Dallas Summer Musicals (DSM) là tên một tổ chức bất vụ lợi, chuyên đem các chương trình ca nhạc kịch Broadway đến trình diễn tại hí viện Fair Park Music Hall gần downtown Dallas. Bà con nào đã đi dự State Fair vào tháng Mười hàng năm có lẽ đều biết chỗ này, hoặc chí ít cũng đã từng đi ngang qua một hai lần. Những nhạc kịch nổi tiếng như Miss Saigon, Shrek, Les Miserables đều đã được ra mắt khán giả Dallas tại rạp hát lâu đời này. Trong số những nhạc kịch được chọn năm nay là một show nhạc Beatles mang tên “Let It Be”, gồm bốn nhạc sĩ đóng vai John, Paul, George và Ringo.

Giống như ban nhạc Beatles giả mang tên “Rain” đã từng trình diễn tại Dallas cách đây vài năm, “Let It Be” cũng dùng một công thức tương tự là đưa khán giả qua những giai đoạn lịch sử của The Beatles. Nhạc kịch khởi hành với sự xuất hiện lần đầu tiên trên TV Mỹ của bốn chàng trai từ Liverpool, Anh quốc, trong chương trình Ed Sullivan Show, với những bài top hit như “I Saw Her Standing There”, “She Loves You”, “I Want To Hold Your Hand”, “All My Loving”. Sân khấu được trang trí giống y như sân khấu Ed Sullivan của thập niên 1960, giúp tạo một không khí rất thú vị. Khi chàng Paul McCartney giả hiệu (cũng đàn tay trái) bắt đầu hát solo bài “Yesterday”, thiên hạ hát theo khá là đông.
Hai bên sân khấu người ta cho dựng lên hai màn hình TV trắng đen theo kiểu xưa, thỉnh thoảng được dùng để chiếu những mẩu tin thời sự như cảnh chiến trường Việt Nam, cảnh sinh viên xuống đường v.v… để cho các nhạc-kịch-sĩ có thì giờ thay đổi trang phục. Lạ mắt nhất là các mẩu quảng cáo trên TV thời xưa mà ngày nay nhìn lại không khỏi tức cười, như cảnh mấy bà mấy cô phì phèo thuốc lá Pall Mall. Sau màn Ed Sullivan là buổi diễn ngoài trời của Beatles tại sân vận động Shea Stadium ở New York trước mấy chục ngàn fan cuồng ầm ĩ, đánh dấu thời điểm Beatles chinh phục nước Mỹ. Trong phần này khán giả được thưởng thức một số nhạc phẩm top hit khác như “Help!”, “I Feel Fine”, “Twist and Shout”, “Day Tripper”.
Màn kế tiếp là khoảng thời gian ban Beatles không còn chơi live show nữa mà chú tâm vào việc làm nhạc trong studio, khởi đầu với dĩa “Sgt Pepper’s” được cho là bước ngoặt lớn trong làng nhạc pop, tạo nên một làn sóng mới thay đổi hoàn toàn dòng nhạc rock’n’roll từ đó trở về sau. Những bài nhạc quen thuộc như “Sgt Pepper’s Lonely Hearts Club Band”, “With A Little Help From My Friends” được nối tiếp với các bản nhạc ngày càng phức tạp về cấu trúc, ca từ, cũng như phối khí. “Penny Lane” phô diễn một Paul McCartney trên đỉnh cao nghệ thuật sáng tác bằng lối kể chuyện đời thường với những hợp âm mới mẻ. Hay là John Lennon trong bài “Strawberry Fields Forever”, với những hình ảnh trừu tượng, nửa mơ nửa thực như trong một cơn say thuốc. Nhưng ngoài ra cũng có những bản nhạc nhẹ nhàng, tươi vui cho thiên hạ hát theo như “When I Am 64” mà hầu như ai cũng biết.

