Trong 2 tuần trở lại đây, người dân Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn tiếp tục biểu tình phản đối Formosa quyết liệt hơn. Thông điệp chính của các cuộc biểu tình gần đây là yêu cầu nhà nước phải giải quyết trả đúng đền bù cho người thiệt hại, trả lại môi trường biển trong sạch để sự sống hồi sinh và Formosa phải bị đóng cửa.

Tuy nhiên, dường như các cuộc biểu tình lọt thỏm giữa sự im lặng đáng ngờ của nhà cầm quyền cũng như Formosa không những không bị lay chuyển mà còn được nhà nước bảo vệ bằng hàng rào kẽm gai kiên cố và các loại an ninh chìm nổi rải đầy. Trong các cuộc biểu tình sau này, những em bé mười hai, mười ba tuổi cũng đã theo cha mẹ cùng đi biểu tình không ngại cực khổ.

Tôi gặp Lượm (15 tuổi) trong đoàn biểu tình hôm 5 tháng 3 và 12 tháng 3. Cả hai lần tôi đều có ấn tượng với Lượm bởi ánh nhìn cũng như phong thái rất ư “già trước tuổi” của cậu bé này. Và điều này khiến cho tôi không thể không phỏng vấn cậu bé, mặc dù theo luật dân sự Việt Nam thì tôi không được quyền phỏng vấn cậu mà phải phỏng vấn người giám hộ của cậu. Nhưng với cậu bé này thì khác, khá thú vị!
Hỷ Long (HL): Anh để ý thấy em đi biểu tình ngày 5 tháng 3 và ngày 12 tháng 3. Cả hai cuộc biểu tình này em đều rất chững chạc và đúng mực!
Lượm( L): Chú là… an ninh phải không? (cười).

HL: Em nghĩ anh là an ninh thì chắc chắn anh là an ninh rồi. Vì đất nước này có đến hơn bảy mươi triệu an ninh rồi em ạ!
L: Chú nói vậy nghĩa là răng (sao)? Cháu chưa hiểu!
HL: Nghĩa là người ta tự biến mình thành một loại an ninh miễn phí cho nhà nước, từ chỗ thờ ơ, dửng dưng với những đứa bé như em đây chẳng hạn, rồi thêm cái tệ soi mói người khác hoặc là tự cho mình cái quyền áp đặt người khác. Tất cả những thái độ, thói quen này là một thứ an ninh miễn phí, an ninh lây lan đấy.
L: Chú nói đúng thiệt! Cái này thì ai cũng biết trong đoàn biểu tình, an ninh giả dạng nhiều lắm. Những kẻ tự biến mình thành an ninh mới sợ đó chú!

HL: Nghĩa là sao? Anh chưa hiểu?
L: Ơ cái chú này, sao lại xưng anh, em với cháu mãi vậy, cháu còn nhỏ lắm, mới 15 tuổi thôi! Hứa đi, xưng chú cháu thì cháu giải thích cho!
HL: Rồi, chú hứa!
L: Cháu ví dụ như chú rất hăng hái đi biểu tình vì chú cũng bị thiệt hại, chú hô khẩu hiệu biểu tình khản cả cổ. Khi chú về nhà, Công an ập tới nhà yêu cầu chú đi uống cà phê, vậy thì chắc chắn là chú thấy sợ rồi. Mà họ không đánh đập gì chú cả, họ nói với chú nhiều thứ, là chú mà tiếp tục biểu tình thì khó cho gia đình chú lắm, có thể bị tai nạn xe vì sức khỏe không đảm bảo hoặc nhà chú bị cháy vì chú quên tắt bếp khi đi biểu tình… Vậy là chú sợ hung (nhiều). Họ nói là sẽ giúp chú có riêng phần “đền bù thỏa đáng” rồi họ móc tiền tươi ra, yêu cầu chú ký nhận đền bù. Chú ký thôi. Cầm tiền nhiều quá, chú vừa mừng vừa sợ bà con hàng xóm biết nên không nói ai nghe. Chú cũng sẽ tiếp tục đi biểu tình nhưng đương nhiên là có thể chú đã cộng tác, chịu làm cái ăng ten của an ninh rồi. Xảy ra hơi bị nhiều đấy!

