
Tập bút ký “Y Sĩ Tiền Tuyến” của Trang Châu nổi tiếng từ trước 1975, gần đây được giới thiệu trở lại như một tác phẩm hiếm quý của Miền Nam sau cuộc phần thư. Quả cũng lạ: chiến tranh chấm dứt đã 42 năm mọi sự tưởng đã im ngủ dưới tro tàn vậy mà khi đọc lại YSTT ta thấy nó vẫn sống động và còn gây đau nhức trong lòng ta khiến phải bồi hồi suy tưởng. Trước hết là cảm phục thái độ của Trang Châu khi đi vào cuộc chiến. Năm ấy (1966) tác giả còn trẻ, vừa mới ra trường lại có người yêu trẻ đẹp ở thành phố, thế nhưng đã bỏ lại tất cả đằng sau lưng để lên đường nhận nhiệm vụ ở vùng mặt trận sôi động Bồng Sơn Tam Quan. Mục đích là chăm sóc vết thương cho đồng đội và giúp đỡ đồng bào trong chiến nạn. Dưới ngòi bút của Trang Châu, chiến tranh hiện ra với nhiều nét thật. Tác giả không hề tô vẽ hay phóng đại mà rất trung thực cho nên trang viết có sức hấp dẫn, thuyết phục người đọc. Những bức tranh lính tráng bị thương, chết chóc, cảnh đồng bào bồng bế nhau chạy loạn trong thiếu thốn đói khổ, rồi nhà cửa hoang tàn đồng khô cỏ cháy… Mà chiến sĩ ta chiến đấu thật dũng cảm, còn giúp đỡ đồng bào nữa. Cũng những người lính ấy, lúc dừng quân, chỉ biết giải trí bằng những trò chơi giản dị do mình tự đặt ra. Một điều cần phải nói ra: Đọc YSTT của Trang Châu ta càng nhận chân được ý nghĩa của cuộc chiến đấu của quân dân Miền Nam.
NGUYỄN & BẠN HỮU
Trận thử lửa của các y sĩ thuộc Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù tại mặt trận Tam Quan Bồng Sơn năm 1966
Chúng tôi trình diện Ðại Ðội Quân Y Sư Ðoàn Nhảy Dù trước một ngày Bộ Tư Lệnh tung năm tiểu đoàn giải tỏa vùng Tam Quan, Bồng Sơn. Tôi còn nhớ hôm ấy là ngày 4 tháng 2 năm 1966, mùng bốn Tết. Chúng tôi có năm tiểu đoàn để đáo nhậm chức vụ Y Sĩ Trưởng: Ba tiểu đoàn cũ là Tiểu Ðoàn 1, 6, và 7, và hai tiểu đoàn tân lập là Tiểu Ðoàn 2 và 9. Thiếu Tá Y Sĩ Trưởng thỏa thuận để chúng tôi chọn lựa với nhau. Trong năm chúng tôi, Tín, Ðoàn, Nghị đã lập gia đình, Bá và tôi độc thân nên tình nguyện đi xa. Tôi chọn Tiểu Ðoàn 6 Dù, hậu cứ ở Vũng Tàu. Bá về Tiểu Ðoàn 7, hậu cứ ở Biên Hòa. Tín chọn Tiểu Ðoàn 1. Ðoàn về Tiểu Ðoàn 2. Nghị về Tiểu Ðoàn 9. Hai tiểu đoàn tân lập đang ở thời kỳ huấn luyện, sáu tháng nữa mới xuất quân.

Ngày hôm sau cuộc hành quân Thần Phong 11 khai diễn. Trong năm tiểu đoàn tham dự có Tiểu Ðoàn 6 của tôi. Tiên đoán sẽ đụng độ lớn mà chúng tôi quá mới mẻ, thiếu kinh nghiệm nên Thiếu Tá Y Sĩ Trưởng quyết định chiếm xong mục tiêu mới cho bàn giao chức vụ. Ông cũng tháp tùng Chuẩn Tướng Tư Lệnh trong cuộc hành quân. Trong khi chờ lệnh đáo nhậm hành quân, chúng tôi đều làm việc tại Bệnh Xá Ðỗ Vinh.
Báo cáo tổn thất hai ngày đầu cuộc hành quân là mười lăm tử thương, ba mươi sáu bị thương, trong số đó có ông tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 6 và ông tiểu đoàn phó tiểu Ðoàn 3. Trận chiến kéo dài đến ngày thứ ba thì các mục tiêu mới được thanh toán. Công điện khẩn gọi tôi ra mặt trận thay thế Bác Sĩ Cảnh, bị thương ở chân phải về điều trị. Cảnh cho tôi biết tình hình đã yên, đến giai đoạn bình định và dân sự vụ. Một giờ sau khi bàn giao chức vụ, chiếc C-130 đưa tôi cùng một toán binh sĩ Dù ra tăng cường đi Qui Nhơn.
