Tập bút ký “Y Sĩ Tiền Tuyến” của Trang Châu nổi tiếng từ trước 1975, gần đây được giới thiệu trở lại như một tác phẩm hiếm quý của Miền Nam sau cuộc phần thư. Quả cũng lạ: chiến tranh chấm dứt đã 42 năm mọi sự tưởng đã im ngủ dưới tro tàn vậy mà khi đọc lại YSTT ta thấy nó vẫn sống động và còn gây đau nhức trong lòng ta khiến phải bồi hồi suy tưởng. Trước hết là cảm phục thái độ của Trang Châu khi đi vào cuộc chiến. Năm ấy (1966) tác giả còn trẻ, vừa mới ra trường lại có người yêu trẻ đẹp ở thành phố, thế nhưng đã bỏ lại tất cả đằng sau lưng để lên đường nhận nhiệm vụ ở vùng mặt trận sôi động Bồng Sơn Tam Quan. Mục đích là chăm sóc vết thương cho đồng đội và giúp đỡ đồng bào trong chiến nạn. Dưới ngòi bút của Trang Châu, chiến tranh hiện ra với nhiều nét thật. Tác giả không hề tô vẽ hay phóng đại mà rất trung thực cho nên trang viết có sức hấp dẫn, thuyết phục người đọc. Những bức tranh lính tráng bị thương, chết chóc, cảnh đồng bào bồng bế nhau chạy loạn trong thiếu thốn đói khổ, rồi nhà cửa hoang tàn đồng khô cỏ cháy… Mà chiến sĩ ta chiến đấu thật dũng cảm, còn giúp đỡ đồng bào nữa. Cũng những người lính ấy, lúc dừng quân, chỉ biết giải trí bằng những trò chơi giản dị do mình tự đặt ra. Một điều cần phải nói ra: Đọc YSTT của Trang Châu ta càng nhận chân được ý nghĩa của cuộc chiến đấu của quân dân Miền Nam.
NGUYỄN & BẠN HỮU
Cơn mưa đã dứt. Có tiếng động cơ mỗi lúc một gần, tôi nhận ra tiếng máy thiết vận xa M-113. Một giờ trưa được lệnh di chuyển. Tôi biết giờ phút gay go bắt đầu. Ði hết con đường mòn, hiện ra trước mặt tôi mấy chóp làng có dừa bao bọc nằm rải rác như những hòn cù lao giữa biển lúa xanh mênh mông. Súng trên các M-113 bắt đầu khai hỏa dọn đường tiến quân. Chen lẫn trong những tràng liên thanh, những tiếng nổ lớn của pháo binh yểm trợ. Một đại đội bên tay phải tôi băng qua cánh đồng bọc trở lên. Ðại Ðội 60 tiến theo sau. Bùn ngập tới đầu gối. Tôi phóng tầm mắt quan sát. Ðằng xa hai mặt, các M-113 sắp hàng ngang từng bốn chiếc tiến bắn không ngừng vào hai ngôi làng nhỏ. Từng hàng lửa đỏ rực nối tiếp nhau mất hút trong rặng dừa. Ðại Ðội Chỉ Huy tiến vào mé trái một ngôi làng thứ ba. Sau dãy làng là những ngọn đồi bốc khói xám xịt.
Một lúc một mặt quân được trực thăng trút xuống án ngữ trên ấy. Ðại Ðội Chỉ Huy dừng lại ở bờ ruộng cách làng chừng năm trăm thước. Ở hai làng trên, các M-113 tiến sát đến bờ làng.

Tiếng súng vẫn ròn rã, thỉnh thoảng chen lẫn vài tiếng “tắc cù” chát chúa. Tiếng đạn xé gió nghe đến rợn người. Lúc này tôi hơi sợ. Nhưng khi nhìn toán y tá thấy sắc mặt người nào cũng bình tĩnh, tôi yên tâm.
Cánh quân được lệnh tiến vào làng. Tôi lom khom chạy, cố vượt một khoảng trống để bấu vào bờ làng. Tiếng một người y tá phía sau dặn nhỏ tôi:
– Bác sĩ khom người, đầu sẽ ngay tầm đạn của địch nguy hiểm. Bác sĩ cứ thẳng người chạy, lỡ có trúng cũng trúng từ chân trở xuống.
