Tám mươi năm trước, chắc chắn không ai nghĩ ông Lee Byung Chull, người buôn bán ở Daegu, thành phố công nghiệp thuộc Miền Nam Hàn Quốc, lại có ngày trở thành chủ nhân của một đế chế khổng lồ về điện tử, đóng tàu, bảo hiểm và nhiều lãnh vực khác. Nhưng tự Samsung Electronics đủ để chứng minh cho sự thật không thể ngờ này. Công Ty Thương Mại Samsung, tiền thân của Công Ty Ðiện Tử Samsung ngày nay, được thành lập năm 1938, lúc ông Lee Byung Chull mới 29 tuổi. Ông bắt đầu điều hành công ty xuất cảng hoa quả, trái cây sang Manchuria và Trung Quốc. Sau Chiến Tranh Triều Tiên, năm 1953 công ty xuất cảng thêm sản phẩm đường, đồng thời khai trương công ty con CheilJedang, sử dụng dây chuyền máy móc nhập cảng từ công ty Tanaka của Nhật Bản. Thập niên 1990, Công Ty CheilJedang tách ra khỏi Samsung, trở thành công ty khổng lồ về thực phẩm của Nam Hàn, mang tên CJ.
Các nhà nghiên cứu nhận xét: Ông Lee Byung Chull là thương gia rất thận trọng. Trong khi đó ông Chung Kyu Woong, một ký giả đã về hưu, tác giả quyển “Sự Thật Mất Lòng Về Gia Ðình Samsung – Uncomfortable Truths of the Samsung Family” xuất bản năm 2012, đã viết: “Lee Byung Chull kiểm tra tất cả mọi yếu tố có liên quan với nhau, trước khi thực hiện một điều gì đó. Ông chỉ bước qua bậc đá, sau khi nhìn thấy người khác đã bước qua an toàn.” [“Hoam (Lee’s other name) checked everything before doing something. He would only walk across steppingstones after seeing others cross them safely.”]
Thập niên 1960, khi Tướng Park Chung Hee nắm quyền lực sau cuộc đảo chánh, Công Ty Samsung đã có mối quan hệ “win-win” với vị tổng thống xuất thân từ quân đội. Mối quan hệ này đánh dấu tình bạn tín nhiệm thân cận giữa Samsung và giới tinh hoa chính trị Nam Hàn. Tuy nhiên, không phải lúc nào Samsung và chính phủ cũng hòa thuận, “cơm lành canh ngọt.” Trong quyển hồi ký cá nhân, ông Lee Byung Chull đã chia sẻ cảm nhận riêng, khi bị những người nắm quyền lực chính trị “chèn ép.” Ông từng có ý định trở thành chính khách, để không bị lệ thuộc vào chính phủ. Nhưng Lee Byung Chull không làm chính trị, ông thành lập đài truyền hình TBC và nhật báo JoongAng Ilbo, kiên định sử dụng “quyền lực thứ tư” chống lại những áp lực chính trị.

Năm 1987, ông Lee Byung Chull qua đời. Người con thứ ba là ông Lee Kun Hee, nắm quyền điều hành đế chế Samsung. Giờ đây Lee Jae Yong, con trai duy nhất của ông Lee Kun Hee, cũng bắt đầu điều hành công ty. Sau khi tốt nghiệp Ðại Học Harvard trở về Nam Hàn, ông Lee Jae Yong chính thức trở thành Phó Chủ Tịch Samsung Electronics, tận sức lèo lái công ty phát triển ba lãnh vực lớn, đó là điện tử, tài chánh, và dược phẩm. Tháng 4 năm 2015, khi thân phụ là Chủ Tịch Lee Kun Hee phải vào bệnh viện vì chứng đau tim, ông Lee Jae Yong giữ quyền chủ tịch, quyết định toàn bộ công việc có liên quan đến Samsung.
Mối quan hệ với chính phủ Nam Hàn từng là yếu tố quan trọng, giúp Samsung ngày càng phát triển, hiện nay đang mang lại những hậu quả tệ hại, sau khi ông Lee Jae Yong bị bắt giữ và bị cáo buộc đã hối lộ $37 triệu Mỹ kim, cho hai quỹ phi lợi nhuận của bà Choi Soon Sil, bạn thân của Tổng Thống Park Geun Hye, để được hậu thuẫn và hưởng đặc quyền từ chính phủ.
Trước đó hồi Tháng Giêng năm 2017, ông Lee Jae Yong đã thực hiện lời hứa trong phiên điều trần trước Quốc Hội Nam Hàn, về vụ bê bối hối lộ nói trên. Ðiển hình là việc rút Samsung Electronics ra khỏi Liên Ðoàn Công Nghiệp Nam Hàn – Federation of Korean Industries FKI – một tổ chức chuyên vận động hành lang cho các công ty lớn. Liên Ðoàn Công Nghiệp Nam Hàn đóng vai trò quan trọng, trong việc chuyển tiền từ các công ty này, vào hai quỹ của bà Choi Soon Sil.