Tôi ngồi lạc lõng giữa những khuôn mặt sạm đen đang tò mò nhìn tôi. Bộ đồ hoa mới tinh, nước da trắng trẻo cộng với tính trầm lặng khiến tôi có bộ mặt một tân binh còn rụt rè trận mạc và e ngại phong sương. Tôi không nghĩ đến những ngày sắp tới. Trong tiếng động cơ rì rầm ở cao độ, dưới ánh đèn mờ nhạt của lòng tàu, tôi ngồi ôn lại quá khứ. Suốt quãng đời niên thiếu, những lúc tôi sung sướng, yêu đời nhất lại là những lúc tôi được một mình mơ mộng. Con người tôi không thể tìm thấy hạnh phúc, dù ngắn ngủi, với một cuộc sống bình thường an phận được. Phải đi, phải khổ, thì tôi mới thấy đời sống có chút ý nghĩa. Nếu có một lý do nào để giải thích sự lựa chọn của tôi thì lý do mơ hồ nhất lại là lý do xác đáng nhất.

Tôi ngủ lại Quân Y Viện Qui Nhơn một đêm. Sáng hôm sau Ðại Úy Lộc, sĩ quan hành chánh quân y Dù, đưa tôi dạo quanh thành phố kiếm chỗ ăn sáng. Dấu vết ngoại nhân in hằn lên mảnh đất quê hương. Nó cần thiết nhưng nó cũng làm tôi đau lòng, dễ ngộ nhận. Chiếc trực thăng Mỹ đưa tôi ra Bồng Sơn lúc hai giờ chiều. Một chiếc xe Jeep Hồng Thập Tự đưa tôi về Bộ Chỉ Huy Sư Ðoàn đóng ở Ðề Ðức, cách phi trường Bồng Sơn độ ba cây số. Sau khi trình diện Thiếu Tá Y Sĩ Trưởng Sư Ðoàn tôi được hướng dẫn lên trình diện Chuẩn Tướng Tư Lệnh. Bộ Chỉ Huy Sư Ðoàn đóng trên một ngọn đồi. Ngọn đồi bên kia đường là bãi đáp trực thăng. Xa hơn tí nữa dàn đại bác Tân Tây Lan chốc chốc ìm ầm nhả đạn. Con đường đất gồ ghề bốc bụi đầy trời vì những quân xa thường xuyên qua lại. Ðã ngửi thấy mùi chiến tranh.
Tôi ngủ đêm ở Bộ Chỉ Huy Sư Ðoàn. Trong câu chuyện buổi cơm chiều, ông Thiếu Tá có vẻ bằng lòng sự tình nguyện ra Vũng Tàu của tôi. Tôi không thích Vũng Tàu lắm, nhưng muốn xa Saigon ít lâu. Người yêu tôi ở Saigon, nhưng tôi vẫn muốn đi xa, xa để xem mình nhớ Saigon đến mức nào. Sáng hôm sau tôi xuống Tiểu Ðoàn 6 nhậm chức Y Sĩ Trưởng. Tiểu Ðoàn 6 đóng cách Bộ Chỉ Huy Sư Ðoàn chừng năm cây số, trong làng, dưới những bóng dừa xanh mát. Dưới quyền chỉ huy của tôi là trung đội Quân Y gồm mười sáu y tá và tám cáng viên. Tuổi lớn tuổi nhỏ lẫn lộn.
Tôi đến họ thật cởi mở. Tôi muốn hòa mình vào đời sống mới, còn bỡ ngỡ nhưng chắc rồi sẽ quen đi.
Tiểu đoàn đóng ở Hoài Sơn được năm hôm. Ở giai đoạn bình định này, công tác duy nhất của các tiểu đoàn Dù là làm dân sự vụ. Các trạm cứu thương khám bệnh, phát thuốc, chích ngừa, băng bó thương tích, gắp mảnh bom đạn cho đồng bào. Những nạn nhân vô tội làm tôi đau lòng: Một cậu bé mười bốn tuổi bị mảnh bom cắt ngang xương sống lưng làm bại liệt hai chân, bò lết lâu ngày đít và đầu gối thối dần; một gia đình mười người bị đạn đại bác chỉ còn sống sót một cô gái mười sáu tuổi và một em bé trai một tuổi bị mảnh ghim vào lưng. Tôi gắp mảnh đạn ra, vết thương sẽ lành nhưng hai chị em sẽ sinh sống ra sao? Những nạn nhân trẻ thơ kia sẽ là môi trường tuyên truyền hữu hiệu của đối phương.
Công tác y tế giúp tôi gần dân chúng hơn, ban đầu họ còn e ngại, dần dần họ trở nên cởi mở và biết ơn. Tôi cho tranh thủ nhân tâm không phải là vấn đề khó, khó là ở chỗ không có người biết tranh thủ nhân tâm.

