Chiều xuống mây vương, hoàng hôn tím thẫm khung trời mờ xa, nhìn về phương Tây ai cũng có thể trông thấy một ngôi sao mọc rất sớm và rất sáng, gọi là Sao Hôm. Trời vừa hửng sáng, trong lúc gần như tất cả các vì sao khác đã biến mất, cõi người ta cũng nhìn thấy một ngôi sao vẫn còn lấp lánh ở phương Ðông, gọi là Sao Mai. Người xưa nghĩ rằng, hai ngôi sao này không chỉ là hai ngôi sao khác nhau, mà còn bị ngăn cách giữa một không gian vô tận: Sao Mai ở bên đông, Sao Hôm ở bên tây. Chính vì thế “sao hôm sao mai” được dùng để so sánh giữa hai người, vì hoàn cảnh nào đó phải biền biệt chia xa. Một thành ngữ khác có ý nghĩa tương tự, đó là “mặt trăng, mặt trời,” cũng để chỉ hai đối tượng gần như không bao giờ xuất hiện cùng với nhau, trong điều kiện bình thường.
Trên thực tế Sao Hôm và Sao Mai chỉ là một ngôi sao duy nhất, có tên gọi là Sao Kim hay là Sao Venus, thần sắc đẹp và tình yêu theo thần thoại La Mã và Hy Lạp. Sao Kim có khối lượng và kích thước gần tương đương với Trái Ðất, vẫn thường được gọi là anh em sinh đôi của Trái Ðất và gần Mặt Trời hơn. Nhưng khí hậu ở Sao Kim khắc nghiệt hơn rất nhiều, nên không có bất cứ sinh vật nào có thể tồn tại được trong môi trường như vậy. Sao Kim và Trái Ðất đều quay xung quanh Mặt Trời, nhưng vòng quay của Sao Kim không rộng lớn như vòng quay của Trái Ðất, vì gần Mặt Trời nhiều hơn. Ðây là lý do vì sao khi Mặt Trời hửng sáng, cõi người ta thấy Sao Kim ở phương Ðông; lúc Mặt Trời dần tắt, họ lại thấy Sao Kim ở phương Tây.

Có một câu ca dao được dùng để diễn tả tâm sự sầu thương của Sao Mai: “Buồn trông chênh chếch Sao Mai. Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ.” Sao Kim bị phân đôi, hóa thành Sao Mai và Sao Hôm, cứ thương cứ nhớ nhưng không bao giờ gặp nhau. “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu” này, lại xuất hiện một ngôi sao đêm đêm trôi giữa bầu trời vô tận, được gọi là Sao Vượt. Người xưa cho rằng: Sao Hôm, Sao Mai, Sao Vượt, là linh hồn của những người oan khuất, đi tìm nhau như thiên cổ tìm ngàn thu. Thuở ấy có hai anh em mồ côi cha mẹ, nương tựa vào nhau để sống. Người anh lớn khôn lấy vợ chưa được bao lâu, đã bị quan trên gọi đi làm phu dịch. Trước khi đi, anh gửi gắm vợ cho người em chăm sóc. Nhớ lời anh hai căn dặn, người em khoét một lỗ vách, đêm đêm luồn tay qua, đặt lên bụng chị dâu để canh chừng. Không ngờ cô ta có thai.
Người em sợ hãi, bỏ trốn, đi về phía mặt trời lặn. Ðến ngọn núi cao thì chết vì kiệt sức, hóa thành Sao Hôm trông vời cố hương lòng đau vì thương nhớ.
Người anh trở về thấy vợ bụng mang dạ chửa, rất căm giận em trai. Người vợ hết sức kêu oan, van xin chồng hiểu cho sự trinh bạch của cô và em trai, nhưng vô ích. Rồi cô sinh ra một bàn tay. Người anh tỉnh ngộ, biết rằng đã nghi oan cho em trai. Anh đi về phía mặt trời mọc, tìm tung tích của em trai nhưng chẳng ai biết. Vì đói khát, vì thương em và vì ân hận, người anh qua đời, hóa thành Sao Mai.
