Menu Close

Thăng trầm đời lực sĩ

Dù có phần khuất lấp, những cuộc đời thăng trầm của lực sĩ thể thao, dù là cầu thủ banh rổ, banh bầu dục, hay đá banh, thường rất nhiều chuyện lắt léo, bi thương và thú vị. Xuất thân của họ cũng rất đa dạng, có người con nhà giàu có, có người gia đình trung lưu, và cũng có người vào đời trong cảnh bần hàn.

thang-tram-doi-luc-si4
Nữ võ sĩ Nga Elena Ivashchenko (áo trắng) không thắng được huy chương vàng Olympic 2012, thất vọng đến mức tự tử. Ảnh Getty Images

Và số lực sĩ có gia cảnh ngặt nghèo không phải là ít: mồ côi, vô gia cư, chiến tranh tao loạn, v.v… Họ phải tranh đấu tận lực để vươn lên. Ít người biết võ sĩ vang bóng một thời Mike Tyson ra đời trong khu ổ chuột Brooklyn ở thành phố New York, vừa tròn 2 tuổi đã bị cha bỏ rơi, một mình lớn lên với mẹ, và mới 13 tuổi đầu đã bị cảnh sát bắt trên 30 lần vì đủ loại thành tích bất hảo. Một tay vợt hàng đầu thế giới hiện tại, Novak Djokovic, lớn lên trong cảnh quê hương Serbia chiến tranh điêu tàn, bao nhiêu ngày tháng cả nhà thiếu lương thực hằng ngày. Huyền thoại banh rổ Michael Jordan lúc nhỏ bị chê bất tài, chạy chậm, thảy banh trật lất, thậm chí thời trung học từng bị mời ra khỏi đội banh rổ của trường. Siêu sao banh rổ NBA hiện thời Lebron James lúc chào đời bà mẹ chỉ mới 16 tuổi, phải sống lây lất rày đây mai đó, đến năm James 9 tuổi thì có huấn luyện viên thương tình đem về nhà nuôi như con. Cầu vương Pele thủa ấu thời nghèo khổ đến mức phải dùng quần áo cũ vo tròn lại làm trái banh quần thảo với chúng bạn. Quái kiệt Diego Maradona lớn lên trong gia đình nghèo rớt mồng tơi, là 1 trong 8 người con phải chen chúc nằm ngủ chung trong một căn phòng ở đô thành Buenos Aires. Siêu sao đá banh hiện tại là Cristiano Ronaldo cũng từng lớn lên trong nghèo khổ, có cha là thợ làm vườn và mẹ phụ bếp, ảnh hưởng phần nào tánh tình cậu bé “hận đời”, từng có lúc trở nên dữ tợn, hành hung cả thầy cô và bị nhà trường đuổi học…

thang-tram-doi-luc-si3
Quái kiệt đá banh của Hoa Kỳ, Freddy Adu, giữa, mới 14 tuổi đã ký hợp đồng đá banh nhà nghề, nhưng áp lực đè bẹp tài năng, từ đó trôi nổi qua 13 đội banh trên 8 nước khác nhau. Ảnh BOOMSbeat

