Như bao cặp vợ chồng khác, Charles và Margrethe là đôi uyên ương trẻ tuổi quyết định đi đến hôn nhân khi tình yêu còn đang nồng cháy. Cùng tốt nghiệp bằng cử nhân với nhiều mộng ước, họ bắt đầu cuộc sống vợ chồng khi công việc làm của cả hai vẫn còn bấp bênh. Thế là sau nhiều lần bàn tính, họ đi đến một thỏa thuận là cả hai sẽ tiếp tục nâng cao trình độ học vấn để có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tương lai. Nhưng vì điều kiện kinh tế giới hạn và khả năng học tập của Charles tốt hơn vợ, Margrethe đồng ý là người đi làm full-time để lo toàn bộ kinh tế gia đình, còn chồng cô thì tập trung hoàn tất chương trình học của trường luật mà không phải đi làm. Sau khi Charles tốt nghiệp, anh sẽ là người chịu trách nhiệm về kinh tế của gia đình để Margrethe có thể nghỉ làm mà đi học lại và lấy bằng cao học. Hai năm đầu học trường luật của Charles, Margrethe là người duy nhất đi làm nuôi cả gia đình. Ðến năm thứ ba thì Margrethe bị mất việc, nên hai vợ chồng phải dùng toàn bộ tiền để dành cho những chi phí của gia đình.
Sau khi hoàn tất chương trình luật, Charles đã thi và nhanh chóng lấy được bằng hành nghề và cả hai vợ chồng dọn đến ở một thành phố khác nơi Charles được nhận vào làm luật sư. Vì mới khởi nghiệp nên lương của Charles cũng không được cao lắm. Thế nên Margrethe đồng ý hoãn lại việc trở lại học cao học của cô trong một vài năm. Cô tìm việc bán thời gian (part-time). Bốn năm sau ngày tốt nghiệp trường luật, Charles nói với Margrethe rằng anh đã không còn yêu Margrethe nữa. Hai tháng sau, Margrethe nộp hồ sơ ly dị. Gần một năm sau thì hai bên được ra tòa trước mặt tòa án gia đình. Lúc tòa xử ly dị, gần như họ chẳng có tài sản gì và Margrethe cũng không đòi hỏi tiền trợ cấp. Tuy nhiên cô nhắc lại sự thỏa thuận của đôi bên về việc chồng cô sẽ nuôi cô đi học sau khi anh tốt nghiệp trường luật và yêu cầu tòa bắt Charles phải trả một số tiền tương đương với chi phí cho một bằng cao học cho cô.
Charles công nhận có sự thỏa thuận giữa hai vợ chồng. Tuy nhiên đúng theo luật hợp đồng (contract law) thì thỏa thuận này không có hiệu lực vì nó thiếu những yếu tố cần thiết của một thỏa thuận hợp pháp. Tòa án đầu tiên xử vụ kiện này khẳng định rõ ràng có sự thỏa thuận giữa đôi bên về việc nuôi nhau đi học khi họ thay phiên nhau nâng cao trình độ học vấn của chính mình và người vợ đã hoàn tất phần của cô trong thỏa thuận đó nhưng người chồng thì chưa. Do đó người vợ là người bị thiệt hại và dựa vào lời khai của nhân chứng về vật giá của chi phí cuộc sống và tiền học, tòa xử người chồng phải trả cho người vợ $23,000 cho việc vi phạm hợp đồng của người chồng. Nhưng người chồng có thể trả góp ba tháng một lần, và tòa quy định tiền trả góp phải từ 10% trở lên trong tiền lương của người chồng làm sau khi trừ thuế. Charles kháng cáo.
