Menu Close

Nhiếp ảnh trắng đen trong triển lãm Fine Art Gala Night

Thứ Sáu, ngày 17 Tháng Ba, 2017 vừa qua, một buổi triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật đã được tổ chức tại Venue By Three Petals, Huntington Beach, CA. Buổi triển lãm “Fine Art Gala Night” này đã quy tụ nhiều nhiếp ảnh gia Việt Nam và ngoại quốc xoay quanh chủ đề nhiếp ảnh đen, trắng, nhưng cũng có các tác phẩm màu và hội họa sơn dầu trưng bày.

Nằm giữa trung tâm của thành phố biển Huntington Beach, California, phòng hội Venue By Three Petals rộng rãi và trang nhã đã là nơi hội tụ tuyệt vời của các nhiếp ảnh gia hôm đó. Buổi triển lãm tuy ngắn ngủi chỉ xảy ra từ 12 giờ trưa đến 10 giờ đêm, nhưng không khí thật trang trọng, lịch sự và ấm cúng. Sau phần mở đầu ngắn gọn với phần giới thiệu cùng lời cảm ơn của trưởng ban tổ chức là Trần Trí và Jim Fitzgerald, quan khách đã có nhiều thời giờ để thưởng ngoạn rất nhiều bức ảnh nghệ thuật được sắp xếp đẹp mắt khắp phòng, trên tường, góc tường hay trên giá ảnh. Phần văn nghệ có tiếng đàn của guitarist Alex Thornton, harpist Catherine và cellist Marie Rose Croissett. Ðặc biệt phòng hội có quầy rượu và thức ăn nhẹ tạo cảm giác nhẹ nhàng và thoải mái cho khách thưởng ngoạn nghệ thuật.

Có tất cả 12 nhiếp ảnh gia tham gia trong buổi triển lãm này gồm có, Trần Trí, Jim Fitzgerald, Hugo Zhang, Michael Weitzman, Jodi Weitzman, Tim Scott, Sue Cong, Ngọc Chánh, Nguyễn Minh, Kiều Lưu, Peter Phạm và Minh Dung.

12 nhiếp ảnh gia có tác phẩm triển lãm
12 nhiếp ảnh gia có tác phẩm triển lãm

Dừng bên một góc ảnh có nhiều bức ảnh trắng đen rất ấn tượng, tôi được tiếp xúc với tác giả là nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh, chủ tịch của câu lạc bộ nhiếp ảnh VN (VNPC), là người đã mở lớp dạy nhiếp ảnh ở thành phố Little Sài Gòn. Tôi nêu thắc mắc:

Thanh Thư (TT): Thưa anh, xin anh cho biết chủ đề ảnh của anh thường là gì? Người? Vật? Cảnh? Tại sao anh lại chọn chủ đề đó?

Nguyễn Minh (NM): Thực ra tôi học nhiếp ảnh nhiều thể loại nhưng trong buổi triển lãm hôm nay tôi đưa ra 8 tác phẩm về con người hay còn gọi là đời thường. Mục đích chính là có những tấm ảnh được sắp xếp và những tấm ảnh không sắp xếp. Có bạn hỏi tôi rằng những tấm ảnh đời thường không cần sắp xếp được không? Tôi trả lời, được chứ miễn là nó hợp lý.

Góc ảnh của Nguyễn Minh
Góc ảnh của Nguyễn Minh

TT: Tôi thấy anh có nhiều ảnh đen, trắng trong đó. Ngày xưa người ta dùng nhiếp ảnh trắng, đen để ghi hình và thực hiện nhiếp ảnh nghệ thuật. Ngày nay người ta vẫn thích nhiếp ảnh nghệ thuật trắng, đen. Xin anh cho biết sự khác biệt trong nhiếp ảnh nghệ thuật trắng, đen xưa và nay?

