Ngày 1 tháng 4 mỗi năm được gọi “Ngày Cá Tháng Tư” (Poisson d’Avril của Pháp hay April Fools’ Day của người Anh, Mỹ.) Vào ngày này, truyền thông, thường là báo chí, có thông lệ đưa ra một nguồn tin giả, nhưng có thể dễ tin vì đôi khi rất gần với sự thật, do đó rất nhiều người bị mắc lỡm, xem như đó là việc thật. Một số tờ báo, tạp chí và các phương tiện truyền thông đã công bố một câu chuyện giả mạo, thường được giải thích vào ngày hôm sau hoặc dưới phần thông tin bằng chữ nhỏ, hay đôi khi ngay cả trong bài viết hôm đó mà người ta vẫn tin.
Thường thì câu chuyện Cá Tháng 4 rất gần với sự thật, đôi khi khả tín, khả thi thì người ta mới dễ nhầm lẫn, nhưng vì sao có những chuyện quá vô lý, mà người ta vẫn tin. Trò đùa trong ngày Cá tháng Tư nổi tiếng nhất thế giới, khó tin mà người ta vẫn tin là câu chuyện thu hoạch mì “spaghetti” trên cây ở Thụy Sĩ.

Vào tháng Tư năm 1957, chương tình phát thanh và truyền hình của đài BBC Panorama đã đưa ra một bản tin ngắn, nói về một vụ mùa bội thu spaghetti ở miền nam Thụy Sĩ, trình bày hình ảnh những nông dân Thụy Sĩ đang kéo các sợi mì spaghetti từ trên cây xuống và cuộn nó vào giỏ. Sau khi bản tin này được đưa lên, hàng trăm khán giả đã gọi điện thoại đến đài BBC để hỏi làm thế nào để có thể trồng cây mì Ý ấy ngay tại nhà mình và mua hạt giống ở đâu?
Người ta đã làm theo lời chỉ dẫn của nhân viên đài truyền hình và mãi một tháng sau, họ mới biết rằng đây chỉ là một trò đùa Cá Tháng Tư!
Những chuyện Cá Tháng Tư nổi tiếng sau đây khả dĩ tin được nhưng cũng chỉ là những tin thất thiệt, hay nói nôm na là những tin vịt:
Tháng 4/1978, Dick Smith, một nhà thám hiểm của nước Úc loan tin đã kéo được một tảng băng vĩ đại từ Nam Cực về, và sẽ cắt nhỏ ra để bán cho dân chúng.

Nhưng khi đến nơi, trời bắt đầu mưa và mọi người mới nhận ra rằng tảng băng đó được làm bằng bọt chữa cháy và kem cạo râu, cũng đang bắt đầu tan.
Tháng 4-1980, BBC loan tin mặt đồng hồ Big Ben ở Luân Ðôn sẽ đổi các kim và số chỉ giờ phút bằng các con số điện tử. Bản tin cũng thông báo đến tất cả mọi người rằng những chiếc kim đồng hồ cũ vĩ đại của Big Ben sẽ được trao tặng cho 4 thính giả đầu tiên gọi vào đài. Cũng vì quá tin, nên cũng có những công dân thành phố phản đối chuyện thay đổi này, trong khi một thủy thủ Anh đang lênh đênh trên biển, đã nhanh nhẩu liên lạc với BBC để được ưu tiên xin một cái kim đồng hồ của Big Ben. Xin biết thêm chiều dài của kim ngắn Big Ben là 2.7 m và kim dài là 4.3 m.
Tháng 4-1986, tờ The Parisien, Pháp đã “thả cá tháng 4” cho rằng chính phủ sẽ tháo gỡ tháp Eiffel bán sắt vụn, và để cho công ty Disney của Mỹ xây công viên Euro Disney. Dân chúng Pháp và Anh điên lên vì quyết định này, mãi sau đó mới biết mình mắc lỡm.
Vào tháng 4-1998, Burger King đã đăng một quảng cáo trên tờ USA Today, cho biết hãng đang chuẩn bị cho ra mắt một loại bánh đặc biệt dành cho người thuận tay trái. Theo hãng thông báo thì sản phẩm mới này được tạo ra với mục đích phục vụ 32 triệu người dân Mỹ thuận tay trái. Loại bánh mới này giống như những chiếc bánh đã từng có của Burger King nhưng tất cả các gia vị sẽ được đảo ngược 180 độ để phù hợp với người thuận tay trái.