HL: Chà, cháu biết nhiều quá đấy. Mà sao dám nói, cháu không sợ bị bắt à.
L: Hì hì, ai bắt hả chú, bộ chú bắt cháu à? Không chắc đâu, bởi chú mà là an ninh thì nãy giờ sao chú còn ngồi đây được.
HL: Vì sao?
L: Thì ‘nghiệp vụ’ của tụi cháu mà, ở trong xứ, nhiều khi mình không biết người ta sao chứ còn người ngoài vào đây, ai là an ninh tụi cháu biết liền, nếu không thì giờ công an đã có cớ bắt bà con đi biểu tình rồi. Mà với lại, nếu chú là an ninh thì nãy giờ đã đi đời với tụi cháu rồi.
HL: Ấy dà…! Mà cháu chưa nói là ai xúi cháu đi biểu tình?
L: Ấy cha, vậy là an ninh thứ thiệt rồi. Chú này cẩn thận đấy nhé! Cháu thấy mấy gia đình trong khu người Lương, trước đây họ biểu tình hăng lắm, sau đó họ nhận đền bù, họ chỉ điểm, rồi đi đánh cá như bình thường trong khi biển nhiễm độc. Chú có nghe báo chí người ta nói về mấy vụ đánh bắt sau khi biển nhiễm độc năm ngoái không. Cũng ở biển Kỳ Lợi này, nhưng không phải bà con Công giáo đâu. Bữa nay cũng vậy, họ cũng đánh bắt bình thường. Sau đó có xe đến chở, nghe đâu cá lớn chuyển ra Hà Nội để bán, cá nhỏ thì đóng container đưa vào Phan Thiết làm mắm. Họ đánh bắt nhiều lắm chú ạ! À, mà chú là an ninh, có súng rồi thì sợ chi chết, qua ăn thử cá bên khu người Lương, béo ngậy à! (Cười ngặt nghẽo)

HL: Ấy dà, cái thằng nhỏ này, cháu vẫn chưa trả lời chú, ai xúi giục cháu đi biểu tình?
L: Ðúng là công an dỏm, nếu công an thật họ sẽ không hỏi câu này mô (đâu), mà họ hỏi hôm qua ai cho kẹo cháu, ai cho cháu sách vở, cháu yêu mến ai nhất trong làng giới thiệu cho họ làm quen với… Họ hỏi nhiều lắm, mà nếu hỏi như chú thì họ chỉ hỏi khi ở đồn thôi. Cháu nói rồi, không có ai xúi ai đi biểu tình được mô. Vì đây là tự nguyện, biểu tình thì bị công an đập máu me toe toét, ngu gì mà nghe người ta xúi để đi. Ban đầu chỉ người lớn muốn đi biểu tình thôi nhưng rồi con nít ở đây không có đứa nào là không đi!
HL: Giỡn cháu chút thôi, nãy giờ chú hỏi như vậy vì lo, nếu nhỡ cháu chưa hiểu gì về biểu tình mà chỉ ham vui hoặc nghe theo người lớn thì rất nguy hiểm. Vì công an họ mạnh tay quá, chú đâm ra lo cho mấy đứa như cháu.
L: Chú đi biểu tình lần nào chưa?

