Hàng năm cứ đến tháng Tư, trên TV bắt đầu có những giải Golf lớn, gọi là Major. Golf có bốn giải, giống như Tennis. Nhưng Golf khác Tennis ở chỗ Nam và Nữ chơi trong hai làng chuyên nghiệp (Professional Tour) khác nhau. Ở bên Mỹ, Nam giới chơi cho PGA Tour (Professional Golfers’ Association of America, thành lập năm 1916); Nữ giới chơi cho LPGA (Ladies PGA, 1950). Do đó các giải lớn của Nam cũng khác của Nữ. Ngoài ra, LPGA còn có một giải lớn thứ năm mới được thêm vào năm 2005.

Giống như Tennis, trong bốn giải lớn của bên Nam thì ba giải được tổ chức trên đất Mỹ và một giải ngoài nước Mỹ. Tennis có giải Australian Open là giải lớn ngoài nước Mỹ; Golf có giải British Open (lâu đời nhất thế giới) được chơi hoặc ở Anh-Quốc (England), Bắc Ái-Nhĩ-Lan (Northern Ireland) hay Tô-Cách-Lan (Scotland, quê hương của Golf). Ba giải nội địa kia là: Masters, U.S. Open, và PGA Championship.
Phía bên Nữ, các giải lớn gồm có: ANA Inspiration (Mỹ), Women’s PGA Championship (Mỹ), U.S. Women’s Open (Mỹ), Women’s British Open (Anh), và Evian Championship (Pháp).
Ngoại trừ giải PGA Championship chỉ dành riêng cho dân nhà nghề, những giải kia đều cho phép các golfer tài tử (amateur) tỉ thí với dân chuyên nghiệp nếu họ đủ điểm, hoặc được mời; tuy nhiên, nếu thắng họ không được lãnh tiền. Vì trường hợp này quá hiếm–lần cuối cùng xảy ra là năm 1933, nên nhiều giải lớn ngày nay có một cúp dành riêng cho thí sinh amateur giỏi nhất.

Ngày xửa ngày xưa, golf là trò tiêu khiển của dân nhà giàu và giới quý tộc cho nên có sự phân biệt giàu nghèo rất rõ rệt giữa những người chơi cho vui và những người đánh golf để kiếm sống mà đa số xuất thân từ gia đình nghèo. Thậm chí, luật golf thuở ban đầu còn cấm không cho dân nhà nghề đặt chân vào club house của đám trưởng giả không chuyên nghiệp. Ngày nay thì mọi chuyện đã khác. Các tay golfer ưu hạng như Tiger Woods, Phil Mickelson được đối đãi như hàng quý tộc. Cũng phải thôi, vì tên tuổi của họ có thể đem đến rất nhiều lợi tức cho PGA Tour, nhất là trong những giải lớn, không cần biết họ chơi thắng hay thua.
Về phía Nữ thì golf không thịnh hành bằng, và số tiền thưởng cho các cuộc thi đấu cũng ít hơn nhiều. Nhưng khoảng 15 năm trở lại tình hình đã sáng sủa hơn, phần lớn nhờ sự bành trướng của môn chơi này tại các nước Á Châu.
Năm nay giải lớn đầu tiên là giải ANA Inspiration, vừa kết thúc vào tuần đầu tiên của tháng Tư. Thuở ban đầu, vào những năm 1970, giải này chưa phải là giải lớn và chỉ được gọi là Dinah Shore Invitational vì do diễn viên điện ảnh Dinah Shore chủ xướng. Ðến năm 1983 nó mới được LPGA gán cho tước hiệu Major. Năm 2000 hãng Nabisco trở thành nhà tài trợ chính thức, giải được đặt tên lại là Kraft-Nabisco Championship. Ðến năm 2015 thì Nabisco rút lui và hãng hàng không All Nippon Airways của Nhật nhảy vào. Chữ “Inspiration” đến từ khẩu hiệu của công ty ANA: “Inspiration of Japan” (Nguồn hứng khởi của nước Nhật).

