Menu Close

Nguyễn Huỳnh

Tên thật : Nguyễn Huỳnh Oanh

Bút danh : Nguyễn Huỳnh

Sinh ngày 01/01/1965

Quê quán : Sông Cầu, Phú Yên

Hiện sống và làm việc tại Nha Trang, Khánh Hòa

Nghề nghiệp: Kiến trúc sư

nguyen-huynh

Nguyễn Huỳnh xuất hiện chưa lâu trên báo chí và các trang web nhưng đã được độc giả chú ý và yêu thích. Thơ anh trong sáng, không dùng ngôn từ cách tân, làm dáng, chỉ cần diễn tả đúng mức cảm xúc và tư tưởng của mình. Tiếng thơ ấy đã đạt tới độ chín để đi sâu vào lòng người đọc. Ðọc Nguyễn Huỳnh ta chia sẻ những niềm u uẩn và suy nghĩ chín chắn của anh về thực trạng quê hương đất nước hiện nay, cũng như cùng anh hướng vọng về một tương lai cỏ hoa trong sáng hơn và lòng người nhân bản.

Xin đọc vài bài để đồng cảm với nhà thơ. SAO KHUÊ 

 

đất nước những năm không chiến tranh

 

Ðất nước tôi những năm không chiến tranh
thiếu tiếng súng nhưng quá thừa tiếng khóc
của người nông dân mất đất
hạt mầm nứt vỏ trên đôi bàn tay nứt nẻ
không biết đặt vào đâu
nức nở bây giờ không thể gọi tên.

những resort sân golf lạ hoắc
người nông dân tiếc của đứng ngoài tường rào
bóng các quan thầy vun vút gậy
như loài ma trơi ném lân tinh lên trời
người nông dân ngửa mặt giơ cao hạt thóc
sinh linh này tôi đặt vào đâu?

 

Nước thì chảy về chỗ trũng
còn tiền bạc chảy ngược lên cao.

 

Ðất nước tôi những năm không chiến tranh
biển hòa bình nhưng biển có bình yên?
chiếc thuyền câu không đợi được trăng lên
không đợi được gió nam nồm trở thổi
không đợi được câu hò lưới đăng lưới đó sắp trỗi
đã chìm sâu dưới bao lớp sóng
sóng ngoại xâm hà hiếp chiếm ngư trường
sóng cướp biển cướp đảo lè lưỡi bò chiếm dần bờ cõi
sóng nhu nhược bờ này nhưng tàn bạo bờ kia
người ngư dân nuốt nước đắng vào trong
bạn thuyền ơi nước mắt đã cạn dòng!

 

Kẻ nhu nhược náu mình nơi đất trũng
người khí khái thích đứng ở đồi cao.

 

Ðất nước tôi những năm không chiến tranh
những chiến trường xưa cỏ lá đã thành ngàn
nhưng chiến trường nay xơ xác xã hội tan nát đạo đức
nơi đầu đường xó chợ
nơi giảng đường lớp học
nơi cao nguyên rừng rú
trẻ con bây giờ biết học cách hạ thủ vi cường
những bạo lực học đường tàn nhẫn
những vụ án thương tâm
những câu chửi tục ngôn ngữ tiếng lóng lên ngôi
đào đâu ra tiếng thở dài non nước?

 

Con đường Duy Tân, ngày xưa Hoàng Thị
Chiếc áo dài bây giờ xấu nhất Việt Nam.

Ðất nước tôi những năm không chiến tranh
nhưng có những cái chết còn xót xa hơn chết trận
một người già vừa chết trôi sông
một trẻ sơ sinh vừa vứt xác ngoài đồng
một thanh niên vừa vào cửa pháp quyền
trở ra thành thây ma bầm giập
một cô dâu tươi tắn trên phi trường xuất ngoại
đã trở về trên chiếc xe tang
những ôsin rải khắp thôn làng ngõ xóm thế giới
chết bờ chết bụi, nước mắt nhỏ ngược lên trời.

 

Ðất nước tôi những năm không chiến tranh
có khi chiến tranh để tất cả cùng hướng về phía quân thù ?

Tháng 10/2015

 

lời trầm thống.

