
“Chúng tôi vừa nhận được cuộc gọi 39 gần Nhà ga Canal. Ðương sự là thanh niên khoảng 18 tuổi, đang ói mửa tùm lum. Hãy đến ngay hiện trường” – tiếng “báo động” qua hệ thống radio từ một trung tâm khẩn cấp tại Madrid vang lên như thường lệ vào một đêm Thứ Bảy. 10 phút sau, lại thêm cú gọi nữa từ tổng đài 39, từ một địa điểm khác ở Madrid; lần này chưa đến 9g tối… Từ chạng vạng đến tối, có không biết bao nhiêu cuộc gọi yêu cầu giải quyết tình trạng say “quắc cần câu” ở Madrid như vậy, đi kèm với nhiều tai nạn giao thông hoặc đâm chém loạn xà ngầu do say xỉn… Madrid là phần nhỏ trong bức tranh tổng thể nhậu nhẹt tràn lan đang “hoành hành” châu Âu…
Xả láng sáng về sớm!
Một buổi nhậu trong quán bar thường chỉ tốn 3 euro – theo nữ “chuyên gia nhậu” Elisa 17 tuổi. Cô gái cho biết mình cùng bạn bè nhậu mỗi cuối tuần. Tại quán bar El Rey Lagarto, bốn sinh viên 19 tuổi đang chén tạc chén thù. Ðược hỏi thường giải trí gì vào cuối tuần, chúng nói ngay: “Nhậu chứ làm gì!”. Khoảng 11g30 tối, Pablo 28 tuổi – nhân viên pha chế rượu tại Tupperware – phải mở cửa các phòng trên lầu hai để phục vụ lượng khách mỗi lúc mỗi đông. “Chúng tôi là dân Tây Ban Nha. Mọi người đều say xỉn cả!”. Tuy nhiên, “mọi người” ở đây hầu hết là thiếu niên hỉ mũi chưa sạch. Theo một khảo sát, tỷ lệ đối tượng từ 14-18 tuổi tại Tây Ban Nha tự khai báo từng say “quên đường về” vào ngày nào đó trong tháng trước đã tăng từ 19% lên 35% và 82% trong số đó cho biết họ uống thường xuyên; 27% cho biết họ “chết ngắc” mỗi 10 ngày.
Không chỉ Tây Ban Nha, nhiều nước châu Âu đang chứng kiến thế hệ trẻ của họ “đốt cháy tương lai” cạnh ly rượu hoặc cốc bia. Văn hóa bia bọt truyền thống tại Anh và Scandinavia bây giờ đã lan rộng khắp châu Âu, nơi hiện là khu vực nhậu bạo nhất thế giới với lượng thức uống có cồn mỗi đầu người cao gấp đôi mức trung bình thế giới – tức 11 lít mỗi năm. Ðiều đáng nói là dân nhậu châu Âu đang được “trẻ hóa”: 11.8 tuổi (so với 15 tuổi ở thế hệ mà nay đã là các bậc trung niên 40-45 tuổi!). Khắp Liên minh châu Âu (EU), 13% đối tượng ở độ tuổi 15-16 đều từng xỉn hơn 20 lần và 18% từng say bí tỉ (tương đương uống một chai) 3-4 lần…

Nhậu đối với giới trẻ châu Âu nay được xem là mốt. Không biết nhậu là “đồ bỏ” và phải xỉn mới là dân chơi! Hậu quả thật đáng buồn. Bộ y tế Tây Ban Nha cho biết số thanh thiếu niên nhập viện vì lạm dụng bia rượu đã tăng gấp đôi trong một thập niên qua. Martin Plant – nhà nghiên cứu chất uống có cồn tại Ðại học Tây Anh (University of the West of England) cho biết, những người ở độ tuổi 20 bây giờ đang chết dần chết mòn vì bệnh gan do ảnh hưởng của rượu. Bia rượu là thủ phạm gây ra 20-30% tai nạn giao thông cũng như 47% vụ tội phạm tại Anh. Ở Ðức, thanh thiếu niên bây giờ uống nhiều hơn 30% rượu bia so với cách đây một thập niên.
