Menu Close

Bryan Ferry – Nô lệ cho tình yêu

Bryan Ferry là một tên tuổi ít quen thuộc với đại đa số người Việt, nhất là những người cao niên, nhưng đối với dân Mỹ, nhất là lứa lớn lên vào những thập niên 70-80 thì Ferry là một trong những tên tuổi lớn, không thua gì David Bowie hay Prince. Trong số những bản nhạc bán khá chạy của Bryan Ferry có một bài mà nhiều người Việt có thể biết đến hoặc đã nghe qua, đó là bài “Smoke Gets In Your Eyes” (Khói Lạc Vào Mắt Em), nổi tiếng vào thời 1960 nhờ ban The Platters. Bài này thật ra đến từ một vở ca nhạc kịch rất xưa mang tên “Roberta” (1933) và đã được vô số ca sĩ, nhạc sĩ lừng danh hát — như Frank Sinatra, Nat King Cole, Judy Garland, Cher v.v… Phiên bản của Bryan Ferry tuy chỉ leo lên được hàng thứ 17 của Billboard, nhưng nó là một bản nhạc rất thích hợp với chất giọng mơ màng, sương khói của Ferry.

bryan-ferry5
Bryan Ferry & Ban Nhạc – ảnh: Melissa Ruggieri

Sinh năm 1945 tại Anh Quốc, Bryan Ferry là một cậu bé thích vẽ và hát. Thời còn là học sinh, Ferry cũng tập tành lập ban nhạc như nhiều thanh thiếu niên thời 60, chơi nhạc một loại nhạc mới mang tên “rock’n’roll” du nhập từ Mỹ — bắt chước Elvis, Chuck Berry v.v. Sau khi ra trường trung học, thay vì chọn nghề nhạc như các tay Beatles, Ferry lại ghi danh vào Ðại Học Nghệ Thuật tại Newcastle để học hội họa.

Ra trường với bằng cử nhân nghệ thuật, anh hành nghề làm đồ gốm và từng có vài cuộc triển lãm nhỏ tại Luân Ðôn. Ngoài ra anh còn làm thêm nghề phục chế đồ cổ, tài xế xe vận tải, và giáo viên dạy làm đồ gốm tại một trường nữ sinh. Nhưng đến năm 1970 thì thầy giáo Ferry bị nhà trường đuổi việc vì tội… đem dĩa nhạc vào lớp mở cho học sinh nghe!

bryan-ferry4
Ferry xuất thần – ảnh: M. Ruggieri

Sau lần đó Ferry chuyển nghề, xin gia nhập ban nhạc King Crimson để làm ca sĩ nhưng bị từ chối vì lúc ấy King Crimson cần người không những biết hát mà còn phải biết đánh bass. Thế là Ferry quyết định thành lập ban nhạc riêng của mình, đặt tên là Roxy Music, nhại từ chữ “rock music” (nhạc rock).

Thành phần ban nhạc thuở ban đầu có Andy McKay, là một nhạc sĩ đa năng có thể đánh keyboard và thổi hai thứ kèn — saxophone oboe. Từ đó về sau nhạc của Bryan Ferry và Roxy Music bao giờ cũng có tiếng kèn, một đặc điểm mà ít ban nhạc rock nào biết tận dụng, trừ những ban thiên về jazz như Chicago hay Steely Dan. Ngay trong dĩa album đầu tiên mang tựa “Roxy Music”, phát hành năm 1972, ta đã nghe thấy tiếng oboe độc tấu mở đầu cho bài “Ladytron”, vẫn còn được yêu thích mãi đến tận bây giờ. Chỉ trong vòng một năm mà Roxy Music đã thành công đến nỗi được đại danh họa Salvador Dali mời đến dự một buổi tiệc trà. Ðối với Bryan Ferry, một hoạ sĩ nghiệp dư, thì đây có lẽ là một vinh dự vô cùng lớn lao!

bryan-ferry3
Saxophonist Georgia Chalmers – ảnh: M. Ruggieri

Tháng Ba vừa rồi, trong show diễn tại Verizon Theatre ở Grand Prairie, Texas, bài “Ladytron” đã được khán giả sành điệu tán thưởng nhiệt liệt khi tiếng oboe vừa mới cất lên. Chương trình đêm đó còn có một số bài nhạc của các tác giả khác đã được Ferry chơi lại trong nhiều thập niên qua. Chẳng hạn như bài “A Hard Rain’s Gonna Fall” của Bob Dylan, nổi tiếng từ thời chiến tranh Việt Nam. Mới đây nhất, ca sĩ/thi sĩ Patti Smith đã trình diễn bài này trước hoàng tộc Thụy Ðiển khi bà thay mặt Bob Dylan đến Stockholm để nhận giải thưởng Nobel Văn Chương 2016.

