Menu Close

KONG SKULL ISLAND Phim Mỹ quay tại Việt Nam

Ðạo diễn: Jordan Vogt- Roberts.

Kịch bản: Dan GilroyMax Borenstein và Derek Connolly

Tài tử: Tomm Hiddleston trong vai James Conrad,

Samuel L. Jackson trong vai Preston Packard

John Goodman trong vai William “Bill” Randa

Brie Larson trong vai Mason Weaver

Kong: Skull Island là sự khởi động lại của thương hiệu điện ảnh được nhượng quyền King Kong và đồng thời cũng là phim điện ảnh thứ hai trong MonsterVerse của hãng phim Legendary, sau Godzilla (2014).

Bối cảnh câu chuyện diễn ra vào năm 1973. Một nhóm các nhà khoa học được chính phủ hậu thuẫn với William “Bill” Randa (John Goodman) là người phụ trách và một đơn vị quân đội do Trung tá Quân đội Hoa Kỳ Preston Packard (Samuel L. Jackson) dẫn đầu, có sứ mệnh khảo sát một hòn đảo bí ẩn ở Ðông Nam Á. Cùng đi với họ còn có James Conrad (Tom Hiddleston), một cựu chiến binh đặc biệt của Anh được tuyển dụng làm người thợ săn cho cuộc thám hiểm này và Mason (Brie Larson), nữ nhiếp ảnh gia, một nhà hoạt động vì hòa bình.

Hòn đảo bí ẩn đó được đặt tên là Ðảo Ðầu lâu– Skull Island. Ðó là nơi họ gặp phải một số sinh vật khổng lồ, những con chim, nhện chân dài, thằn lằn, bạch tuộc, một sinh vật nguy hiểm được gọi là “Skullclawler”-một loài quái vật bò sát cổ đại và “nhân vật” trung tâm là Kong, một con khỉ đột khổng lồ, được thổ dân trên đảo tôn thờ như một vị Vua hay một vị thần, đang cố gắng để bảo vệ môi trường sống của mình. Mọi thứ trở nên tàn bạo, trực thăng bị quật nát như những món đồ chơi, các nạn nhân bị quăng quật, cắp lên cao, bị ăn, bị ném ra xung quanh… Bộ phim tràn đầy những cảnh hành động và bạo lực.

Với những ai mê thể loại phim quái vật, hoặc thích xem phim chỉ để giải trí, Kong: Skull Island đã đáp ứng được yêu cầu này. Công nghệ kỹ xảo tiến bộ vượt bực hiện nay đã tạo nên sự sinh động cho hình tượng khỉ đột khổng lồ Kong cũng như tất cả những trận đánh khốc liệt giữa Kong và người, giữa Kong và các loài quái thú khác.

Trong phần đầu của bộ phim, bối cảnh phim diễn ra tại Mỹ và Việt Nam vào buổi hoàng hôn của cuộc chiến tranh, với Tòa Bạch Ốc rơi vào tình trạng hỗn loạn, bị bao vây bởi những người biểu tình, và ở Việt Nam, khung cảnh ăn chơi vẫn nhộn nhạo nhưng không che được những chỉ dấu của cuộc chiến sắp tàn. Bối cảnh đó tạo nên sự thay đổi không khí so với những bộ phim Kong trước kia.

Một điểm mạnh khác của bộ phim là hình ảnh. Thiên nhiên trong phim hiện lên hùng tráng, kỳ bí và rực rỡ với rất nhiều bối cảnh được quay tại phía bắc của Việt Nam, bao gồm vịnh Hạ Long, Ninh Bình và Quảng Bình.

Ngay từ những cảnh đầu tiên, với những đại cảnh liên tiếp được quay từ trên máy bay, cả một quần thể núi non hùng vĩ của vịnh Hạ Long hiện ra và một đàn cò trắng rập rờn bay lên như trong một thế giới không có thực. Trong phim có rất nhiều cảnh núi non, sông nước, thung lũng hùng vĩ, những khung cảnh ngoạn mục và những cấu trúc tự nhiên kỳ diệu của VN chưa từng hiện lên trong những bộ phim của Hollywood tạo nên sự mới mẻ đối với khán giả, còn đối với người Việt xem phim, lại nhận ra đất nước mình quá đẹp. (Nhưng có một điều cũng đáng suy nghĩ là trong số ít những bộ phim do người nước ngoài quay tại VN thì rõ ràng hình ảnh của VN đẹp hơn hẳn so với phim do chính người VN thực hiện, như hình ảnh Sài Gòn-Chợ Lớn trong bộ phim L’Amant của đạo diễn Jean-Jacques Annaud dựa trên tiểu thuyết bán tự truyện của nữ văn sĩ Marguerite Duras trước đây cũng vậy).

