Menu Close

Hoa Kỳ sẽ ‘luộc’ Bắc Hàn?

Chỉ một tháng sau chuyến công du châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis thì chuyến công du đầu tiên của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cũng lại là châu Á. Điều này cho thấy chính sách xoay trục về châu Á của Hoa Kỳ được bắt đầu từ thời của cựu Tổng thống Barack Obama sẽ còn được tiếp tục duy trì trong những năm tới dưới thời của Tổng thống Donald Trump.

hoa-ky-se-luoc-bac-han

Ngoại trưởng Tillerson viếng thăm khu vực Ðông Bắc Á trong bối cảnh khá phức tạp về tình hình chính trị và quân sự tại bán đảo Triều Tiên. Hôm 9/3 vừa qua, toà án tối cao của Nam Hàn đã đưa ra quyết định truất phế nữ Tổng thống Park Geun-hye và đến đầu Tháng 5 tới đây Nam Hàn sẽ tổ chức bầu cử để chọn tổng thống mới. Cùng lúc, Trung Quốc tỏ ra tức giận và cho áp dụng chính sách trừng phạt kinh tế đối với Nam Hàn vì lý do nước này đã quyết định cho gắn hệ thống hỏa tiễn THAAD (hệ thống hỏa tiễn phòng thủ khu vực ở tầm cao) mà Bắc Kinh cho rằng nó dùng để theo dõi khả năng hệ thống hỏa tiễn của chính họ. Trong khi đó lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un ngày càng tỏ ra hung hăng, bất chấp những phản đối từ phía quốc tế về những cuộc thử nghiệm vũ khí của họ. Kể từ đầu năm ngoái, Bắc Hàn đã thực hiện hai cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân, và chỉ ít ngày trước chuyến công du của Tillerson, Bắc Hàn đã cho bắn đi bốn hỏa tiễn đạn đạo vào trong khu vực biển Nhật Bản, trong đó có ba hỏa tiễn rơi xuống khu đặc quyền kinh tế của nước này.

Do đó, không một ai ngạc nhiên khi một trong những mục đích chính của chuyến công du này là về vấn đề Bắc Hàn. Nhất là tại hai trạm dừng chân ở Nhật Bản và Nam Hàn, Ngoại trưởng Tillerson đã có những lời lẽ mạnh mẽ khi nói đến quốc gia này gây rất nhiều sự chú ý. Ông Tillerson cho rằng những chính sách của Hoa Kỳ đối với chương trình thử nghiệm hỏa tiễn và vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn trong suốt hai thập niên qua đã thất bại. Trong một cuộc họp báo, Tillerson đã nói nguyên văn như sau: “Chúng tôi đang xem xét một loạt những cân nhắc mới về ngoại giao và an ninh. Tất cả mọi giải pháp đều được bàn tới.” (We are exploring a new range of security and diplomatic measures. All options are on the table). Ông cho rằng Hoa Kỳ cần phải có một chính sách thật cứng rắn để giải quyết vấn đề Bắc Hàn, trong đó không loại trừ giải pháp về quân sự.

Ông Tillerson cũng loại trừ giải pháp thương thuyết yêu cầu Bắc Hàn ngưng tiến hành các chương trình thử nghiệm hạt nhân và hỏa tiễn của họ nếu phía Bắc Hàn không chịu tỏ thiện chí trước, và lần đầu tiên cho biết chính phủ Trump có thể buộc phải có hành động quân sự trước trong trường hợp chương trình thử nghiệm vũ khí của Bắc Hàn nâng mối đe doạ tới một mức độ không thể chấp nhận được.

hoa-ky-se-luoc-bac-han2
Pháo binh Bắc Hàn tập trận. ảnh REUTERS

Những lời tuyên bố mạnh mẽ trên đã khiến một số nhà bình luận tin rằng đây là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục theo đuổi chính sách “củ cà rốt và cây gậy”, lúc cương lúc nhu, và nhất là trong nhiều lần trước đây, khi tình hình trở nên căng thẳng thì thường là phía Hoa Kỳ nhượng bộ trước.

Tuy nhiên, một điều chắc chắn là Bắc Hàn sẽ không bao giờ hủy bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ. Vũ khí hạt nhân là sức mạnh duy nhất giữ cho chế độ độc tài của nhà họ Kim được tồn tại. Thậm chí đối với Bắc Hàn, chương trình hạt nhân có thể còn quan trọng hơn cả mối quan hệ với Trung Quốc, quốc gia đồng minh duy nhất của họ. Thậm chí kể cả khi Bắc Hàn đã chịu chấp nhận ngưng thử nghiệm vũ khí trong những cuộc thương thuyết trước đây để đổi lấy sự viện trợ nhân đạo từ quốc tế thì chỉ một thời gian ngắn sau đó họ lại tiếp tục vi phạm, coi những lời hứa trước đây như không có. Và dường như mỗi khi có một lãnh tụ mới lên nắm quyền thì Bắc Hàn lại tỏ ra hung hăng hơn và thường xuyên khiêu khích những quốc gia láng giềng của họ nhiều hơn trước.

Cách tiếp cận theo kiểu “củ cà rốt và cây gậy” đối với những chế độ độc tài và hung hãn như Bắc Hàn là không có hiệu quả. Chính sách nương tay trong việc chế tài đối với Bắc Hàn được thúc đẩy bởi cựu Tổng thống Bill Clinton vào giữa thập niên 1990 để quốc gia này nhận được nhiều tỉ Mỹ kim trong các chương trình viện trợ và đổi lại thì họ hứa ngưng chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Bắc Hàn và chế độ ông bố Kim Jong-il đã nuốt lời ít lâu sau đó và tiếp tục âm thầm cho tiến hành dự án hạt nhân của họ mà Hoa Kỳ và quốc tế không làm gì được.