NM: Nói đến ảnh trắng, đen xưa, nay và sự khác biệt. Sự khác nhau ở chỗ, ngày nay kỹ thuật và máy ảnh digital giúp ích cho người chơi ảnh trắng đen rất nhiều. Nó có thể cho chúng ta sự khác biệt về sự tương phản trong sắc độ, rộng hơn và dễ dàng hơn cho nhiếp ảnh ngày nay. Các bạn chơi ảnh phải chú ý tới sắc độ trong một tấm ảnh và không để cho màu sắc chi phối bố cục. Do đó chơi ảnh trắng đen phải có một nghệ thuật thật dày và giàu kinh nghiệm mới chơi được.

Góc ảnh của Ngọc Chánh
Góc ảnh của Ngọc Chánh

TT: Một bức ảnh trắng đen gây được ấn tượng cho người xem là một bức ảnh thế nào?

NM: Với trắng đen người chụp phải chuẩn bị và biết mình chụp cái gì, vì người xem họ nhìn thẳng vào chủ đề. Ðiều người chụp muốn nói cái gì phải được thể hiện thẳng trong bức ảnh trắng, đen, nếu không thì bức ảnh trở thành vô giá trị. Trong một bức ảnh màu, nhiều khi màu sắc chi phối bớt đi, nên người chơi ảnh trắng đen chụp ảnh theo đường nét, chụp phối cảnh và tất cả đường nét và phối cảnh đó phải có sẵn trong đầu người chụp trước khi bấm máy. Nội dung rất quan trọng, vì chụp trắng đen là chụp nội dung. Người chơi ảnh trắng đen mà không diễn tả được nội dung là sự thất bại trong trắng đen.

TT: Chụp trắng đen có cần dùng thêm photoshop không?

NM: Thật ra thì photoshop đã có từ ngày xưa. Vào thập niên 1930, Ansel Adams, một người Mỹ đã nổi tiếng và thành danh với ảnh trắng đen nhờ phát triển kỹ thuật zone system. Ông đã sử dụng phòng tối với dụng cụ tạo nên sự tương phản giữa vùng sáng, vùng tối trong đó có sự khác nhau về sắc độ. Do đó ảnh trắng đen phải có yếu tố này nếu không sẽ trở nên mờ nhạt. Hơn nữa photoshop sẽ giúp cho tác phẩm đẹp, đặc biệt hay nổi trội hơn khi đi dự giải. Do đó tôi thường khuyên học sinh của tôi nên dùng thêm photoshop và mục đích của VNPC cũng giúp học viên đi vào dòng chính của nhiếp ảnh thế giới.

Bức Psychosis
Bức Psychosis

Trong một phút rảnh rang tôi được tiếp chuyện với Trần Trí, trưởng ban tổ chức, người có một góc ảnh với chiếc máy ảnh thời xưa to thật to bên góc tường. Tôi hỏi anh về cách tạo tác những tác phẩm rất lạ của anh như các bức ảnh được in trên kiếng màu và ảnh trắng đen có những màu rất ấm nhờ dát vàng trông như được in ra từ thời thế kỷ 18, 19.

Trần Trí: Phần lớn thể loại ảnh của tôi là tĩnh vật và cảnh trí. Tuy nhiên cách làm ảnh của tôi ít người theo đuổi vì nó rất phức tạp, có tính thủ công, tỉ mỉ và làm bằng tay. Tôi hay dùng bạch kim, vàng 24k cẩn, hoặc pigment carbon để in ảnh. Bộ sưu tập nhiếp ảnh của tôi được tạo ra bằng cách sử dụng nhiều dụng cụ chế biến khác nhau mà thành hình như Platinum / Palladium Contact Print, Carbon Transfer Print, Platinum Gold Leaf. Tintype và Ambrotype về Kính Màu. Tôi muốn gìn giữ những gì quý báu của người xưa và muốn tạo ra những tấm ảnh thật khác biệt. Thí dụ, ảnh được in bằng bạch kim trên giấy pelure, khi hoàn thành, tấm ảnh có màu ấm áp hơn không tương phản quá mà nó có một dynamic range là sự khác biệt giữa vùng sáng và vùng tối như keyboard của một piano từ nốt thấp nhất đến nốt cao nhất. Ðiểm nổi bật này cộng với những cái đẹp sẽ tạo nên bức ảnh khác biệt.