Ở Ba Lan, nơi đối tượng tuổi ô mai bắt đầu nhậu nhẹt đã “tăng theo từng quý”. Thậm chí 20% trong đó là nam sinh trung học 17 tuổi, khai rằng chúng từng oánh lộn búa xua do xỉn hồi năm trước. 8% thiếu nữ Thụy Ðiển 15-16 tuổi cho biết xỉn đã dẫn đến quan hệ tình dục “ngoài ý muốn” và 12% nói rằng chúng quên dùng bao cao su. “Em thấy nhậu có gì sai đâu” – phát biểu của Monika 15 tuổi, trong cuộc phỏng vấn báo Time ở quán bar Bolek tại công viên Pola Mokotowskie (Warsaw, Ba Lan) – “Làm sao có thể đến vũ trường mà không xỉn được chứ! Hổng lẽ ngồi uống Coca-Cola sao? Mọi người sẽ nghĩ rằng mình là thứ vất đi hoặc muốn tỏ ra lập dị”. “Nhậu rất vui và lại rẻ tiền” – phát biểu của Alek Stepien 17 tuổi, sau khi mua một chai vodka tại trung tâm Warsaw – “Chỉ tốn bằng vé xem phim thôi mà lại được tưng tửng suốt cả đêm”.
Tại sao tìm men say?
Pieri 14 tuổi đến quán Campo dei Fiori ở trung tâm Rome (Ý) để nhậu mà chẳng thấy áy náy hay “cắn rứt” gì. Trong khi lượng tiêu thụ bia rượu tại Ý giảm ½ trong 25 năm qua thì tỉ lệ thiếu niên nhậu nhẹt bắt đầu tăng. Nước Ý là nơi có tuổi trung bình uống rượu thấp nhất châu Âu và số thanh thiếu niên Ý từ 14-17 tuổi bắt đầu la cà quán nhậu đã tăng 31% (tỉ lệ ở đối tượng nữ là gấp đôi!). Không có quy định tuổi tối thiểu được phép mua rượu tại các quán bar ở Ý. Ðược hỏi có bao giờ bị yêu cầu trình căn cước khi mua rượu hay không, một nhóm thiếu niên ở Rome phá lên cười ngặt nghẽo: “Bộ điên hả, cha nội!”.
Một số chuyên gia đã giải thích vấn đề ở nhiều góc độ. “Tuổi dậy thì và giai đoạn có kinh nguyệt đến sớm hơn” – theo Jurgen Schlieckau, phụ trách dịch vụ tư vấn sư phạm-giáo dục thuộc Bệnh viện Dietrich-Bonhoeffer ở Ahlhorn (Ðức), nơi có 48 giường bệnh dành riêng cho thiếu niên trị chứng nghiện ngập – “Ðó là chưa nói đến sự khó khăn trong tìm kiếm ý nghĩa sống”. Ngoài ra, “chúng có vấn đề trong giao tiếp” – theo tiến sĩ Emanuele Scafato, giám đốc Cơ quan quan sát về thức uống có cồn tại Viện y tế quốc gia Ý – “Khi được hỏi tại sao uống rượu, chúng thường trả lời đại loại “Cháu cảm thấy mạnh mẽ và an toàn hơn”. Anita Gryzicka 16 tuổi đồng ý như vậy: “Cháu thích uống rượu với đám bạn gái. Chúng cháu nói chuyện về bọn con trai, về tình dục, về gia đình. Sẽ dễ nói chuyện hơn nếu mình say một chút”.
