Menu Close

Ăn hiếp con nít!!

Ôi nhớ xưa! 42 năm trước, tui còn độc thân tại chỗ nhe! Trai tơ hơ hớ hè!

Ðường công danh còn dang dở, vì học chưa có xong, nhưng đang rộng mở

Vận nước đang ngả nghiêng, chực đổ nhào… mà tui cứ nằm mơ, mộng công hầu … mới chết!

(Cũng xin phụ đề Việt ngữ ở đây chút xíu là: Thời phong kiến, có ba khoa thi: Hương, Hội, Ðình. Ðậu thi Hương là Cử nhân. Ðậu thi Hội là Tiến sĩ. Thi Ðình dành cho Tiến sĩ để chọn ba hạng đầu là: Trạng Nguyên, Bảng Nhãn và Thám Hoa.

Ðăng khoa, tức thi đậu xong, nếu còn cu ky, mà được Hoàng thượng, tức ông Vua, mến tài gả Công chúa… là vô mánh!

Ðó là đại đăng khoa, được làm Phò mã, tức rể của Vua, chớ không phải là thằng giữ ngựa, Bật Mã Ôn, chức của Tề Thiên Ðại Thánh ở Thiên đình!

Sau này bà con dân ngu khu đen mình gọi: tiểu đăng khoa là thi đậu,( sướng ít), đại đăng khoa tức là có vợ, (sướng nhiều)!

Do đó phận đàn ông là phải học hành siêng năng giỏi giắn, bét lắm cũng kiếm được cái bằng Cử nhân về treo giàn bếp, xong mới tính đến đường vợ con để ngựa anh đi trước võng nàng theo sau!

Dựa hơi chàng, nàng nhảy tót một bước lên làm bà… mà không cần học hành gì ráo, chỉ cần cái vốn tự có của mình đem đầu tư vào chỗ nào cho trúng khía mà thôi!

Nhưng vận nước nổi trôi, cái kế hoạch huy hoàng trong mơ đó đà trôi luôn ra biển…

Thằng bạn ní, được mấy ‘xì thẩu’ mướn lái thuyền vượt biên, hứa ghé rước, cho tui và em đi ké bằng cách canh me, từ taxi, xuồng nhỏ nhảy lên. Nhưng nó đầu môi chót lưỡi, nuốt lời, chạy một hơi 7 ngày, 7 đêm tới Palawan, Phi Luật Tân. Ðành đoạn bỏ bạn hiền lại cho VC nó hành hạ nè Trời!

(Cái thằng phản bội vong thề nầy đang ở Canada. Lúc nào trúng số, tui sẽ bay qua, la cho nó một trận: “Sao mầy dám đang tâm bẻ gãy chữ kim bằng?”)

Tuyệt vọng, tui dắt em về, thì em yêu thỏ thẻ rằng: “Thôi anh làm đại đăng khoa với em đi, kẻo VC thấy em đẹp (?!) bắt ưng thương binh VC ‘xi cà que’ là em tự vận em chết liền!”

“Bậy nè! Ai mà chết lảng nhách vậy hè! Người bỏ ta sao đành hè!” Tui bèn đồng ý cái rụp!

Em yêu đang đi làm cho nhà thương Thủ Khoa Nghĩa hồi xưa, giờ tụi nó đổi tên là Bịnh viện Ða khoa Cần Thơ, tháng tháng được 20 kí lô gạo (đầy bông cỏ), nấu cháo vợ chồng son ăn cầm hơi chờ qua cơn thắt ngặt!

Mặn nồng hương lửa một năm thôi mà em đã tọt ra một thằng cu tí!

Mới ăn đầy tháng là sáng sáng em nê thằng cu tí theo, lúc đi làm, để gởi vào nhà trẻ ngay trong khuôn viên bịnh viện, dưới khẩu hiệu: “Ðẹp như công viên! Sạch như bịnh viện!”

Bịnh viện là chiến trường ác liệt, nơi thuốc kháng sinh đánh nhau quyết liệt với vi trùng để  bịnh nhân một sống, hai chết… mà sạch cái nỗi gì đây mấy cha nội?

Chính vì vậy mấy đứa nhỏ, sức đề kháng còn kém, đi nhà trẻ hằng ngày cũng là hằng ngày đi bịnh viện, ổ chứa vi trùng, nên bị nhức đầu, sổ mũi, viêm họng liên tu bất tận. Nhưng không gởi ở đây thì biết gởi thằng cu tí ở đâu hè?

Ôi thời gian như bóng câu qua cửa sổ! Tui ghi lại kỷ niệm nầy cho con nó đọc, để nhớ lại một thời nó làm ‘trùm quậy’ cho Tía nó thót lên cần cổ như thế nào?!

Một sáng, cô giữ trẻ hoảng kinh hồn vía chạy băng băng lên văn phòng, hào hễn hỏi em yêu: “Thằng nhỏ có bò lên kiếm mẹ để đòi bú tí không?” “Không? Trời đất ơi! Vậy nó biến đâu rồi?”

Chẳng qua đang ngồi bô để đi ‘xì trum và xì tẹt’, thấy cửa rào quên đóng, thằng cu bèn dế mèn phiêu lưu ký.

Cả bọn nháo nhào đi kiếm. Ông Cơ cụt tay, gác cổng cho biết: “Cách đây 10 phút, có thằng nhóc mới lẫm đẫm biết đi, ở truồng nhong nhỏng băng qua lộ nè!” Rượt theo, thấy cu cậu đang nhẩn nha ngồi trong quán cà phê của thằng cha Tư Khị.

Ðời mà! “Những người mẹ bận đi làm để kiếm tiền, buộc lòng ném con mình vào miệng núi lửa. Cái núi lửa đó có tên gọi là: Nhà trẻ!”