Tòa thượng thẩm (Appellate Court) nhận xử case này đưa ra 2 vấn đề mà tòa sẽ quyết định. (1) Sự thỏa thuận bằng lời nói của hai bên khi họ còn hạnh phúc trong hôn nhân về việc thay phiên nhau nuôi người phối ngẫu khi người phối ngẫu đi học có giá trị trước luật pháp hay không? Trong trường hợp này sự thỏa thuận (agreement) của 2 bên không phải chính thức là một hợp đồng như những trường hợp tranh chấp liên quan đến hợp đồng thông thường. (2) Người vợ có được bồi thường khi trợ giúp hoàn tất cho chồng trong việc học của anh ta hay không khi hai vợ chồng ly dị?
Tòa thượng thẩm khẳng định rõ ràng có một thỏa thuận của đôi bên trong việc thay phiên nhau nuôi người phối ngẫu ăn học. Tuy nhiên thỏa thuận này lại không hề đề cập đến trường hợp nếu vợ chồng ly dị thì cách giải quyết như thế nào và người vợ đã hoàn tất phần thỏa thuận của cô. Trong phần kháng cáo, Charles lý luận rằng sự thỏa thuận của họ không phải là một hợp đồng hữu hiệu trước luật pháp vì ngoài những vấn đề khác, điều khoản giữa hai bên đưa ra khi họ thỏa thuận quá mập mờ (indefinite) thì tòa án không thể áp dụng những điều khoản đó trong án lệnh thi hành được. Margrethe thì đưa ra 3 lý thuyết về pháp luật và yêu cầu tòa thượng thẩm phê chuẩn lệnh án của tòa án đầu tiên xử case này. Lý do thứ nhất: thỏa thuận giữa hai bên là một hợp đồng hữu hiệu trước luật pháp và chồng cô đã không thực thi trong khi cô đã hoàn tất phần của cô. Do đó cô là người bị thiệt hại. Lý do thứ hai: Việc học vấn của chồng cô làm hao tổn tài sản chung của cả hai vì đó là một chi phí cao và là chi phí đặc biệt khác thường chứ không phải là chi phí cho cuộc sống hằng ngày để duy trì một gia đình. Do đó tòa phải vịn vào bằng cấp của chồng cô như một tài sản riêng bị thế chấp mà chồng cô phải trả hết nợ cho cô trong chi phí học cao học của cô trong tương lai. Lý do thứ ba: cho dù thỏa thuận của đôi bên không phải là một hợp đồng có hữu hiệu trước luật pháp đi nữa thì vì anh chồng được lợi trong thỏa thuận này khi anh hoàn tất việc học nhờ vào những chi phí và thiệt thòi của cô, nên cô có quyền được đền bù.
Ðầu tiên tòa thượng thẩm phân tích vấn đề dựa vào luật hợp đồng. Tòa khẳng định dựa vào những yếu tố căn bản của luật pháp chẳng hạn như những điều lệ phải được nêu ra rõ ràng, chắc chắn trong một hợp đồng để hai bên có thể khẳng định trách nhiệm của nhau thì tòa mới có thể bắt bên vi phạm thực thi. Còn những hợp đồng nói chung chung, thiếu chi tiết và tạo sự thay đổi dễ dàng cho “bên được” thì sự thay đổi dễ dàng đó cũng áp dụng cho “bên bị”, và tòa không thể nào đoán dự định của hai bên hay những thỏa thuận ngầm hiểu để giải quyết vấn đề liên quan đến tranh chấp hợp đồng.