(Gửi hương hồn bạn tôi: Lê Tường)

 

Ta và bạn sinh ra nơi bờ ruộng hẹp

Nơi những động cát trắng phau màu trăng tỏ

Nơi đầm Cù Mông vang câu hò lưới đăng lưới đó

Nơi bãi trước bãi sau và rừng dương vi vu tiếng gió

Nơi chiếc sõng con gõ nhịp đời u uất

Nơi những chiếc rớ vớt lên nghèo khó

 

Và chúng mình sinh ra từ đó

Như lời ru từ lúc phôi thai

Như lời ru từ lúc chào đời

 

Nắng hôm đó cũng như nắng hôm nay

Sao ta thấy cứ vàng màu ký ức

Sao ta thấy cứ nâu màu ray rứt

Thổn thức bây giờ trắng xóa những lần đi

 

A ha! Những lần đi và những lần đi

Người không chịu ở lại và khoác áo ra đi

Như sóng không dừng lại dù đã vỗ bờ

Như trời không chịu xanh dù một lần đến tím

Và chúng mình khoác áo ra đi

Như kiếp trước chúng mình nợ những bước chân

Như kiếp trước chúng mình nợ với cố nhân

Một giọng hát Khánh Ly, một lời nhạc Trịnh

Những đường hoang giục giã

Những khúc cua mở ra một chân trời mới lạ

Háo hức quên mình háo hức ra đi…

 

Nơi chúng mình sinh ra có con đò nhỏ

Ðưa chúng mình ra đi rồi đưa chúng mình trở lại

Bên lở bên bồi nhịp theo con nước

Bãi rong nổi như một niềm mơ ước

Chưa xanh xao đã vội lụi tàn

 

Trời trở gió, trở gió rồi chăng

Mà Dốc Rọ hú lên lời thao thiết

Ở Ðộng Chùa bạn còn nhớ ta không?

Bạn vì ta mà trôi sông lạc chợ

Ta vì bạn mà lạc chợ trôi sông

Ôi những cuộc đời có cũng như không

Sông quê mình không giống những sông quê

Cứ ào ạt triều lên rồi xuống

Cứ âm ì một sóng cồn khát vọng

Vỗ một lần rát mặt bãi bờ khô.

 

Ơi những mùa đông cây dừa quặt quẹo

Tàu lá quất phần phật cho một lần nổi giận

Bởi vì đâu gió mặn đã bao mùa

Bởi vì đâu gió rét đã tái tê

Lần lữa mãi vẫn chưa thành quả chiếng!

 

Ôi những chiều hôm bờ tàn bến xế

Ký ức cứ dội về thêm ký ức

Kỷ niệm cứ vang lời trong kỷ niệm

Ước mơ mình cứ mãi ước mơ thêm

 

Thì bạn tôi ơi cứ an lòng đi nhé

Ðêm có dài thì cũng sẽ sáng mai

Ngày có lâu thì cũng thành sụp tối

Mọi con đường rồi cũng về tới đích

Chỉ tội mình ta đối diện với đêm dài… 

 

chiều Daklay

 

Chiều Daklay bụi vướng lưng trời

Gió đỏ quạch từ đâu thổi tới

Ta và bạn vì sao trôi dạt

Trăm con đường lang bạt đổ về đây.

 

Xòe bàn tay vốc nắm đất này

Thương cố thổ mười năm biền biệt

Trăm ngọn suối còn xuôi về biển

Ngàn cánh rừng thiêng còn gửi cội lá vàng

Ta lẽ nào mạt kiếp lang thang?…

 

Và chiều nay gió rung lời lá hát

Khúc hoang ca gợi những hoang tình

Thì bạn ơi giữa cuộc mưu sinh

Sao chôn cả đời mình trong lam lũ?

 

Bới cuốn gió lục mùa thu cũ

Trăm lá vàng ủ mục bao nơi

Mà chiều nay tâm trạng rã rời

Gào lên mấy vần thơ tơi tả.

 

Chiều Daklay chiều say không rượu

Gió say mèm lọt chết lòng khe

Trời say khướt mang hoàng hôn đỏ khé

Ta uống bao giờ mà viết tứ thơ say:

Ô hô phiêu lãng hề!

Bên bờ vực thẳm.

Nghiêng mé chết hề!

Ngả bóng trăm năm…

 

NH – Bãi vàng Daklay, mùa hè 1989.