Menu Close

Thảm trạng di dân

Gần đây, có hai nguồn dư luận đồng tình và phản đối việc cứu vớt người tị nạn từ Châu Phi, Trung Ðông vượt Ðịa Trung Hải, ồ ạt đến Âu Châu, có người đặt vấn đề phân biệt hai loại người tị nạn chính trị và tị nạn kinh tế. Theo Công ước ngày 14/12/1950 của Ðại hội đồng LHQ liên quan đến tình trạng của người tị nạn, một người tị nạn là một người phải rời bỏ đất nước mình bởi họ có cơ sở để lo sợ sẽ bị ngược đãi vì những lý do chủng tộc, tôn giáo, dân tộc, quan điểm chính trị hay vì là thành viên của một nhóm xã hội cụ thể nào đó. Không quốc gia nào có quyền gửi trả người tị nạn về nơi cuộc sống của họ có thể bị đe dọa, bất kể quốc gia đó đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn hay chưa.

Như vậy thì tị nạn kinh tế khác với tị nạn chính trị ra sao? Theo một định nghĩa, những người tới khu vực khác để mưu cầu cuộc sống tốt hơn là dân di cư. Theo cách nói thông thường, khái niệm này được sử dụng để chỉ những người tìm kiếm cơ hội việc làm. Các quốc gia không có nghĩa vụ pháp lý đối với người di cư – các nước hoàn toàn có thể từ chối nhập cảnh hoặc trục xuất họ. Do đó khi các chính trị gia châu Âu đánh đồng tất cả những người đang chờ đợi ở biên giới là “người di cư”, họ hàm ý rằng nước mình chẳng phải có nghĩa vụ gì với nhóm người này. (Jill Goldenziel, “Five myths about refugees and migrants,” The Washington Post, 25/09/ 2015. Phạm Hồng Anh dịch.)

tham-trang-di-dan1
Xác của em bé Aylan, 3 tuổi, di dân Syria trôi dạt đến bờ biển nước Thổ 9-2015 – Ảnh của Nilufer Demir

Thế là người ta cho rằng những người  bỏ nước ra đi vì miếng cơm manh áo không phải là tị nạn (kinh tế) mà là những người “di cư!”

Có lẽ người ta vẫn dành cái phần tốt đẹp, sạch sẽ, trí thức cho những người được xem là dân tị nạn chính trị, và cái phần rách rưới, đói khát, nhem nhuốc cho những người tị nạn kinh tế (và theo định nghĩa ở trên là dân di cư!)

– Tôi là người “tị nạn chính trị,” vì bất đồng chính kiến phải bỏ nước ra đi, cao hơn chúng nó một bậc, vì chúng nó bỏ nước ra đi vì miếng cơm manh áo!

Ai cho phép chúng ta xếp hạng thứ tự và cho chúng ta có phẩm giá cao hơn người khác?

Sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, chúng ta không “được giải phóng” như các khẩu hiệu màu đỏ của CS miền  Bắc, mà là chịu sự thống trị bất nhân của miền Bắc  nên, gần một triệu người Việt đã liều chết chạy trốn khỏi đất nước để ra đi. Theo Georgina Ashworth (The boat people and the road people-1979) thìbao nhiêu thuyền nhân đã chết ngoài biển khơi? Không ai biết chắc cả. Nhiều người nói với chúng tôi rằng có lẽ 5% các tàu rời Việt Nam đã bị mất tích, nhưng nhiều người lại cho là có đến 70% tàu không hề đến được bờ.”  Con số người mất tích trên biển Ðông có thể ước tính từ 200,000 người cho đến nửa triệu người.”

Nhưng số phận những con người mà thế giới đặt tên là dân di cư hay tị nạn kinh tế đâu có khá gì hơn chúng ta. Từ năm 2014, con số người từ Châu Phi, Trung Ðông chết đuối khi cố gắng dùng thuyền vượt  qua Ðịa Trung Hải để tìm đến Âu Châu đã lên đến 8,000 người.

Và cũng trước đây, đám người mà chúng ta vẫn coi thường họ là di dân kinh tế từ các nước Nam Mỹ vượt biên giới đến Hoa Kỳ, mỗi năm chết không dưới 500 người khi họ tìm cách vượt qua sa mạc, sông lớn, rừng rậm để vào đây. Tất cả cũng đã liều chết để đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở một nước khác.

Chúng ta thường cho rằng vì mất nước” mà phải đi tìm tự do, cũng như hàng chục nghìn người khác, vượt qua sa mạc, cũng vì mất nước” theo nghĩa đen mà chết!