HL: À chưa, cháu thấy đó, nhiều khi chú cũng đi, nhưng không đứng ra hô khẩu hiệu hay cầm khẩu hiệu được, cháu hiểu mà. Cái khoản này đôi khi chú cũng cảm thấy có lỗi với những người như cháu.
L: Chú nói cháu vẫn chưa hiểu. Sao đi mà không đi. Pó tay. Mà chú làm chi có lỗi với cháu, nếu có lỗi thì lỗi với chú, với gia đình chú thôi!
HL: Nghĩa là sao?
L: Thì nghĩa là chú có lỗi với sức khỏe của chú, nếu chú không đi biểu tình bảo vệ biển, bảo vệ tổ quốc thì tương lai gần đây thôi, chú sẽ bị cùi hủi khi đi tắm biển, bị ghẻ lở khi đi tắm sông, bị hỏng ruột khi ăn cá, bị giật kinh phong nếu ăn nhiều ghẹ, bị điên điên khùng khùng nếu ăn nhiều nước mắm. Chú không kiếm được tiền nuôi vợ con. Vậy thì chú có lỗi với chú chứ! Mà cháu có cách giúp chú khỏi mắc lỗi đấy!

HL: Làm gì? Xúi chú biểu tình phải không?
L: Không phải, mà chú nên xin đi tị nạn chính trị và rủ người khác cùng làm giống chú đi.
HL: Tại sao?
L: Cháu nghe người lớn nói là một đất nước tốt đẹp sẽ không có ai nỡ bỏ xứ mà đi, mà xin tị nạn chính trị cả, xin đi tị nạn cũng là cách biểu tình!
HL: Wow! Cháu kinh thật, cháu biết chuyện này từ bao giờ?
L: Cái này thì tụi cháu biết ơn Cha, biết ơn ba mẹ, và cũng thương cha mẹ nhiều lắm. Trước đây thì cháu học được nhiều thứ ở trường, nhưng hai năm trước thì coi như không có gì. Gần hai trăm đứa như cháu, kể cả mấy bé mẫu giáo cũng không được đến trường chỉ vì người ta muốn vậy. Họ không cho cháu đến trường để ép gia đình cháu dời vào khu tái định cư mới, nhường đất cho Formosa làm cảng. Hơn hai năm thất học, gia đình cháu cùng từng đi biểu tình.

HL: Cháu định biểu tình đến bao giờ và có nộp đơn xin tị nạn chính trị chưa?
L: Nộp đơn thì chưa vì chưa đủ tuổi. Còn biểu tình thì chưa biết đến bao giờ ngừng vì giờ tụi cháu được đi học lại rồi nhưng cũng phải nghỉ, bởi chú thấy đó, nhà cháu sống nhờ nghề đi biển, giờ biển nhiễm độc rồi, ra là chết, mình không chết thì người ta ăn vào cũng sẽ chết. Ba cháu gác lưới năm ngoái giờ rồi, giờ cả nhà lo cơm từng bữa cũng khó, lấy tiền mô ra mà cháu đi học được. Cháu sẽ đi nữa, đến khi nào có cơm ăn, thoát khỏi khoai độn, có tiền để đi học và có trường tử tế để học thì thôi. Ở đây mọi người ai cũng thế, dân biển mà không được ra biển chơi, không được tắm biển. Bứt rứt lắm chú ạ. Mà cũng còn biểu tình dài dài, bởi đất nước chi mà đi ra đường là sợ bị bắt cóc bán nội tạng cho Trung Quốc thì thôi chứ. Vậy nên cháu còn biểu tình, còn biểu tình mãi chú ạ!
Ba chữ “biểu tình mãi” của Lượm vừa máu lửa, vừa chan chứa một thứ gì đó mà cũng vừa đẫm nước mắt tuổi trẻ khiến tôi rùng mình. Tôi vừa thầm cảm phục em lại vừa thấy buồn bởi đất nước tôi, nhân dân tôi, bản thân tôi, những kẻ to con lớn xác lại suy nghĩ chật hẹp và nhỏ nhoi hơn những bạn trẻ “ăn chưa no lo chưa tới”. Và có bao nhiêu người trẻ như Lượm trên quê hương tôi? Có bao nhiêu người lớn (tuổi) như tôi trên đất nước này? Tôi chỉ biết thầm cám ơn Lượm đã cho tôi một bài học quá lớn! Cám ơn Lượm nhiều lắm!

HL