Menu Close

Hỏi đáp về ung thư Vú

1. Có phải ung thư nhũ hoa là loại ung thư thường thấy nhất ở phụ nữ?

Thống kê cho hay ung thư nhũ hoa là một trong những ung thư thường thấy nhất ở nữ giới. Ðây là ung thư gây tử vong hạng nhì sau ung thư phổi.

2. Như vậy thì đàn ông có bị ung thư vú không?

Ung thư vú ở đàn ông rất hiếm nhưng vẫn xảy ra… Bên Mỹ, có khoảng 1450 trường hợp ung thư vú mới được khám phá mỗi năm với khoảng 450 người thiệt mạng.

3. Xin cho biết những rủi ro đưa đến ung thư vú?

Có nhiều nguy cơ khác nhau, nhưng rủi ro thường nhất, sau phái tính, là tuổi tác. Rủi ro tăng theo tuổi. Tỷ lệ ung thư vú ở phụ nữ từ 50 tuổi trở lên  là 77% và hầu như quá nửa người bị ung thư vú đều ở tuổi trên 65. 

4. Các nguy cơ khác là gì?

– Về di truyền: nếu mẹ hoặc chị của bạn gái bị ung thư vú thì bạn có nhiều nguy cơ hơn, nhất là trước khi mãn kinh.

– Có kinh nguyệt trước tuổi 12; chưa bao giờ có con hoặc có con sau tuổi 30;

– Ðã điều trị các ung thư khác bằng phóng xạ hoặc đã dùng các kích tố một thời gian khá lâu;

– Mập phì; uống nhiều rượu, ăn thực phẩm có nhiều chất béo, ít ăn rau trái;

– Tiếp xúc với hóa chất diệt sâu bọ;

– Không vận động cơ thể;

5. Vậy bây giờ phải làm gì để giảm thiểu các nguy cơ vừa kể?

Chúng ta không thay đổi được các rủi ro do di truyền hoặc gia đình, nhưng ta có thể thay đổi được nếp sống để giảm nguy cơ ung thư vú. Như là:

– Ngưng thuốc lá;

– Vận động cơ thể nhiều lần mỗi tuần;

– Không uống rượu quá 2 drinks mỗi ngày;

– Giới hạn thịt đỏ và các mỡ động vật vì chúng có thể chứa nhiều kích thích tố và thuốc trừ sâu bọ;

– Giảm ký nếu quá mập.

6. Xin kể các triệu chứng bệnh.

Ung thư vú có thể có một số dấu hiệu như: thay đổi cấu trúc vú với u cục, sưng, da dầy lên, núm vú lẹm vào, da trên vú nhăn nhúm, có vẩy, lở loét, đau, núm vú chảy nước.

Khi chụp mammogram, sẽ thấy hình dạng của vú trở nên không đều. Khi khám ngực thì thấy có u cục, hạch nổi lên ở nách, cổ vì ung thư lan ra.

7. Mammogram là gì và công dụng ra sao?

Mammogram là chụp X quang vú với  phóng xạ rất thấp để tìm ra những thay đổi trong cấu trúc của vú mà khám tay không thấy được. Mammogram giúp ích khá nhiều nhưng cũng chỉ phát hiện ra khoảng 80-90% ung thư vú mà thôi. 

8. Khi nào thì phụ nữ phải làm mammogram?

Thường thường phụ nữ khỏe mạnh ngoài 30 tuổi cần làm mammogram mỗi năm một lần. Nếu có vấn đề sức khỏe nào đó thì cần thảo luận với bác sĩ để coi xem có cần làm các phương thức tìm kiếm nào khác không. 

9. Chúng tôi có phải sửa soạn gì trước khi làm mammogram không?

Khi quý bà có cặp nhũ hoa mẫn cảm và đang có kinh thì không nên làm mammogram một tuần trước khi có kinh; không nên thoa phấn, kem trên da để hình x quang khỏi bị lu mờ. 

10. Khi chụp mammogram mà có dấu hiệu bất thường thì phải làm gì?

Bác sĩ có thể làm siêu âm, chụp cắt lớp, sinh thiết tế bào vú. 

11. Ngoài mammogram, còn phương thức tìm bệnh nào khác không?

Còn siêu âm, chụp hình ngực cắt lớp. 

12. Thế còn tự khám vú thì sao?

Các chuyên gia ung thư đều khuyên quý bà nên tự khám nhũ hoa đều đặn để phát hiện bất thường trên vú. Khi thấy những dấu hiệu bất thường như đã kể ở trên thì cho bác sĩ hay ngay để theo dõi. 

13. Khi đã xác định ung thư thì việc điều trị ra sao?

Ða số trường hợp ung thư vú đều được chữa bằng giải phẫu. Tùy theo giai đoạn ung thư, có lan tràn không, mà người bệnh được chữa thêm bằng hóa chất, phóng xạ, kích thích tố…

Giải phẫu có thể là mổ lấy cục ung thư với một số tế bào lân cận. Rồi được chữa thêm bằng phóng xạ; cắt một phần vú  rồi phóng xạ; lấy cả vú; cắt bỏ vú với hạch ở gần; cắt bỏ vú, các hạch lân cận và cơ thịt trên ngực.

Trĩ

Tôi 32 tuổi, phụ nữ, làm nghề may công nghiệp, hiện đang sống ở Seoul – Korea, cao 1.6m nặng 52kg, đã lập gia đình và có con. Tôi bị bệnh trĩ hay gọi là “lòi dom” đã lâu, chắc là do ngồi nhiều, thường bị táo bón, đi ngoài rất khó khăn, phải ngồi lâu và đi ra máu tươi. Vừa qua, tôi có đi khám toàn bộ sức khỏe cơ thể và soi cả trong ruột nhưng không khám hậu môn nên Bác sĩ nói kết quả không có gì đặc biệt và nhìn bên ngoài thì không thấy gì cả. Vừa rồi, tôi có thấy nổi lên 1 cục ở cửa hậu môn, to bằng hạt lạc và cách 1 ngày sau thì lại mất. Tôi lo sợ quá, liệu có phải đã lên vậy thì sẽ còn tiếp tục lên nữa và khi to lên thì phải đi cắt bỏ đúng không Bác sĩ? Xin Bác sĩ làm ơn giải thích và cách điều trị mà không cần phẫu thuật. Cảm ơn Bác sĩ.

Đáp

Thân gửi cô Thu, Ðúng như Cô diễn tả, trĩ mà lòi ra ngoài thường là do táo bón, đi cầu khó khăn, phải rặn lâu thì phân mới ra ngoài được. Trường hợp của Cô, chúng tôi đề nghị như sau:

  1. Mỗi ngày Cô ngâm hậu môn trong nước nóng vừa phải khoảng 15 phút, hai lần một ngày để trĩ co lại và nhỏ đi.
  2. Cô nên ăn nhiều rau và trái cây có nhiều chất xơ để phân mềm giống như trâu bò ăn nhiều cỏ, phẩn mềm lỏng.
  3. Cô có thể uống 2 ly sữa tươi mỗi ngày, nhờ đó đi cầu dễ dàng.
  4. Uống khoảng 5-6 ly nước mỗi ngày.
  5. Thường xuyên vận động cơ thể.
  6. Nên có thói quen đi cầu mỗi ngày vào một thời điểm nhất định; khi nào cảm thấy mót là đi cầu ngay, vì trì hoãn nước trong phẩn sẽ được hút lại ở ruột già thành ra cứng.

Chúc Cô vui mạnh.

NYD