Mặc dù Nhật Bản cũng có một golf tour chuyên nghiệp và các giải lớn riêng của họ, nhưng việc hãng hàng không lớn nhất của Nhật đứng ra tài trợ một giải lớn ở Mỹ là điều mà cách đây không lâu ít ai dám nghĩ tới. Chuyện gì đã thay đổi?
Ðể trả lời câu hỏi này ta cần lội ngược dòng thời gian về những năm cuối cùng của thế kỷ 20. Vào thời điểm đó tại Nam Hàn xuất hiện một nữ golfer xuất chúng tên Se Ri Pak. Mới mười mấy tuổi mà Se Ri Pak đã thắng vô số giải golf lớn nhỏ trong nước. Ðến năm 1998 Se Ri Pak quyết định di cư sang Mỹ và chơi cho LPGA Tour như một tay golfer chuyên nghiệp. Mùa đầu tiên, khi chỉ mới 20 tuổi, Se Ri Pak đã thắng không phải một mà HAI giải lớn: LPGA Championship và Women’s US Open, và được mệnh danh “Golfer of the Year”!
Chiến tích vô tiền khoáng hậu của Se Ri Pak đã khuyến khích vô số thanh niên thiếu nữ Nam Hàn chơi golf. Nhiều phụ huynh bắt đầu cho con em học đánh golf. Trong vòng chưa đầy mười năm Nam Hàn đã cho ra lò một lô golfer nữ giỏi không thua gì Se Ri Pak và thắng nhiều giải Major trên thế giới:

– Quán quân U.S. Open có Birdie Kim (2005); Inbee Park (2008, 2013); Eun-Hee Ji (2009); So-yeon Ryu (2011); Na-yeon Choi (2012); In-gee Chun (2015).
– Women’s PGA Championship thì có Se Ri Pak (1998, 2002, 2006); Inbee Park (2013, 2014, 2015);
– British Open có Se Ri Pak (2001); Jeong Jang (2005); Jiyai Shin (2008, 2012); Inbee Park (2015)
– ANA có Grace Park (2004); Sun-Young Yoo (2012); Inbee Park (2013); Lydia Ko (2016); và nhà quán quân mới nhất So-yeon Ryu (2017).
Thêm vào đó là các golfer nữ của những nước Á Châu khác trong vùng như Shan-shan Feng (Trung Quốc); Ariya Jutanugarn (Thái Lan); và đặc biệt hơn hết là Yani Tseng từ Ðài Loan, golfer trẻ tuổi nhất (Nam cũng như Nữ) đã đoạt được 5 giải Major. Ðến như Tiger Woods cũng không bằng. Năm 2010 một công ty Trung Quốc đã đề nghị trả Yani Tseng $25 triệu USD để quảng cáo cho họ, nhưng cô từ chối vì hợp đồng đòi hỏi cô phải đổi sang quốc tịch Trung Hoa.
Thời điểm 2004-2005 ở Mỹ cũng xuất hiện một thần đồng golfer tên Michelle Wie 16 tuổi, tài sắc vẹn toàn. Ai cũng nghĩ Michelle Wie sẽ trở thành Tiger Woods của LPGA và cứu nền golf của nước Mỹ trước sự xâm lăng của Á Châu. Nhưng mãi đến 2014 Wie mới thắng được độc một giải US Open.

Sự thành công ngoài sức tưởng tượng của các tay golfer nữ đến từ Á Châu đã nảy sinh một phản ứng tiêu cực từ một số thành viên trong ban quản trị LPGA. Ðầu thập niên 2000 họ muốn đổi luật, đòi hỏi các golfer nào muốn chơi trong LPGA phải biết nói tiếng Anh thành thạo. Họ lý luận rằng sau mỗi trận thắng, golfer phải đủ khả năng trả lời các cuộc phỏng vấn mà không cần thông dịch viên, kẻo khán giả TV “phật lòng”. Ðề nghị mang nặng tính kỳ thị này đã bị công chúng Mỹ phản ứng mãnh liệt, cuối cùng LPGA phải rút lại. Tuy nhiên, ngày nay hầu hết các golfer Á Châu đều nói tiếng Anh lưu loát vì họ sinh sống hoặc tập dượt thường xuyên ở Mỹ.
California, Florida và Texas là ba tiểu bang quy tụ khá nhiều các tay golfer từ Á Châu. California thì dễ hiểu vì gần châu Á nhất, lại có nhiều cộng đồng di dân lâu đời. Florida thì nhờ khí hậu ấm áp, có thể tập luyện quanh năm – cho tennis cũng như golf. Texas thì được thêm lợi thế là không đánh thuế lợi tức tiểu bang. Miền Bắc Texas đang biến thành một khu vực nóng của môn thể thao này. Ngoài sự có mặt của các tay golfer có hạng như Danny Lee và So-yeon Ryu (Nam Hàn), vùng Dallas-Fort Worth còn là lò đào tạo golfer thiếu nhi từ 5-6 tuổi trở lên. Chương trình North Texas Junior PGA (NTJRPGA) hàng năm thu hút hàng ngàn thanh thiếu niên từ Amarillo viễn Tây sang Longview viễn Ðông. Thậm chí một số em còn đến từ Louisiana hay Arkansas để tham gia các giải thiếu nhi. Một trong những golfer nhí từng chơi cho NTJRPGA không ai khác hơn siêu sao Jordan Spieth của Dallas (Masters 2015, US Open 2015), năm nay mới 22 tuổi.
Houston, nơi có khá đông dân Á Châu sinh sống, cũng đang bắt đầu xuất hiện nhiều khuôn mặt thiếu niên golfer. Trong cuộc thi cho trẻ em mang tên “Drive, Chip and Putt” (DCP) tổ chức hàng năm tại sân golf huyền thoại Masters ở Augusta (Georgia) có khá nhiều trẻ em gốc Á tham dự, nhất là ở lứa tuổi 7-13. Thành phố Katy (Texas) năm nay có hai anh em người Mỹ gốc Tàu được vào chung kết DCP. Người anh, Treed Huang (13 tuổi) đã vào chung kết một lần trước vào năm ngoái. Năm nay cô em Maye Huang nối gót anh mình, thi đấu trong lứa tuổi 7-9 và đã đoạt giải quán quân. Còn lứa tuổi 10-11 thì có Lucy Yuan (San Diego) cũng thắng áp đảo.