Trong case này, hai bên có thỏa thuận thay phiên nuôi nhau ăn học, nhưng không hề có một ngày tháng thực thi nhất định nào, họ cũng không nêu rõ trường học cao học của vợ sẽ là trường gì mà mỗi trường giá tiền học có thể khác nhau rất xa, rồi chương trình cao học của vợ phải hoàn tất trong vòng bao lâu vì tùy theo cô vợ lấy nhiều hay ít lớp để hoàn tất chương trình cao học thì làm sao tòa có thể khẳng định chồng phải nuôi vợ bao lâu. Lý do đó tòa rất khó mà khẳng định trách nhiệm của người chồng như thế nào và bao lâu trong thời gian người vợ đi học lại. Ngoài ra còn có những yếu tố khác, chẳng hạn nếu như cô vợ dọn đi học ở một thành phố khác và chi phí ở thành phố đó quá mắc thì người chồng phải cung cấp cho người vợ bao nhiêu là hợp lý cho chi phí cuộc sống hằng ngày, cũng như tiền học out-of-state sẽ mắc hơn nhiều, rồi cô vợ phải học trường tư hay trường công. Do đó tòa thượng thẩm quyết định rằng, giữa hai vợ chồng có một sự thỏa thuận, nhưng sự thỏa thuận đó quá chung chung, thiếu chi tiết cụ thể để tòa có thể ra lệnh người chồng thực thi dựa theo luật hợp đồng.
Ngoài ra, tòa xem xét lý luận của Margrethe dựa vào luật gia đình và khẳng định rằng trong cuộc sống vợ chồng, tình yêu và sự trợ giúp lẫn nhau để cùng vươn lên là nghĩa vụ linh thiêng của cả hai. Chẳng vì một người thiệt thòi, hy sinh hơn người kia mà tòa có thể đánh giá trị bằng tiền công việc của từng người để rồi gia đình trở thành một doanh nghiệp và những người trong hôn nhân chỉ đơn thuần là những người phối tác làm ăn. Nếu gia đình hạnh phúc và cuộc sống kinh tế đi lên, người vợ cũng được hưởng và được lợi ngay cả khi ly dị vì được chia đôi tài sản chung. Và rất nhiều case ly dị trước đó tòa đã xử phân chia tài sản chung 50/50 nhưng người vợ không có quyền gì trong bằng cấp mà chồng đạt được hay trong khả năng kiếm tiền của chồng trong tương lai dù người vợ từng tảo tần nuôi chồng ăn học nhưng họ không hề có một thỏa thuận gì về việc nuôi nhau ăn học. Tuy nhiên trong trường hợp này, rõ ràng có một sự thỏa thuận của đôi bên về việc thay phiên nuôi nhau ăn học, và khi ly dị họ cũng chưa có tài sản gì đáng giá để chia đôi. Dù bằng luật của người chồng có thể rất có giá trị trong tương lai và tạo điều kiện để người chồng kiếm tiền nhiều hơn trong tương lai, đó không phải là tài sản chung để chia đôi. Nhưng rõ ràng vì thỏa thuận của hai người mà người chồng được lợi hơn, trong khi phần thỏa thuận của người chồng thì chưa thực hiện. Do đó tòa xử cho người vợ được bồi thường những thiệt hại của mình bằng cách tính ra rõ ràng chi phí việc học của người chồng sau khi đã trừ đi những chi phí hằng ngày trong cuộc sống vợ chồng và đó là số tiền người chồng phải trả góp cho người vợ. Và đó là cách giải quyết tòa cho là công bằng nhất chứ tòa không thể bắt chồng nuôi vợ ăn học trong tương lai theo thỏa thuận của 2 người.
Lưu ý đây là một case xảy ra ở Arizona. Luật hợp đồng có thể tương tự nhau ở các tiểu bang. Phán xét ở một tòa án tiểu bang Arizona, không thể áp đặt lên phán xét của một toà án tiểu bang khác. Nhưng một bài học ta có thể rút ra từ case này rằng ai cũng có thể làm hợp đồng với nhau, ngay cả vợ chồng. Tuy nhiên để có hữu hiệu và thực thi thì mỗi bên nên cần một luật sư đại diện riêng biệt để bảo vệ quyền lợi của riêng mình. Nhưng nếu trong một mối quan hệ vợ chồng mà lúc nào cũng phải tranh giành phần được thua cho riêng mình thì liệu đó có còn là một hôn nhân đúng nghĩa dựa trên tình yêu hay không?
Ls. Anh Thư