Những bài nhạc trong thời kỳ này sử dụng nhiều kỹ xảo của phòng thu thanh, phần lớn nhờ sự sáng tạo của ông George Martin, người sản xuất tất cả các dĩa nhạc của ban Beatles, và được mệnh danh “The Fifth Beatle”. Ngoài việc sản xuất, ông Martin còn soạn hoà âm phối khí cho nhiều bài nhạc của Beatles, dùng dàn đàn dây với vĩ cầm, trung vĩ cầm, đại vĩ cầm v.v… mà “Yesterday” là một ví dụ.
Ðây cũng là một bước đột phá trong dòng nhạc rock mà trước đó chưa ban nhạc nào đã làm. Trong chương trình này, “The Fifth Beatle” là một nhạc sĩ chơi keyboard/synthesizer, có nhiệm vụ tái tạo vô số những âm thanh mà không thể nào một ban nhạc rock cổ điển ngày xưa có thể làm ra trên sân khấu. Thí dụ như bài “A Day In The Life” (thực chất là hai bản nhạc khác nhau, một của Paul một của John, được lồng xen kẽ vào nhau) kết thúc bằng một dàn đại hoà tấu kéo những cung bậc hỗn loạn và chấm dứt bằng một tiếng nổ lớn.
Ðoạn cuối của Màn 1 đưa người nghe qua những dĩa nhạc cuối cùng của ban nhạc, như bài “Come Together” từ dĩa “Abbey Road”, bài “Get Back” từ dĩa “Let It Be” và cũng là lần cuối cùng ban Beatles chơi trước công chúng – trên mái nhà của văn phòng Apple Record, hay là bài “Revolution” từ dĩa “White Album”. Bài “The End”, với đoạn trống solo duy nhất trong sự nghiệp của Ringo, chấm dứt phần đầu trong tiếng vỗ tay rầm rộ.

Thật tình mà nói, so với chương trình của ban nhạc “Rain” trước kia thì “Let It Be” không bằng. Các nhạc sĩ, nhất là người đóng vai Paul McCartney, hát chưa tới lắm, nhất là những lúc phải lên cao. Chất giọng của chàng đóng vai John cũng thường, tuy những lúc nói chuyện với khán giả anh ta giả giọng Liverpool rất điệu nghệ. Cách bài trí sân khấu cũng đơn sơ hơn, và không có gì để ta phải ồ lên vì bất ngờ. Xem tới đây thằng con 11 tuổi của tôi đã phải thốt lên, “Rain chơi hay hơn! Nhưng tay trống này thì không đến nỗi tệ.” (Nhận xét này rất tinh tế, vì nhạc sĩ đóng vai Ringo trong “Let It Be” cũng là người chơi trống cho “Rain”!)
Trong 20 phút giải lao hai cha con tôi đi ra ngoài mua nước và ngắm thiên hạ. Thấy có khá nhiều người dẫn con nhỏ đi xem, đa số 5-10 tuổi. Thanh thiếu niên tuổi teen cũng nhiều. Ðứng sắp hàng sau hai người phụ nữ khoảng 40 tuổi, nghe lóm một người hỏi người kia tên của bốn chàng tứ quái là gì (!!). Thì ra không phải ai đi xem show này cũng rành về ban Beatles.
Khi trở về ghế ngồi, tôi bắt đầu nhìn đồng hồ tay và hơi sốt ruột, không biết show còn dài bao lâu. Ngờ đâu qua Màn 2 câu chuyện được đẩy sang một hướng khác hoàn toàn. Khán giả được thông báo rằng trong một tình huống vô cùng đặc biệt của những năm cuối thập niên 70, bốn chàng tứ quái có dịp tái hợp và quyết định làm một show mừng sinh nhật John vào ngày 9 tháng 10, 1980. Khán giả được khuyến khích hãy thử tưởng tượng có một kịch bản như vậy: “Just imagine!”

Khi màn kéo lên, người ta thấy một bộ tứ Beatles của cuối thập niên 70. John với chiếc áo thun ba lỗ in chữ “New York City”. Paul quàng chiếc khăn cổ đúng mốt 80, trên tay chiếc đàn bass Rickenbacker thời anh chơi trong ban nhạc Wings. George diện bộ complet thanh lịch màu trắng. Còn Ringo thì chơi nổi với chiếc áo đỏ và cravat đen.
Khởi xướng bằng bản “Because” được hát a capella (hát mộc không nhạc đệm) trong một không gian huyền ảo, người nghe tưởng chừng đang trôi trong một giấc mơ. Tiếp theo đó là một loạt các bài nhạc solo của bốn thành viên Beatles sau khi ban nhạc đã rã đám: George Harrison với bài “What Is Life” từ dĩa đôi “All Things Must Pass”; John Lennon với bài “Just Like Starting Over” từ dĩa “Double Fantasy”, album cuối cùng của anh trước khi bị ám sát vào tháng 12, 1980; Ringo Starr với bài “It Don’t Come Easy” từng đứng đầu bảng Canada và leo lên đến hạng 4 ở Mỹ và Anh quốc; Paul McCartney tiếp theo với bài “Band On The Run” nổi tiếng; John Lennon trở lại với bài “Watching The Wheel” (Double Fantasy); cuối cùng là George với bài “My Sweet Lord” được khán giả hưởng ứng nhiệt liệt.

