Hôm Thứ Bảy 15/4 vừa qua được xem là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của Bắc Hàn vì là ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 105 của người sáng lập ra nước Cộng hoà Nhân dân Triều Tiên, Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), ông nội của lãnh tụ Kim Jong Un hiện nay. Nhân dịp này, Bắc Hàn cũng đã tổ chức một cuộc diễn hành quân sự quy mô, cho trưng bày nhiều loại vũ khí tối tân, trong đó có một số loại hoả tiễn họ vừa cho bắn thử trong tháng qua, để nhằm biểu dương sức mạnh của chính họ ra trước thế giới.

Tuy nhiên, Bắc Hàn đã không cho thử nghiệm vũ khí nguyên tử trong dịp này như một số tin tức tình báo cho biết rằng có những dấu hiệu cho thấy rất có thể xảy ra. Và đương nhiên thế giới cũng đã hồi hộp theo dõi động tĩnh vì nếu như trong trường hợp vụ thử nghiệm diễn ra thì theo tin rò rỉ từ một số giới chức quân sự cao cấp, rất có thể Hoa Kỳ sẽ tấn công trước, và như vậy sẽ tạo ra tình trạng hỗn loạn trong khu vực và không ai có thể đoán trước Bắc Hàn sẽ trả đũa ra sao. Nhiều người lo ngại chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra và theo một số nhà phân tích quân sự, hậu quả sẽ là một triệu người thiệt mạng.
Có thể nói tình hình trên bán đảo Triều Tiên trong tuần qua ở mức căng thẳng nhất từ trước tới nay. Lời qua tiếng lại giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn, hay nói rõ hơn là giữa Tổng thống Donald Trump và đại diện của Bắc Hàn, cũng không có dấu hiệu giảm nhiệt.

Mà tình hình căng thẳng trên không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn kèm theo đó là hành động. Theo lời của một số giới chức tình báo giấu tên, Hoa Kỳ đã đưa hai khu trục hạm có khả năng phóng hỏa tiễn tầm xa Tomahawk vào trong khu vực, một trong hai chiếc chỉ nằm cách khu vực thử vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn 300 dặm.
Một số máy bay thả bom loại nặng của Hoa Kỳ cũng đã được chuẩn bị trong tư thế sẵn sàng ở đảo Guam để tấn công nếu như cần thiết, và đầu tuần qua, Ngũ Giác Ðài loan báo hạm đội USS Carl Vinson cũng đã được đưa vào vùng biển thuộc bán đảo Triều Tiên.
Một cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Bắc Hàn nếu xảy ra có thể bao gồm việc sử dụng hỏa tiễn và bom nhắm vào khu vực được cho là có đặt các lò phản ứng hạt nhân, phá hủy hệ thống điện toán bằng tin tặc và đưa những toán lính đặc nhiệm đổ bộ lên đất liền.
Theo nhận định của một số phân tích gia, hầu như tất cả các tổng thống Mỹ đều gặp ít nhiều thử thách trong thời gian mới lên nắm quyền, nhưng với tình hình căng thẳng leo thang quá nhanh của chính phủ Donald Trump trong việc đối đầu với Bắc Hàn và chương trình vũ khí hạt nhân của nước này đã làm nhiều người chóng mặt.
Một cuộc đối đầu quân sự với một chế độ được trang bị toàn những loại vũ khí nguy hiểm như Bình Nhưỡng sẽ là điều vô cùng khủng khiếp dù dưới bất kỳ tình huống nào, và sự nguy hiểm đó còn được nhân lên gấp bội bởi những nhân vật có liên quan. Trong khi lãnh tụ của hai cường quốc quân sự được cho là những nhân vật có những hành động bất ngờ và khó đoán đang đối đầu trực diện nhau, thế giới vẫn đang hồi hộp theo dõi để xem ai sẽ là người nhượng bộ trước. Có thể nói lần này phía Bắc Hàn đã lùi bước mặc dù trước đó họ đã lớn tiếng thông báo là “một sự kiện lớn” sẽ xảy ra trong ngày lễ trọng đại trên.
Bắc Hàn đã từng thử nghiệm vũ khí nguyên tử tổng cộng năm lần, tất cả đều được tiến hành tại khu thử nghiệm Punggye-ri, thuộc tỉnh Bắc Hamgyong, nằm ở vị trí cực bắc của Bắc Hàn, trong các ngày: 9 Tháng Mười 2006, 25 Tháng Năm 2009, 12 Tháng Hai 2013, 6 Tháng Giêng 2016 và 9 Tháng Chín 2016.
Chỉ mới hai tháng trước đây, trong khi Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang ăn tối tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago thì tin tức cho biết Bắc Hàn vừa cho bắn thử hỏa tiễn, làm cho nhóm cố vấn an ninh quốc gia mới vừa được thành lập trước đó ít lâu đã phải một phen bất ngờ và tìm cách phản ứng trước sự tò mò của những vị khách mời trong bữa tiệc tối hôm đó. Khỏang hai tuần sau đó, các lực lượng của Hoa Kỳ và Nam Hàn bắt đầu cuộc thao dượt quân sự hàng năm mà phía Bình Nhưỡng luôn xem là hành động khiêu khích. Năm ngày sau, Bắc Hàn cho phóng liên tiếp bốn hỏa tiễn đạn đạo vào trong khu vực Biển Nhật Bản, và quân đội Hoa Kỳ loan báo cho gắn một hệ thống chống hỏa tiễn loại tối tân nhất ở Nam Hàn.
Sau khi tin tức tình báo cho biết Bắc Hàn đang chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ sáu của họ nhân dịp lễ kỷ niệm trên, tin từ Ngũ Giác Ðài cho biết Hoa Kỳ cũng chuẩn bị cho cuộc tấn công phủ đầu trước nếu như Bắc Hàn vẫn một mực nhất định tiến hành cuộc thử nghiệm.