Tôi đã nghe theo lời dặn. Dù sao kinh nghiệm chiến trường tôi chưa có gì. Tôi đặt chân lên bờ làng sau khi qua một con suối. Tựa lưng vào một gốc dừa, tôi ngồi thở, mắt hướng về phía mịt mù lửa đạn. Tôi ngạc nhiên thấy những chiếc thiết vận xa vừa bắn vừa lùi, bọt nước tung tóe lên chung quanh.
– “Chúng nó có cả 57 ly!” Tiếng một binh sĩ ngồi quay lưng lại với tôi.
Trúng phải đại bác 57 ly, thiết vận xa sẽ bốc cháy. Ðoàn “cua” lùi mãi, lùi mãi, ngưng bắn để chuyển thành hàng dọc rồi nằm im. Các loại súng vẫn nổ tứ phương. Ðang phân vân không biết trận chiến ngã ngũ ra sao thì nghe trên không có tiếng ù ù. Lòng tôi khấp khởi mừng. Không trông thấy phi cơ nhưng tôi nghe hình như nó đang chúc xuống. Tiếng gió ào ào từ cao bổ xuống đầu chúng tôi, tiếp đó một tiếng ầm ghê gớm nổi lên. Tôi không kịp có phản ứng nào.
– Chúng nó canh 81!
– Không phải, “rốc kết” của mình!
– Thả khói vàng! Thả khói vàng! Mau lên!
– Bác sĩ ơi, em bị thương!
Tôi quay đầu lại. Người binh sĩ ngồi cạnh tôi ban nãy nằm ngửa người, một tay ôm cổ. Tôi gỡ tay anh ta ra, một giòng máu nhỏ chảy xuống vai. Vết thương nhẹ. Tôi bảo anh ta nằm yên đó rồi chạy về phía xảy ra tiếng nổ. Quả “rốc kết” rơi xuống suối. Ðại đội bọc hậu có bảy người bị thương. Chỉ có một người nặng: mảnh ghim nát cả chân phải.
Tôi cho bó bất động, chích morphine và truyền một chai dextran. Toán y tá của tôi làm phận sự cấp cứu thông thạo và lanh lẹ. Chúng tôi khiêng các thương binh để nằm dưới hiên một ngôi nhà tranh chờ di tản. Lát sau hai chiếc khu trục trở lại. Lần này “rốc kết” và bom xăng đặc rơi đúng mục tiêu. Tiếp đến hai trực thăng võ trang thay nhau bắn phi đạn và đại liên. Sau hai đợt oanh tạc, nhiều đám cháy đỏ rực bốc lên. Cảnh tượng trông thật khốc liệt. Hai chiếc trực thăng vừa bay khuất, đoàn thiết vận xa dàn ngay hàng ngang tấn công trở lại. Nhìn ra cánh đồng, tôi thấy vô số nón sắt nhấp nhô trong đám lúa. Ðây là đợt tấn công quyết định. Nếu không chiếm được mục tiêu chắc phải rút vì trời đã xế chiều.
Tôi trở lại xem chừng tình trạng các thương binh. Nửa giờ sau, tôi gặp ông đại đội trưởng Ðại Ðội Chỉ Huy. Ông cho hay đã chiếm được mục tiêu 1, đang tiến chiếm mục tiêu 2 và 3. Ông cũng cho tôi biết một tin buồn: Trung Úy Vân, Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội 64 đi theo thiết vận xa đã tử trận. Nghe tin, tôi bàng hoàng cả người. Tôi chỉ gặp Trung Úy Vân một lần hôm tôi đến nhậm chức. Ðại đội ông đóng xa Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn nên tôi không có dịp tiếp xúc thêm. Không ngờ buổi gặp gỡ lần đầu ấy lại là lần cuối cùng. Tôi cố nhớ mãi mà không sao hình dung nổi khuôn mặt người bạn đồng đội vừa ngã xuống.
Trời bỗng dưng u ám. Cơn mưa lại bắt đầu. Nhìn ra đồng ruộng, tôi thấy bốn binh sĩ khiêng cáng một người bì bõm lội về phía tôi.
– Ai vậy?
– Dạ Thiếu Úy Toàn, ở Ðà Lạt mới ra.
Thấy cả ngực ông băng kín, tôi hỏi một trong bốn người khiêng cáng:
– Bị thương ở đâu?
– Dạ nghe ông y tá Ðại Ðội nói bị đạn xuyên qua vai.
Mạch nhanh và yếu. Người sĩ quan trẻ tuổi mắt lờ đờ, trăn trở người muốn kiếm một thế nằm cho đỡ đau, dễ thở. Ông luôn miệng gọi tên một người con gái.