Theo tin không chính thức thì mười lăm tháng Hai sẽ có đơn vị bạn ra thay thế. Hôm nay mười ba, tôi nghĩ chậm lắm là mười bảy thì tiểu đoàn sẽ về hậu cứ. Cuộc xuất trận đầu tiên của tôi như thế không có gì gay cấn cả. Tôi vẫn ước ao lần thử lửa đầu tiên của tôi phải là một trận đánh lớn và là một chiến thắng lớn.
Nhưng buổi chiều hôm đó, tôi được mời lên Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn họp hành quân. Tôi nhận tin trên trong thích thú và hồi hộp. Tôi tập hợp toán y tá căn dặn chuẩn bị thuốc men và đi nghỉ thật sớm để lấy sức. Chúng tôi được đánh thức lúc ba giờ sáng. Trời rét căm căm. Cơm nước, cà phê xong xuôi, bốn giờ nhổ trại. Lặng lẽ chúng tôi tiến hàng một ra đường. Một đoàn xe GMC chờ đón. Bốn giờ ba mươi, xe chuyển bánh. Tôi ngồi chung cabine với ông tiểu đoàn trưởng. Chúng tôi không ai nói với ai một lời. Vượt quãng đường chừng năm cây số, rẽ trái vào con đường đất gồ ghề, xe đổ chúng tôi xuống ven cánh làng nằm dưới chân một ngọn đồi. Ông y tá trưởng cho tôi biết làng tên Gia Hựu, ngọn đồi tên Ðồi 10.
Mười ngày trước đây Gia Hựu là chiến trường đẫm máu. Cố thủ trong những giao thông hào kiên cố, địch chống trả mãnh liệt. Vào ngày thứ ba sau trận mưa bom kéo dài hàng giờ, Tiểu Ðoàn 6 Dù mới chiếm nổi mục tiêu. Một trái 60 ly rơi đúng Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn làm bị thương tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó, và cố vấn trưởng. Trong khi chạy lên săn sóc thương binh, Bác Sĩ Cảnh bị tiếng nổ của một quả 81 ly rơi cách mấy thước hất té nhào xuống hố làm ông trặc chân nặng. Cảnh làng thật thê lương, chỉ còn tro tàn gạch vụn, những thân dừa cháy đổ ngổn ngang. Trời mưa lâm râm. Tôi ngồi trú mưa dưới mái nhà tranh một ngôi nhà đã sụp mất một nửa. Ông y tá trưởng ngồi cạnh tôi, tháo chiếc nhẫn ở tay cho vào túi, xong nói với tôi:
– Bác sĩ ạ, lần trước trời cũng mưa lâm râm như thế này, tôi cũng tháo nhẫn cất vào túi và đã đánh nhau to.
Tôi hiểu ông muốn nghĩ gì: Lần này trời cũng mưa lâm râm, ông cũng tháo nhẫn cho vào túi và chắc sẽ đánh nhau to. Tôi không cười sự dị đoan của người y tá trưởng già vì một lẽ rất dễ hiểu: Tôi cũng hay tin nhảm như vậy. Suốt tuần trời nắng ráo, đúng vào hôm xuất quân trời mưa. Ðiềm xấu, tôi nghĩ thế.

Khoảng bảy giờ sáng, cánh quân Ðại Ðội Chỉ Huy có Trạm Cứu Thương đi theo được lệnh di chuyển. Chúng tôi tiến hàng một theo con đường mòn chạy quanh co trong làng. Mưa nặng hạt hơn trước, con đường trở nên trơn trợt. Nhìn theo giao thông hào sâu lút đầu người chạy quanh bờ làng, tôi hiểu vì đâu Tiểu Ðoàn 6 phải mất ba ngày tròn mới chiếm nổi mục tiêu. Bất chợt tôi lo lắng: Nếu mục tiêu cuộc hành quân này cũng có một giao thông hào tương tự?
Cánh quân dừng lại. Tôi vào trú mưa trong một ngôi nhà tranh. Trong nhà có hai thiếu phụ và hai đứa bé trai chừng năm và bảy tuổi. Chúng tôi dừng lại đây khá lâu. Ðã chín giờ hơn. Người y tá mang cho tôi một đĩa cơm. Hai đứa bé nhìn tôi ăn thèm thuồng. Cơm có thịt kho, trứng gà, tôi vẫn nuốt không trôi. Tôi trao cho đứa bé lớn phần ăn còn lại. Chúng nó ăn ngấu nghiến ngon lành. Ngoài đường mòn, dân làng từ phía dưới bồng bế gồng gánh, dắt trâu bò tiến ngược trở lên. Tôi nghĩ thầm, dân mà tản cư thì chắc chắn có địch.
(còn tiếp)