Ngoài ra, Ferry còn hát bài “Like A Hurricane” của Neil Young. Neil Young là tác giả của bài “Ohio” kể chuyện bốn sinh viên Mỹ biểu tình tại đại học Kent State (Ohio) bị lính bắn chết vào năm 1970, gây phẫn nộ khắp nước Mỹ và giúp cho làn sóng phản chiến ngày càng tăng cao. Khác với phiên bản gốc, bài “Like A Hurricane” được Ferry và ban nhạc kéo dài ra gần mười phút, với nhiều đoạn solo guitar, saxophone, violin đan xen với nhau, đậm chất cuồng nộ vũ bão.

bryan-ferry2
Violinist Marina Moore – ảnh: M. Ruggieri

Gần cuối chương trình, ban nhạc chơi bài “Jealous Guy”, từ dĩa “Imagine” của John Lennon. Ferry và Roxy Music cho ra đời phiên bản này không lâu sau khi Lennon bị ám sát như một lời tưởng niệm. Bài này cũng là dĩa đơn bán chạy nhất của ban nhạc. Giống như “Like A Hurricane” của Neil Young, “Jealous Guy” đã được ban nhạc của Ferry phục dựng lại với phong cách rock mạnh mẽ, rất khác bản gốc chậm rãi, thì thầm của John Lennon. Nhưng phần huýt sáo ở khúc cuối thì vẫn được giữ lại tuy giai điệu có thay đổi chút đỉnh. Có thể nói bài này là một trong những bản nhạc nóng và đáng nhớ nhất đêm hôm đó.

Phần còn lại của chương trình là những bài nhạc nổi tiếng một thời của Roxy Music như “Virginia Plain” (dĩa đơn đầu tiên), “Oh Yeah”, “Beauty Queen”, “Take A Chance With Me”, “Re-make/Re-model”… Dĩ nhiên không thể thiếu hai bài hầu như ai cũng biết là “Avalon” và “More Than This” (từ album cuối cùng và bán chạy nhất). Ngoài ra còn có những bài nhạc của Bryan Ferry khi anh là nghệ sĩ solo, không chơi trong ban nhạc Roxy Music, như bài “Slave To Love” (Nô Lệ Cho Tình Yêu) được xem như bài ruột, căn cước nghệ thuật của Bryan Ferry.

bryan-ferry1
Nô Lệ cho Jerry Hall – ảnh: Ann Leibovitz

Mặc dù mang tiếng là một ban nhạc rock, nhưng tình thật mà nói, Roxy Music nói chung, và Bryan Ferry nói riêng, là một dòng nhạc thiên về khiêu vũ (dance music). Những bài như “Bête Noire” hay “Zamba” mang đậm âm hưởng của samba và chacha. Tiếng kèn saxophone và tiếng vĩ cầm da diết làm ta có thể hình dung mình đang ngồi nhâm nhi ly rượu trong một nightclub. Ban nhạc đang chơi những bản nhạc tình, vài cặp trai gái ôm nhau trên sàn nhảy, du dương theo tiếng nhạc. Trên sân khấu một chàng ca sĩ ăn vận hết sức lịch sự, dáng người thanh nhã, với một giọng hát liêu trai đang thả hồn theo nhịp thở của những người tình đã từng đi qua đời mình, để lại những vết sẹo không bao giờ lành.