Tôi cho truyền một chai huyết-thanh có pha thuốc chống xúc kích, thuốc trợ tim, thuốc điều hòa hô hấp. Máu vọt ở hai lỗ đạn vào và ra. Xuất huyết trong lồng ngực. Ðể tránh biến chứng do không khí tràn vào lồng ngực, tôi khâu sống bít hai lỗ đạn.
Hết chai huyết-thanh, tôi cho truyền tiếp chai huyết-tương. Người y tá chích bốn năm lần vẫn không vào máu. Các tĩnh mạch bị tắc nghẽn. Mạch nhanh yếu không đếm được. Tôi phải dùng kim lớn đâm vào tĩnh mạch đùi để truyền nước. Một xác chết gói trong poncho được đưa đến trạm cứu thương. Tôi không biết mặt người chết mà tự nhiên lòng căm hờn phừng phừng trong tôi. Ở giây phút này tôi hiểu thế nào là thù hận.
Cánh quân được lệnh di chuyển. Phải di tản thương binh theo. Chỉ có hai người đi được, ba phải dìu, hai phải khiêng cáng, một xác chết phải gánh theo. Một số binh sĩ được huy động giúp di tản.Tôi phụ khiêng cáng ông Thiếu Úy Toàn nằm. Trông ông co quắp, rên rỉ thật tội nghiệp.
Quần áo ướt dầm làm tôi lạnh run. Súng vẫn nổ nhưng thưa và xa dần. Trời đã tối hẳn, mưa vẫn không ngừng. Chúng tôi khó nhọc theo đuôi toán quân. Bờ đê ruộng bùn trơn hết người này trợt chân đến người khác. Hết bờ đê đến một căn nhà sàn. Trạm cứu thương được chỉ định đóng đêm tại đó.
Ðại Ðội 64 ngoài Trung Úy Vân còn thêm bảy binh sĩ thiệt mạng, hai bị thương. Phía Tiểu Ðoàn 5 Dù, sáu binh sĩ tử thương, ba bị thương. Bên Thiết Vận Xa, hai xạ thủ đại liên tử trận, năm bị thương. Tất cả thương binh được trạm cứu thương của Tiểu Ðoàn 5 săn sóc.
Ðã chín giờ đêm. Tiếng súng im hẳn. Mưa cũng tạnh. Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn yêu cầu tôi báo cáo tổn thất và tình trạng thương binh. Trong báo cáo tôi nói rõ tình trạng khẩn cấp của Thiếu Úy Toàn. Ông sẽ không qua khỏi đêm nay nếu không được di tản. Và thật là một niềm vui sướng cho tôi khi biết tin sẽ có trực thăng đến tải thương. Tôi huy động nhân viên đưa các thương binh ra cánh đồng, bãi đáp. Gặp Bác Sĩ Cơ của Tiểu Ðoàn 5 Dù, chúng tôi vui vẻ bắt tay nhau, phụ lực khiêng cáng. Chúng tôi sắp thương binh theo thứ tự ưu tiên di tản. Ba chiếc trực thăng trong hai đợt đã cho Bác Sĩ Cơ và tôi trút được mối lo canh cánh bên lòng. Còn lại mười mấy xác chết phải chờ đến sáng mai.
Tôi trở về căn nhà, cởi giầy rửa chân, ăn cơm tối. Mười một giờ đêm. Trời lạnh buốt. Tôi nằm trên tấm ván, không mùng màn. Một ngày máu lửa đã cho tôi cảm nghĩ gì? Ðiều tôi ước mong đã đến: có đụng độ lớn, có chiến thắng. Nhưng trong vinh quang tôi thấy buồn hơn vui. Chiến tranh ở giờ phút này, trong tư tưởng tôi, không còn là một ván cờ như tôi thường ví. Quân cờ bị loại là quân cờ vứt đi, nhưng những cái xác nằm kia còn liên hệ ảnh hưởng đến biết bao nhiêu người.
Nếu hôm xảy ra trận đánh là một ngày căng thẳng tinh thần, thì hôm sau là một ngày hành xác. Tờ mờ sáng đã lo tải xác ra bãi đáp. Rồi theo tiểu đoàn tảo thanh vùng mới chiếm. Quanh làng xác địch còn nằm phơi trong các hố cá nhân. Họ mặc đồng phục kaki vàng. Theo lời khai của một trung úy tù binh thì họ thuộc Sư Ðoàn Sao Vàng. Tiểu đoàn này đóng ở Hy Văn đã ba tháng nay. Không có bóng một người dân. Cảnh làng tan nát. Lục soát đến trưa không có gì. Về vị trí cũ vừa nuốt được miếng cơm lại có lệnh trực thăng vận.