Sau khi thông báo này được tung ra, hàng nghìn khách hàng đã đến các cửa hàng của Burger King để yêu cầu được thử loại bánh hamburger này, mới biết đây chỉ là một trò đùa nhân ngày Cá Tháng Tư mà thôi.
Tháng 4-1962, lúc ấy Thụy Ðiển cũng như Việt Nam chúng ta chỉ có TV đen trắng. Một kỹ thuật gia của đài truyền hình, ông Kjell Stensson, loan báo đã phát minh được kỹ thuật đổi một chiếc TV đen trắng thành chiếc TV màu, chỉ bằng một vài bước đơn giản trong vài giây. Nghe vậy, ai mà không thích? Theo hướng dẫn của “khoa học gia” này, mọi người hãy cắt chiếc vớ mỏng của phụ nữ trùm lên màn hình TV. Stensson đã tiến hành một thí nghiệm trên sóng truyền hình cho mọi người theo dõi, để làm theo, nhưng cuối cùng họ mới nhớ ra, hôm ấy là ngày 1 tháng Tư!

Lời thú tội của một người đã thả “Cá tháng Tư” trong cộng đồng người Việt:
Năm 2011, trên nhật báo Người Việt, Nam California – theo truyền thống “Cá Tháng Tư”, nhưng trễ một này – vào ngày Chủ Nhật 2 tháng 4 , chúng tôi (Huy Phương) có đùa giỡn thả một con cá nhan đề: “Cao Niên và Câu Chuyện Tháng 4” và đưa tin rằng: “Công dân cao niên, không phải gốc gác Hoa Kỳ, được nhận lãnh một lần số tiền $30,000 nếu đồng ý trở về sinh sống tại quốc gia nguyên thủy của họ.”

Theo suy nghĩ và điều giả tưởng của chúng tôi, nếu có một đạo luật được Quốc Hội thông qua, cho các cụ được lãnh trọn số tiền $30,000 nếu đồng ý “quy cố hương,” sẽ đỡ gánh nặng cho nước Mỹ rất nhiều. Vì nếu các cụ sống thêm vài năm hay vài chục năm trên xứ này sẽ tốn phí cho ngân sách nước Mỹ hơn cả trăm lần vì các món tiền trợ cấp y tế, (thuốc men, bệnh viện, săn sóc tại gia, các chi phí cho dịch vụ cấp cứu), tiền day-care cho các cụ (đến ăn trưa, tập thể dục, chơi bài, đấm bóp, xem TV, vào Internet), chi phí về housing… Viết bài này, chúng tôi chỉ muốn chân thành góp ý với quý vị cao niên, xin hãy sống với nước Mỹ và yêu nước Mỹ hơn, xin đừng xem đây là nhà trọ, là nơi “share” phòng nữa!
Ðùa với chuyện “Cá Tháng Tư”, chúng tôi chọn con số $30,000 là con số vừa phải, nhiều quá thì khó tin, ít quá thì không “bõ” cho các cụ quyết định giã từ nước Mỹ. Chúng tôi cũng chọn thời gian vừa phải (có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1, 2012- sau khi báo phát hành 9 tháng) để các cụ có thời giờ quyết định và làm đơn “bỏ nước Mỹ”.
Ngay phần cuối bài, tác giả đã cẩn thận ghi rõ ràng ngay ở cuối bài là “bài viết này là chuyện ‘Cá Tháng Tư’ hy vọng không ai mừng hụt và cũng không hy vọng đạo luật này sẽ thành hình.” Nhưng không ngờ câu chuyện của chúng tôi đã gây tác dụng nặng nề, một phần vì quý vị cao niên người Việt không quen với trò “Cá Tháng Tư,” một mặt con số $30,000 chúng tôi đưa ra có vẻ khả tín, đáp ứng lại nguyện vọng của một số người già trên khắp nước Mỹ trong hoàn cảnh bệnh tật, neo đơn. Nếu có số tiền $30,000, nhiều người sẽ không ngần ngại “quy cố hương” để sống nốt những ngày cuối đời.