Mà thậm chí kể cả khi chính sách chế tài mạnh hơn được áp dụng cũng không làm cho những chế độ độc tài đó sụp đổ hay ít ra là đưa đến những thay đổi quan trọng trong chính sách. Cá nhân những lãnh tụ độc tài như Kim Jong-un và các kẻ thân tín của chế độ không bị hề hấn gì, đời sống của họ vẫn xa hoa, vẫn ngày ngày hút thuốc ngoại và uống rượu ngoại. Chỉ có đời sống của người dân thấp cổ bé miệng là khốn khổ và bị đàn áp nhiều hơn trước. Hơn nữa, khi một chính sách chế tài được áp dụng thì vẫn có một số quốc gia vì quyền lợi riêng, hoặc ngang nhiên hoặc bí mật, tiếp tục giữ mối quan hệ làm ăn với chế độ hung đồ đó, tiếp sức để cho chế độ đó thoi thóp sống.

hoa-ky-se-luoc-bac-han1
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Rex Tillerson thăm viếng khu vực phi quân sự DMZ. ảnh CBC

Ngay lúc này, nhiều giới chức quân sự của Hoa Kỳ cho rằng giải pháp quân sự đối với Bắc Hàn có quá nhiều rủi ro, với nguy cơ là nó có thể châm ngòi cho một cuộc chiến trong khu vực và đưa tới những tổn thất lớn lao cho Nhật Bản, Nam Hàn và nhiều chục ngàn binh lính Hoa Kỳ đang trú đóng tại hai quốc gia đồng minh này.

Mặc dù vậy, ý tưởng về một giải pháp quân sự ngày càng được nhiều người lắng nghe, kể cả một số nhà lập pháp của Nam Hàn cũng đã lên tiếng ủng hộ, nếu như Bắc Hàn tiếp tục cho tiến hành những cuộc thử nghiệm đầy đe dọa về khả năng của một loại hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa có thể bắn tới lãnh thổ của Hoa Kỳ. Ngay trước khi nhận chức vào Tháng Giêng vừa qua, Trump gửi đi lời nhắn qua trang Twitter: “Ðiều đó sẽ không xảy ra!” sau khi Kim Jong-un tuyên bố là Bắc Hàn đang tiến gần tới việc cho bắn thử loại hỏa tiễn này. Kim vẫn thường hay có những lời lẽ huênh hoang và khuếch đại, nhưng về kế hoạch bắn thử này thì chưa ai có thể xác định thực hư ra sao.

Trong khi người ta vẫn còn đang cố tìm hiểu xem những lời đe dọa của Ngoại trưởng Tillerson về hành động quân sự có nghiêm trọng hơn so với những lời lẽ cứng rắn của những chính phủ tiền nhiệm, thì khả năng về một cuộc tấn công Bắc Hàn cũng đã hú lên những hồi còi báo động, một phần lớn là vì, như có người nhận định, có những chỉ dấu cho thấy Bắc Hàn có ý định sớm sử dụng vũ khí hạt nhân của họ để chống lại một cuộc xâm lăng mà Kim không muốn bị cùng chung một số phận như Saddam Hussein hay Muammar Gaddafi, và nếu như Kim tin rằng một cuộc tấn công là không thể tránh được, thì rất có thể Bắc Hàn sẽ tấn công trước. Do đó, nếu Hoa Kỳ theo đuổi chính sách cứng rắn và không loại trừ giải pháp quân sự như lời tuyên bố của Tillerson thì nguy cơ về chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có thể xảy ra.

Có lẽ còn phải mất nhiều năm nữa Bắc Hàn mới có thể chế tạo được loại hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa có khả năng bay tới lãnh thổ của Hoa Kỳ, nhưng khả năng về vũ khí hạt nhân của họ đang có những bước tiến bộ ở mức báo động. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Hàn đang tiến hành những bước cuối cùng trong kế hoạch cho trang bị hỏa tiễn của họ với đầu đạn hạt nhân, và trong lần bắn 4 hỏa tiễn vừa qua, Bắc Hàn còn khiêu khích nói rằng họ cho tập thử một cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Nhật Bản.

Tình hình tại khu vực Ðông Bắc Á hiện đang căng thẳng hơn bao giờ hết, và những lời tuyên bố của Ngoại trưởng Rex Tillerson như châm thêm dầu vào lửa.

Bán đảo Triều Tiên bị cắt đôi tại khu vực vĩ tuyến 38 và khu phi quân sự (DMZ) được thành lập vào năm 1953 qua một thỏa thuận giữa Bắc Hàn, Trung Quốc và Liên Hiệp Quốc để làm vùng trái độn giữa hai quốc gia Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Cộng hòa Triều Tiên. Vùng phi quân sự này dài 250 cây số và rộng 4 cây số, trong đó có một khu vực nhỏ nằm ở đoạn cuối ở phía tây được gọi là “khu vực an ninh chung” nơi hai bên gặp gỡ và những cuộc thương thuyết thường diễn ra tại đây. Mặc dù là vùng phi quân sự nhưng đã từng xảy ra nhiều cuộc xung đột gây nhiều thiệt hại cả về quân sự lẫn dân sự giữa hai bên mà thường là do Bắc Hàn chủ động.

VH