Thành ngữ nổi tiếng“Thanh gươm Damocles – Sword Of Damocles” bắt nguồn từ câu chuyện ngụ ngôn cổ xưa, do triết gia Cicero ghi lại trong quyển sách của ông có nhan đề “Tusculanae Disputationes,” [“Cuộc Thảo Luận Của Người Tusculan”] xuất bản năm 45 trước Công Nguyên. Câu chuyện này còn được kể lại, qua nhiều phiên bản hiện đại khác nhau. Chẳng hạn như trong video game “Ryse: Son of Rome” do Cevat Yerli và Rasmus Hojengaard đạo diễn, Deep Silver sản xuất, Microft Studios phát hành năm 2013. Theo video game này, Damocles là chiến binh bị các tướng lãnh bỏ rơi trên chiến trường. Anh được Nemesis – vị thần của lòng thù hận – giúp cho hồi sinh dưới hình dạng Black Centurion, để trả thù những người đã bỏ rơi anh. Centurion là cấp bậc, là chức vụ của sĩ quan chỉ huy trung cấp, trong Quân Ðội Ðế Chế La Mã cổ đại. Nhân vật chính đã hồi sinh, khi nắm trong tay thanh gươm Damocles.

Nhưng theo nguyên bản của triết gia Cicero, “Thanh Gươm Damocles” là câu chuyện nói về Hoàng Ðế Dionysius II, một ông vua độc tài từng cai trị Thành phố Sicily, thuộc Syracuse ở thế kỷ thứ tư và thứ năm trước Công nguyên. Mặc dù giàu sang phú quý, nắm quyền lực trong tay, có thể làm bất cứ điều gì mà ông mong muốn, nhưng Dionysius II luôn lo lắng, bất an. Bởi vì những hình luật tàn bạo do ông ban hành, đã khiến ông có rất nhiều kẻ thù. Lo sợ sẽ bị ám sát, Hoàng Ðế Dionysius II xây dựng một công sự bao bọc chung quanh phòng ngủ. Ông chỉ tin tưởng con gái, và chỉ mình cô được phép dùng lưỡi dao cạo râu cho ông.
Trong triều đình có một nịnh thần tên Damocles, suốt ngày ca ngợi tung hô Hoàng Ðế Dionysius II. Ông ta nói rằng:
“Ðức Vua thật hạnh phúc và may mắn. Ngài có tất cả những thứ, mà bất kỳ ai cũng mong muốn. Chắc hẳn Ngài phải là người hạnh phúc nhất trần gian.”
Hoàng Ðế Dionysius II khó chịu, vì cứ phải nghe những lời tâng bốc này, đã hỏi Damocles:
“Ngươi thực sự nghĩ rằng ta hạnh phúc hơn bất cứ ai hay sao ?”
Damocles trả lời:
“Muôn tâu thánh thượng, đúng như vậy. Với khối tài sản mà Ngài đang sở hữu, với quyền lực tột đỉnh Ngài đang nắm giữ trong tay, Ngài không hề lo lắng bất cứ điều gì. Cuộc sống thật tuyệt.”
Hoàng Ðế Dionysius II hỏi:
“Vậy ngươi có muốn hoán đổi vị trí với ta không”
Damocles đáp:
“Ôi! Làm sao thần dám mơ tưởng đến điều này. Nhưng nếu như thần được nếm trải sự giàu sang và quyền lực của Ngài, dù chỉ một ngày, thần đã mãn nguyện.”
Hoàng Ðế Dionysius II đồng ý để Damocles làm vua một ngày.
Damocles được đưa đến hoàng cung. Thị vệ, cung nữ đối xử với ông ta y hệt như đức vua của họ. Ông được mặc hoàng bào, đội vương miện vàng, ngồi vào bàn tiệc có nhiều món ăn ngon, nhiều ly rượu đắt tiền. Chung quanh ông ngàn hoa tươi nở, âm nhạc réo rắt du dương. Damocles ngồi trên nệm êm ấm, cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất cõi đời. Ông ta nói với nhà vua:
“Ôi! Ðây mới đúng là cuộc đời đáng sống. Thần chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc đến như vậy.”