Ðời lực sĩ cũng không phải chỉ toàn ánh hào quang. Một thực tế thường bị che khuất là giới lực sĩ hàng đầu phải chuẩn bị tập luyện nặng nhọc nhiều năm trời. Trong nhiều trường hợp việc tập luyện chiếm gần hết thời gian của họ thời thơ ấu và niên thiếu. Ðể chạy theo giấc mơ chiến thắng, giới lực sĩ phải đánh đổi bằng vô vàn sự hy sinh như: tốn kém tài chánh, xa gia đình, bớt giờ học, thậm chí cắt bỏ các mối liên hệ xã hội, hạn chế bồ bịch hẹn hò, v.v… Tập luyện gian khổ nặng nhọc cũng dễ gây chấn thương, chưa kể hội chứng trái tim tan nát khi công sức bao nhiêu ngày tháng tan thành mây khói chỉ vì 1 chiều trái gió sa sút phong độ, dễ thấy nhất qua các sự kiện thể thao mấy năm mới có một lần như Olympic, World Cup… Giới nữ lực sĩ còn phải đối phó với các khó khăn sinh học như kinh kỳ, thai nghén, v.v… Một số giới lực sĩ lên đài danh vọng khi tuổi đời còn rất trẻ, nhiều người chỉ mới đôi mươi nhưng đã phải gánh chịu áp lực khủng khiếp và những kỳ vọng nhiều khi bất hợp lý. Ðặt trong bối cảnh công luận, thường xuyên bị soi xét, thành công lẫn thất bại của người lực sĩ đều dễ bị phóng đại. Nếu thiếu bản lãnh, anh ta/chị ta trôi nổi giữa tâm trạng lên 9 tầng mây (khi thắng) hoặc rớt xuống 9 tầng địa ngục (lúc thua), 2 thái cực dễ dàng đốt cháy nhiều tài hoa. Còn phải kể thêm sự cám dỗ của tiền bạc danh vọng, vòng quay cuồng của truyền thông, và những tế nhị bạn bè lẫn tình cảm riêng tư–ai đến với mình thiệt lòng, và ai hành nghề… đào mỏ làm vui…

thang-tram-doi-luc-si2
Maradona thời trẻ trong màu áo Boca Juniors của Argentina. Ảnh Pinterest

Ngay cả với các lực sĩ may mắn tìm được bạn đời xứng hợp, đời sống gia đình của họ cũng có nhiều thử thách rất khác với những đôi uyên ương đời thường. Thường thường mỗi năm người lực sĩ được nghỉ hè chỉ vài tuần, may mắn là 2 tháng, còn lại 10 tháng trong năm phải tập luyện và tranh tài liên tục. Thêm vào việc phải di chuyển thường xuyên cũng gây khó khăn cho đời sống gia đình và hầu như không còn giờ dành riêng cho con cái. Là những người nổi tiếng nên đời sống riêng tư của họ cũng… bốc hơi theo, khi mỗi bước chân, mỗi cử động đều có… khán giả trông theo. Và mỗi khi trong gia đình có chuyện gì lớn nhỏ thì xì căng đan nổ bùm bùm trên mặt báo. Thay vì được khoảng không gian thời gian riêng tư như người đời để “đóng cửa dạy nhau”, biết bao chuyện gia đình lớn nhỏ của người lực sĩ bị phơi trần cho công luận đàm tiếu. Một yếu tố then chốt với đời sống và sự bình yên trong gia đình là sự nghiệp ổn định hoặc bất ổn của giới lực sĩ. Có bao nhiêu người chỉ chơi một mùa rồi mất dạng, rồi cũng phải tất bật thay đổi, thích ứng, mưu sinh trong hoàn cảnh mới…