Chờ mãi không thấy chồng về, người vợ lên đường tìm chồng và em chồng. Gặp ai cũng hỏi, nhưng chẳng ai biết. Cô đau khổ, khóc lóc, cho đến khi tắt thở, hóa thành Sao Vượt.
Từ đó, Sao Hôm, Sao Mai, và cả Sao Vượt, được dùng để diễn tả nỗi buồn vô tận, sự ly biệt, sự tổn thất không gì bù đắp được. Huyền thoại này tượng trưng cho bi kịch của sự mất lòng tin. Một khi đánh mất niềm tin, người ta như ba ngôi sao đáng thương này, sẽ phải đi tìm nhau giữa giòng đời vô định.
Dưới lăng kính khoa học, Sao Kim, hay Kim Tinh còn gọi là sao Thái Bạch, là hành tinh thứ hai trong Thái Dương Hệ, tự quay chung quanh bản thân với chu kỳ là 224.7 ngày, tính theo thời gian của Trái Ðất. Ðược xếp đứng sau Mặt Trăng, Sao Kim là thiên thể tự nhiên sáng nhất trong bầu trời tối, có thể tạo thành bóng trên mặt nước. Là ngôi sao ở bên trong nếu tính từ Trái Ðất, không bao giờ xuất hiện quá xa Mặt Trời ở trên không gian. Góc ly giác của Sao Kim đạt cực đại bằng 47.8 độ, và sáng nhất ngay sát thời điểm hoàng hôn và bình minh, vì thế được cư dân của Trái Ðất gọi là Sao Hôm và Sao Mai.
Tuy được cho là anh em song sinh với Trái Ðất, nhưng những gì xảy ra trên Kim Tinh hoàn toàn khác biệt. Sao Kim bị bao bọc bởi lớp mây dày có tính phản xạ cao chứa acid sulfuric, khiến chúng ta không thể quan sát bề mặt của nó. Sao Kim cũng là hành tinh nóng nhất trong Thái Dương Hệ. Không có chu trình carbon để đưa carbon trở thành đất đá trên bề mặt, do vậy không thể có một đời sống hữu cơ nào có thể tồn tại ở Sao Kim. Nhiều khoa học gia từng cho rằng, trong quá khứ trên Sao Kim thường có nhiều đại dương, nhưng bốc hơi khi nhiệt độ hành tinh tăng lên, do hiệu ứng nhà kính mất kiểm soát. Nước có thể bị quan ly, và cũng vì không có từ quyển hành tinh, hydro tự do có thể thoát ra khỏi vũ trụ, vì tác động của gió Mặt Trời. Toàn bộ bề mặt của Sao Kim là một hoang mạc khô cằn, đầy đá và bụi, và có thể núi lửa vẫn còn hoạt động trên hành tinh này.
Ðịa mạo của Sao Kim hiện lên cho thấy có sự ảnh hưởng của núi lửa. Giống như Trái Ðất, Sao Kim từng có nhiều núi lửa, và có 167 núi lửa với đường kính trên 10 ki-lô-mét. Ðảo Lớn của Tiểu Bang Hawaii, Hoa Kỳ, là khu vực duy nhất trên Trái Ðất có nhiều núi lửa như vậy. Các nhà khoa học cho rằng, sở dĩ Sao Kim có núi lửa hoạt động nhiều hơn, chỉ là vì lớp vỏ của nó già hơn lớp vỏ của Trái Ðất. Vỏ đại dương của Trái Ðất, liên tục được tái tạo thông qua sự hút chìm tại biên giới, giữa các mảng kiến tạo, và có tuổi trung bình bằng 100 triệu năm. Trong khi đó bề mặt của Sao Kim có tuổi trung bình từ 300 đến 600 triệu năm.
Ký hiệu thiên văn học của Sao Kim, giống như ký hiệu sử dụng trong sinh học dành cho giống cái: Ðó là một hình tròn, với chữ thập ở bên dưới. Biểu tượng của Sao Kim thể hiện sự yếu đuối, vì thế các nhà giả kim Phương Tây trung đại, còn dùng ký hiệu này để chỉ kim loại đồng. Ðồng được đánh bóng, được sử dụng làm gương soi ở thời cổ đại. Vì thế biểu tượng của Sao Kim đôi khi còn được hiểu là gương soi của các vị thần.
HV