Hơn nữa, thanh thiếu niên châu Âu hiện nay độc lập hơn, có nhiều tiền hơn và là một phần của khuynh hướng xã hội tiêu dùng bùng nổ từ làn sóng quảng cáo kích thích mọi lúc mọi nơi – như nhận định của tiến sĩ Peter Anderson, chuyên gia y tế cộng đồng, người đang soạn đề cương về chính sách liên quan thức uống có cồn cho Ủy ban châu Âu. Có rất nhiều quảng cáo rượu nhắm vào đối tượng thanh thiếu niên, chẳng hạn mẩu quảng cáo nhà vô địch môtô Valentino Rossi ôm cái nón bảo hiểm chứa đầy chai rượu trong khi một cô gái mơn mởn đang nhìn chằm chằm thèm muốn. Và các cô gái không chỉ nhìn chằm chằm. Họ bắt đầu thách thức phái nam. “Trước kia, bọn con trai và con gái chênh lệch nhau nhiều (về tửu lượng)” – lời kể của Giulia 15 tuổi tại Rome – “Bây giờ, bọn cháu ngang ngửa nhau rồi”.

– nguồn the guardian
Khảo sát tại Ba Lan cho thấy tỉ lệ con gái 15 tuổi uống rượu chiếm đến 54%, so với 46% ở nhóm đối tượng nam cùng tuổi! “Cách đây vài năm, thật khó nhớ bọn con gái gọi gì, đứa thì bia, đứa nước ngọt và đứa kêu bia. Bây giờ thì chỉ có bia, bia, bia” – lời kể của Jurek, nhân viên pha chế tại quán Bolek. Còn ở Manchester (Anh), đám thanh thiếu niên đã tự đặt ra điểm trung bình 1.8 trong thang điểm 5 để xếp loại và đánh giá mức độ xỉn! Con gái uống một chai và con trai hai chai là đạt điểm trung bình 1.8!
Làm sao cấm nhậu?
Vấn đề ở chỗ khi ngày càng có nhiều người uống rượu, ngày càng có nhiều người quanh họ bắt đầu xem chuyện say xỉn nhậu nhẹt là bình thường. Tại Ðức, có thời, một số công ty du lịch đưa ra chương trình giảm giá vé du xuân bằng màn đọ sức tửu lượng! Với các nhà xã hội, việc hạn chế tình trạng thanh thiếu niên nhậu nhẹt và nghiện rượu thật ra không khó. Ðầu tiên là nâng thuế rượu. Khi Ba Lan bỏ mức thuế 25% vào mặt hàng thức uống có cồn vào năm 2003 trước khi gia nhập EU, lượng tiêu thụ bia rượu đã tăng 25-28%/năm!
Khi Ðức áp dụng mức thuế trung bình 0.83 euro khiến giá rượu tăng gấp đôi, doanh số rượu đã giảm 75%. Theo một nghiên cứu, chỉ cần nâng mức thuế thức uống có cồn lên 10% tại 15 quốc gia lớn của EU đã có thể ngăn được 9,000 trường hợp tử vong vì rượu và tiết kiệm EU hàng tỷ euro. Ngoài ra, có thể giảm cấp phép mở quán bar; rút ngắn giờ đóng cửa; áp dụng luật tuổi tối thiểu được phép mua rượu; kiểm soát quảng cáo và kiểm tra thường xuyên tài xế… cũng là những chính sách có thể hạn chế tình trạng nhậu nhẹt ở tuổi thanh thiếu niên. Dù vậy, bọn nhỏ vẫn khoái nhậu. Không nhậu ở quán thì nhậu ở nhà, nhậu xóm, nhậu vỉa hè, nhậu công viên…

Hơn nữa, có khi người lớn đã làm gương xấu cho bọn trẻ. Giữa năm ngoái, một clip ghi lại cảnh chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker xỉn “quắc cần câu” đã lọt lên mạng. Ðoạn video, quay hồi tháng 5-2015 tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Ðối tác Ðông Âu (EU-Eastern Partnership), cho thấy Juncker “thiệt là hư”: ông “nhảy chân sáo” như trẻ con rồi lấy tay nựng má và thậm chí vỗ mông các nhà lãnh đạo EU, trong đó có Tổng thống Pháp François Hollande. Có vẻ như Juncker không chỉ “làm ba sợi” và ông đã thật sự “tới bến” lắm rồi!
MK