“Người nào cũng yêu con, nhưng người có
văn hóa mới biết thương yêu cha mẹ!”
(Nhà văn Lâm Ngữ Ðường)
Chuyện dài là vì câu chuyện vẫn còn xảy ra mỗi ngày, chưa chấm dứt. Trong phạm vi báo này, chúng ta chỉ nói đến con cái ở Mỹ, mặc dầu vấn đề an sinh xã hội của bậc cha mẹ cao niên ở đây đã được bảo đảm, nhưng xem ra chuyện con cái đối xử với các bậc sinh thành, vẫn còn là câu chuyện đau lòng.
Ở Việt Nam thì lại khác, cha mẹ thường là một gánh nặng cho con cái, nếu không có đạo lý ràng buộc, có khi phải ra đường mưu sinh, hay mò cua bắt ốc trên cánh đồng, và vì những tệ nạn như rượu chè, cờ bạc, cha mẹ bị đối xử tàn nhẫn, có khi bị con đang tâm giết chết. Những cảnh như say rượu giết cha, xin tiền không được, đã vung chày sát hại mẹ, trong lúc tắm rửa, vệ sinh cho người mẹ 82 tuổi bị tai biến, đã liên tục chửi bới và đánh đập khiến bà cụ tử vong… đã đầy trên các trang báo.
Chúng ta những người Việt đang sinh sống ngoài Việt Nam, ở Hoa Kỳ hay các nước khác thường cho là mình may mắn không phải sống ở cái đất nước đạo lý suy đồi, luân thường bại hoại như Việt Nam, nhưng liệu nhìn lại, chúng ta đã đối xử với cha mẹ như thế nào? Có phải vì đời sống Mỹ, tất bật, lo toan, nên con cái không có thời giờ thăm viếng săn sóc cha mẹ già, và nhà dưỡng lão là nơi chốn cuối cùng mà các cụ phải đến? Ở nhà dưỡng lão, có trường hợp nhiều ông bà cụ có đến ba đứa con trưởng thành, nhưng không đứa nào nhớ ra là mình còn một ông bố hay bà mẹ đang ở tại đây.
Tôi có một ông bạn già sang Mỹ chậm, làm ăn vất vả mới mua được một cái mobil home cho con trai ở chung nhà. Con trai lấy vợ rồi ít năm sau người vợ của bạn tôi qua đời. Mới rồi con trai bàn với cha là bán cái mobile home, lên một vùng xa, ít người Việt để mua một căn nhà mới xây. Ông bạn tôi theo con, nghĩ là trong cái nhà này mình cũng có phần, theo con mà không suy nghĩ thiệt hơn. Ðến chỗ mới xa lạ, ông không có bạn bè lui tới hoặc gặp gỡ nhau ở quán cà phê, nên rất cô đơn, phiền muộn, suốt ngày thui thủi ở trong phòng với cái máy computer. Ðiều ông không chịu đựng nổi là thái độ ngoa ngoắt của con dâu. Buổi sáng khi ông đang còn yên giấc, ông đã nghe tiếng cô dâu mắng con:
– Tao nuôi mày mà mày chẳng giúp đỡ gì được, suốt ngày mày ru rú trong phòng như thế hở!
Một vài lần ông còn nhịn cho xong vì thương con, nhưng lần cuối thì ông chịu hết nổi, đứa con dâu đã mắng thằng con thẳng thừng:
– Nếu mày không nghe lời tao thì kiếm chỗ mà cút khỏi mắt tao!
Ông viết lại mảnh giấy cho con trai, bảo xuống Bolsa chơi vài hôm, rồi lẳng lặng thu xếp quần áo, mang theo cái “laptop,” tất cả đó là tài sản của ông, ra Xe Ðò Hoàng xuôi Nam. Về ở với con gái, tuy chật chội, vì con còn phải thuê apartment, nhưng ông thấy bình an hơn.
Ông có nghe nói: “Con gái con của người ta, con dâu mới thực mẹ cha mang về,” nhưng thôi mỗi thời mỗi khác. Ngày xưa đi cưới dâu, ông cũng tin tưởng vì thấy gia đình thông gia cũng là người có học, biết điều, chuộng lễ nghĩa.
Trẻ con biết đói, biết lạnh, biết đau để khóc la nhưng chưa biết buồn, biết tủi như tuổi già.