Thể thao là trò chơi tuổi trẻ, trường hợp lý tưởng nhất thì chơi thể thao nhà nghề 20 năm. Nhưng đến lúc nghỉ chơi, hồi hưu, khi chưa đầy 30, chưa đầy 40 tuổi, đời sống giới lực sĩ cũng dễ bị xáo trộn lớn. Rất nhiều người gặp đủ loại khó khăn khi tập trở về với “đời sống bình thường”. Có mâu thuẫn là không ít người khi còn chơi thì ngại truyền thông, dị ứng hào quang, nhưng khi đã nghỉ thì bị trầm uất vì nghĩ mình như đã bị lãng quên trong xã hội. Một số khác mang vào mình căn bệnh mà Anh Ngữ gọi là “Tunnel Vision Syndrome”, ám chỉ khi còn tranh tài, người lực sĩ dành toàn tâm toàn ý toàn thời gian cho tập luyện, tranh tài, thành tích… khiến họ cảm thấy không được chuẩn bị, cảm thấy hơi bị… rảnh đến không biết làm gì khi trở về đời sống… “thường dân”. Cơ thể của họ sau bao nhiêu ngày tháng tập luyện tranh tài trở nên suy kiệt, nhiều người mang bệnh kinh niên, kẻ khác phải theo đuổi điều trị lâu dài. Không hiếm trường hợp lực sĩ qua đời ở tuổi 40-50, thời nay phải kể là còn quá trẻ. Một yếu tố riêng biệt cho giới lực sĩ khi còn tranh tài là họ phải uống thuốc bồi bổ rất nhiều kéo dài năm này qua tháng khác. Khi lượng hóa chất này đột ngột bị cắt với quyết định nghỉ chơi thể thao, cả “nhà máy hóa chất” là cơ thể người lực sĩ bị mất cân bằng mãnh liệt, gây nên tăng/giảm ký lô rất lớn, nguy hiểm hơn nữa là những mất cân bằng tâm lý.

thang-tram-doi-luc-si1
Mike Tyson và “cha nuôi”. Ảnh www.rooshvforum.com

Cuộc đời lực sĩ thăng trầm lắt léo nhưng vẫn và sẽ tiếp tục là một nghề với nhiều mê hoặc. Riêng tại Hoa Kỳ, giấc mơ ngôi sao thường bắt đầu từ thể thao học đường. Thường thường giới tuyển trạch bậc đại học thiết lập hồ sơ và chú ý các lực sĩ học trò từ năm học lớp 9, nhưng cũng có vài lực sĩ tí hon lọt mắt xanh các huấn luyện viên thể thao đại học, thường xuyên được theo dõi từ năm lớp 7. Công phu như vậy nhưng xác suất học trò tiếp tục chơi thể thao đại học rất thấp. Ðơn cử trò chơi banh rổ mỗi năm có chừng 250,000 học trò lớp 12 chơi trên cả nước, nhưng chỉ khoảng 12,000 em được trao học bổng thể thao. Ở bậc đại học có khoảng 400,000 lực sĩ sinh viên tranh hùng mỗi năm, nhưng tính trung bình cứ mỗi 25 người chỉ có 1 sẽ tiếp tục con đường chơi thể thao nhà nghề “Pro”. Xác suất cao nhất là banh chày với 10.5% đấu thủ sinh viên lên đánh “Pro”, còn môn banh bầu dục và đá banh xấp xỉ 2% cầu thủ sinh viên trở thành lực sĩ nhà nghề. Khi đang còn mài đũng quần nơi các giảng đường, giới lực sĩ sinh viên được lãnh học bổng thể thao nhưng phải gia hạn từng năm một, hoàn toàn do huấn luyện viên quyết định. Và thường thì học bổng dù là toàn phần đi nữa cũng khó trang trải 100% chi phí ăn ở học hành tập luyện. Trung bình học bổng thể thao đại học là $10,400 cho mỗi năm, nhưng nếu không kể banh bầu dục và banh rổ nam thì con số trung bình cho các môn còn lại rớt xuống chỉ $8,700 / niên khóa. Có một tin vui khá khả quan là với thực tế làng đại học ngày càng thu lợi nhuận khổng lồ, gần đại diện các giải thể thao sinh viên lớn nhất nước như Big Ten, SEC, Big 12, hay Conference USA đều cho biết đang cân nhắc trả thù lao cho lực sĩ sinh viên. Dĩ nhiên nếu chọn lựa này thành sự thật thì tôn chỉ thể thao đại học phải tài tử, hoàn toàn vô vụ lợi bị tổn thương ít nhiều, nhưng đổi lại công sức và nỗ lực của giới lực sĩ sinh viên được bù đắp phần nào.

thang-tram-doi-luc-si
Pele hồi năm 1958. Ảnh Getty Images

TTD