Nếu “thực đơn” phim ảnh của bạn thường xuyên tràn ngập những bộ phim của Hollywood thì thỉnh thoảng việc thay đổi với những “món ăn” lạ, ví dụ như bộ phim Iran “The Salesman” vừa đoạt giải Best Foreign Language Film tại Oscars lần thứ 89 vừa qua, hay bộ phim Đức “Toni Erdmann” mà trước đó đã được kỳ vọng nhiều sẽ chiến thắng tại giải này, là những khám phá thú vị.
Kịch bản và đạo diễn:
Maren Ade
Tài tử:
Peter Simonischek trong vai Winfried Conradi / Toni Erdmann
Sandra Huller trong vai Ines Conradi
“Toni Erdmann” của nữ đạo diễn Maren Ade là một bộ phim hài kịch về một mối quan hệ cha con không dễ dàng giữa Winfried Conradi, một giáo viên âm nhạc đã ly dị và đã về hưu, có một tính cách khá lập dị, thích những trò chơi khăm và đóng giả những nhân vật khác nhau, với cô con gái đã trưởng thành, người thường xuyên bận rộn với công việc của một tư vấn kinh doanh và thường xuyên sống xa nhà, ở những quốc gia khác nhau.
Ngay từ đầu phim, Winfried Conradi đã đùa cợt với anh chàng nhân viên bưu điện đến giao hàng tại nhà khi giả vờ như trong nhà có hai người, hai anh em sống với nhau, nhân vật thứ hai Toni có một lý lịch hơi đáng ngại-vừa ra khỏi tù, vì tội gửi những bom thư (mail bombs), lập dị, ăn nguyên cả một hộp thức ăn của chó…Với một cái kiếng đen, một bộ răng giả thô lỗ, tay bị còng, Winfried lập tức biến thành Toni và làm cho anh chàng nhân viên bưu điện tha hồ lo ngại, nhất là khi cậu học trò học đàn piano đến, Winfried lại giới thiệu đó là đồng nghiệp của mình, một người phá mìn- “minesweeper”.
Ines vừa trở về từ Thượng Hải, gặp lại cha tại Ðức và sau đó lại tới Bucharest, Romania làm cố vấn cho một công ty dầu khí. Sau cái chết của con chó già yêu quý, Winfried Conradi quyết định làm hồi sinh lại mối quan hệ với con gái. Winfried bất ngờ đi đến Bucharest gặp con gái và cô miễn cưỡng đưa bố tới dự một bữa tiệc tại Ðại sứ quán Hoa Kỳ; nơi cô cần phải gặp Henneberg, một khách hàng quan trọng.
Hai con người, hai thế hệ, hai tính cách, lối sống khác hẳn nhau. Winfried yêu con, thực sự lo lắng cho cô nhưng với sự lập dị, thói quen thích nói đùa, ông khiến một người phụ nữ chuyên nghiệp đang làm việc trong một dự án quan trọng như Ines đôi lúc cảm thấy lúng túng, khó xử với khách hàng. Tóm lại, Winfried là một con người khá phiền nhiễu, luôn có thể làm bẽ mặt người khác nhưng lại cũng hài hước, tốt bụng.
Ines là một con người của xã hội hiện đại, có khả năng, đầy tham vọng, không thoải mái và hơi cứng, nhưng bên trong, cô vẫn là một người phụ nữ với không ít lần rơi nước mắt, vì sức ép của công việc, sự bất lực của bản thân và trên hết, vì cần được an ủi, yêu thương.
Trong những ngày ở cùng con gái, Winfried chứng kiến cô bận rộn đến nỗi không có thời gian để sống cho chính mình và không phải lúc nào công việc cũng thuận lợi như cô nói. Ngược lại, Ines quá nghiêm túc để có thể thấy thích thú những trò đùa của cha nữa.
Quan hệ giữa hai cha con càng khó khăn hơn khi một lần, căng thẳng vì công việc, Ines ngủ quên sau đó cô giận dữ đổ lỗi cho cha đã không đánh thức mình khiến cô bị lỡ một số cuộc gọi quan trọng. Cảm thấy mình đã làm phiền con gái, Winfried tạm biệt con để quay về Ðức.
Nhưng thật ra Winfried lại quay lại với mái tóc giả, hàm răng giả, bộ đồ vest và một “lý lịch” khác: Toni Erdmann, như ông tự giới thiệu, một doanh nhân, huấn luyện viên cuộc sống, một tư vấn viên và có lúc là đại sứ Ðức tại Bucharest nữa. Với những lý lịch mới đó, Winfried-Toni xuất hiện và can dự vào công việc, cuộc sống của con.
Ines ngày càng nản lòng vì không hoàn thành công việc, cô tức giận và buộc tội cha làm hỏng việc của mình, nhưng rồi dần dà hai cha con cũng đồng cảm với nhau hơn. Mỗi người hiểu ra những thiếu sót và sự thất bại của họ trong cuộc sống.
Những chủ đề trong phim không phải là mới: sự xa cách trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã trưởng thành; mâu thuẫn giữa công việc và gia đình; ý nghĩa của cuộc sống và bản chất của hạnh phúc…Nhưng Maren Ade, đạo diễn đồng thời là tác giả kịch bản đã xây dựng một câu chuyện với hai nhân vật thuộc hai thế hệ có tính cách rất rõ nét, một mối quan hệ phức tạp sâu sắc và những chi tiết, những trường đoạn hấp dẫn làm thành một bộ phim hài độc đáo.
Thật ra đây không phải là một bộ phim hài, mặc dù nó có thể khiến người xem bật cười trong những cảnh bữa tiệc khỏa thân, những trò chơi khăm gây khó xử của Toni Erdmann, hay cảnh Toni Erdmann trong trang phục giả trang kỳ lạ và không thích hợp đến dự tiệc sinh nhật của con gái…
Bộ phim sẽ không thành công nếu không có diễn xuất của hai diễn viên chính, Peter Simonischek trong vai Winfried Conradi / Toni Erdmann và Sandra Hüller trong vai Ines Conradi đã thể hiện tuyệt vời chiều sâu trong tính cách của nhân vật và mối quan hệ giữa hai cha con, và giữa họ với các nhân vật khác trong cuộc sống.
Những giây phút tinh tế như lúc hai cha con chờ thang máy khá lâu trong một tâm trạng không thoải mái, khi Winfried tạm biệt con để quay về Ðức, nhưng khi đứng trên lầu cao vẫy tay chào cha, Ines lại bật khóc.
Cảnh sex lạnh băng giữa Ines và một đồng nghiệp là một cảnh tuyệt vời nhấn rõ thêm việc Ines không có thời gian cho một mối quan hệ thực sự.
Bộ phim đã đoạt 5 giải thưởng tại Lễ trao giải phim châu Âu lần thứ 29 (the 29th European Film Awards) bao gồm Best Film (phim đầu tiên của một nữ đạo diễn đoạt giải), Best Director, Best Screenwriter, Best Actor, và Best Actress. Nó cũng giành được được đề cử và đoạt nhiều giải thưởng khác nhau trong đó có Brussels Film Festival, Los Angeles Film Critics Association, New York Film Critics Circle, Toronto Film Critics Association, giải thưởng LUX của Nghị viện châu Âu (the European Parliament LUX Prize) v.v… “Toni Erdmann” cũng là một trong 5 phim được đề cử Best Foreign Language Film tại Giải Oscars lần thứ 89 vừa qua.
SC