Chỉ tiếc rằng, không chỉ các cụ vì cả tin nên đã cho chuyện cá thành chuyện thật, mà một ông nào tên là An Pham trên net đã dùng bài báo này của chúng tôi, lắp ráp thêm lời bình luận “Mao Tôn Cương” ở đầu và cuối bài, và đã trích trọn bài tạp ghi “Cá Tháng Tư” của chúng tôi bằng câu giới thiệu: “Sau đây là thông cáo của chính phủ Obama.”
Ðây không còn là một trò đùa nữa mà trở thành một bài viết vô trách nhiệm, có thể gây ngộ nhận trầm trọng cho giới cao niên. Buồn cười là trong “thông cáo của chính phủ Obama”, người tác giả này còn sơ ý để nguyên câu văn của chúng tôi là: “Nửa phần bài tạp ghi hôm nay, viết vào những ngày đầu tháng tư theo truyền thống ‘Cá Tháng Tư.’”
Có ít nhất hai tờ tuần báo phát hành tại Little Saigon đã vô ý không xem kỹ, in lại bài này và một đài truyền hình địa phương đã đưa câu chuyện “Cá Tháng Tư” này lên thảo luận như là một bản tin đặc biệt. Trong thời gian này, có nhiều người tin tưởng đây là câu chuyện có thật nên gọi điện thoại cho bạn bè ở Mỹ và Việt Nam để loan “tin mừng.” Vì không được tận mắt đọc bài báo, nên nhiều vị cao niên vẫn nửa tin, nửa ngờ, có người lại đi tìm giấy tờ hầu điền đơn xin nhận $30,000 và sẵn sàng rời nước Mỹ.
Chúng tôi tìm hiểu quý vị cao niên xem, nếu được lãnh trọn số tiền $30,000 một lần, quý cụ có sẵn sàng bỏ housing, bỏ trợ cấp, bỏ Medicare… để trở về Việt Nam sinh sống những chuỗi ngày còn lại hay không?
Ông Phan Quang Mười, 81 tuổi, H.O. 14, đến Mỹ năm 1992, ông có bốn con, một ở Việt Nam, ba ở Mỹ, vợ mất năm 2005: “Tôi biết đây là chuyện ‘Cá Tháng Tư’, mà giả dụ, chính phủ có cho $30,000 tôi cũng không về Việt Nam. Sống với CS nhiều năm, tôi đã quá ngán ngẩm rồi. Bây giờ đã có cơ hội sang Mỹ, đã nhận nơi này làm quê hương, thì chết sống cũng ở đây. Hồi nhà tôi còn sống, chúng tôi đã mua đất trong nghĩa trang và dự định chết sẽ nằm bên nhau. Con tôi nói rằng nếu tôi có lỡ về Việt Nam chơi mà chết bên đó, thì chúng cũng mang xác tôi trở lại Mỹ, chôn bên má nó.”
Nhạc sĩ Vũ Ðức Nghiêm ở San José thì dứt khoát: “Cho 1 triệu, tôi cũng không về!”
Trái lại với ý kiến trên, một vị cao niên khác, cựu quân nhân, tuy có ba con thành đạt ở Mỹ, hiện vào nursing home đã hơn năm nay, cho rằng: “Nếu vụ $30,000 có thật thì vợ chồng tôi cũng xin về Việt Nam, giúp đỡ bà con chút đỉnh, rồi chết bên đó cho yên!”
Khi viết bài tạp ghi này trong dịp đầu tháng 4-2011, tác giả chỉ muốn theo truyền thống báo chí “Cá Tháng Tư”, đùa cợt với các cụ một tí, không ngờ đã gây sự tổn thương và hụt hẫng cho nhiều vị, nhất là nhiều vị hiện nay đang lâm cảnh đau ốm, con cái không quan tâm, hay cô đơn trong tuổi già, vui mừng khi nghe tin này nhưng sau đó thất vọng khi biết đây chỉ là một trò đùa.
Mặc dầu không hề có ác ý, nhưng hậu quả của bài báo đã làm buồn lòng một số người. Và cũng từ ý tưởng này, xét ra cũng có cơ sở, thì chúng ta sẽ vận động quý vị dân cử làm dự luật trình lên Quốc Hội. Trong tình trạng ngân sách cạn kiệt, bất cứ một sáng kiến nào đưa ra nhằm cứu nước Mỹ qua cơn hoạn nạn, chắc chắn đều được tán thưởng.
HP