Loanh quanh thế nào rồi lại cũng đến chuyện chiếc cầu. Dế Mèn cứ luẩn quẩn với mấy chiếc cầu, từ chuyện sang sông gãy cầu ở Minnesota, lan man sang chuyện giữ nhịp cầu đã nối sau khi qua sông ở sở làm; bây giờ lại đến chuyện bắc cầu dù một người bạn thơ đã có lần thở dài não nuột, có những con sông không thể bắc cầu…!
Ðây là câu chuyện vui từ Nam Hàn. Năm nọ, người bản xứ khánh thành một chiếc cầu lịch sử, chiếc cầu ngắn 1/3 dặm nối liền đảo Sorok với đất liền. Nếu chỉ là một chiếc cầu, nhất là một chiếc cầu ngắn ngủn như thế thì chẳng có chuyện chi để nói, nhưng câu chuyện ở đây nói về tấm lòng và sự chấp nhận của đồng loại sau gần một thế kỷ xa cách, nên người ta có rất nhiều lý do để hân hoan vui mừng!

Sorok, chữ Ðại Hàn có nghĩa là con nai nhỏ, cái tên hiền lành ấy được dùng để gọi vì hình thể của hòn đảo này. Ốc đảo Sorok, một hòn đảo nhỏ xíu, khoảng 1,100 mẫu đất hay 4.5 ki lô mét vuông, là một ốc đảo biệt lập nhất của thế giới dù khoảng cách đến đất liền chẳng bao xa. Sorok là nơi những người cùi bị giam cầm từ năm 1916. Thủa ấy, Ðại Hàn còn là thuộc địa của Nhật Bản. Người Nhật dưới danh nghĩa xây dựng nơi “chữa trị” bệnh cùi, bắt bớ những người cùi rải rác trong thuộc địa, dồn hết những bệnh nhân này về đảo Sorok, và dùng chính những bệnh nhân làm dân phu xây doanh trại. Mục đích chính là để biệt giam những người cùi, và buộc họ sản xuất nhựa thông (pine resin), thuộc da và lấy lông thỏ, một hình thức biệt giam và khổ sai chỉ vì những người bất hạnh này bị cùi!
Sách vở, phim ảnh ghi chép những sự kiện về ốc đảo Sorok, những bệnh nhân sống sót được phỏng vấn: Cụ Chang Ki-jin, 85 tuổi, bệnh nhân sống sót kể lại cuộc đời đày ải, chịu khổ sai và bị bạo hành. Nhân vật Sato là người dẫn đầu trại khổ sai vào những năm đầu thập niên 40. Ông Sato luôn luôn cầm một khúc gậy, sẵn sàng quật gẫy chân tay những người cùi bị bắt gặp đang nghỉ ngơi. Chân tay của cụ Chang, phần bị đánh gãy, phần bị vi trùng tàn phá, đã biến mất sau những năm khổ nạn. Người Nhật đã sử dụng những người cùi Ðại Hàn vào việc thử nghiệm y tế thay cho thú vật, in hệt như Nazi đã dùng các nạn nhân Do Thái ở Âu Châu. Bà Song Ok-nam một nhân chứng sống sót kể lại việc bà bị dùng để thử nghiệm khi đang mang thai, bào thai chết trong trứng nước. Dế Mèn không biết các khoa học gia Nhật tìm thấy cái chi khi thử nghiệm thai nhi như thế, không thấy họ công bố các khám phá của mình? Có lẽ họ đủ khôn ngoan để bỏ qua những “biên khảo” có nguồn gốc tàn bạo và khủng khiếp như thế? Có lẽ họ im lặng vì học được bài học ‘nín hơi’ sau khi quan sát phản ứng của bá tánh? Thế giới phẫn nộ và đau xót trước những kết quả khảo cứu của các hung thần Nazi nên không ai muốn nhắc đến tên tuổi của những đồ tể ấy và chỉ nhắc đến tên với lời phỉ nhổ!