Một chuyện buồn khác, là một người bạn, ngày xưa ở Việt Nam ở chung một đơn vị với tôi, sau khi đi tù về, sang Mỹ theo diện tù nhân chính trị, nhưng được con trai bảo trợ đem về nhà nuôi. Ðây là đứa con mà vợ ông đã chắt bóp mấy lượng vàng cho con xuống tàu vượt biển ngày trước trong khi ông còn ở tù ngoài Bắc. Nhà con ông có ba phòng, một cho vợ chồng con trai, một cho hai đứa con nhỏ và một cho đôi vợ chồng già. Nhưng vài năm sau, lấy lý do làm ăn thua lỗ, vợ chồng đứa con bán nhà và chỉ mua lại một cái condo hai phòng. Ðứa con dâu nói thẳng với cha mẹ chồng, không cần rào đón:
– Cái nhà con sắp dọn vô, chỉ có hai phòng, ba mẹ chịu khó kiếm chỗ ở khác.
Những bậc cha mẹ khá giả vì quá tính toán và thủ lợi, có đứng tên nhà cửa, thì nghĩ là nên chuyển nhượng tài sản cho con, để nay mai về hưu còn xin được trợ cấp y tế, gia cư. Nhưng khi đã “nắm dao đằng cán” chúng sẵn sàng bán nhà hay mời cha mẹ ra khỏi nhà. Cũng có trường hợp vợ hay chồng ra đi trước, người còn lại nghĩ là mình cô đơn, nên giao nhà cửa cho con, ở với con cho tiện, nhưng họ đã sai đường. Cho đến khi thực sự nhắm mắt qua đời, đừng bao giờ tin tưởng trao hết cho con, còn mình chỉ có hai tay trắng. Tốt hơn là phải lo cho mình trước, và cũng nên nghĩ đến chuyện “con cái thời nay!” kẻo rồi ra, hối hận thì đã muộn màng. Ðó là nguyên tắc “đừng bao giờ ‘dốc túi’ cho con quá sớm trước khi nhắm mắt!”
Với kinh nghiệm từng trải, ông Chu Dung Cơ đã có lời khuyên:
“Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn.
Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một chút hỏi vài câu là thấy đủ rồi.
Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ.
Nhà cha mẹ là nhà con; nhà con không phải là nhà cha mẹ.
Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp.
Chờ báo đáp là tự làm khổ mình!”
Nói thì vậy, nhưng bậc cha mẹ nào lại không buồn khi thấy con mình chẳng hề biết báo đáp công ơn cha mẹ. Cha mẹ cũng đừng kể ơn với con, chẳng qua là số phận, con chẳng chọn sinh ra trong gia đình mình, mình cũng chẳng chọn được con cho hoàn hảo!
“Nước mắt chảy xuôi!” Nhưng mấy ai thấu hiểu được chuyện đời để khỏi tủi thân đau khổ khi gặp phải cảnh ngang trái thấy con cái không theo được như ý mình.
Ở xứ sở Tây Phương này, con lên 18 tuổi đã muốn ra khỏi gia đình, hay cha mẹ cũng lấy làm khó chịu khi con lớn vẫn ở trong nhà, thì khi cha mẹ già, cũng không đòi hỏi con phải phụng dưỡng như văn hoá phương Ðông. Bỏ con vị thành niên đói rét, thất học cha mẹ bị còng tay, nhưng cha mẹ già bỏ xó, không ai đi tìm những đứa con ở đâu?
Vậy tốt hơn, nên chuẩn bị cho tuổi già, theo từng hoàn cảnh để khỏi phải hụt hẫng, xót xa về sau.
Viết những dòng này, tôi cũng hy vọng, những đứa con còn đọc được tiếng Việt hiểu cho lòng cha mẹ.
Nghịch lý nhân sinh.
– Cha mẹ chỉ biết cho, chẳng biết đòi
Con cái thích vòi mà không biết trả.
– Cha mẹ dạy con, gọi lắm lời
Bước chân vào đời ngớ nga, ngớ ngẩn.
– Cha nỡ coi khinh, mẹ vẫn xem thường
Bước chân ra đường sợ phường trộm cướp.
– Cha mẹ ngồi đấy chẳng hỏi chẳng han
Bước vào cơ quan, lo chào thủ trưởng.
– Ngồi cùng thiên hạ, trăm việc khoe hay,
Mẹ ốm bảy ngày, chưa thèm lai vãng!
– Cha mẹ còn đó chẳng phút nào lo
Chờ lúc qua đời mồ to, mả đẹp.
– Vào quán thịt cầy, trăm nghìn coi nhẹ
Giỗ cha giỗ mẹ suy tính từng đồng.
– Cha thường coi nhẹ, nuôi mẹ thì không
Cả vợ lẫn chồng đi làm từ thiện.
– Khấn Phật, cầu Trời lễ bái khắp nơi
Cơm cha không mời, trà mẹ quên rót.
– Ði du lịch xa sợ bỏ chó mèo
Cha mẹ nằm khoèo chẳng hề thăm hỏi.
HP