Góc ảnh của Trần Trí
Góc ảnh của Trần Trí

Bức Psychosis của nhiếp ảnh gia người Mỹ Michael Weitzman đã gây sự chú ý của tôi, nó bắt tôi phải dừng lại và suy nghĩ

TT: Bức Psychosis của ông gây ấn tượng rất mạnh cho tôi, xin cho tôi biết tại sao ông lại đặt cho nó cái tên “Rối loạn tâm thần”?

Michael WeiTzman: Nó nói về con người có một thứ tiếng nói mà họ không nghe thấy được. Tôi muốn nói đến một thứ khuyết tật. Ảnh của tôi có tính trừu tượng. Giống tranh trừu tượng, nó là cảm thụ riêng của người xem, họ tưởng tượng nó là cái gì thì nó sẽ là cái đó. Khi tôi chụp, tôi không nghĩ nó ra thế này, nhưng khi làm xong nó lại mang một thông điệp khác. Một người trong ảnh chỉ ngón tay về phía người xem khiến người xem có thể nghĩ rằng tác giả đang chụp một người rối loạn tâm thần hay ngược lại là người trong ảnh đang chỉ tay về phía người xem và khẳng định người xem chính là người bị rối loạn tâm thần. Phần lớn tác phẩm của tôi là trắng đen vì tôi thấy thể loại này giúp tôi dễ tiếp cận và tạo được sự tương tác với người xem, bắt họ động não và trí tưởng tượng.

Chính giữa phòng ngay cửa đi vào là ba bức ảnh màu phong cảnh phóng lớn của nhiếp ảnh gia Ngọc Chánh có màu sắc thật đẹp đập thẳng vào mắt người xem. Ông còn có những bức chụp phong cảnh khác với các vẻ hùng vĩ, bao la của đồi, núi, thác ngàn, muôn màu muôn sắc.

Góc ảnh của Michael Weizman
Góc ảnh của Michael Weizman

Khi được hỏi giữa trắng đen và màu chị thích loại nào hơn, chị hay dùng ống kính nào? Chị bảo chị thích trắng đen vì nó cho chị nhiều cảm xúc khi thực hiện và sở dĩ chị thích vì khi học hỏi về trắng đen chị rất thú vị. Hơn nữa thầy chị có nhiều tác phẩm trắng đen rất đẹp gây cảm hứng cho chị. Chị hay dùng ống kính 28-300mm tiện lợi cho việc chụp gần hay xa đều được vì chị hay đi du lịch đó đây.

Ðứng bên một tác phẩm ảnh màu chụp cảnh mùa đông rất đẹp ở  Yosemite, chị Minh Dung tâm sự “Bức này tôi chụp buổi ban mai, bằng Nikon D5 lúc cây rụng gần hết lá, chỉ còn vài lá khô trên cành. Sở thích của tôi là đi chụp ảnh, mỗi lần đi tôi rất vui, giỡn và nói chuyện với bạn bè, tôi không có ước vọng sống trong nghề này hay trở thành nhiếp ảnh gia vì thật sự tôi mới bước vào nghề.”

Góc ảnh của Minh Dung
Góc ảnh của Minh Dung

Ngoài ra còn rất nhiều ảnh của các nhiếp ảnh gia khác mà tôi không có dịp tiếp xúc. Người xem đến càng lúc càng đông, các hội viên của câu lạc bộ VNPC, Hội Bạn Ảnh, Hội Ảnh PSCVN cũng đến. Tôi nhận thấy có ông Evan Phillips Lippincott, đại diện hãng Aztek, ông Phillip Marquez, giám đốc phòng triển lãm của trường Santa Ana College đồng hiện diện. Khách xem tranh và yêu thích nhiếp ảnh tỏ ra thích thú và ngạc nhiên với buổi triển lãm có tính chuyên nghiệp và quy mô. Tôi ra về với một cảm nghĩ thật đẹp.

Góc ảnh của Sue Cong
Góc ảnh của Sue Cong

TT – thực hiện