Tuy nhiên, cũng không thể yêu cầu cao gì từ tư tưởng, thông điệp của bộ phim, cốt truyện cho tới cách xây dựng các nhân vật ở một bộ phim thuần túy giải trí, thể loại phim quái vật và được làm lại trong loạt phim về khỉ đột như Kong: Skull Island. Hai tài tử nổi tiếng, Tom HiddlestonBrie Larson (người từng đoạt hàng loạt giải thưởng danh giá bao gồm Academy Award for Best Actress, the BAFTA AwardGolden Globe Award… cho vai nữ chính trong bộ phim “Room”, 2015), cũng không có gì nhiều để diễn xuất về nội tâm trong bộ phim này. Kể cả mô típ cái đẹp cảm hóa quái thú trong bộ phim cũng không có gì nổi trội hay mới mẻ hơn những bộ phim cùng thể loại, cùng hình tượng khỉ đột Kong. (So với bộ phim King Kong sản xuất năm 2005 của đạo diễn Peter Jackson thì từ cốt truyện, chi tiết, cho tới mối quan hệ giữa người đẹp (do Naomi Watts đóng) với khỉ đột King Kong sâu sắc hơn nhiều)

Nhân vật có cá tính rõ hơn lại là viên Trung tá Preston Packard, khăng khăng coi Kong là kẻ thù vì đã giết hại những người lính của mình và quyết tâm trả thù, cũng như xác tín con người phải chiến thắng.

Ðiểm lấn cấn khác nằm trong cách thể hiện VN và thổ dân trên đảo Kong: Skull Island. Mặc dù đã chuyển bối cảnh từ châu Phi với các thổ dân da đen thường bị thể hiện như một dân tộc mọi rợ, kém văn minh so với giống người da trắng văn minh, thượng đẳng, nhưng trong Kong: Skull Island này cái nhìn từ trên xuống đó cũng không khác. Sài Gòn trước năm 1975 lại là những chốn ăn chơi, gái gú, những cảnh ẩu đả, VN là một nơi đầy ruồi muỗi, bệnh tật truyền nhiễm xứ nhiệt đới, thổ dân trên hòn đảo tuy đã đổi thành màu da vàng nhưng vẫn ăn mặc, sinh hoạt như thời sơ khai…

Với những người chịu trách nhiệm trong ngành du lịch, ngành văn hóa nghệ thuật, điện ảnh VN, thay vì “hồ hởi phấn khởi” trước sự kiện lần đầu tiên có một bộ phim “bom tấn” của Hollywood được quay phần lớn tại VN đến mức nghĩ đến chuyện dựng tượng Kong tại Hồ Gươm hay Quảng Bình, hoặc mơ mộng VN sẽ trở thành điểm đến của Hollywood…có lẽ họ nên suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh cái điều mà rất nhiều nước khác đều biết và làm rất tốt. Ðó là phim ảnh có sức quảng bá vô cùng hiệu quả cho một đất nước, một dân tộc và điện ảnh là một công nghiệp hái ra tiền.

Ðừng ngồi chờ Hollywood và các nước khác đến làm phim tại VN và thể hiện hình ảnh con người, văn hóa VN một cách hời hợt, thậm chí lắm lúc không chính xác. Hàn Quốc là một trong những quốc gia đã tận dụng điện ảnh để đem lại những nguồn lợi lớn về hình ảnh lẫn kinh tế cho đất nước mình.

Và tất nhiên, công nghiệp điện ảnh cũng như công nghiệp du lịch là những ngành vừa hái ra tiền, đem lại nhiều việc làm mà lại không gây ra những tai hại như việc đầu tư vào công nghiệp khai thác bauxite, công nghiệp thép… sự kém cỏi về hiểu biết của giới “lãnh đạo” đã phải đánh đổi một cái giá vô cùng đắt về môi sinh, môi trường mà lắm khi còn lỗ sặc gạch.

SC