Nếu xét về mặt ý tưởng thì lời nhạc của Bryan Ferry thường không cao siêu, xoay quanh chủ đề tình yêu, nhất là những cuộc tình tan vỡ. Chẳng hạn như những bài đầy cay đắng viết về người yêu cũ là cô người mẫu Jerry Hall mà sau này đã bỏ anh để chung sống với danh ca Mick Jagger của ban Rolling Stones, đẻ cho Mick bốn đứa con và hiện nay là vợ (thứ tư!) của đại gia truyền thông Rupert Murdoch. Cũng cần nhắc là cô người mẫu đến từ Texas này được nổi tiếng một phần là nhờ xuất hiện trên ảnh bìa album đầu tay của ban nhạc. Một đặc điểm nữa của Roxy Music là các album thường có hình các cô gái rất đẹp và sexy—đúng theo tiêu chuẩn “sex, drugs, rock’n’roll”.

bryan-ferry
Quày hàng lưu niệm @ Verizon Theatre – ảnh: ianbui

Nói vậy không có nghĩa là Bryan Ferry không quan tâm đến những vấn đề xã hội. Bằng chứng là anh rất thích nhạc của Bob Dylan. Ðến độ anh đã cho ra một album mang tên “Dylanesque”, gồm mười bản nhạc của Dylan được tái phối khí và tái thể hiện qua giọng hát và cách trình bày độc đáo của mình. Trong đó có nhiều bài đã là dấu ấn của thập niên 60 đầy sóng gió như bài “Knockin’ On Heaven’s Door” (từa tựa như “Một Mai Giã Từ Vũ Khí” của Nhật Ngân), hay “All Along The Watchtower” mà Jimi Hendrix đã đưa lên hàng tuyệt đỉnh của nhạc rock. Anh cũng thể hiện khá tốt các bản nhạc tình của Bob Dylan như bài “Make You Feel My Love” được biết đến nhiều nhờ ca sĩ Garth Brooks, hay bài “If Not For You” mà vào đầu thập niên 70 đã đưa nữ ca sĩ Olivia Newton-John lên đài danh vọng. Tuần này cô Olivia cũng sẽ đến hát tại Verizon Theatre, nhưng rất tiếc bổn báo không thể đi xem.

Ngoài ảnh hưởng của Dylan ra, Bryan Ferry còn mang trong người ảnh hưởng của nhạc jazz, nhờ hồi nhỏ được một người cậu dẫn đi nghe nhạc jazz sống rất thường xuyên. Năm 2012, fan của Ferry đã bất ngờ khi anh cho ra một dĩa nhạc mang tên “The Jazz Age” của ban nhạc Bryan Ferry Orchestra. Nhưng thay vì chơi nhạc jazz của người khác, album này toàn những sáng tác của Ferry được soạn lại cho một dàn nhạc jazz! Và độc đáo hơn hết là trong dĩa này Bryan Ferry không hát một chữ nào, mặc dù anh dư sức hát nếu muốn. Ðêm hôm đó ban nhạc đã chơi bài “Tara” trong dĩa “Avalon” theo phong cách blues/jazz, vừa để cho các nhạc sĩ biểu diễn tài nghệ cá nhân, vừa để cho Bryan Ferry có thì giờ nghỉ giải lao.

Qua những sự kiện này ta có thể thấy Bryan Ferry là một nghệ sĩ thích thử nghiệm, không muốn bị gò bó trong khuôn khổ. Năm nay tuy đã trên 70 tuổi nhưng anh vẫn đi tour, vẫn trình diễn, vẫn bước lên sân khấu với tất cả niềm đam mê, và trên hết, với một giọng hát vẫn còn ngọt như đường, êm như lụa tuy rằng không thể lên cao như ngày xưa nữa.

Xem Bryan Ferry diễn xuất ta có thể cảm nhận được tình yêu anh dành cho nghệ thuật. Những lúc anh ngồi xuống trước cây đàn piano, trông anh thật là nghiêm nghị và chú tâm. Hoặc khi thổi cây khẩu cầm, anh như người đang lên đồng. Nhưng hình ảnh đẹp nhất là những lúc anh nhắm nghiền mắt lại và lắc lư khi hát. Bryan Ferry sở hữu một chất giọng vô cùng đặc biệt của một người hầu như cả đời chỉ biết sống và chết cho tình yêu, như anh tả trong bài “Slave To Love”:

Ta quá trẻ để nhọc trí

Ta quá già để mộng mơ

Nhưng mùa Xuân đang trở lại

Hãy áp má em vào má anh

Cho anh nghe tiếng em cười

Cho anh nhìn môi em nở

 

Nô lệ cho tình yêu

Nô lệ cho tình yêu…

-Ianbui – 2017.04