.
“Cánh tả, cánh hữu”
Theo dõi các phương tiện truyền thông, đôi khi chúng ta gặp thuật ngữ “cánh tả”, “cánh hữu”.
Những từ này ra đời vào thời kỳ Cách mạng Pháp (1789-1799), để mô tả sự sắp xếp chỗ ngồi trong Quốc hội. Những người ủng hộ phe cách mạng, phản đối chế độ quân chủ, thường ngồi bên trái, còn người muốn duy trì và bảo vệ thể chế cũ thì ngồi bên phải.
Cũng vì nguồn gốc lịch sử này mà phe cánh tả (leftwing) đôi khi được gọi là chủ nghĩa cấp tiến (progressivism) và phe cánh hữu (rightwing) được gọi là chủ nghĩa bảo thủ (conservatism).
Đó là nguồn gốc từ ngữ, nhưng hầu như không có nhiều liên hệ với khái niệm “cánh tả” và “cánh hữu” như cách dùng ngày nay.
Ở Mỹ ngày nay, khác biệt căn bản giữa ý thức hệ của cánh tả (hoặc tả phái) và cánh hữu (hoặc hữu phái) đặt trọng tâm vào quyền lợi của cá nhân đối nghịch với quyền hạn của nhà nước. Tả phái có khuynh hướng tự do (liberal), tin rằng xã hội sẽ được phục vụ tốt nhất nếu vai trò của nhà nước được mở rộng, như những chương trình về an sinh xã hội, Medicare, Medicaid, chăm sóc sức khỏe phổ thông, food stamps, giáo dục công lập miễn phí, trợ cấp thất nghiệp, luật lệ mạnh bảo vệ môi trường, và các quy định đối với kỹ nghệ.
Hữu phái tin rằng kết quả tốt nhất cho xã hội sẽ đạt được khi quyền lợi cá nhân và sự tự do của người công dân phải ở vị trí tối cao, còn vai trò của chính phủ – nhất là quyền lực – phải là tối thiểu. Ý thức hệ của hữu phái sẽ coi trọng các giải pháp dựa trên thị trường đối với những vấn đề mà các chương trình của chính phủ nhằm giải quyết, chẳng hạn như khuyến khích một thị trường chăm sóc sức khỏe tự do hơn, tùy thuộc vào sự lựa chọn của người tiêu dùng để hạ thấp chi phí. Hoặc là để cá nhân mở các trương mục hưu như 401k thay vì An sinh xã hội được chính quyền bảo đảm.
