Ngày lễ lớn nhất của các tín đồ đạo Do Thái là lễ “Vượt Qua”, Passover. Phần lớn giáo đồ chỉ mừng lễ ngày đầu và ngày cuối, chỉ có những đền thờ, synagogue, mới mừng lễ suốt tuần. Năm nay, lễ Vượt Qua bắt đầu từ ngày 11 tháng Tư này.
“Passover” dịch chính xác là “được bỏ qua”. Lễ Vượt Qua kỷ niệm ngày dân Do Thái được tự do, thoát ách nô lệ từ Ai Cập. Dưới sự cai trị hà khắc của người Ai Cập, theo Thánh Kinh, Chúa đã sai thiên sứ Moses đến thương thảo với Pharaoh cho dân Ngài được tự do. Khi vua Ai Cập từ chối, Thiên Chúa đã truyền bệnh dịch giết hại người Ai Cập và dịch châu chấu tàn hại mùa màng. Ðến trận dịch thứ mười, trận dịch lớn nhất, thì người Do Thái được dạy bôi máu trừu vào nắm cửa để đánh dấu, nhà của dân Chúa, và được bệnh tật “bỏ qua”. Pharaoh sau các trận dịch liên tục bèn thả nô lệ để “dịu lòng thần linh”. Người Do Thái sau đó ông Moses đưa ra khỏi Ai Cập đến Ðất Hứa. Ðây là một cuộc di dân vĩ đại của lịch sử con người và được đặt tên là “Exodus”. Từ đó, các cuộc di dân (trong hoảng loạn) lớn được gọi theo là “Exodus” (đào thoát?)

Lễ Vượt Qua được cử hành vào ngày đầu của mùa Xuân, đánh dấu bằng việc hạt lúa barley chín tới. Ðến thế kỷ thứ IV thì dân Do Thái bắt đầu dùng lịch và tính ngày tháng rõ ràng, ngày 15 của tháng Nisan theo lịch Do Thái, thường rơi vào tháng Ba – tháng Tư theo Tây lịch ngày nay.
Mỗi năm những đứa trẻ Do Thái khi ngồi vào bàn ăn dự lễ, bữa ăn tối đầu tiên của lễ Vượt Qua là “Seder”, đều được dạy về những câu hỏi, bắt đầu là “Tại sao tối nay khác với những buổi tối thông thường?”
Ðể mừng lễ, dân Do Thái dùng một số thức ăn đặc biệt. Họ ăn bánh làm bằng bột không lên men, “unleavened bread” hay matzo, theo truyền thống, khi đào thoát, tổ tiên người Do Thái không đủ thời giờ để chờ bột lên men nên họ làm bánh không có bột nổi để mang theo ăn dọc đường như cơm nắm, cơm nén của người Việt ta. Do đó, Passover còn được gọi là “Hội Lễ Bánh Không Men” (The Festival of the Unleavened Bread)”.
Ngoài matzo, tín đồ chỉ ăn thịt trừu hoặc dê; con vật khỏe mạnh nhất trong đàn được chọn đem nướng (giữ nguyên bộ đồ lòng bên trong) và ăn chung với rau đắng làm thực phẩm mừng lễ. Việc giết trừu / dê được thực hiện tại nơi tế lễ. Thịt còn sót sau bữa Seder phải đem đốt cho sạch, không được ăn tiếp hoặc giữ lại.
Theo truyền thống, người Do Thái mừng lễ phải ăn như (trong lúc) chạy loạn, bột không kịp lên men, chân đi giày, nai nịt gọn ghẽ… cho đúng với lời truyền dạy của Kinh Thánh.
Cử hành lễ Vượt Qua là lúc người Do Thái nhớ đến thủa bị giam cầm làm nô lệ cho dân Ai Cập; họ cũng được nhắc nhở rằng đã được Chúa cứu vớt.
Giáo luật Do Thái cấm ngặt việc ăn bánh chế biến với bột nổi như men, chametz; họ có cả một buổi lễ “dọn dẹp” nhà cửa cho sạch các loại bánh chứa men trước tuần lễ Vượt Qua. Chametz phải đem bán chứ không được vứt bỏ, và trong suốt tuần hành lễ, tín đồ chỉ ăn matzo làm món tinh bột chính. .
Giáo luật về bánh không men rất chi tiết và khắt khe; ăn uống không theo đúng luật là “mất linh hồn”; do đó khi một loại hạt mới xuất hiện, tín đồ Do Thái phải đi hỏi ý kiến các tu sĩ, rabbi, xem loại thực phẩm này có được sử dụng như matzo hay không. Ðây là trường hợp của hạt “quinoa”, một loại ngũ cốc mới xuất phát từ Bolivia.