Con mình mình rứt ruột đẻ ra là mình lo, còn giao vào tay người khác là giao trứng cho ác! Vì Nhà trẻ giống như Trại mồ côi vậy!

o O o

Tuy nhiên có người lạc quan tếu: “Cái nghề nầy sướng thiệt. Tối ngày chỉ chơi với con nít không hà… mà còn được lãnh tiền!”

Nhưng thật ra giữ trẻ không phải dễ ăn như ăn cơm sườn. Xì trét (stress) lắm! Dễ bị bịnh nghề nghiệp như các cô mụ, thấy mấy em lâm bồn, đau quá xá cỡ nên ở vậy luôn, hổng dám có chồng!

Còn cô đi giữ trẻ thì: “Con của anh chị đã khiến cho em phải uống thuốc ngừa thai quá liều!”

Nước Úc còn đỡ nhưng ở Sài Gòn tiền công giữ trẻ còn còm cõi hơn nhiều.

Giữ một bé cho ăn, uống, tắm rửa suốt ngày, tháng chỉ 2 triệu đồng tức khoảng một trăm đô Úc.

Hổng biết có phải vì tiền ít mà mấy em giữ trẻ trong nước hay trút giận lên đầu trẻ thơ vô tội bằng cách ‘quánh’ tụi nhỏ tơi bời! Mà không sợ chiều về nó méc ba, méc má. Chưa biết nói thì làm sao mà méc?!

Báo chạy tin dữ rằng: Hai cô giữ trẻ, chừng 50 tuổi, lui cui pha sữa, nấu cháo, trong khi 9 đứa nhóc, từ vài tháng đến 2 tuổi đang lăn lóc dưới sàn.

Lần lượt từng trẻ vào góc nhà, ngồi há miệng để được đút ăn.

Một bé trai, khoảng một tuổi, bị đè ngửa, kẹp đầu vào nách người phụ nữ, liên tục vùng vẫy, khóc thét. Cháu bị sặc nhưng bà ta vẫn đổ thức ăn vào mồm cháu. Thức ăn trào ra ngoài, bà này gõ vào mũi đứa trẻ, bắt ăn lại.

Ðứa trẻ khác, khoảng 2 tuổi, run rẩy, liên tục bị ấn muỗng cháo vào mồm, bị ọc ra và bị “bảo mẫu” giáng tay vào đầu. Vừa ăn vừa bị tra tấn!

Khi xem những cái video clip nầy phát tán trên mạng, ai có con nhỏ gởi tại đây đều phải rụng rời. “Ê! Nhà trẻ chớ đâu phải đồn Công an hè?”

o O o

Nói nào ngay không phải riêng tại Sài Gòn hay Hà Nội, dân nhập cư vào kiếm sống phải gởi con đi nhà trẻ để bị đánh đập tưng bừng như vậy, mà ngay cả những nước văn minh như Úc, như Mỹ lai rai cũng có xảy ra đó chớ.

Mới đây, một cô giữ trẻ ở Pennsylvania bị mất ‘ job’, chờ vác chiếu ra tòa vì đã đẩy một bé gái, 4 tuổi, té lăn cù xuống cầu thang. Ðứa bé bị trặc đầu gối và sợ hãi chiếc cầu thang. Rõ ràng cháu bé tội nghiệp nầy đã bị chấn thương về tâm lý!

Shawayne Tavares, người quản lý trung tâm giữ trẻ Clifton Heights, ngoại ô Philadelphia, qua video của hệ thống camera an ninh vừa mới lắp đặt, thấy vẻ run sợ, đôi mắt cháu hình như muốn nói: “Hãy cứu giúp con đi”, cảm thấy đau nhói như chính cá nhân mình bị tổn thương.

Bà đến gặp tận mặt cô giữ trẻ Sarah Gable, 52 tuổi, chất vấn một cách gay gắt: “What are you doing? We don’t do this to children.”

“Bà đang làm cái quái gì vậy? Chúng ta không đối xử như thế với trẻ con!”

o O o

“Mùa xuân ai đi hái hoa/ Mà em đi nuôi dạy trẻ/ Sao em muốn đàn em mau khoẻ/ Sao em muốn đàn em mau ngoan/ Hay bởi vì em quá yêu thương/ Những đôi môi đỏ, những đôi má tròn/ Em yêu từng đôi mắt sáng/ Long lanh như những giọt sương. 

…Một mai khi em lớn lên/ Ðừng quên khi đi nhà trẻ/ Quên Cô giáo người nuôi em khoẻ / Quên Cô giáo người chăm em ngoan/ Quên những ngày Cô giáo yêu thương…”

Ðó là bản nhạc “Cô đi nuôi dạy trẻ” của Nguyễn Văn Tý, cũng là tác giả bài Dư Âm nổi tiếng, đã bị phê bình là ủy mị, bị đấu tố tơi bời ở miền Bắc trước 54.

Rút kinh nghiệm cái vụ lôi thôi phiền phức, nhém bị cấm viết nhạc… là mạt rệp luôn, nên từ đó, nhạc sĩ  Nguyễn Văn Tý sáng tác ‘ngành ca’, ca tụng chung chung, vô thưởng, vô phạt cho cái ‘ngành’ nào trả tiền tác quyền sộp cho chàng nhạc sĩ!

Ông nhạc sĩ nầy, lạc quan tếu… thấy mà ớn chè đậu luôn! Vì thực tế trần trắng trợn là nhà trẻ trong nước, nơi khỏ đầu trẻ, nơi ăn hiếp con nít thấy mà khiếp… phải không bà con?!

Thành ra đừng ‘ca từ’ dóc nữa! Ðược không nè, kính thưa ông?

DXT – Melbourne