Ðể làm rõ hơn thông điệp này, ngày Thứ Năm 14/4, tức một ngày trước ngày lễ kỷ niệm của Bắc Hàn, quân đội Hoa Kỳ lần đầu tiên đã cho thả loại bom quy ước lớn nhất hiện có trong kho vũ khí của họ vào một khu vực gồm nhiều hang động của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi Giáo nằm ở phía đông Afghanistan. Loại bom nặng 10 tấn có tên là GBU-43/B Massive Ordnance Air Blast (MOAB – “bom nổ cực mạnh”) – còn có biệt danh là “mẹ của các loại bom” – được chế tạo khoảng đầu thập niên 2000 để ngăn cản nhà độc tài Sadam Hussein của Iraq trong tham vọng tìm cách chế tạo một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt của ông này. Sự kiện trái bom MOAB xảy ra chỉ một tuần sau một vụ tấn công khác bằng hỏa tiễn Tomahawk của Hoa Kỳ để đáp trả việc chính phủ Bashar al Assad của Syria đã sử dụng vũ khí hoá học tấn công một thành phố của lực lượng nổi dậy. Vụ tấn công này lại xảy ra đúng vào giữa bữa ăn tối do Trump khoản đãi Tập Cận Bình tại câu lạc bộ Mar-a-Lago nhân chuyến công du của Tập.
Một số quan sát viên nhận định rằng việc sử dụng bom MOAB không ngoài mục đích gửi đi một tín hiệu tới nhà độc tài Kim Jong Un của Bắc Hàn. Mục tiêu chiến thuật là tiêu diệt các tay súng ISIS mà trong thời gian qua đã gây được nhiều thanh thế và tạo được một an toàn khu tại vùng đồi núi phía đông Afghanistan, nhưng nó cũng mang một ý nghĩa khác là bắn đi một thông điệp qua cho chế độ Bắc Hàn rằng Mỹ sẽ không do dự nếu như phải cần đến giải pháp quân sự. Thông điệp này rõ ràng đã được Bắc Kinh thận trọng tiếp nhận, và vì vậy họ đã gửi một nhóm chuyên gia đàm phán hạt nhân sang Bắc Hàn và ra lệnh cho hãng hàng không Air China tạm ngưng những chuyến bay sang thủ đô Bình Nhưỡng.
Bom MOAB là loại bom vừa nặng vừa lớn và phải được thả từ loại phi cơ vận tải cồng kềnh bay rất chậm, do đó việc sử dụng nó cho các mục tiêu ở Bắc Hàn là rất giới hạn vì quốc gia cô lập với thế giới bên ngoài này được cho là có trang bị một hệ thống phòng không rất mạnh. Tuy nhiên, việc lần đầu tiên sử dụng bom MOAB có lẽ chỉ nhắm vào chiến thuật tác động tâm lý nhiều hơn, và cộng với sự kiện tấn công Syria, có thể nói chính phủ Hoa Kỳ đã đạt được hai mục đích: cho Bắc Hàn thấy là Hoa Kỳ sẵn sàng cho hành động quân sự và áp lực Trung Quốc phải giải quyết vấn đề Bắc Hàn vì quyền lợi của họ.

Ðây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ và Bắc Hàn đứng trước bờ vực chiến tranh. Mùa hè năm 1994, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã từng chuẩn bị một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào khu nhà máy hạt nhân Yongbyon và đã lên kế hoạch di tản người Mỹ ra khỏi Nam Hàn. Một điểm khác biệt quan trọng giữa mùa hè 1994 và hiện nay là lúc đó Bắc Hàn chưa có vũ khí hạt nhân. Chỉ cần một hành động sơ suất không biết tự kiềm chế giữa hai bên thì hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp.
Một ngày sau lễ kỷ niệm sinh nhật của cựu lãnh tụ Bắc Hàn Kim Il Sung, Phó Tổng thống Mike Pence đến thủ đô Hán Thành, trạm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Á châu 10 ngày của ông. Tại đây, một lần nữa Pence xác nhận lập trường của Washington là tiếp tục thắt chặt mối quan hệ với hai đồng minh Nam Hàn và Nhật Bản trong khu vực, và kiên quyết ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.
Qua các hành động của chính phủ Donald Trump trong hai tuần qua, chính sách mềm mỏng của Hoa Kỳ đối với Bắc Hàn từ nhiều thập niên trước rõ ràng đã có nhiều thay đổi.
VH