2017 chỉ là lần thứ năm giải DCP được tổ chức nên tỉ lệ trẻ em gốc Á ở các lứa tuổi lớn như 14-15 còn ít. Nhưng ở các lứa tuổi nhỏ hơn ta có thể nhận thấy số lượng dân gốc Á khá cao. Ðặc biệt là Tàu và Ấn Ðộ. Ðây là một dấu hiện đáng mừng, nó cho thấy golf đúng là một môn thể thao bình đẳng, không đòi hỏi phải lớn con như football, bóng rổ hay đá banh. Trong golf, trẻ em gốc Á có thể cạnh tranh ngang hàng với thiếu niên Mỹ trắng (hay đen) mà không sợ bị lép vế vì thể lực – nhất là các bé gái.
Năm 2014 một cô bé 11 tuổi tên Lucy Li (quán quân DCP năm 2013) đã đạt đủ điểm để chơi trong giải Women’s US Open của người lớn. Mặc dù cô bị loại ở vòng ngoài sau hai ngày, nhưng đến năm 2017 Lucy Li (14 tuổi) đã vào được giải lớn ANA, vượt qua vòng loại để vào chung kết và đoạt cúp amateur!
Có thể nói ít có môn thể thao nào tạo nhiều cơ hội cho phụ nữ gốc Á Châu bằng golf. Mặc dù muốn trở thành siêu sao trong bất kỳ bộ môn nào cũng khó, nhưng không nên vì lý do đó mà các bậc cha mẹ không cho con mình học golf. Bởi vì so với các môn thể thao lớn thì golf là môn dễ nhất để xin học bổng đại học, nhất là cho con gái. Chỉ cần vào được các đội tuyển cấp trung học và chơi khá là có khả năng được các trường đại học chú ý.

Muốn cho con bắt đầu tập đánh golf, cách dễ và ít tốn kém nhất là ghi danh chúng vào chương trình First Tee. Hầu như thành phố lớn nào ở Mỹ cũng có. Muốn biết gần nơi mình ở có First Tee hay không, chỉ cần dùng Google để tra cứu website của First Tee là ra ngay. Chi phí cho một mùa rất là tượng trưng (khoảng $50) gồm cả cho mượn dụng cụ nếu cần. Một khi con mình đã biết đánh sơ sơ rồi, nếu thấy chúng thích thú thì hãy sắm thêm đồ nghề. Một trong các em Tàu tham dự giải DCP năm nay cũng bắt đầu như vậy. Thậm chí, cha mẹ của em hoàn toàn mù tịt về môn thể thao này, nhưng vì cậu con thích chơi nên họ bắt đầu tìm hiểu thêm và giờ đây đã rành rọt không thua gì dân bản địa.
Golf là một môn thể thao ta có thể chơi từ khi còn nhỏ cho đến lúc già. Nó luyện cho con người ta những đức tính tốt như: Nhẫn nại, lịch sự, thành thật, và trì chí. Cho đến giờ này không ai biết rõ vì sao golfer nữ gốc Á Châu lại thành công hơn golfer nam trên trường quốc tế. Có người cho rằng có thể một phần vì trong văn hoá trọng nam khinh nữ của Á Ðông, người phụ nữ đã quen chịu đựng nên họ kiên nhẫn và bền chí hơn phụ nữ Âu Mỹ. Ngược lại, nam giới Á Ðông lại hay bị áp lực từ chính bản thân hoặc từ gia đình hay xã hội, nên họ dễ bị căng thẳng, mà trong golf thì đó lại là điều tối kỵ. Hãy nghe Jordan Spieth phát biểu sau khi thua giải Masters tuần vừa rồi:
“Trên đời còn thiếu gì chuyện để ta quan tâm. Golf cũng chỉ là một trò chơi thôi mà!”
ianbui