Gặp tôi, ông tiểu đoàn trưởng nói, “Ði gồng tí chơi, Bác Sĩ.” Chúng tôi nhảy xuống ngọn đồi án ngữ phía sau làng. Từ đó men theo con suối tiến ngược trở xuống. Pháo binh được gọi bắn vào những điểm khả nghi. Không gặp địch. Chúng tôi trở về điểm xuất phát lúc năm giờ. Tính cơm nước thì có lệnh rút. Chúng tôi băng ruộng trở lại Gia Hựu. Chờ mãi không thấy xe đến đón. Có lệnh đổ bộ trong đêm tối. Mười giờ đêm mới đóng quân. Mệt mỏi, tôi ăn qua loa rồi leo lên võng nằm. Trằn trọc suốt đêm vì lạnh và vì không quen nằm võng. Sáng hôm sau lại cuốc bộ về Hoài Sơn. Không biết tôi đã đi bao nhiêu cây số, chỉ biết đôi chân mỏi vô cùng.
Một người đàn bà đứng tuổi đến mời tôi đi thăm bệnh cho con gái bà, đau đẻ đã một ngày một đêm vẫn không sinh được. Nhà bà ta ở ngoài vòng canh gác. Sau một phút lưỡng lự, tôi cùng ba y tá theo gót người đàn bà. Tôi khám người thiếu phụ và thấy cái thai nằm ngang nên không sinh được. Trường hợp này ngoài khả năng tôi. Chỉ còn có cách đưa đi Quy Nhơn mổ. Tôi trở về xin xe đưa người thiếu phụ lên Ðề Ðức, rồi liên lạc với người Mỹ xin trực thăng. Họ rất sốt sắng. Chiếc trực thăng cất cánh mười lăm phút sau đó.

Buổi chiều trò chuyện với ông tiểu đoàn phó, vị sĩ quan mà tôi có nhiều cảm tình. Ông thuộc mẫu người vui vẻ trong câu chuyện, nhưng cứng rắn trong công việc. Tôi hỏi ông có bao giờ cảm thấy sự hy sinh của mình vô ích không? Ông trả lời nếu chiến đấu để bảo vệ một số người thì thật vô ích, nhưng để bảo vệ miền Nam thì ông sẵn sàng hy sinh khi nào chiến tranh vẫn còn. Tôi lại hỏi ông có bao giờ ông chán nản không. Ông đáp:
– Có, những lúc nhìn kẻ khác an nhàn thụ hưởng mà mình thì cực khổ.
Rồi ông tiếp:
– Nhưng khi nhìn xuống thấy lính chúng nó còn khổ gấp mấy trăm lần mình thì tôi lại thấy mình đầy đủ quá.
Rồi như để lái câu chuyện. Ông chỉ tay về phía một đám binh sĩ cười hỏi tôi:
– Ðố bác sĩ biết hai đứa kia đang làm gì?
Nhìn theo ngón tay chỉ tôi thấy hai binh sĩ ngồi dưới gốc dừa chăm chăm nhìn xuống đất. Một lúc có tiếng cười, rồi một người lượm một tờ giấy mà tôi đoán là tiền cho vào túi. Anh kia móc tờ giấy khác, xếp đôi bỏ xuống đất rồi cả hai chăm chăm nhìn. Ðoán mãi không hiểu họ chơi trò gì, tôi lắc đầu. Ông tiểu đoàn phó cắt nghĩa:
– Chúng nó chơi trò con ruồi. Tờ giấy một đồng được xếp làm đôi, mỗi đứa một nửa. Con ruồi đầu tiên đậu lên tờ bạc nửa phía đứa nào là đứa nấy ăn.
Tâm hồn người lính thật bình dị. Họ như quên hết những gì đã xảy ra. Không cần tìm hiểu thắc mắc, tính toán. Ðóng quân thì vui nghỉ. Cầm súng là hăng say chiến đấu. Nhìn họ tôi thấy tôi còn xa lạ. Cũng áo hoa, mũ đỏ, nhưng tôi nghĩ rằng phải còn lâu tôi mới trở thành một chiến sĩ Nhảy dù đúng theo nghĩa của nó.

– photo Đặng Hùng Sơn
TC