Sau khi mỗi thành viên có dịp khoe hàng riêng, chương trình tiếp tục bằng một số bài nhạc Beatles cổ điển. Không khí lắng xuống khi Paul đánh bài “Blackbird” trên guitar thùng, với George và John đệm theo cũng bằng đàn thùng. Kế đến là bài “Here Comes The Sun” của George với những giọng hát bè tuyệt vời; và cuộc tái hợp trong mơ chấm dứt bằng bài “Imagine” của John Lennon, hoà với giọng hát của gần như tất cả mọi người trong khán trường quyện vào nhau trong một thông điệp của niềm tin và hy vọng.
Như để tiếp tục đi ngược dòng thời gian, ban nhạc cho biết họ sẽ chơi hai bài để tưởng niệm Chuck Berry, nhà tiên phong của nhạc rock’n’roll vừa mất đêm trước. Ðây cũng là hai bài mà Beatles từng chơi thuở thiếu thời, khi còn là một ban nhạc nhà vườn: “Rock’n’roll Music” và “Roll Over Beethoven”. Có lẽ đây là hai bản nhạc không có trong kịch bản nguyên thủy nhưng được chêm vô vào giờ chót sau khi nghe tin Chuck Berry qua đời.
Màn 2 kết thúc với bài “While My Guitar Gently Weeps”. Phần guitar solo của Eric Clapton trong bản gốc được George chơi lại không những giống y chang mà còn có phần bốc lửa hơn. Và đúng theo thông lệ, sau vài phút núp trong hậu trường cho thiên hạ kêu la ầm ĩ, ban nhạc trở ra sân khấu và hát hai bài “encore”: “Back In The U.S.S.R.” (Trở Lại Liên Xô!) và bản ruột “Let It Be”.

Thật là tuyệt vời khi nghe tập thể đồng thanh điệp khúc “Let it be, let it be, let it be… there will be an answer, let it be. ” (Hãy để mọi chuyện xảy ra một cách tự nhiên, câu trả lời rồi sẽ đến). Sau khi được dẫn dắt qua bao nhiêu ngõ ngách khác nhau của dòng nhạc Beatles đầy màu sắc, “Let It Be” đã gom tất cả về lại một mối. Những tưởng như vậy là xong chương trình, nhưng như một phần thưởng đặc biệt, ban nhạc lại xuất hiện một lần cuối để khán giả có dịp hát chung bài “Hey Jude”. Tất cả mọi người đều đã đứng dậy, già trẻ bé lớn đồng cất tiếng:
“Hey Jude, don’t make it bad. Take a sad song and make it better…”
(Jude ơi, đừng có phiền lòng. Hãy đem bản nhạc buồn và làm cho nó vui lên…)
Có những đứa bé được cha mẹ cõng trên vai vừa hát vừa giơ hai tay lên trời múa may nhịp nhàng. Nhiều người giương cao điện thoại cầm tay quơ qua quơ lại, tạo nên một rừng đuốc điện tử. Tiếng ca vang rền khán phòng như tiếng cầu kinh trong nhà nguyện. Âm nhạc đúng là một thứ ngôn ngữ không biên giới.
Mặc dù chương trình chiều Chủ Nhật này là xuất cuối cùng ở Dallas, nhưng tuần sau “Let It Be” sẽ diễn thêm 7 đêm tại hí viện Bass Hall của thành phố Fort Worth (21/3 đến 26/3/2017). Bà con nào muốn đi coi có thể vào trang web của Bass Performance Hall để biết thêm chi tiết.
“Remember to get her into your heart. Then you can start to make it better…”
ianbui – 2017.03.19