Samsung Electronics đóng cửa Văn Phòng Chiến Lược Tương Lai, một bộ phận bị hoài nghi có liên quan trực tiếp đến vụ bê bối tham nhũng. Truyền thông báo chí Nam Hàn đưa tin: Ông Lee Jae Yong còn đóng góp tài sản riêng làm từ thiện. Nhưng Samsung đã bác bỏ những nguồn tin này. Giờ đây chiếc ghế điều hành Sam Sung Electronics bỏ trống, khi ông Lee Jae Yong bị bắt giam. Công ty buộc phải thay đổi, để tồn tại và phát triển. Ðế chế Samsung được mệnh danh là “Nước Cộng Hòa Samsung,” không thể vì bất cứ lý do nào bị đổ vỡ. Toàn bộ tài sản của Samsung, chiếm 20% tổng sản phẩm nội địa của Seoul. Chỉ riêng điều này đủ thấy tầm ảnh hưởng quan trọng của Samsung, đối với nền kinh tế tại Nam Hàn.
Cho dẫu thay đổi dưới bất cứ hình thức nào, ông Lee Jae Yong vẫn không thể tránh khỏi bị xét xử. Một trong số những thách thức hiện tại của Samsung Electronics, đó là ông Lee Jae Yong bị cấm xuất ngoại. Là thương hiệu toàn cầu với 90% doanh thu đến từ các quốc gia trên thế giới, lệnh cấm này khiến ông Lee Jae Yong không thể gặp các nhà điều hành quốc tế khác, chẳng hạn như ông không thể gặp ông Tim Cook, giám đốc điều hành công ty Apple.

Một câu hỏi được đặt ra: Ai sẽ là người giữ chức vụ giám đốc điều hành Samsung Electronics, khi ông Lee Jae Yong không còn nắm quyền. Nhiều người cho rằng Phó Chủ Tịch Kwon Oh-hyun, Giám Ðốc Yoon Boo-keun và Giám Ðốc Shin Jong kyun, cả ba nhân vật có tên trong hội đồng quản trị công ty, đều có thể điều hành công ty, không sai sót bất cứ điều gì. Dư luận còn có giả thuyết: Nếu ông Lee Kun Hee qua đời, cuộc chiến quyền lực có thể xảy ra giữa các nhà lãnh đạo do ông bổ nhiệm, và con trai độc nhất của ông. Giáo Sư Kinh Tế Kim Sang Jo thuộc Ðại Học Hansung tiên đoán: “Ông Lee Jae Yong có thể sa thải các nhà lãnh đạo nói trên, để củng cố quyền lực.”
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại khẳng định, thời điểm khủng hoảng này chính là cơ hội giúp Samsung Electronis tái thiết lại cơ quan điều hành, loại bỏ những điều tiêu cực. Thực tế đã chứng minh, những thách thức to lớn hay nỗi đau khổ khi bị rơi vào bước đường cùng, luôn luôn là bước ngoặt quan trọng giúp một cá nhân bộc phát tài năng kiệt xuất, cũng như giúp một công ty lừng danh như Samsung, đẩy mạnh giá trị ưu việt đã xây dựng được từ nhiều thập niên trong quá khứ.
HV – 9:23am Thứ Sáu ngày 24 tháng 3 năm 2017
Tài liệu nghiên cứu
http://asia.nikkei.com/magazine/20170216/On-the-Cover/The-Samsung-empire-at-80
The Samsung empire at 80
http://asia.nikkei.com/Business/Companies/Samsung-Electronics-balks-at-rejiggering-its-structure
Samsung Electronics balks at rejiggering its structure
http://asia.nikkei.com/Company / 000VPP-E
Samsung Electronics Co., Ltd.
http://asia.nikkei.com/Business/Companies/Samsung-heir-arrested-over-bribery-allegations
Samsung heir arrested over bribery allegations