Trong lúc đang thao thao bất tuyệt nói về niềm vui được sống trên giàu sang nhung lụa quyền thế ngất trời, Damocles chợt nhìn thấy một thanh gươm treo lơ lửng trên trần nhà bằng một sợi lông đuôi ngựa, mũi gươm chĩa thẳng vào đầu ông. Damocles sững sờ, nụ cười tắt trên môi, gương mặt biến dạng vì hoảng sợ. Ông chẳng còn tâm trí thưởng thức bàn tiệc đầy rượu thịt thơm ngon, chỉ muốn nhanh chóng rời khỏi cung điện.
Nhìn bộ dạng thất thần của Damocles, Hoàng Ðế Dionysius II hỏi:
“Chuyện gì vậy? Có vẻ như ngươi không còn thấy ngon miệng?”
Damocles líu lưỡi, thì thầm:
“Thanh gươm! Thanh gươm! Ngài có nhìn thấy không?”
Hoàng Ðế trả lời:
“Dĩ nhiên là ta nhìn thấy. Ta thấy nó hằng ngày. Thanh gươm luôn luôn được treo trên đầu ta, và luôn luôn có một người nào đó sẽ tìm cách cắt đứt sợi lông đuôi ngựa. Người đó có thể là một trong số những cận thần ghen tỵ với quyền lực của ta, muốn ám sát ta. Hay là một kẻ nào đó lan truyền những tin đồn nhảm nhí liên quan đến hoàng cung, khiến dân chúng đứng lên chống lại ta. Hay là vương quốc bên cạnh, sẽ điều động binh mã xâm chiếm lãnh thổ, cướp ngôi vị của ta. Hay chính vì ta đã đưa ra một mệnh lệnh không sáng suốt, khiến triều đình buộc ta phải nhường ngôi thoái vị. Nói ngắn gọn, cuộc sống của ta không phải chỉ là những hình ảnh vinh hoa phú quý, quyền thế ngất trời như nhà ngươi vẫn lầm tưởng.”
Damocles vội vã nói:
“Muôn tâu thánh thượng, thần thấy rồi. Thần đã phạm sai lầm vì không biết bên cạnh quyền lực và của cải, Ngài còn có vô vàn điều phải lo lắng. Xin hãy giữ ngôi báu của Ngài, tha cho thần trở về nhà.”
Từ đó, Damocles không bao giờ muốn hoán đổi vị trí với nhà vua, cho dù chỉ trong giây phút.
Câu chuyện giữa Dionysius II và Damocles, cho thấy các nhà lãnh đạo luôn phải đương đầu với hiểm họa sinh tử trong từng một sát na. Thiết tưởng người luôn phải lo sợ như vậy, không thể nào có hạnh phúc. “Thanh Gươm Damocles” là mô-típ phổ biến, thông dụng trong văn học thời trung cổ, được dùng như ẩn dụ nói về những hiểm họa đang xảy ra trong sinh hoạt đời thường của ai đó, hay là để mô tả một tình huống ngặt nghèo đang xảy ra trong xã hội. “Thanh Gươm Damocles” đồng nghĩa với thành ngữ “Ngàn cân treo sợi chỉ – Hanging by a thread,” cả hai đều được dùng để diễn tả những tình huống vô cùng nguy hiểm, vô cùng bấp bênh.
Năm 1961 trong thời “Chiến Tranh Lạnh – Cold War,” thành ngữ “Thanh gươm Damocles – Sword Of Damocles” một lần nữa vang vọng trên toàn thế giới, khi Tổng Thống John Frank Kennedy đọc diễn văn trước Liên Hiệp Quốc, đã nhấn mạnh rằng: “Nam, phụ, lão, ấu, đang sống dưới thanh gươm Damocles của vũ khí nguyên tử, như sợi chỉ mong manh treo ngàn cân trên đầu họ, bất cứ lúc nào cũng có thể bị cắt đứt vì tai nạn, vì những tính toán sai lầm, hay vì sự điên cuồng.” [“Every man, woman and child lives under a nuclear sword of Damocles, hanging by the slenderest of threads, capable of being cut at any moment by accident or miscalculation or by madness.”]
HV
Tài liệu nghiên cứu
http://www.history.com/news/ask-history/what-was-the-sword-of-damocles
“What was the sword of Damocles?” History.com