Chủ nhân Nhật bắt các bệnh nhân phải chịu giải phẫu để họ không còn sinh sản được nữa, nam cũng như nữ. Và chính phủ Ðại Hàn tiếp tục chính sách này cho đến năm 1963 mới bãi bỏ. Chỉ có một số nhỏ các cặp vợ chồng bệnh nhân có liên hệ mật thiết với những người điều hành “nhà thương” được phép sinh con; những đứa trẻ này được nuôi riêng, cha mẹ thăm viếng mỗi tháng, và chúng được đưa vào đất liền sau khi tròn 1 tuổi.
Ông Masato Suho, thủa còn làm sếp lớn của “nhà thương”, đã bắt các người cùi dựng tượng mình, bức tượng cao 31 bộ Anh, để thờ sống; mỗi bệnh nhân đi ngang phải cúi mình bái lạy. Một bệnh nhân căm hờn quá dùng dao giết ông này, và bị xử tội chết treo. Khi người Nhật thua trận năm 1945, rút lui khỏi Ðại Hàn, bức tượng kia cũng bị hạ bệ. Dấu vết của người Nhật tại Ðại Hàn bị bôi xóa gần hết vì căm hờn; riêng tại đảo Sorok, đền thờ Shinto vẫn còn nguyên vẹn, hẳn trại nhân không còn sức để căm hờn những kẻ đã bạo hành, ngược đãi mình?
Năm 2001, chính phủ Nhật Bản chính thức nhìn nhận rằng thủa ấy, họ tiếp tục ép buộc bệnh nhân phải sống biệt lập và cấm sinh sản nhiều năm sau ngay cả khi biết rõ rằng bệnh cùi là bệnh có thể chữa lành. Các luật sư Nhật Bản đã thành công trong việc đòi chính phủ bồi thường cho bệnh nhân người Nhật và ngay cả các bệnh nhân từ thuộc địa như Ðại Hàn và Ðài Loan. Ðã có 222 bệnh nhân người Nam Hàn nhận được tiền bồi thường từ chính phủ Nhật Bản, khoảng 70,000 Mỹ kim cho mỗi bệnh nhân.

Dế Mèn rẽ ngang một chút về bệnh cùi: Bệnh cùi (leprosy hay Hansen’s disease) là một chứng bệnh truyền nhiễm do vi trùng Mycobacteria leprae gây nên; vi trùng này do Bác Sĩ Hansen nhận diện. Vi trùng cùi sống rất lâu trong cơ thể người bệnh và thường ảnh hưởng đến dây thần kinh bên ngoài não bộ, màng nhày trong miệng, thực quản, dạ dày và da. Bệnh cùi đã xuất hiện từ 600 năm trước Tây lịch, nhưng mãi đến cuối thập niên 40 của thế kỷ thứ 20 mới có thuốc chữa. Trừ những loại vi trùng có sức đối kháng (resistant) mạnh mẽ, hầu hết đều được chữa lành bằng trụ sinh.
Hòn đảo có khoảng 130 ngôi nhà, và 100 ngôi nhà còn tồn tại đến ngày nay. Ðời sống tại đảo Sorok hình như đứng im một chỗ từ những năm ấy. Trái với lịch sử đen tối của nó, đảo Sorok là hình ảnh của lòng nhân đạo, rất nhiều người tình nguyện, y tá, bác sĩ ngoại quốc đến thăm viếng và chữa trị bệnh nhân tại đây. Có người ở lại cả 10-20 năm, hai nữ tu người Áo trở lại quê nhà sau 40 năm phục vụ tại Sorok. Ngày nay, có 650 bệnh nhân sống tại Sorok cùng với 220 người khác gồm y tá, bác sĩ và những người thiện nguyện cùng gia đình họ. Mỗi năm có khoảng 180 ngàn du khách đến thăm đảo, họ dùng phà để qua sông từ làng Doyang, tỉnh South Cholla.
Người Ðại Hàn đã khánh thành chiếc cầu nối Sorok với đất liền vào ngày 25 tháng Chín, năm 2009, cùng ngày đánh dấu mùa gặt (Chusok). Cầu vượt qua sông nước, nối đất với đất; và chiếc cầu kia có thể nối lòng người khỏe mạnh với những bệnh nhân bất hạnh kia?

TLL