Quinoa chứa nhiều protein, không có gluten như lúa mì, lúa mạch nên được xem là một loại hạt tốt cho sức khỏe. Tín đồ Do Thái, sau nhiều ngàn năm mừng lễ với matzo và khoai tây, muốn dùng một loại thực phẩm mới, vừa lạ vừa ngon như quinoa để mừng lễ.
Thế là câu hỏi về quinoa bắt đầu xuất hiện khắp nơi, trên mạng ảo, trên trang nhà của các trường Thần Học, Kinh Thánh Do Thái, các đền thờ, synagogue… Tựu trung, tín đồ Do Thái muốn biết quinoa có dùng trong lễ Vượt Qua được không?
Kinh Thánh, sách vở cũ, cổ thư… đều không nhắc đến món “quinoa” nên mạnh ai nấy hiểu. Có tu sĩ cho rằng dùng quinoa không phạm giáo luật, tu sĩ khác lại bảo không chắc nên đừng ăn! Cứ như thế mà lời qua tiếng lại, tất nhiên ai cũng cho rằng mình đúng, hiểu rõ ý Kinh Thánh hay lời Thiên Chúa dạy bảo hơn kẻ khác.
Cẩn thận hơn, giáo hội Do Thái chỉ dẫn cho tín đồ cách … mua quinoa; chỉ mua ở những hãng sản xuất riêng biệt, chế biến quinoa riêng biệt (không chung đụng với những loại hạt khác để giữ sự tinh tuyền, không bị tạp nhiễm)… Nhiêu khê hơn nữa, những cánh đồng trồng quinoa ở tuốt trong đầm lầy Bolivia, chưa có tu sĩ nào lặn lội đến nơi để quan sát thẩm định xem hạt quinoa có bị trồng lẫn với lúa mì, lúa mạch hay không nên chưa có hội đồng tôn giáo Do Thái nào chịu đóng dấu nhìn nhận sự tinh tuyền của quinoa.
Ngoài việc ăn uống, tín đồ Do Thái còn đọc kinh, và cuốn kinh phổ thông nhất dùng trong dịp lễ Vượt Qua là “the Haggadah”. Cuốn kinh này có nguồn gốc từ thế kỷ XIII, chỉ dùng trong gia đình, ghi chép những giáo điều, lời cầu nguyện, bài hát cổ truyền và những truyền thuyết về tổ tiên người Do Thái… Haggadah nhắc nhở truyền nhân về việc thoát ách nô lệ từ Ai Cập.
Cuốn Haggadah xuất bản năm 1478 đã có lần được triển lãm tại “The Metropolitan Museum of Art” ở New York (Dế Mèn được đứng xa mà ngó vào tháng Tư, năm 2011). Ðây là một phần của bộ sưu tập sách vở Hebrew tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ (the Library of Congress) nên có tên là “the Washington Haggadah”. Người chép kinh là ông Joel ben Simeon, thủa ấy làm việc tại Ý và Ðức.
Cuốn sách được trưng bày từng trang, và chỉ sang trang mỗi ngày đầu tháng; nôm na là nếu phe ta muốn xem trang kế tiếp phải chờ đến đầu tháng Năm! Harvard University Press chụp lại những trang sách này và cung cấp bản dịch của ông David Stern.

Theo lời giới thiệu của dịch giả, thì thủa xa xưa, các nhà quý tộc giàu có mướn người chép sách và vẽ hình minh họa trên giấy quý. Cuốn Haggadah do ông Joel ben Simeon chép cũng không ngoại lệ, chủ nhân không được nhắc tên.
Trang giấy trưng bày trong tháng Tư vẽ hình hai phụ nữ đứng trước cái nồi, nấu ăn hay dọn ăn; một người trao ly cho kẻ ăn mày (quần áo tả tơi) đang uống rượu… Trang kinh sách có hàng chữ “Hãy để kẻ đói khát đến cùng ăn”. Tạm hiểu là lễ Vượt Qua cũng là cơ hội chia sẻ thực phẩm với kẻ đói khát, mở lòng từ tâm với bá tánh.
Cùng trưng bày với the Washington Haggadah là bộ sưu tập các cổ ngoạn của thời Trung Cổ tại viện bảo tàng Metropolitan, cuộc triển lãm nọ kéo dài đến cuối tháng Sáu.
Năm ấy, Dế Mèn tình cờ ghé qua nên được xem sách quý và tò mò tìm hiểu thêm về lễ Vượt Qua, người Do Thái cử hành ngày lễ để nhớ đến công khó của tổ tiên họ, ngày lễ này có tính cách lịch sử và nặng cả phần tôn giáo nên được cử hành long trọng bởi 80% tín đồ Do Thái lưu vong sống khắp nơi trên thế giới. Lễ Vượt Qua là ngày lễ trọng đại nhất của họ.
Không biết có bao nhiêu người Việt tế lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở hải ngoại?
TLL