Trước khi quyết định lên thuyền vượt biển ra đi chúng ta đã bị trù dập, tù đày hay kỳ thị hận thù, nhưng chúng ta nghĩ thế nào đối với hoàn cảnh những người sống lê lết trên đường phố, không kiếm ra việc làm, không có gì cho bữa ăn tối nay, khi nắm gạo cuối cùng đã vét sạch, và những đứa con đi ngủ với cái bụng đói, và gào khóc:Cha ơi, con đói quá!”  Trong hoàn cảnh ấy, là con người, nếu là chúng ta, chúng ta có tìm cách vượt qua số phận, và dù phải đổi lấy cái chết, cũng ra đi để mưu cầu sự sống cần thiết hay không?

Chế độ hà khắc, kỳ thị, giam cầm, tra tấn và trả thù những người bất đồng chính kiến, cũng khốn nạn như một thể chế bỏ đói dân, nhà máy không có đủ cho công nhân, ruộng đồng không nuôi sống nông dân, và người dân phải bỏ nước ra đi để làm thuê, ở đợ hay làm đĩ để nuôi thân. Vậy thì tị nạn chính trị hay di dân vì miếng cơm manh áo, vì giọt sữa cho con thơ, thì cũng là một hoàn cảnh đau đớn, tủi nhục như nhau!

Chúng ta đau đớn vì trong gia đình đã có người thân mất tích trong chuyến vượt biển năm xưa, và hôm nay, chúng ta có xót xa trước hình ảnh của em bé Aylan Kurdi, 3 tuổi đến từ Syria, nằm sấp ở bãi cát, bị sóng đánh dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khi thuyền chở gia đình bị đắm, chết và trôi dạt vào bờ biển Bodrum, nước Thổ hay không? Hàng triệu người Syria sống trong cảnh thiếu thốn ở các trại tị nạn, hàng trăm ngàn người Syria đang lê bước trên đường đến các nước châu Âu.

tham-trang-di-dan
nguồn International Development Society

Ðặt vấn đề hợp pháp hay bất hợp pháp thì trừ những người tù chính trị, những con lai, những nhân viên sở Mỹ, những tù nhân lương tâm đến Mỹ theo những ký kết thoả thuận giữa hai quốc gia, còn thì những người khác, như khi chúng ta đóng tàu vượt biển ra đi, hay băng qua biên giới các nước, đều là bất hợp pháp. Khi đến đảo, qua phần thanh lọc, các viên chức đại diện cho các quốc gia nhận người tị nạn mới quyết định chúng ta thuộc thành phần nào để được ưu tiên chấp nhận cho vào định cư nước họ. Lúc này chúng ta mới thấy cái ranh giới rất mơ hồ, mỏng manh giữa chuyện bỏ nước ra đi vì cơm áo hay vì chế độ bất nhân, và cuối cùng cả hai vẫn là một, đều được đi định cư, hoặc bị trả về vì chính sách và hoàn cảnh của các nước thứ ba.

Ngày nay lòng nhân đạo, cứu vớt người lầm than hình như đã nguội lạnh, và mỗi quốc gia rộng lòng nhân ái đến bao nhiêu cũng có những vấn đề nội bộ của họ cần giải quyết và nạn di dân đã trở thành một thảm trạng của loài người.

Ông Georges Dassis, chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Xã hội châu Âu, đã tuyên bố thẳng thắn rằng cách thức tốt nhất để chống lại nạn di dân bất hợp pháp là tạo ra môi trường thịnh vượng cho châu Phi, tức đồng nghĩa với công ăn việc làm, bằng những đầu tư “hữu hiệu.” Nhưng đầu tư vào những đất nước có chính phủ tồi, bao nhiêu cho đủ. Tính đến cuối năm 12-2016, tổng số vốn đầu tư FDI (Foreign Direct Investment) vào Việt Nam đạt tới 24.4 tỷ đô la, mà tuổi trẻ có cử nhân không kiếm ra việc làm phải ghi tên đi “xuất khẩu lao động,” dân đói phải đóng thuyền bỏ nước đi Úc.

Theo sử gia Trần Gia Phụng: “tổng số người rời bỏ đất nước bằng tất cả các cách, cộng với những người tử nạn trên đường vượt biên, lên đến khoảng gần bằng tổng số dân chúng và quân nhân Việt Nam cả Nam lẫn Bắc tử trận trong cuộc chiến từ 1954 đến 1975 – khoảng 3,000,000.” Nhưng hiện nay theo Liên Hợp Quốc, hơn 12 triệu người Syria đã buộc phải rời mái ấm của họ do cuộc nội chiến ở đất nước này.

Thế giới bất an, và thảm trạng di dân vì lý do chính trị, chiến tranh hay kinh tế đến bao giờ mới chấm dứt?

HP